Điều chỉnh phạm vi hưởng quyền lợi bảo hiểm y tế

Đại diện Bộ Y tế cho biết, sau 15 năm triển khai thực hiện, Luật Bảo hiểm y tế đã đi vào cuộc sống và đạt được nhiều kết quả quan trọng. Công tác quản lý Nhà nước và tổ chức thực hiện chính sách bảo hiểm y tế ngày càng được tăng cường; công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về bảo hiểm y tế được chú trọng và đã huy động được sự tham gia của cả hệ thống chính trị.

Tính đến ngày 31/12/2023, tổng số người tham gia bảo hiểm y tế đạt 93,628 triệu người, tương ứng tỷ lệ bao phủ 93,35% dân số. Quyền lợi của người tham gia bảo hiểm y tế được điều chỉnh phù hợp, đáp ứng nhu cầu khám, chữa bệnh.

Chất lượng dịch vụ y tế ngày càng được cải thiện, nâng cao; việc ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý hoạt động cung cấp dịch vụ y tế, quản lý bệnh viện và giám định bảo hiểm y tế được thực hiện hiệu quả. Chính sách bảo hiểm y tế bảo đảm nguyên tắc chia sẻ rủi ro giữa những người tham gia bảo hiểm y tế, đồng thời cũng đảm nhận nhiều chính sách phúc lợi xã hội khác…

Điều chỉnh phạm vi hưởng quyền lợi bảo hiểm y tế
Thứ trưởng Bộ Tư pháp Trần Tiến Dũng phát biểu kết luận cuộc họp.

Tuy nhiên, bên cạnh đó, một số dịch vụ y tế thuộc phạm vi khám bệnh, chữa bệnh chưa được quy định trong phạm vi hưởng bảo hiểm y tế; các quy định về đăng ký khám, chữa bệnh ban đầu, thông tuyến, chuyển tuyến chưa tạo điều kiện cho người dân; thiếu các quy định về chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý bảo hiểm y tế…

Vì vậy, Bộ Y tế đề xuất sửa Luật Bảo hiểm y tế với 5 nhóm chính sách, bao gồm: (1) Điều chỉnh đối tượng tham gia bảo hiểm y tế đồng bộ với các quy định của pháp luật có liên quan; (2) Điều chỉnh phạm vi quyền lợi bảo hiểm y tế phù hợp với mức đóng, cân đối quỹ bảo hiểm y tế và yêu cầu chăm sóc sức khoẻ trong từng giai đoạn; (3) Điều chỉnh các quy định bảo hiểm y tế có liên quan theo cấp chuyên môn kỹ thuật khám bệnh, chữa bệnh và phát huy vai trò của y tế cơ sở trong chăm sóc sức khoẻ ban đầu và khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế; (4) Nâng cao hiệu quả quản lý trong giám định và thực hiện hợp đồng khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế; (5) Phân bổ sử dụng quỹ bảo hiểm y tế hiệu quả.

Điều chỉnh phạm vi hưởng quyền lợi bảo hiểm y tế
Đại diện Bộ Y tế trình bày Tờ trình tại cuộc họp.

Phát biểu tại phiên họp, đại diện Sở Y tế thành phố Hà Nội nhất trí với việc phân cấp chuyên môn kỹ thuật khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế. Tuy nhiên, cần làm rõ danh mục các bệnh được khám, chữa bệnh tại từng cấp (ban đầu, cơ bản, chuyên sâu) nhằm hạn chế việc vượt cấp chuyên môn kỹ thuật, giảm quá tải cho tuyến trên; giải trình thêm các quy định về trình tự, thủ tục, hồ sơ liên quan đến chuyển cấp khám bệnh, chữa bệnh, từ đó tạo thuận lợi cho người dân trong tiếp cận và sử dụng các dịch vụ y tế.

Cơ bản nhất trí với các chính sách được đề xuất, đại diện Bảo hiểm xã hội Việt Nam đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo giải trình thêm lý do lựa chọn xây dựng các chính sách. Đồng thời, cần mở rộng đối tượng tham gia nhằm tăng “độ phủ” của bảo hiểm y tế; quy định thời gian tối thiểu người nước ngoài phải sinh sống tại Việt Nam để được tự đóng bảo hiểm y tế; nghiên cứu, bổ sung các chế tài xử lý các trường hợp không tham gia bảo hiểm y tế bắt buộc.

Đối với chính sách điều chỉnh phạm vi quyền lợi bảo hiểm y tế phù hợp với mức đóng, cân đối quỹ bảo hiểm y tế và yêu cầu chăm sóc sức khoẻ trong từng giai đoạn, đại diện Bảo hiểm xã hội Việt Nam đề nghị, cần đánh giá kỹ tác động để đảm bảo cân đối với khả năng chi trả của quỹ Bảo hiểm y tế và khả năng hỗ trợ đóng từ ngân sách Nhà nước, khả năng đóng của người sử dụng lao động và người tham gia bảo hiểm y tế.

Bên cạnh đó, cần đánh giá toàn diện tác động của chính sách “thông tuyến” (đến các cơ sở y tế của từng cấp, đến người tham gia bảo hiểm y tế, đến quỹ Bảo hiểm y tế). Từ đó có phương án đề xuất phù hợp với mục tiêu phát triển hệ thống y tế cơ sở, đảm bảo thực chất về chất lượng khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế; nghiên cứu thêm các phương thức thanh toán bảo hiểm y tế phù hợp với tình hình kinh tế – xã hội mới…

Đánh giá cao các ý kiến tâm huyết tại cuộc họp, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Trần Tiến Dũng đề nghị, cơ quan chủ trì soạn thảo tiếp thu đầy đủ các ý kiến của các thành viên Hội đồng thẩm định; nghiên cứu, bám sát và thể chế hoá đầy đủ các chủ trương, đường lối của Đảng, đặc biệt là Nghị quyết số 20-NQ/TW ngày 25/10/2017 về tăng cường công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khoẻ nhân dân trong tình hình mới của Ban Chấp hành Trung ương khoá XII.

Đồng thời, Thứ trưởng Bộ Tư pháp đề nghị, đánh giá kỹ các điều kiện về nguồn lực, con người, cơ sở vật chất… để đảm bảo tính khả thi của Luật; rà soát các quy định pháp luật có liên quan để đảm bảo tính đồng bộ, thống nhất; làm rõ trách nhiệm của các cơ quan có thẩm quyền; nghiên cứu thêm nội dung phân cấp, phân quyền và cải cách thủ tục hành chính…

Phương Thảo

Nguồn: Báo lao động thủ đô

Bạn cũng có thể thích