Đề xuất bổ sung 3 chức danh vào diện đối tượng cảnh vệ

Chiều 22/2, tiếp tục chương trình phiên họp thứ 30, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã nghe báo cáo và cho ý kiến về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cảnh vệ.

Trình bày Tờ trình, Thứ trưởng Bộ Công an Lê Quốc Hùng cho biết, Dự thảo Luật gồm 2 điều, trong đó, bổ sung giải thích một số từ ngữ tại Điều 3; bổ sung đối tượng cảnh vệ với ba chức danh: Thường trực Ban Bí thư, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao.

Đồng thời, chỉnh lý, sắp xếp thứ tự các chức danh, chức vụ lãnh đạo chủ chốt của Đảng và Nhà nước; quy định rõ tiêu chí xác định đối tượng cảnh vệ là các sự kiện đặc biệt quan trọng, cụ thể là sửa theo hướng thu hẹp phạm vi đối tượng cảnh vệ là sự kiện đặc biệt quan trọng…

Đề xuất bổ sung 3 chức danh vào diện đối tượng cảnh vệ
Thứ trưởng Bộ Công an Lê Quốc Hùng cho biết Chính phủ đề xuất bổ sung 3 chức danh thuộc đối tượng cảnh vệ. (Ảnh: Quốc hội)

Trình bày báo cáo thẩm tra sơ bộ dự án Luật, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh Lê Tấn Tới cho biết, đa số ý kiến trong Thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh nhất trí với phạm vi nội dung sửa đổi, bổ sung. Tuy nhiên, có ý kiến đề nghị rà soát toàn diện Luật Cảnh vệ hiện hành để đề xuất sửa đổi, bổ sung cho đầy đủ, tránh việc phải sửa đổi, bổ sung nhiều lần.

Thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh cũng nhất trí với để xuất bổ sung đối tượng cảnh vệ là Thường trực Ban Bí thư, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao nhằm thể chế kịp thời quy định của Đảng và đảm bảo tính thống nhất, công bằng, minh bạch về chức danh, chức vụ và chế độ, chính sách đối với các đồng chí lãnh đạo cấp cao của Đảng, Nhà nước và Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã được xác định trong Kết luận số 35-KL/TW của Bộ Chính trị.

Dự thảo Luật đã thu hẹp diện đối tượng cảnh vệ là hội nghị, lễ hội theo hướng áp dụng đối với hội nghị, lễ hội do Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam, Chủ tịch nước, Quốc hội, Chính phủ tổ chức và hội nghị quốc tế tổ chức tại Việt Nam có lãnh đạo chủ chốt của Đảng, Nhà nước tham dự.

Một số ý kiến đề nghị đối với đối tượng cảnh vệ là “đại hội đại biểu toàn quốc do tổ chức chính trị – xã hội ở Trung ương tổ chức” cũng cần thu hẹp theo hướng chỉ khi có lãnh đạo chủ chốt của Đảng, Nhà nước tham dự. Tuy nhiên, có ý kiến đề nghị giữ nguyên các đối tượng cảnh vệ trên như quy định hiện hành và trong trường hợp cần thiết thì có thể bổ sung lực lượng, phương tiện thực hiện công tác cảnh vệ…

Đề xuất bổ sung 3 chức danh vào diện đối tượng cảnh vệ
Toàn cảnh phiên họp. (Ảnh: Quốc hội)

Cho ý kiến tại phiên họp, đa số ý kiến Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội cơ bản tán thành việc sửa đổi, bổ sung Luật Cảnh vệ nhằm giải quyết các bất cập, vướng mắc của pháp luật về cảnh vệ, bảo đảm tính ổn định, thống nhất, đồng bộ, minh bạch, khả thi, dễ tiếp cận, hiệu lực và hiệu quả của hệ thống pháp luật về cảnh vệ.

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng thống nhất đề xuất bổ sung 3 chức danh đối tượng cảnh vệ như đề xuất của Chính phủ. Liên quan đến việc xác định lại tiêu chí về lễ hội, hội nghị là đối tượng cần bảo vệ, áp dụng các biện pháp cảnh vệ, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật cho rằng, cần quy định cho chặt chẽ hơn và thu hẹp lại để đảm bảo tính khả thi và tập trung đúng vào các đối tượng để có các biện pháp cảnh vệ phù hợp.

Phát biểu tại phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ ghi nhận công tác chuẩn bị dự án Luật công phu, hồ sơ dự án luật bảo đảm quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật.

Chủ tịch Quốc hội cho rằng, việc bổ sung biện pháp cảnh vệ đối với lãnh đạo cấp cao của Đảng, Nhà nước với 3 chức danh, chức vụ như dự thảo Luật là hoàn toàn xác đáng, xuất phát từ thực tiễn và phù hợp với các quy định của Trung ương.

Về nhiệm vụ của lực lượng cảnh vệ, Chủ tịch Quốc hội đề nghị xác định cho rõ hơn để phân biệt với phạm vi của Bộ đội Cảnh vệ với Bộ Tư lệnh Cảnh sát cơ động để tránh chồng chéo, trùng lặp…

Chủ tịch Quốc hội cũng đề nghị cơ quan chủ trì thẩm tra và cơ quan chủ trì soạn thảo phối hợp chặt chẽ với nhau để tiếp thu tối đa từ sớm ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội để hoàn thiện hồ sơ dự án Luật.

Phương Thảo

Nguồn: Báo lao động thủ đô

Bạn cũng có thể thích