Để thích ứng linh hoạt cần có chiến lược, kế hoạch tổng thể
Ngày 20/10, Quốc hội đã thảo luận tại tổ về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội năm 2021; dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội năm 2022; báo cáo công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19 và tình hình thực hiện Nghị quyết số 30/2021/QH15 về kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa XV. Đồng thời, thảo luận về tình hình thực hiện ngân sách nhà nước năm 2021, dự toán ngân sách nhà nước, phương án phân bổ ngân sách trung ương năm 2022 và Kế hoạch tài chính – ngân sách nhà nước 3 năm 2022-2024.
Qua thảo luận, đa số ý kiến phát biểu của đại biểu đều đồng tình cao với nhiều nội dung trong báo cáo Kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội năm 2021; dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội năm 2022 của Chính phủ. Một số ý kiến cho rằng, Báo cáo được thực hiện công phu, chi tiết đồng thời chỉ rõ những mặt còn tồn tại, hạn chế cũng như đề xuất các nhóm giải pháp toàn diện để tiếp tục triển khai hiệu quả các nhiệm vụ kinh tế – xã hội.
Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội Đinh Tiến Dũng phát biểu thảo luận tại tổ. (Ảnh: HL) |
Đại biểu Nguyễn Quốc Duyệt (Hà Nội) cho rằng, để thích ứng linh hoạt, chung sống an toàn phải có chiến lược, kế hoạch tổng thể, căn cơ để trên cơ sở thích ứng an toàn, mở cửa nền kinh tế nhưng vẫn đảm bảo an toàn sức khỏe của nhân dân, chứ không thể chỉ giải quyết tình huống.
Đại biểu Hoàng Văn Cường (Hà Nội) nhìn nhận, chưa bao giờ nền kinh tế rơi tự do như vậy, cho thấy nếu không làm tốt công tác phòng, chống dịch thì việc suy thoái nền kinh tế toàn quốc sẽ xảy ra. Theo đại biểu, giãn cách xã hội là đúng, nhưng đôi khi thực hiện quá máy móc, việc tỉnh cách ly với tỉnh đã dẫn đến không chỉ doanh nghiệp ở vùng dịch mà vùng không có dịch cũng “chết” luôn vì hàng hóa bị chặn lại không lưu thông được… Theo ông Cường, thực tiễn tại Hà Nội, khi lấy tổ dân phố là nơi phòng, chống dịch thì họ tự kiểm soát rất tốt, vì vậy, nếu chúng ta lấy doanh nghiệp là chủ thể phòng, chống dịch, tự chịu trách nhiệm thì họ cũng sẽ phải tự lo.
Nhấn mạnh ngành nông nghiệp là ngành duy nhất tăng trưởng dương, mỗi khi quốc gia rơi vào khủng hoảng thì nông nghiệp lại thành điểm sáng, đại biểu cho rằng nên cần nhìn nhận lại việc phát triển, đầu tư cho nông nghiệp.
Đại biểu Hoàng Văn Cường phát biểu tại tổ. (Ảnh: HL) |
Cho rằng trong đại dịch, các gói hỗ trợ an sinh xã hội có tính động viên rất lớn, đại biểu Vũ Thị Lưu Mai (Hà Nội) cho rằng, cần đánh giá tổng thể cách làm và các kết quả đạt được. Về việc miễn, giảm thuế, đại biểu cho rằng, nguồn lực ít nhưng tính dàn trải vẫn còn, nếu không phân biệt lĩnh vực để hỗ trợ sẽ rất khó, ví dụ thương mại diện tử thì tác động chừng mực nhưng du lịch, dịch vụ sẽ khác, nên cần có chính sách phù hợp với từng lĩnh vực.
Theo đại biểu Vũ Thị Lưu Mai, Chính phủ cần đánh giá tổng thể và đưa ra lộ trình sắp tới, có kịch bản khác nhau, tránh bị động, có dự phòng ngân sách vững chắc hơn và tăng dự phòng ngân sách Trung ương. Về cải cách tiền lương, Bộ Chính trị đã quyết định tạm dừng để tăng nguồn lực cho phòng, chống dịch bệnh, nhưng thời gian lùi cũng đã kéo dài 2 năm nên Chính phủ phải cân đối nguồn lực để những năm tiếp theo có thể chủ động, không lỡ nhịp thực hiện cải cách tiền lương.
Đại biểu Nguyễn Anh Trí (Hà Nội) cho rằng, trong phòng, chống dịch phải huy động được sự vào cuộc của người dân. Trong điều kiện mở cửa trở lại, tuyệt đối không chủ quan, vì “vi rút đi khi nào không biết, đến khi nào không hay”. Đồng thời, phải hết sức bình tĩnh, khoa học và linh hoạt, vì bây giờ chúng ta hiểu về dịch hơn trước, nếu xảy ra thì khoanh vùng thật hẹp, xét nghiệm đúng trọng tâm, trọng điểm. Trong điều trị, về nguyên tắc với F0 nếu đủ điều kiện thì phải cách ly tập trung, còn việc tổ chức bệnh viện dã chiến thì tùy tình hình, nếu quá sức y tế cơ sở thì phải có bệnh viện dã chiến, điều này phải nhận thức mềm dẻo, linh hoạt…
Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội Đinh Tiến Dũng cho rằng, công tác phòng, chống dịch của Hà Nội được triển khai một cách bài bản, khoa học nhưng hết sức linh hoạt, với mục tiêu quan trọng nhất là bảo vệ sức khỏe cho nhân dân. Hà Nội đã huy động được sự vào cuộc của hệ thống chính trị, huy động được sức dân. Trong đợt dịch thứ tư vừa qua, với nhiều ca lây nhiễm trong cộng đồng, nhưng Hà Nội vẫn kiên định không để các F1, F0 cách ly, điều trị tại nhà, bởi hệ thống y tế của Thủ đô vẫn đáp ứng được.
Bí thư Thành ủy Hà Nội cũng nhìn nhận, thời gian tới khi mở cửa trở lại các trường đại học thì lượng sinh viên ngoại tỉnh, người lao động về thành phố cao, là nguy cơ bùng phát dịch lớn. Vì vậy, giải pháp tốt nhất phải là từ cơ sở, sự chung sức đồng lòng của mỗi người dân, từ các Tổ Covid cộng đồng, công an phường, xã… để theo dõi di biến động dân cư. Cùng với đó, thành phố sẽ tiếp tục đẩy mạnh chiến dịch tiêm trả mũi 2 vắc xin cho người dân, đẩy mạnh tuyên truyền song song với xử lý nghiêm các trường hợp cố tình vi phạm để tạo sức răn đe…
Nguồn: Báo lao động thủ đô