Để cơ cấu lại nền kinh tế, phải tập trung giải tỏa các “nút thắt” của từng ngành, địa phương
Giải tỏa những “nút thắt”
Thảo luận tại phiên họp, đa số ý kiến các đại biểu cho rằng cần thiết ban hành Kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021-2025, áp dụng mô hình kinh tế phù hợp, mô hình kinh tế tuần hoàn, kinh tế xanh để tạo động lực tăng trưởng.
Đại biểu Đinh Ngọc Quý (đoàn Gia Lai) cho rằng, cần phải quan tâm hơn nữa đến thị trường lao động, chất lượng nguồn nhân lực, kỹ năng nghề của người lao động. Việc phát triển thị trường lao động, cơ cấu lại thị trường lao động cần phải chú ý hơn không chỉ trên chỉ số, mục tiêu khái quát mà còn phải thay đổi chất thực sự để khắc phục được các hạn chế.
Đại biểu Đinh Ngọc Quý (đoàn Gia Lai) cho rằng, cần phải quan tâm hơn nữa đến thị trường lao động. |
“Hiện nay thị trường lao động, cụ thể là hiệu suất sử dụng lao động giai đoạn vừa qua có cải thiện nhưng không nhiều, năng suất lao động có tốc độ tăng đạt kế hoạch nhưng giá trị tuyệt đối không cao. Tỷ lệ lao động qua đào tạo đến năm 2021 đạt 67% qua đào tạo sơ cấp, tuy nhiên, lao động có trình độ đại học hoặc các trình độ khác như sơ cấp, trung cấp, cao đẳng đều dưới 5%”, đại biểu nói.
Vì vậy, đại biểu đề nghị Chính phủ, các bộ, ngành quan tâm đầu tư, coi trọng hơn để có biện pháp cụ thể thực hiện các mục tiêu, chỉ tiêu. Phải nắm được cơ cấu thị trường lao động cũng như về chất lượng, tận dụng những năm còn lại của thời kỳ “dân số vàng”.
Cùng quan tâm đến vấn đề nguồn nhân lực, đại biểu Nguyễn Thị Sửu (đoàn Thừa Thiên – Huế) dẫn số liệu cho biết, qua kết quả điều tra lao động việc làm qua các năm 2019-2020, quy mô lao động tăng nhưng tốc độ tăng đang giảm dần, chủ yếu do tác động của già hóa dân số. Giai đoạn 2011-2015, bình quân mỗi năm quy mô lực lượng lao động tăng trên 560 nghìn người, nhưng giai đoạn từ 2015 trở lại đây, bình quân mỗi năm tăng chưa đến 400 nghìn người.
Theo đại biểu, tỷ lệ tham gia lực lượng lao động rất cao, nhưng bắt đầu có xu hướng giảm trong 3 năm trở lại đây. Những đặc điểm này của lực lượng lao động đặt ra thách thức cho phát triển kinh tế – xã hội trong thời kỳ tới. Vì vậy, cần phải phát huy lợi thế con người, bảo đảm người lao động là chủ thể, chuyển nhanh lao động phi chính thức thành chính thức, từ sản xuất nông nghiệp sang phi nông nghiệp, từ nông thôn sang thành thị…
Đại biểu Trần Hữu Hậu (đoàn Tây Ninh) nhìn nhận, việc cơ cấu lại nền kinh tế phải tập trung xác định “nút thắt” của nền kinh tế, của ngành, của địa phương, từ đó đưa ra những chính sách cụ thể, khả thi để khơi thông, tạo động lực cho các ngành, các địa phương và nền kinh tế phát triển mạnh và bền vững. Vì nếu cơ cấu lại nền kinh tế mà không giải tỏa những “nút thắt” thì cũng như ta xây dựng đường cao tốc nhưng không giải tỏa được các điểm nghẽn.
“Tôi tha thiết mong rằng các địa phương sẽ không sao chép các chỉ thị, nghị quyết một cách rập khuôn máy móc như trước đây, không đưa vào kế hoạch và chương trình hành động những việc mà chính mình chưa biết phải làm như thế nào”, đại biểu nói.
Đại biểu Hoàng Minh Hiếu (đoàn Nghệ An) cho rằng cần phải xem cải cách thể chế là giải pháp mang tính đột phá. |
Cải cách thể chế là giải pháp mang tính đột phá
Đại biểu Hoàng Minh Hiếu (đoàn Nghệ An) đề cập đến việc thực hiện mục tiêu phát triển doanh nghiệp trong thời gian vừa qua – chỉ số rất được quan tâm hiện nay.
Đại biểu cho hay, một trong những vấn đề đáng lưu ý là trong khi số lượng doanh nghiệp Việt Nam phát triển chưa được như mong muốn thì trong giai đoạn 2016-2020 đã có nhiều nhà kinh doanh Việt Nam tiến hành thành lập doanh nghiệp ở Singapore, và đa số các doanh nghiệp này hoạt động trong lĩnh vực đổi mới, sáng tạo.
Điều này cho thấy, các quy định về thành lập doanh nghiệp ở nước ta chưa có sức thu hút lớn và quan trọng hơn là môi trường kinh doanh ở nước ta chưa tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực đổi mới, sáng tạo.
“Nếu tình trạng này tiếp tục tiếp diễn sẽ ảnh hưởng rất lớn đến việc thực hiện các mục tiêu về cơ cấu lại nền kinh tế trong giai đoạn 2021-2025. Đặc biệt là việc thực hiện mục tiêu thúc đẩy đổi mới, sáng tạo. Bên cạnh đó, đây còn là sự chảy máu tài năng trong kinh doanh và khoa học công nghệ.
Vì vậy, chúng tôi cho rằng trong giai đoạn 2021-2025 cần phải có những giải pháp mạnh mẽ và quyết liệt hơn nữa để thu hút những người Việt có ý tưởng đổi mới, sáng tạo, khởi sự kinh doanh ở Việt Nam”, đại biểu đoàn Nghệ An nhấn mạnh.
Để làm được điều này, đại biểu nhất trí với chủ trương của Chính phủ là cần phải xem cải cách thể chế là giải pháp mang tính đột phá. Theo đại biểu, để thực sự thúc đẩy đổi mới, sáng tạo trong xây dựng thể chế, ngoài việc chủ trương lập pháp từ sớm, từ xa, lấy người dân và doanh nghiệp làm trung tâm, việc xây dựng thể chế còn phải có mục tiêu hướng đến việc thúc đẩy đổi mới, sáng tạo. Đồng thời, Chính phủ cần nghiên cứu, trình Quốc hội ban hành nghị quyết về cơ chế thử nghiệm có kiểm soát để thể hiện rõ chủ trương ủng hộ đổi mới, sáng tạo.
Bên cạnh đó, đại biểu cho rằng, cần nghiên cứu để đẩy nhanh hơn nữa tốc độ xem xét thông qua các dự án luật. “Với tốc độ làm luật như ở nước ta hiện nay, tôi cho rằng nếu không có những cải tiến, đổi mới chúng ta sẽ khó có thể hoàn thành được mục tiêu cải cách thể chế, phục vụ đổi mới và phát triển trong giai đoạn sắp tới”, đại biểu Hoàng Minh Hiếu nói.
Nguồn: Báo lao động thủ đô