Đảm bảo sức khỏe cho người dân một cách tốt nhất
Chia sẻ với Báo Lao động Thủ đô sau lễ công bố thành lập Sở An toàn thực phẩm TP.HCM, PGS.TS Phạm Khánh Phong Lan, Giám đốc Sở An toàn thực phẩm TP.HCM khẳng định sẽ tiếp tục đảm bảo sức khỏe cho người dân một cách tốt nhất, mục tiêu cuối cùng là tất cả mọi người đều được sử dụng thực phẩm an toàn, đẩy lùi và xóa bỏ hoàn toàn thực phẩm bẩn.
* Bà đánh giá như thế nào về tình hình an toàn thực phẩm trên địa bàn TP.HCM?
Chúng tôi đánh giá tình hình an toàn thực phẩm dựa trên chỉ số của các tiêu chí. Tiêu chí đầu tiên, đối với công tác thanh tra, kiểm tra được đẩy mạnh, chúng tôi đã có đội ngũ quản lý an toàn thực phẩm. Đồng thời, tăng cường thanh tra, kiểm tra để kịp thời xử lý nếu có sai phạm.
Bà Nguyễn Thúy Anh (thứ 2 từ trái sang) – Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Quốc hội tặng hoa chúc mừng Giám đốc Sở An toàn thực phẩm TP.HCM Phạm Khánh Phong Lan. Ảnh: Lâm Ngọc. |
Tiếp đến, số vụ ngộ độc thực phẩm tập thể đã giảm về quy mô, số lượng. Chúng tôi tập trung phòng chống ngộ độc ở các bếp ăn tập thể, suất ăn công nghiệp dành cho các công ty, trường học.
Tiêu chí cuối cùng là thực phẩm sạch càng ngày càng tăng sử dụng thông qua các chuỗi thực phẩm an toàn. Những doanh nghiệp sản xuất, doanh nghiệp ban đầu đăng ký tham gia, chúng tôi kiểm nghiệm mẫu, cho thấy số lượng lấy mẫu tăng theo ngày nhưng số vi phạm càng ngày càng giảm.
Tất cả con số trên có thể cho thấy bức tranh an toàn thực phẩm TP.HCM có cải thiện và khởi sắc, nhưng để tốt nhất thì chưa.
* Thưa bà, vậy việc thành lập Sở An toàn thực phẩm TP.HCM có thể giúp tình hình an toàn thực phẩm TP.HCM tốt nhất?
Hiện tại, tình hình an toàn thực phẩm TP.HCM chưa được đánh giá cao nhất vì vẫn còn nhiều việc cần phải làm. Như tôi đã nói, số lượng vụ ngộ độc tập thể giảm nhưng một số trường hợp ngộ độc hy hữu lại vẫn xảy ra.
Đơn cử như vấn nạn ngộ độc rượu lẫn methanol, rượu lẫn cồn công nghiệp đã có thể gây chết người; liên tiếp các vụ ngộ độc liên quan đến độc tố botulium; độc tố uốn ván…
Vì vậy, chúng ta chưa thể kết luận được cơ chế cụ thể sản phẩm nào gây ra việc này. Bên cạnh đó, nếu bị ngộ độc mà không có thuốc cấp cứu kịp thời thì cũng tử vong. Nên, cần phải làm tốt ở công tác phòng bệnh.
PGS.TS Phạm Khánh Phong Lan, Giám đốc Sở An toàn thực phẩm TP.HCM. Ảnh: Lâm Ngọc. |
Bây giờ, chúng tôi đã lên Sở, sẽ có nhiều nhiệm vụ và được người dân quan tâm hơn. Khi lên Sở sẽ giúp chúng tôi rất nhiều, nhất là trong cơ sở pháp lý để thực hiện một số định hướng mà trước đó ở ban khó thực hiện, nhằm hướng đến mục tiêu cuối cùng là tình hình an toàn thực phẩm TP.HCM phải tốt nhất.
* Để người dân Thành phố và du khách đến TP.HCM sử dụng thực phẩm sạch hơn, an toàn hơn xin bà chia sẻ về kế hoạch cụ thể của Sở An toàn thực phẩm TP.HCM?
Chúng tôi sẽ tiếp tục được thực hiện công việc còn lại, chỉ khác là thực hiện với danh nghĩa cấp Sở. Năm nay, trách nhiệm và công tác đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm sẽ được nâng cấp so với trước vì đã lên Sở.
Bên cạnh đó, chúng tôi sẽ áp dụng công nghệ thông tin vào các đề án truy xuất nguồn gốc, đề án về thực phẩm an toàn, giúp người dân có thể xác định đâu là thực phẩm sạch, từ đó, chung tay đẩy lùi thực phẩm bẩn.
Trong năm 2024, Sở An toàn thực phẩm sẽ có những chuyên đề tập trung như chuyên đề về đảm bảo an toàn đối với thực phẩm chức năng trong quảng cáo cũng như chất lượng sản phẩm.
Sở cũng đặt ra mục tiêu không để xảy ra ngộ độc thực phẩm hàng loạt và cả các trường hợp ngộ độc có tính ngẫu nhiên như ngộ độc rượu, việc sử dụng các chất phụ gia.
Chúng tôi biết sự kỳ vọng lớn của người dân, cộng đồng và các cấp lãnh đạo vào Sở. Vì thế, Sở An toàn thực phẩm sẽ hoàn thành nhiệm vụ đã đặt ra và từng bước nâng cao những mục tiêu.
Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Dương Anh Đức, Trưởng Ban Chỉ đạo liên ngành về vệ sinh an toàn thực phẩm Thành phố trao quyết định bổ nhiệm Giám đốc và Phó Giám đốc Sở An toàn thực phẩm TP.HCM. Ảnh: Lâm Ngọc. |
* Có điều gì đang làm bà trăn trở khi đảm nhiệm ở vị trí mới – Giám đốc Sở An toàn thực phẩm TP.HCM?
Có 2 điều mà tôi đang còn trăn trở và muốn chia sẻ đó là đội ngũ báo chí và đội ngũ thanh tra.
Đầu tiên, tôi đánh giá cao về hình thức tuyên truyền thông tin đến người dân và phản ánh các cở sở mất vệ sinh an toàn thực phẩm của các anh chị nhà báo, phóng viên.
Tuy nhiên, tôi mong muốn Sở An toàn thực phẩm và báo chí có thể phối hợp nhịp nhàng hơn. Một mặt vẫn lên bài, mặt khác thanh tra sẽ xuống làm việc với cơ sở, như vậy tôi nghĩ sẽ có tính răn đe cao hơn, tránh trường hợp báo chí đưa tin, sau đó thanh tra xuống thì cơ sở đã “bốc hơi”.
Điều trăn trở thứ 2 của tôi đó là theo chỉ đạo của Thủ tướng về việc thanh tra theo kế hoạch. Theo tôi, việc thanh tra doanh nghiệp theo kế hoạch một lần/năm, dẫn đến tư tưởng đã kiểm tra rồi thì cả năm thả cửa.
Đối với thanh tra đột xuất, phải có khiếu nại, tố cáo và phải giải trình cho Thanh tra TP.HCM tại sao thanh tra đột xuất cơ sở này, cơ sở kia nên chắc chắn sẽ không có chuyện ghét một doanh nghiệp nào mới thanh tra đột xuất doanh nghiệp đó. Vì vậy, Sở sẽ cố gắng đẩy mạnh thanh tra đột xuất, nghĩa là doanh nghiệp sẽ không dám làm bậy vì có thể bị thanh tra đột xuất bất cứ lúc nào nếu có đơn tố cáo, khiếu nại.
* Chính thức là Giám đốc Sở An toàn thực phẩm TP.HCM, bà có mong muốn gì đến các cấp lãnh đạo và người dân?
Chúng tôi nhận thấy còn nhiều khó khăn, trong đó khó khăn lớn nhất đến từ ý thức của người dân, cộng đồng. Vì chưa hiểu rõ được mối nguy hiểm khi sử dụng thực phẩm mất an toàn; một phần do điều kiện kinh tế còn khó khăn, kéo theo sự hài lòng với những thực phẩm trôi nổi ở vỉa hè.
Chúng tôi sẽ phối hợp chặt chẽ cùng với các cơ quan báo đài, các đơn vị truyền thông để giúp người dân hiểu rõ hơn về vệ sinh an toàn thực phẩm.
Ban đầu, nhân lực của Ban Quản lý An toàn thực phẩm gồm của 3 Sở Y tế, Sở Nông nghiệp – Phát triển Nông thôn, Sở Công thương; nhập lại là 468 biên chế. Hiện còn 381 biên chế. Những năm qua TP.HCM tuyển dụng rất ít, nên lực lượng mới bổ sung không kịp.
Về mong muốn gửi đến cấp lãnh đạo, chúng tôi hy vọng sẽ sớm được cấp thêm kinh phí cho công tác kiểm nghiệm. Ngoài ra, về nhân lực, có thể không cần tuyển thêm, chỉ cần tuyển đủ số 468 biên chế ban đầu.
* Sắp đến Tết Nguyên đán 2024, Sở An toàn thực phẩm đã có kế hoạch gì đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm cho người dân toàn thành phố?
Cách đây 2 tháng, Sở đã bắt đầu chuẩn bị công tác đảm bảo an toàn thực phẩm Tết Giáp Thìn 2024. Cụ thể, chúng tôi thành lập 11 đoàn công tác cùng lực lượng liên ngành của địa phương cũng như chợ đầu mối. Từ nay đến Tết, Sở An toàn thực phẩm TP.HCM sẽ tập trung vào khâu phân phối hàng hóa.
Dù ở bất kỳ thời điểm nào, chúng tôi vẫn tập trung cho công tác bảo đảm an toàn thực phẩm, để người dân Thành phố được sử dụng thực phẩm một cách an toàn và an tâm.
Quốc hội ban hành Nghị quyết số 98/2023/QH15 về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP.HCM. Trong đó tại khoản 1 Điều 9 có quy định, HĐND TP.HCM thành lập Sở An toàn thực phẩm là cơ quan chuyên môn thuộc UBND TP.HCM. Tại kỳ họp thứ 11, HĐND TP.HCM khóa X, nhiệm kỳ 2021-2026 đã thống nhất thông qua Nghị quyết về việc thành lập Sở An toàn thực phẩm TP.HCM. Theo Nghị quyết, Sở này đi vào hoạt động từ ngày 1/1/2024. Bà Phạm Khánh Phong Lan, Trưởng Ban Quản lý an toàn thực phẩm TP.HCM được bổ nhiệm làm Giám đốc Sở An toàn thực phẩm TP.HCM. Ông Lê Minh Hải, Phó trưởng Ban Quản lý an toàn thực phẩm TP.HCM, giữ chức Phó Giám đốc Sở An toàn thực phẩm, thời hạn giữ chức vụ là 5 năm. |
Nguồn: Báo lao động thủ đô