Đại biểu Quốc hội quan tâm về thời gian phê duyệt vắc xin nội để tiêm chủng cho người dân
Làm rõ kết quả nghiên cứu vắc xin trong nước
Đại biểu Nguyễn Văn Huy (đoàn Thái Bình) bày tỏ thống nhất với Chính phủ về sự cần thiết phải có gói chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ cho Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế. “Tôi đánh giá cao tinh thần, trách nhiệm, khẩn trương nhìn rất kỹ lưỡng của Chính phủ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội để có thể trình nội dung này tại kỳ họp bất thường”, đại biểu nói.
Theo đại biểu, để giúp nền kinh tế nhanh chóng phục hồi trong thời gian tới, việc quan trọng nhất là phải sống chung an toàn với dịch Coid-19, chính sách tài khoá, tiền tệ tập trung vào việc nâng cao cơ sở hạ tầng y tế, chuẩn bị mua sắm các loại thuốc, vắc xin, trang thiết bị y tế để phòng và điều trị Covid-19.
“Tôi đề nghị cần phải làm rõ kết quả nghiên cứu vắc xin của nước ta đến thời điểm này như thế nào, khi nào thì đủ điều kiện để phê duyệt sản xuất cung ứng để tiêm chủng cho người dân”, đại biểu nói.
Đại biểu Nguyễn Văn Huy phát biểu tại điểm cầu đoàn Đại biểu Quốc hội Thái Bình. (Ảnh: VPQH) |
Đại biểu cũng thống nhất, hỗ trợ doanh nghiệp là trọng tâm, ưu tiên nhưng hỗ trợ như thế nào là vấn đề cần được tính toán cẩn trọng. Do vậy, trong triển khai chương trình, đại biểu kiến nghị Chính phủ xem xét hỗ trợ cho doanh nghiệp, lĩnh vực, ngành nghề một cách phù hợp.
“Cần cơ chế để tránh tình trạng doanh nghiệp vay vốn xong lại đem gửi ngân hàng để lấy phần trăm chênh lệch lãi suất cho vay thấp hơn lãi suất tiền gửi hoặc là để đáo nợ như lo ngại nhiều chuyên gia, các cơ quan báo chí đã nêu”, đại biểu Nguyễn Văn Huy nói.
Đưa ra những cam kết cụ thể
Đại biểu Vũ Thị Lưu Mai (đoàn Hà Nội) nhìn nhận, Đề án trình Quốc hội lần này là sự gửi gắm, hi vọng của người dân, doanh nghiệp vào một tương lai tốt đẹp hơn. Tuy nhiên, để đáp ứng được yêu cầu này, đại biểu cho rằng, đề án cần cụ thể hóa hơn và cũng có ràng buộc trách nhiệm nhiều hơn.
“Vấn đề cốt lõi, vấn đề hiệu quả thực tế mà đề án cần phải đạt được, đó là cần trả lời câu hỏi với hơn 346.000 tỷ, chúng ta sẽ thu lại được kết quả cụ thể gì. Mặc dù Điều 2 của Dự thảo Nghị quyết có quy định 3 mục tiêu, nhưng với những mục tiêu khái quát như vậy, tôi nghĩ rằng nếu như không có cam kết về những kết quả đạt được thì khó có thể có thước đo chính xác để đánh giá hiệu quả sau này. Cần đưa ra những cam kết cụ thể, có thể có những sản phẩm hữu hình, có những kết quả vô hình nhưng đều có thể tính toán được”, đại biểu nói.
Đại biểu Vũ Thị Lưu Mai phát biểu tại nghi trường. (Ảnh: VPQH) |
Theo đại biểu Vũ Thị Lưu Mai, lần này chúng ta phân bổ hơn 346.000 tỷ đồng cho nhiều mục tiêu khác nhau, có những mục tiêu thì được phân bổ trực tiếp, có những mục tiêu thông qua các công cụ khác như công cụ thuế, công cụ hỗ trợ lãi suất. Tuy nhiên, dù trực tiếp hay gián tiếp thì cũng cần có những nguyên tắc, tiêu chí cụ thể, tương ứng với từng gói chính sách.
Đại biểu kiến nghị cần tập trung vào hai lĩnh vực cụ thể, đó là những ngành nghề bị tác động nhiều nhất bởi dịch bệnh và thứ hai là những ngành nghề mà có ý nghĩa thúc đẩy tăng trưởng quan trọng nhất. Trên cơ sở đó cần rà soát, chúng ta không chấp nhận bội chi, không chấp nhận đi vay để đầu tư cho những mục tiêu chưa thực sự cấp bách.
“Có thể nói đề án trình Quốc hội lần này là chủ trương hoàn toàn đúng đắn, nhưng đây cũng là công việc hết sức khó khăn, nó là thử thách, đòi hỏi trí tuệ và sự quyết tâm. Tôi nghĩ rằng chúng ta chấp nhận rủi ro, nhưng cũng cần có những bước đi thật sự vững chắc”, đại biểu đoàn Hà Nội nhấn mạnh.
Cần bổ sung nội dung về trợ giúp pháp lý cho người nghèo
Đại biểu Bùi Sỹ Hoàn (đoàn Hải Dương) cho rằng, bên cạnh những sự hỗ trợ trực tiếp, thì người dân nói chung, người nghèo, người yếu thế và các đối tượng chính sách khác cũng rất cần sự trợ giúp, hỗ trợ về mặt pháp lý, mà đơn giản và thiết thực nhất là hiểu và thụ hưởng các chính sách hỗ trợ của Nhà nước.
Toàn cảnh phiên thảo luận trực tuyến của Quốc hội. (Ảnh: VPQH) |
Đại biểu đề nghị nghiên cứu bổ sung nội dung về trợ giúp pháp lý cho người nghèo, người yếu thế và đối tượng chính sách vào Dự thảo Nghị quyết để có cơ chế, nguồn lực phù hợp, đáp ứng các yêu cầu của xã hội.
“Qua thống kê cho thấy số liệu của việc trợ giúp pháp lý miễn phí trong tố tụng thực hiện cho đối tượng để trợ giúp pháp lý tăng lên trong khi dịch bệnh diễn ra. Năm 2021, các tổ chức thực hiện trợ giúp pháp lý trên toàn quốc đã thực hiện được trên 33 nghìn vụ việc tham gia tố tụng để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp. Với sự phân tích trên, có thể thấy rằng trong thời gian tới nhu cầu được trợ giúp pháp lý miễn phí của người dân, nhất là người nghèo, người yếu thế dự kiến sẽ tăng lên”, đại biểu nói.
Theo đại biểu, việc xây dựng và kết nối dữ liệu về người trợ giúp pháp lý miễn phí với cơ sở dữ liệu của các bộ, ngành có liên quan nhằm giảm bớt thủ tục, giấy tờ, chi phí hành chính và thời gian đi lại, gặp gỡ tiếp xúc, góp phần vào việc thụ lý giải quyết vụ việc trợ giúp pháp lý nhanh chóng, hiệu quả, bảo vệ kịp thời quyền và lợi ích hợp pháp của người trợ giúp pháp lý là người nghèo, người yếu thế, đối tượng chính sách cũng là một yêu cầu hết sức thiết yếu”, đại biểu đề nghị.
Đại biểu Mai Văn Hải (đoàn Thanh Hóa) bày tỏ thống nhất cao với sự cần thiết ban hành nghị quyết về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế – xã hội và các những giải pháp, phương án huy động vốn đã trình trước Quốc hội.
Theo đại biểu, cần tập trung hỗ trợ vào một số lĩnh vực chịu ảnh hưởng, chịu thiệt hại nặng nề với đại dịch như dịch vụ du lịch, lĩnh vực vận tải, đặc biệt là vận tải hành khách, nhất là ngành hàng không, hay dịch vụ nhà hàng, khách sạn, dịch vụ ăn uống….
Đồng thời, đại biểu Mai Văn Hải đề nghị với ngành ngân hàng, nhất là ngân hàng thương mại, cần cải cách thủ tục hành chính để làm sao doanh nghiệp và người dân người ta dễ tiếp cận với chính sách này. Kiến nghị kiểm soát chặt chẽ nguồn vốn cho vay, tránh tình trạng doanh nghiệp, người dân vay không dùng vào mục đích phục vụ sản xuất, lại đem đi đầu tư tài chính, đầu tư bất động sản và một số lĩnh vực rủi ro khác.
Nguồn: Báo lao động thủ đô