Đại biểu Quốc hội đề nghị đánh giá sát thực trạng bất cập của hệ thống đường cao tốc

Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 6 Quốc hội khóa XV, ngày 1/11, các đại biểu thảo luận tại hội trường về tình hình kinh tế – xã hội năm 2023. Việc thúc đẩy các dự án đầu tư trọng điểm quốc gia, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp được quan tâm.

Đại biểu Quốc hội: Đất nước ta như “một đại công trường” nhưng còn nhiều bất cập
Đại biểu Hoàng Đức Thắng phát biểu thảo luận

Phát biểu thảo luận, đại biểu Hoàng Đức Thắng (Đoàn tỉnh Quảng Trị) nêu quan điểm, với quyết tâm đẩy nhanh tiến độ xây dựng các công trình đường bộ cao cấp, phấn đấu đến năm 2025 có trên 3.000 km, đất nước ta như “một đại công trường” nhưng ở đó còn nhiều khó khăn bất cập về vật liệu đắp nền, nguy cơ ảnh hưởng đến tiến độ công trình trọng điểm quốc gia.

Việc cấp phép khai thác vật liệu từ các địa phương còn mất nhiều thời gian, ngay cả những khu vực mỏ vật liệu quy hoạch được giao cho nhà thầu để thực hiện, nhưng thủ tục cấp phép khai thác cũng rườm rà rắc rối…

Do vậy, ông Thắng đề nghị Chính phủ cần quyết liệt hơn nữa trong việc chỉ đạo điều chỉnh các định mức phù hợp, rút gọn đơn giản thủ tục cấp phép khai thác mỏ vật liệu, thúc đẩy nhanh việc nghiên cứu đánh giá tác động, sớm đưa sử dụng các vật liệu mới thay thế để có thêm ngày càng nhiều kilomet đường bộ cao tốc.

Đại biểu Quốc hội: Đất nước ta như “một đại công trường” nhưng còn nhiều bất cập
Các đại biểu dự Kỳ họp thứ 6 Quốc hội khóa XV

Đại biểu Hoàng Đức Thắng cho rằng, một số đường bộ cao tốc chỉ có hai làn xe, chưa có hành lang pháp lý đầy đủ, chưa đồng bộ về hạ tầng phụ trợ, chưa đầu tư trạm dừng nghỉ, trạm xăng dầu, cùng các dịch vụ khác nên đường bộ cao tốc không hấp dẫn các phương tiện tham gia. Việc kết nối các trục đường ngang dọc với đường bộ cao cấp chưa phát huy bổ trợ lẫn nhau.

Vì vậy, đại biểu Thắng đề nghị Chính phủ cần kiểm tra, đánh giá sát đúng thực trạng những bất cập hệ thống đường bộ cao tốc hiện có; khẩn trương cho mở rộng những tuyến đường chật hẹp hai làn xe; sớm ban hành các quy định chỉ đạo sát sao về quản lý, khai thác công trình nhằm phát huy hiệu quả đầu tư.

Trong khi đó, đại biểu Thạch Phước Bình (Đoàn tỉnh Trà Vinh) chỉ ra thực tế là thể chế chính sách còn mâu thuẫn, điều kiện kinh doanh còn tồn tại nhiều rào cản. Đặc biệt là việc chậm trễ, kém hiệu quả trong thực thi chính sách tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp. Nguyên nhân là do một số bộ ngành, một bộ phận cán bộ, công chức né tránh đùn đẩy, khiến doanh nghiệp rơi vào tình cảnh khó khăn.

Đại biểu Quốc hội: Đất nước ta như “một đại công trường” nhưng còn nhiều bất cập
Đại biểu Thạch Phước Bình phát biểu thảo luận

Dẫn chứng, trong 9 tháng đầu năm 2023, lần đầu tiên cứ 10 doanh nghiệp thì có 8 doanh nghiệp rút khỏi thị trường, đại biểu Bình lo ngại khi lần đầu tiên số doanh nghiệp rút khỏi thị trường cao hơn số doanh nghiệp tham gia.

Đánh giá việc Chính phủ đã đồng hành với doanh nghiệp để tháo gỡ khó khăn, khắc phục điểm nghẽn và bất cập nhưng kinh tế Việt Nam phục hồi khá mong manh, ông Bình đề nghị tập trung đồng bộ chính sách tài khóa và tiền tệ, chính sách thuế cho xuất khẩu, hoàn thuế VAT, tạo thanh khoản cho doanh nghiệp.

Cần xác định những ngành chủ lực để hỗ trợ tín dụng ưu đãi; giảm chi phí và hạn chế kiểm tra thanh tra, gây khó, không ban hành thêm văn bản gây khó. Đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia, điện và xăng dầu, có chế tài phải bồi thường cho doanh nghiệp khi cắt điện sản xuất, kích cầu tiêu dùng, giảm thuế VAT, thuế thu nhập doanh nghiệp, kích cầu đầu tư…

Đại biểu Quốc hội: Đất nước ta như “một đại công trường” nhưng còn nhiều bất cập
Đại biểu Trần Anh Tuấn phát biểu thảo luận

Đồng tình, đại biểu Trần Anh Tuấn (Đoàn thành phố Hồ Chí Minh) kiến nghị các giải pháp để thúc đẩy nguồn lực cho đầu tư phát triển, bao gồm việc sử dụng hiệu quả gói hỗ trợ lãi suất 2%, bố trí 3.000 tỉ đồng đầu tư lĩnh vực y tế.

Theo đại biểu Trần Anh Tuấn, cần tháo gỡ vướng mắc trong giảm thuế VAT, đẩy mạnh kích cầu trên cơ sở giảm thuế VAT ở tất cả các mặt hàng. Tháo điểm nghẽn tăng trưởng tín dụng, dành nguồn lực tín dụng cho các lĩnh vực ưu tiên, có cơ chế cho vay trung dài hạn vì những lĩnh vực ưu tiên, là động lực cho phát triển kinh tế, đặc biệt khoa học công nghệ, công nghệ hỗ trợ, kinh tế số.

Hoàng Phúc

Nguồn: Báo lao động thủ đô

Bạn cũng có thể thích