Đại biểu đề nghị đánh thuế với người sở hữu nhiều nhà, đất
Cần có thuế đối sở hữu nhiều nhà, nhiều tài sản
Ngày 28/10, Quốc hội đã thảo luận tại hội trường về Báo cáo của Đoàn giám sát của Quốc hội về việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý thị trường bất động sản và phát triển nhà ở xã hội giai đoạn năm 2015 – 2023.
Đại biểu Trịnh Xuân An (Đoàn tỉnh Đồng Nai) cho rằng, bây giờ cần quan tâm đến thị trường phân khúc khoảng tầm từ 2,5 tỷ đồng trở xuống, và có những chính sách tập trung vào phân khúc này chứ nếu không cứ dàn trải mãi.
Đồng thời, phải công khai, minh bạch trong thị trường. Rất nhiều đại biểu phát biểu, ngày xưa khi làm Luật Bất động sản đó là cần phải tăng cường thanh toán không dùng tiền mặt đối với tất cả các giao dịch bất động sản.
Đại biểu Trịnh Xuân An (Đoàn tỉnh Đồng Nai). Ảnh: Quốc hội |
Đại biểu Trịnh Xuân An đề xuất, cần có một giải pháp nữa chưa được nêu trong Nghị quyết cũng như trong báo cáo là giải pháp về thuế.
“Chúng ta đã đề xuất rất nhiều lần là cần có thuế đối với tài sản hoặc thuế đối với sở hữu nhiều nhà, nhiều tài sản. Tôi cho rằng, đến lúc này là thời điểm chín muồi để làm đạo luật thuế này. Tôi rất tha thiết đề nghị chúng ta nghiên cứu các sắc thuế này và xử lý những công cụ mang tính vĩ mô như vậy”, đại biểu nhấn mạnh.
Đại biểu Trịnh Xuân An cũng cho rằng, ngân hàng và bất động sản giống như hai anh bạn đi chung một con thuyền, có quan hệ cộng sinh với nhau. Nhưng lâu nay, dường như chúng ta đang bắt ngân hàng, hệ thống tín dụng phải gánh một gánh quá nặng, cái gì cũng giao cho ngân hàng, nhưng ngân hàng họ phải làm chức năng của tổ chức tín dụng, không thể bắt họ đi huy động vốn bình thường để vay ưu đãi được.
“Tôi cho rằng, ngân hàng nên tập trung vào hỗ trợ cho người đi vay chứ không phải tập trung cho doanh nghiệp”, theo đại biểu.
Đại biểu Nguyễn Văn An (Đoàn tỉnh Thái Bình) phân tích, hiện nay giá nhà ở Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh và các thành phố lớn đang lên rất cao, ngày càng vượt xa tầm tay với nhu cầu ở thực của những người dân, và tình trạng này cũng có phần do các chiêu trò thổi giá của các giới đầu tư.
Tuy nhiên, rất khó xử lý khi đó là những giao dịch dân sự và thuận mua vừa bán, đóng thuế và phí chuyển nhượng theo quy định của pháp luật.
Để giải quyết tình trạng này, đại biểu đoàn Thái Bình đề nghị, có thể dùng nguồn cung nhà đủ lớn và tháo gỡ vướng mắc cho các dự án tồn đọng, phát triển nhà ở xã hội.
Đồng thời đề nghị Chính phủ chỉ đạo khẩn trương nghiên cứu việc đánh thuế bất động sản, bất động sản thứ hai trở lên cùng với các giải pháp đồng bộ để nhằm khắc phục, bình ổn giá nhà.
Đại biểu Tạ Văn Hạ (Đoàn tỉnh Quảng Nam). Ảnh: Quốc hội |
Cử tri và nhân dân đặc biệt quan tâm
Đại biểu Tạ Văn Hạ (Đoàn tỉnh Quảng Nam) cho rằng, vấn đề thị trường bất động sản và nhà ở xã hội hiện nay đang là một vấn đề rất nóng và được đông đảo dư luận, cử tri và nhân dân đặc biệt quan tâm.
“Người dân chỉ quan tâm đến một điều, đó là làm sao giá của thị trường bất động sản phải phù hợp với điều kiện, mức sống, thu nhập và những người dân hiện nay đang có nhu cầu cần thiết, cấp bách về nhà họ phải được đáp ứng, phải tiếp cận được và họ phải mua được và đó là nhu cầu lớn nhất”, đại biểu nói.
Cũng theo đại biểu Tạ Văn Hạ, trong báo cáo, dự thảo nghị quyết đã đánh giá được những hạn chế, nhưng chủ yếu tập trung ở hạn chế trong chính sách pháp luật.
Còn những dấu hiệu bất thường của thị trường, đó là tăng giá đột ngột, tăng giá rất cao, thậm chí bây giờ giá tăng lên gấp 2-3 lần và không phù hợp với tình hình thực tế chung của nền kinh tế và nhu cầu nhà ở của người dân, vấn đề là người dân không có điều kiện để tiếp cận lại chưa chỉ ra được.
“Những dấu hiệu bất thường đó rất quan trọng, đó là có chăng có vấn đề lợi ích nhóm, có dấu hiệu làm lũng đoạn, thao túng và thổi giá, tạo ra bong bóng của một nhóm lợi ích. Vấn đề này chưa chỉ ra được, chúng ta phải mạnh dạn chỉ rõ ra mới có những giải pháp cụ thể, căn cơ”, đại biểu Tạ Văn Hạ đề nghị.
Trước đó, trình bày báo cáo giám sát, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh, Phó Trưởng Đoàn giám sát cho rằng, chính sách về thuế là một trong những giải pháp có tác dụng trung và dài hạn giúp thị trường bất động sản phát triển bền vững. Đoàn giám sát kiến nghị Chính phủ sớm nghiên cứu, ban hành mới luật về thuế, trong đó đánh thuế cao với người sử dụng nhiều nhà, đất, chậm sử dụng hoặc bỏ hoang đất đai, bảo đảm đồng bộ với những nội dung đổi mới trong pháp luật về đất đai. Đoàn giám sát cũng cho rằng, chính sách thuế phải đảm bảo mục tiêu tái phân phối thu nhập, tạo nguồn thu hợp lý cho ngân sách trên cơ sở tham khảo thông lệ quốc tế, phù hợp với điều kiện kinh tế – xã hội của Việt Nam. Chính phủ cũng cần hoàn thiện cơ sở dữ liệu quốc gia về đăng ký tài sản để tích hợp với hệ thống đăng ký các lĩnh vực khác. |
Nguồn: Báo lao động thủ đô