Cùng nhau xây dựng Thủ đô giàu đẹp
Chủ tịch Hồ Chí Minh thăm Nhà máy diêm Thống Nhất (1956). Ảnh: Tư liệu TTXVN |
Doanh nghiệp là chủ thể cạnh tranh của nền kinh tế, thành hay bại của nền kinh tế, cộng đồng doanh nghiệp góp phần rất quan trọng. Còn người lao động là chủ thể, là trung tâm của doanh nghiệp. Năng suất lao động cao thì hiệu quả sản xuất – kinh doanh càng lớn, doanh nghiệp có lợi nhuận, người lao động được hưởng thu nhập cao, tiền thuế đóng cho ngân sách nhiều; tổ chức Công đoàn với tư cách là đại diện bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng cho người lao động và cũng là một bộ phận cấu thành trong mô hình hoạt động của doanh nghiệp mà chức năng quan trọng là “điều tiết” mối quan hệ giữa chủ sử dụng lao động và người lao động nhằm tạo ra mối quan hệ hài hòa, góp phần ổn định sản xuất – kinh doanh. Quan trọng như vậy, nên sinh thời, mặc dù bận trăm công, nghìn việc nhưng Bác Hồ kính yêu luôn dành tình cảm và sự quan tâm đối với tổ chức Công đoàn, đội ngũ Công Thương (doanh nhân Việt Nam ngày nay).
Về công tác Công đoàn, Người chỉ rõ: “Muốn tổ chức và phát triển lực lượng xây dựng to lớn của giai cấp công nhân thì cần có Công đoàn mạnh và cán bộ công đoàn tốt”. Còn trong bài nói chuyện tại Đại hội Công đoàn toàn quốc lần thứ II, tháng 2/1961, Bác Hồ nhấn mạnh: “Phát minh, sáng kiến, cải tiến kỹ thuật cũng là vấn đề quan trọng. Phải nhận rằng đại đa số công nhân ta cần cù, thông minh và có nhiều sáng kiến hay… Nếu Công đoàn biết khuyến khích, áp dụng, cải tiến và phổ biến rộng rãi những sáng kiến ấy thì năng suất lao động sẽ nâng cao không ngừng”.
Còn với cộng đồng doanh nghiệp, chỉ sau khi nước nhà giành độc lập hơn một tháng, trong bức thư gửi thư cho giới Công Thương Việt Nam (13/10/1945), Chủ tịch Hồ Chí Minh viết: “Trong lúc các giới khác trong quốc dân đang phải cố gắng nỗ lực để giành lấy hoàn toàn nền độc lập, thì giới Công Thương cũng phải cố gắng nỗ lực để xây dựng nền kinh tế, tài chính vững vàng và thịnh vượng. Việc nước, việc nhà bao giờ cũng đi liền với nhau. Nền kinh tế quốc dân thịnh vượng nghĩa là sự kinh doanh của các nhà doanh nghiệp thịnh vượng. Chính phủ, nhân dân và tôi sẽ tận tâm giúp giới Công Thương trong cuộc kiến thiết này…”.
Làm theo lời dạy của Bác Hồ, trong suốt những năm qua, tổ chức Công đoàn các cấp đã không ngừng đổi mới về tư duy và phương thức hoạt động, dấy lên nhiều phong trào thi đua lao động, sản xuất, tạo ra nhiều sản phẩm chất lượng cao, góp phần làm giàu cho đất nước. Với Công đoàn Thủ đô, thấm nhuần quan điểm của Người, những năm qua, dưới sự lãnh đạo của Thành ủy Hà Nội, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Công đoàn Thủ đô đã phát động nhiều phong trào thi đua, đặc biệt là phong trào “Sáng kiến – sáng tạo” gắn với hội thi tay nghề… Phong trào thực sự đã góp phần nâng cao hiệu quả sản xuất – kinh doanh cho doanh nghiệp, đồng thời cũng góp phần giải bài toán năng suất lao động, một trong những điểm nghẽn lớn nhất hiện nay đối với lao động nói riêng, nền kinh tế nói chung…
Cạnh đó, qua phong trào thi đua “Sáng kiến – sáng tạo”, “Công nhân giỏi Thủ đô” đã tạo hiệu ứng lan tỏa lớn trong đội ngũ công nhân viên chức lao động, tạo khí thế thi đua sôi nổi, gắn hoàn thành nhiệm vụ chuyên môn với nâng cao hiệu quả công việc để cùng một lúc đạt hai mục tiêu quan trọng: Doanh nghiệp đạt giá trị sản xuất – kinh doanh, lợi nhuận cao, người lao động vì thế mà lương, thu nhập cũng tăng theo.
Là hạt nhân, là bạn đồng hành của người lao động, với phương châm “Ở đâu có doanh nghiệp, ở đó có Công đoàn”, nên phát triển tổ chức Công đoàn cơ sở, đặc biệt là Công đoàn ở doanh nghiệp ngoài khu vực Nhà nước là một trong những nhiệm vụ chính trị quan trọng đã, đang và sẽ được Liên đoàn Lao động thành phố Hà Nội quan tâm. Trong công tác này, nhờ xác định hướng “phát triển được tổ chức Công đoàn cơ sở tại doanh nghiệp đã khó, phát huy hiệu quả vai trò của Công đoàn cơ sở còn khó hơn nhiều”, nên Công đoàn Thành phố luôn lấy việc bồi dưỡng, nâng cao kiến thức chuyên môn cho các cán bộ, trong đó có Chủ tịch Công đoàn là “chìa khóa” thành công.
Chủ tịch Công đoàn tại các đơn vị, doanh nghiệp nói chung, doanh nghiệp ngoài khu vực Nhà nước nói riêng thực sự cũng là “người làm công ăn lương” của chủ sử dụng lao động, do vậy làm thế nào để phát huy vai trò của họ như là “thỏi nam châm” để tạo sự đồng thuận giữa chủ sử dụng lao động và người lao động vì mục tiêu chung thì không hề đơn giản.
Nói ngắn gọn, Chủ tịch Công đoàn cơ sở phải là người lãnh đạo để tổ chức Công đoàn của mình khẳng định là nơi tin tưởng, tin cậy của người lao động, đoàn viên trong việc bảo vệ quyền lợi, lợi ích chính đáng, hợp pháp của họ; một mặt cũng để chủ sử dụng lao động thực hiện đúng nghĩa vụ (góc độ pháp luật lao động, bảo hiểm) đối với người lao động nhằm tạo ra mối quan hệ hài hòa. Không những thế, còn tham mưu giúp ban lãnh đạo có những cách làm hay để hoàn thành chỉ tiêu, kế hoạch sản xuất – kinh doanh.
Nói thì dễ, song làm mới khó. Vì như đã đề cập, đa số cán bộ Công đoàn đều giữ vị trí trong doanh nghiệp, nên cùng một lúc, cán bộ, Chủ tịch Công đoàn phải hóa thân thành 2 vai. Một vai đại diện cho quyền, lợi ích người lao động, một vai làm tròn nhiệm vụ chuyên môn của mình. Làm thế nào để chủ sử dụng lao động trong các doanh nghiệp ngoài khu vực Nhà nước, nhất là các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài thấy Công đoàn trong doanh nghiệp mình không phải là cái “gai” mà thực sự là cầu nối để ban lãnh đạo và người lao động hiểu nhau hơn, vì nhau hơn, tạo sự đồng thuận hướng về tương lai.
Chính vì thế, việc Liên đoàn Lao động Thủ đô tuyên dương 10 Chủ tịch Công đoàn cơ sở doanh nghiệp khu vực ngoài Nhà nước tiêu biểu vào những ngày thu tháng Mười lịch sử như một món quà tri ân những cán bộ Công đoàn cơ sở đã tận tụy, sáng tạo để làm tròn hai vai trọng trách, nhiệm vụ của mình. Họ là những hạt nhân để tạo ra sức mạnh của tổ chức trong việc thực hiện nhiệm vụ, vai trò của mình mà Đảng, Nhà nước giao phó.
Ngoài biểu dương 10 Chủ tịch Công đoàn cơ sở doanh nghiệp khu vực ngoài Nhà nước tiêu biểu thì lần đầu tiên, nhân kỷ niệm 68 năm Ngày Giải phóng Thủ đô, Liên đoàn Lao động Thành phố cũng tổ chức tôn vinh 10 doanh nghiệp có thành tích tiêu biểu vì người lao động. Như chúng ta đều biết, doanh nghiệp là chủ thể của nền kinh tế, sản xuất ra của cải vật chất cho xã hội, đóng thuế cho Nhà nước, tạo việc làm, thu nhập cho người lao động. Doanh nghiệp không “khỏe”, nền kinh tế bị ảnh hưởng, việc làm, thu nhập cũng bị giảm sút.
Chính vì thế, từ chỗ xem doanh nghiệp là chủ thể quản lý, thời gian qua, Chính phủ, chính quyền Thành phố xem doanh nghiệp là khách thể quản lý, là bạn đồng hành của chính quyền. Nhờ đó, cộng đồng doanh nghiệp ngày càng có điều kiện phát triển. Tuy nhiên, bên cạnh những doanh nghiệp thực hiện nghiêm túc quy định của pháp luật, đặc biệt là quy định về tiền công, tiền lương, bảo hiểm đối với người lao động, trừ một số yếu tố bất khả kháng, còn nhiều doanh nghiệp kinh doanh bình thường vẫn cố tình chây ì việc đóng bảo hiểm, nợ lương người lao động. Trong khi, người lao động là chủ thể, là trung tâm của sản xuất, kinh doanh, việc chăm lo cho người lao động chính là cách tái tạo ra năng lực tích cực, nâng cao hiệu quả sản xuất – kinh doanh. 10 doanh nghiệp được tôn vinh vì người lao động ngày hôm nay là ví dụ điển hình cho sự tái tạo đó.
Kỷ niệm 68 năm Ngày Giải phóng Thủ đô, chào mừng Ngày Doanh nhân Việt Nam; chào mừng Lễ tuyên dương “Sáng kiến, sáng tạo trong công nhân viên chức lao động năm 2022”; tôn vinh 10 doanh nghiệp tiêu biểu vì người lao động; tôn vinh Chủ tịch Công đoàn cơ sở doanh nghiệp khu vực ngoài Nhà nước tiêu biểu… cộng đồng doanh nhân Thành phố, cán bộ, đoàn viên Công đoàn, người lao động phát huy hào khí tháng Mười, hào khí Đông A quyết tâm xây dựng Thủ đô giàu đẹp, đất nước hùng cường./.
Nguồn: Báo lao động thủ đô