Công ty Sông Đà Hà Nội: Doanh thu khủng từ khai thác cát, nhưng “chây ì” nợ thuế
(Xây dựng) – Công ty Cổ phần Sông Đà Hà Nội có doanh thu từ việc khai thác cát san lấp lên đến hơn trăm tỷ đồng trong năm 2020, nhưng con số nợ thuế trong lĩnh vực này được ghi nhận hàng chục tỷ đồng. Ngoài ra, người dân cho rằng, việc khai thác theo kiểu “tận thu” là nguyên nhân chính dẫn đến sập 1 nửa bờ kè tại Khu du lịch sinh thái Rạng Đông thuộc xã Nghĩa Phúc, huyện Nghĩa Hưng, tỉnh Nam Định.
Bờ kè Khu du lịch sinh thái Rạng Đông bị sập, tan hoang, người dân đặt câu hỏi ai sẽ chịu trách nhiệm? |
Nợ thuế, bảo hiểm kéo dài
Theo Báo cáo tài chính 2020, tính đến hết ngày 31/12/2020, doanh thu từ bán hàng và cung cấp dịch vụ là hơn 249,89 tỷ đồng, tăng khoảng 58,63 tỷ đồng so với năm 2019. Trong đó, lợi nhuận gộp về bán hàng và cung cấp dịch vụ đạt hơn 16,29 tỷ đồng, giảm nhẹ (so với 2019 là hơn 17,514 tỷ). Lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh là 5,25 tỷ đồng, tăng hơn 1,51 tỷ đồng so với 2019. Tổng lợi nhuận kế toán trước thuế là 5,0 tỷ đồng và sau thuế là 3,68 tỷ đồng, so với năm 2019 các con số lần lượt là 2.87 đồng tỷ và 2,03 tỷ đồng.
Hết ngày 31/12/2020, tổng tài sản của Công ty Cổ phần Sông Đà Hà Nội (gọi tắt là Sông Đà Hà Nội) là 331,125 tỷ đồng, nhưng nợ phải trả là 281,274 tỷ đồng, nợ ngắn hạn là 280,779 tỷ đồng, còn lại là nợ dài hạn. Ngoài ra hàng tồn kho cũng được ghi nhận lên đến hơn 40 tỷ đồng.
Đáng chú ý, mặc dù doanh thu từ hoạt động bán hàng và cung cấp dịch vụ khá lớn, song lợi nhuận lại rất thấp, sau khi trừ hết chi phí và các khoản thuế, lợi nhuận còn lại chỉ vẻn vẹn có 3,68 tỷ đồng, tức là tỷ suất lợi nhuận trên doanh thu chỉ đạt có 1,47%. Lý do là bởi chi phí cho lãi vay lớn lên đến 7,5 tỷ đồng, chi phí quản lý doanh nghiệp 4,1 tỷ đồng, thuế thu nhập doanh nghiệp phải nộp hơn 1,3 tỷ đồng, đồng thời có những khoản lợi nhuận được ghi nhận âm hơn 244 triệu đồng. Ngoài ra, chi phí khác hơn 290 triệu đồng được giải trình là chi phí các khoản thuế phạt chậm nộp 81,9 triệu đồng, các khoản bảo hiểm phạt chậm nộp 31 triệu đồng, phạt vi phạm hợp đồng 60 triệu đồng và 118 triệu đồng chi phí khác không được giải thích rõ ràng…
Mặt khác, Sông Đà Hà Nội được biết là có lợi thế về mặt kỹ thuật, kinh nghiệm, vốn liếng, nhân sự, quan hệ, thương hiệu, khách hàng từ công ty “mẹ”…. Được thành lập với mục đích hoạt động chủ yếu trong lĩnh vực xây lắp, thủy điện, hạ tầng nhưng doanh thu trong năm 2020 thì mảng khai thác khoáng sản chiếm tỷ trọng tới 41,36% (103 tỷ đồng). Theo đó, mảng khai thác khoáng sản mang lại cho Sông Đà Hà Nội hơn 13,68 tỷ đồng lợi nhuận trong năm 2020. Nếu so với mảng xây lắp, mảng kinh doanh có thế mạnh của Sông Đà Hà Nội thì thấy rằng, mảng xây lắp không còn là con “gà đẻ trứng vàng” cho Sông Đà Hà Nội nữa. Thực tế cho thấy, trong năm 2020, mảng xây lắp mang lại doanh thu hơn 145,61 tỷ đồng, đạt khoảng 58,6% tổng doanh thu nhưng lợi nhuận chỉ đạt 2.58 tỷ đồng.
Ở mảng khai thác khoáng sản, trong 3 năm từ 2017-2019, Sông Đà Hà Nội được Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Nam Định cấp 4 giấy phép khai khác khoáng sản, tại các lô số 1A, 1B và 2A, 2B, tổng trữ lượng khai thác là 6.102.180 m3 trong phạm vi 180 ha, thời gian khai thác trong vòng 5 năm.
Mặc dù khai thác cát hiện đem lại nguồn thu lớn và lợi nhuận chủ yếu để “nuôi sống” hệ thống của Sông Đà Hà Nội, song theo Báo cáo tài chính thì Sông Đà Hà Nội lại chậm nộp thuế và các khoản phải nộp cho Nhà nước, đặc biệt trong lĩnh vực khai thác khoáng sản lên đến hàng chục tỷ đồng.
Báo cáo tài chính 2020 thể hiện, Công ty Sông Đà Hà Nội “ngập lụt” trong nợ thuế, bảo hiểm xã hội. |
Cụ thể như, thuế thu nhập doanh nghiệp tồn từ 2019 là 844.514.553 đồng, số thuế phải nộp trong năm 2020 là 1.325.245.504 đồng, nhưng thực tế mới chỉ nộp được có 904.473.879 đồng, còn nợ lên đến 1.265.286.178 đồng. Hay như thuế tài nguyên số tồn từ năm 2019 là 14.739.490.290 đồng, số thuế phải nộp trong năm là 11.160.092.160 đồng, nhưng số nộp trong năm chỉ 7 tỷ đồng, còn nợ lên đến 18.899.582.450 đồng. Tương tự như vậy, phí bảo vệ môi trường trong năm cũng chỉ nộp được 1 tỷ đồng và còn nợ lên đến 5.057.235.032 đồng. Tổng cộng các loại thuế và các khoản phải nộp đến hết 31/12/2020 thì Sông Đà Hà Nội còn nợ đọng lên đến 25.344.129.327 đồng.
Vừa qua, Bảo hiểm xã hội Hà Nội vừa công bố danh sách 50 đơn vị nợ bảo hiểm xã hội kéo dài trong đó có Công ty Sông Đà Hà Nội. Theo đó, Sông Đà Hà Nội nợ số tiền bảo hiểm lên đến hơn 620 triệu đồng của 30 lao động và số tháng nợ là 10 tháng.
Sông Đà Hà Nội cũng sử dụng các quyền thuê văn phòng dài hạn, quyền khai thác khoáng sản cát để thế chấp ngân hàng (số tiền lên đến hơn 117 tỷ đồng – PV).
Tan hoang bờ kè, ai chịu trách nhiệm?
Trước đó Báo điện tử Xây dựng đã đưa tin các hoạt động khai thác cát của Công ty Sông Đà Hà Nội tại ven biển Nghĩa Hưng, phía trước Khu du lịch sinh thái Rạng Đông thuộc xã Phúc Thắng, huyện Nghĩa Hưng, tỉnh Nam Định. Có nhiều ý kiến của người dân cho rằng, chính vì lý do khai thác, hút cát biển theo kiểu “tận thu”, đã khiến 1 nửa con đường mặt bờ kè Rạng Đông trôi theo “Hà Bá” từ nhiều năm nay nhưng chưa thấy ai sửa chữa, cải tạo lại, hiện vẫn đang “trơ gan cùng tuế nguyệt”.
Mới đây, ngày 5/8, Công an tỉnh Nam Định vừa bắt quả tang 4 tàu khai thác cát trái phép chỉ cách bờ kè bảo vệ Khu du lịch sinh thái Rạng Đông khoảng vài trăm mét và nằm ngoài khu vực mỏ cát được cơ quan có thẩm quyền cấp phép khai thác cát.
Qua xác minh, 2 tàu mang biển kiểm soát Nam Định, 1 tàu mang biển kiểm soát Hải Dương, 1 mang biển kiểm soát Bắc Ninh. Tàu trọng tải thấp nhất khoảng 400 tấn, tàu trọng tải lớn nhất khoảng 1.000 tấn.
Trao đổi qua điện thoại với ông Đoàn Ngọc Ly – Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Sông Đà Hà Nội, được ông Ly cho biết: Số tàu hút trên không phải của Sông Đà Hà Nội. Việc kè và con đường tại bờ kè Rạng Đông bị sạt lở thì năm ngoái, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã có đề án, mời các nhà khoa học nghiên cứu đánh giá việc sạt lở ở một số huyện của tỉnh Nam Định trong đó có Nghĩa Hưng. Nguyên nhân được xác định không phải do việc hút cát gây ra, đã có văn bản cụ thể.
Tuy nhiên khi phóng viên đề nghị ông Ly cung cấp văn bản đánh giá của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn mà ông đã đề cập trước đó thì ông Ly nói không có vì không phải do bên Sông Đà Hà Nội chủ trì, ông chỉ được nghe như thế chứ cũng không được thông báo bằng văn bản (?)
Lực lượng chức năng bắt giữ 4 tàu hút cát trái phép ngay gần mỏ cát của Công ty Sông Đà Đà Nội (Ảnh: Báo TNMT) |
Theo ông Vũ Văn Toan – Phó Chủ tịch UBND xã Phúc Thắng: Con đường bờ kè Rạng Đông này chỉ dài có hơn 2 km nhưng nay đã sập 1 nửa, trước đây tỉnh đã sửa chữa một lần nhưng rồi lại hỏng, hiện chưa thấy tỉnh nói gì về việc tiếp tục sửa chữa. Công ty Sông Đà Hà Nội được tỉnh cấp phép khai thác cát để san lấp tại khu vực ven biển chỗ khu du lịch sinh thái Rạng Đông, họ có khoảng 5-6 tàu hút liên tục, họ hút bất kì lúc nào, không kể ngày hay đêm. Vừa rồi Công an tỉnh có bắt được 4 tàu hút cát trái phép, sau khi bắt xong Công an tỉnh có mời xã ra chứng kiến. Tuy nhiên, đến nay Công an chưa có thông báo gì thêm nên địa phương vẫn chưa nắm được nhiều thông tin.
Ông Khương Văn Toàn – Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Nghĩa Hưng thông tin thêm: Trước tỉnh đã giao cho Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, kết hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường, Chi cục Thủy lợi và các phòng ban chuyên môn đánh giá tác động môi trường rồi, tuy nhiên đến nay vẫn chưa có kết luận chính xác, chưa có văn bản cụ thể nào gửi về huyện nên. Nếu bây giờ khắc phục (làm lại bờ kè và con đường mặt đê chỗ đã sập khoảng 1km – PV) thì giá trị thấp nhất cũng khoảng trên 20 tỷ.
Chưa rõ mối liên hệ giữa các nhóm đối tượng này, tuy nhiên, khai thác cát đặc biệt là cát lậu, cát tặc vẫn luôn là vấn đề “nóng”, gây thất thoát ngân sách, hủy hoại môi trường, nhiều vụ sạt lở nghiêm trọng đã xảy ra, gây tổn thất nặng nề cho người dân, Nhà nước. Nhiều lần Thủ tướng Chính phủ đã phát biểu không đánh đổi kinh tế lấy môi trường.
Đề nghị cơ quan chức năng tỉnh Nam Định khẩn trương vào cuộc, làm rõ việc có hay không tình trạng cát tặc, cát lậu hoặc việc khai thác cát mặc dù được cấp phép nhưng gây hệ lụy lớn đến môi trường. Trách nhiệm thuộc về ai (nếu có vi phạm)?
Báo điện tử Xây dựng sẽ tiếp tục thông tin thêm.
Nguồn: Báo xây dựng