Chuyển đổi số giúp đa dạng hóa nguồn thu, tăng sức cạnh tranh cho báo chí

Sáng 24/2, tại thành phố Quy Nhơn, Diễn đàn Kinh tế báo chí năm 2023 được Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) phối hợp với Ủy ban nhân dân (UBND) tỉnh Bình Định và Công ty Cổ phần sữa Việt Nam (Vinamilk) tổ chức.

Diễn đàn Kinh tế báo chí năm 2023 được tổ chức nhằm trao đổi, đánh giá về thực trạng kinh tế báo chí; nguồn thu, hoạt động kinh tế trong các cơ quan báo chí hiện nay và chia sẻ những khó khăn, vướng mắc của các cơ quan báo chí.

Chuyển đổi số giúp đa dạng hóa nguồn thu, tăng sức cạnh tranh cho báo chí
Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Thanh Lâm phát biểu tại Diễn đàn. Ảnh: TTXVN

Tham dự chương trình có ông Trần Thanh Lâm – Phó trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương; ông Nguyễn Thanh Lâm – Thứ trưởng Bộ TT&TT; ông Nguyễn Đức Lợi – Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam… và hơn 120 đại biểu là đại diện các cơ quan báo chí Trung ương và địa phương.

Theo Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định Phạm Anh Tuấn, kinh tế báo chí là một vấn đề cấp thiết cần có lời giải đáp để báo chí Việt Nam phát triển. Đặc biệt giải được bài toán kinh tế báo chí cũng giúp cho báo chí các địa phương từng bước tự chủ tài chính, có bước phát triển đột phá nhằm thực hiện tốt vai trò, chức năng báo chí cách mạng Việt Nam; là tiếng nói của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân địa phương.

Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định chia sẻ, gỡ khó cho bài toán kinh tế báo chí của địa phương, tỉnh Bình Định đang ưu tiên dành nhiều nguồn lực, tăng ngân sách chi cho hoạt động truyền thông, đặc biệt là hoạt động truyền thông chính sách, tập trung truyền thông các nhiệm vụ chính trị, thông tin tuyên truyền thiết yếu của địa phương theo cơ chế hợp tác truyền thông… để hỗ trợ cho các cơ quan báo chí.

Phát biểu tại diễn đàn, Thứ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Thanh Lâm cho rằng đây là một trong các hoạt động nằm trong khuôn khổ dự án “Phát triển báo chí Việt Nam giai đoạn 2020 – 2024” và chương trình công tác năm 2023 của Bộ TT&TT, góp phần thực hiện tốt vai trò trong việc xây dựng khát vọng về một Việt Nam hùng cường và vươn cao.

“Trước xu hướng sụt giảm doanh thu của các cơ quan báo chí, chúng ta còn lúng túng trong việc suy nghĩ giải pháp để tháo gỡ khó khăn. Điều này có một phần trách nhiệm từ phía cơ quan quản lý trong việc tháo gỡ các cơ chế chính sách chưa đủ nhanh và kịp thời. Diễn đàn Kinh tế báo chí năm 2023 sẽ là cơ hội chia sẻ cách làm hay, kinh nghiệm tốt để chúng ta tiến về phía trước với tinh thần lạc quan”, ông Nguyễn Thanh Lâm thông tin.

Chuyển đổi số giúp đa dạng hóa nguồn thu, tăng sức cạnh tranh cho báo chí
Nhiều đại biểu là lãnh đạo các cơ quan báo chí tham dự Diễn đàn. Ảnh: TTXVN

Tại diễn đàn, các đại biểu đã trao đổi, đánh giá về thực trạng kinh tế báo chí; nguồn thu, hoạt động kinh tế trong các cơ quan báo chí hiện nay; chia sẻ những khó khăn, vướng mắc của các cơ quan báo chí trong việc thực thi chính sách liên quan tới cơ chế tài chính, cơ chế tự chủ; chia sẻ một số mô hình kinh tế báo chí và gợi mở cho hoạt động kinh tế báo chí ở nước ta.

Bên cạnh đó, các đại biểu đưa ra một số giải pháp cho kinh tế báo chí như: “chuyển đổi số báo chí” nhằm tạo ra một tòa soạn/tổ hợp báo chí hội tụ đa phương tiện, kết nối thuận tiện với độc giả, đảm bảo vai trò trụ cột trong định hướng thông tin và dư luận xã hội; chuyển đổi số gắn với phát triển kinh tế số, đa dạng hóa nguồn thu, tăng sức cạnh tranh của cơ quan báo chí với các nền tảng xuyên biên giới.

Các đại biểu cũng nhấn mạnh vai trò của công nghệ đối với kinh tế báo chí như: thu hút thêm lượng truy cập, giữ chân độc giả, tăng doanh thu quảng cáo và phát triển thêm các mảng doanh thu khác. Ngoài ra, Nhà nước cần có “cơ chế đặt hàng” báo chí trong việc truyền thông chính sách. Đây sẽ là một trong những phương thức thúc đẩy kinh tế báo chí trong thời gian tới, giúp cơ quan báo chí vừa tăng được doanh thu, vừa thực hiện tốt chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước.

P.Ngân

Nguồn: Báo lao động thủ đô

Bạn cũng có thể thích