Chơi phường, hụi online: “Sóng ngầm” trên không gian ảo

Từ “sóng ngầm” trên không gian mạng

Dạo qua một số trang mạng xã hội (MXH) như Facebook, Zalo, không khó để bắt gặp những lời quảng cáo, mời gọi thành viên tham gia các phường, hụi, họ online với những lời “có cánh” như: Không khuất tất thông tin, không hội viên ảo, không trì hoãn ngày giao, không ưu tiên người thân, bàn bè, minh bạch, uy tín… Các hội phường online cũng rất đa dạng, từ các hội nhỏ với chỉ 10 – 20 thành viên thành viên cho đến những hội nhóm lớn có số thành viên lên đến vài chục hay vài trăm người. Điều đáng nói, nhiều hội viên tham gia các nhóm phường online không hề quen biết nhau, mọi hình thức giao dịch, thanh toán đều thông qua tài khoản ngân hàng và uy tín được kiểm chứng bằng “lòng tin” từ các thành viên với chủ phường.

Chơi phường, hụi online: “Sóng ngầm” trên không gian ảo
Hội phường online được giao rầm rộ trên các trang MXH.

Thông báo công khai trên Facebook, trang Hụi online Happy với số lượng thành viên theo dõi lên đến hơn 13.000 người, trang này đăng tải lời giới thiệu mời chào thành viên: Nghe nói bạn đang muốn tiết kiệm sinh lời; nếu bạn có “vốn nhàn dỗi” nhưng lại không giỏi kinh doanh mà lại muốn tiền sinh lời mỗi ngày. Thật tình cờ… Hụi Happy có dây hụi VIP đang chờ bạn tham gia. Cùng với những lời cam kết “có cánh”, trang này còn đăng công khai các mức góp phường và lãi suất khi thành viên tham gia, cụ thể như: Hội 15 ngày/3 triệu đồng (gồm 25 chân); hội 1 tháng/3 – 5 triệu đồng (gồm 20 chân); đặc biệt, với hội VIP 1 tháng/10 triệu đồng, các thành viên tham gia sẽ được sinh lời 1,3 triệu đồng.

Không chỉ có các hội phường online lớn, không khó để bắt gặp những tài khoản cá nhân đăng tải thông tin mời gọi thành viên tham gia hội phường online. Đơn cử như tài khoản có tên Gia Nguyễn thông tin, phường sẽ được mở vào ngày 20/2, số tiền tham gia nhóm sẽ bao gồm các mức từ 2 – 10 triệu đồng. Điều khoản khá đơn giản, người chơi phải có sổ hộ khẩu, căn cước công dân chứng minh nhân thân; nếu chơi ở mức từ 5 triệu đồng/tháng trở lên thì phải sao kê thu nhập, chứng minh mỗi tháng kiếm được gấp đôi số tiền tham gia…

Từ những khảo sát trên cho thấy, bên cạnh rất nhiều thành viên mới với mong muốn tham gia các hội phường online để kiếm lời thì cũng không ít người đã chịu tác động, bị ảnh hưởng bởi niềm tin của những người thân, bạn bè khi được mời gọi cùng tham gia. Qua đó, tạo thành những “sóng ngầm” len lỏi vào từng người, từng nhà thông qua MXH.

Chị Hồng Thanh (ở quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) chia sẻ, 2 năm trước qua một người quen, chị tham gia vào các dây phường online với chủ phường tên Bích. Thời gian đầu, do cần vốn để xoay sở kinh doanh nên chị Thanh tham gia rất nhiều hội phường với những mức tiền, thời gian khác nhau và cũng không có nghi ngờ gì. Nhưng từ khi có thông tin đăng tải trên các phương tiện truyền thông về việc bị vỡ phường, lừa đảo,… chị Thanh đã hạn chế lại mức độ chơi và giờ chỉ chơi một hội phường duy nhất là những người thân quen.

…Đến việc nếm “trái đắng”

Thủ tục tham gia đơn giản, hình thức dễ chơi, dễ kiếm tiền nhưng luôn tiềm ẩn nhiều nguy cơ với người chơi phường online. Theo chị Thanh, những người chơi phường online thường bị các chủ phường “thao túng” tâm lý, thậm chí, họ bị các chủ phường sử dụng “chim mồi” để “đấu phường”. Trong đó, chủ phường liên tục quảng cáo lãi suất cao, rút phường muộn lãi suất lớn, hay việc “đấu giá” để được nhận tiền sớm. “Ví dụ, người chơi phường ngày ở mức 1 triệu đồng/ngày, nếu đấu giá 120 nghìn đồng, thì các thành viên khác chỉ phải đóng 880 nghìn đồng/ngày, còn người cần rút phường sớm thì phải đóng đủ 1 triệu đồng/ngày,… cũng chính vì lòng tham này mà nhiều người đã bị bùng phường, hay chủ phường ôm tiền rồi bỏ trốn”, chị Thanh cho hay.

Không cảnh giác như chị Thanh, chị Bích Thủy (ở quận Hà Đông, Hà Nội) kể, năm 2022, chị dành dụm được một số tiền nhỏ. Đang loay hoay tìm kiếm kênh đầu tư thì chị Thủy được một người bạn rủ tham gia hội phường online. Giấu chồng, chị Thủy tham gia hội phường cùng người bạn thân với mức 3 triệu đồng/tháng, hội nhóm 30 người. Theo bốc thăm lượt nhận, chị Thủy là người nhận tiền phường thứ 11. Tuy nhiên, mới tham gia được 8 tháng thì chủ phường “ôm” tiền bỏ trốn khiến chị Thủy mất hết số tiền đã đóng. Thực tế, không ít các chủ phường đã ôm tiền bỏ đi và tuyên bố “vỡ phường” rồi để lại sự lo lắng, khủng hoảng cho các thành viên tham gia. Đây chỉ những ví dụ điển hình, với phường online người dân hãy tỉnh táo.

Dưới góc độ pháp luật, luật sư Hoàng Văn Sản – Công ty Luật TNHH Tùng Sơn cho hay, căn cứ theo Điều Điều 16 Nghị định 144/2021/NĐ-CP ngày 31/12/2021 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh trật tự, an toàn xã hội; phòng chống tệ nạn xã hội… mức xử phạt cao nhất cho hành vi tổ chức phường để cho vay lãi mà mức lãi suất vượt 20% theo quy định thì sẽ bị xử phạt 20 triệu đồng. Ngoài ra, nếu chủ phường có hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản, thì căn cứ Điều 174 Bộ luật Hình sự, mức xử phạt cao nhất là 100 triệu đồng, phạt từ từ 12 – 20 năm tù hoặc tù chung thân.

Tuấn Minh

Nguồn: Báo lao động thủ đô

Bạn cũng có thể thích