Chính phủ nêu 5 định hướng để DNNN thúc đẩy tăng trưởng kinh tế
Văn phòng Chính phủ ban hành Thông báo số 319 ngày 12/7/2024 kết luận của Thủ tướng Chính phủ tại Hội nghị Thủ tướng Chính phủ làm việc với doanh nghiệp Nhà nước (DNNN) tham gia đóng góp, thúc đẩy tăng trưởng, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế.
Thông báo nêu rõ, Đảng, Nhà nước và Chính phủ luôn quan tâm, đặc biệt chú trọng việc phát triển khu vực DNNN – khu vực có tỉ trọng đóng góp lớn đối với các mục tiêu phát triển kinh tế – xã hội, thúc đẩy tăng trưởng, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế, làm tốt công tác an sinh xã hội.
Đến hết tháng 5/2024, giá trị thực hiện đầu tư hợp nhất của 19 tập đoàn, tổng công ty lớn đạt trên 76.000 tỷ đồng, bằng 38% kế hoạch năm và 120% so với cùng kỳ năm 2023.
Bên cạnh các kết quả đạt, hoạt động của các DNNN còn nhiều hạn chế, tồn tại như hoạt động sản xuất, kinh doanh của DNNN nói chung chịu nhiều tác động bất lợi của bối cảnh khách quan, xung đột, đứt gãy các chuỗi cung ứng, nguyên vật liệu đầu vào luôn biến động, có doanh nghiệp thua lỗ, một số tập đoàn, tổng công ty không đạt chỉ tiêu kế hoạch đề ra.
Khu vực DNNN nhìn chung còn tồn tại những chậm trễ, vướng mắc về thể chế, dẫn tới mất cơ hội, giảm hiệu quả hoạt động, chưa thể hiện rõ vai trò dẫn dắt, tạo động lực mở đường, thúc đẩy các thành phần kinh tế khác.
5 định hướng hoạt động
Thủ tướng Chính phủ đã đưa ra một số định hướng hoạt động cho khối DNNN.
Một là, luôn xác định rõ vai trò chủ đạo của kinh tế Nhà nước, DNNN là lực lượng quan trọng, nòng cốt đối với nhiệm vụ phát triển kinh tế – xã hội, thúc đẩy tăng trưởng, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm các cân đối lớn.
Các doanh nghiệp cần phát huy tinh thần tự chủ, tự chịu trách nhiệm, tinh thần sáng tạo, yêu nước, trách nhiệm của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động để thực hiện sứ mệnh cao cả này.
Tập trung chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, kinh tế tuần hoàn, sản xuất chip bán dẫn, hydorgen, phát triển trí tuệ nhân tạo (AI) bênh cạnh việc tăng trưởng truyền thống (đầu tư, xuất khẩu, tiêu dùng).
Hai là, triển khai hiệu quả các đề án cơ cấu lại, chiến lược phát triển, kế hoạch sản xuất kinh doanh và đầu tư phát triển hằng năm và 5 năm đã được phê duyệt.
Xử lý dứt điểm các vấn đề tồn đọng kéo dài, đẩy nhanh tiến độ đầu tư, hoàn thành các dự án dở dang, chậm tiến độ nhiều năm, thực hiện công tác quyết toán các dự án hoàn thành đúng thời hạn quy định.
Chiến lược đúng sẽ giúp doanh nghiệp vượt qua thách thức. Vì vậy, với kế hoạch sản xuất kinh doanh và đầu tư phát triển hằng năm và 5 năm, các doanh nghiệp cần chủ động xây dựng lộ trình chi tiết, cụ thể ngắn hạn, trung hạn, dài hạn, tích cực triển khai thực hiện nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm để phấn đấu đạt toàn bộ các chỉ tiêu chủ chốt gồm doanh thu, lợi nhuận, nộp ngân sách Nhà nước, thu nhập bình quân của người lao động.
Ba là, chú trọng nâng cao hiệu quả hoạt động, sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp nhà nước một cách căn cơ, bài bản, toàn diện, bền vững thông qua đổi mới, tối ưu hoá các phương thức sản xuất, hợp tác, công nghệ, quản trị, nhân sự…
Chú trọng đổi mới công tác cán bộ, nguồn nhân lực là then chốt của then chốt, tuyển dụng, thuê nguồn nhân lực chất lượng cao, xem xét thí điểm thuê các giám đốc điều hành nước ngoài, nhân sự lãnh đạo không phải là đảng viên; xây dựng cơ chế, chính sách đãi ngộ, tiền lương phù hợp.
Bốn là, đẩy nhanh tiến độ, nâng cao chất lượng, hiệu quả các dự án đầu tư phát triển của doanh nghiệp nhà nước để thúc đẩy các động lực tăng trưởng truyền thống, động lực tăng trưởng mới, nhất là kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn và thực hiện 3 đột phá chiến lược.
Năm là, ưu tiên hình thành, phát triển lực lượng doanh nghiệp dân tộc, doanh nghiệp quy mô lớn nhằm phát huy vai trò tiên phong trong một số ngành, lĩnh vực quan trọng có lợi thế cạnh tranh, khả năng dẫn dắt quá trình công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước.
Theo Người đưa tin
Nguồn: Báo doanhnghiepthuonghieu