Cẩn trọng với những mánh khóe lừa đảo mới!

Từ lừa đảo mua sắm tiêu dùng…

Đang bán hàng cho khách, chị Nguyễn Thị Thu, chủ một tiệm tạp hóa ở Kiến Hưng (Hà Đông, Hà Nội), nhận được đơn đặt hàng mua bánh kẹo, rượu, thuốc lá với tổng giá trị gần 30 triệu đồng của một người khách giới thiệu tên là Hùng qua số điện thoại di động và người này cho biết, anh là cư dân sinh sống tại tòa nhà chị Thu đang kinh doanh. Người khách tên Hùng yêu cầu chị Thu đóng quà vào thùng và chuyển đến cho Hùng tại sảnh của một Công ty lớn nằm ở tòa chung cư trên đường Tố Hữu (phường Mỗ Lao, Hà Đông).

Cẩn trọng với những mánh khóe  lừa đảo mới!
Các đối tượng lừa đảo thường nhắn tin trúng thưởng, giảm giá khuyến mại để dụ người tiêu dùng.

Nhận được đơn hàng, chị Thu vội vàng sắp xếp đồ đạc, đóng thùng và chở hàng đến địa chỉ theo hướng dẫn của khách. Đến sảnh Công ty, chị Thu tiếp tục liên lạc với số điện thoại của người tên Hùng và được người này hướng dẫn gửi hàng hóa cho bảo vệ ở sảnh tòa nhà sẽ có người xuống nhận, đồng thời yêu cầu chị Thu cứ về trước rồi nhắn số tài khoản Hùng sẽ chuyển tiền thanh toán.

“Nghi ngờ bị lừa đảo, tôi liền lấy số điện thoại của khách check trong danh sách bạn bè ở Zalo xem mặt mũi có quen hay không, thì số điện thoại chặn tìm kiếm nên không có thông tin. Lúc này tôi mới gọi điện lại để xác nhận thông tin lần nữa và cũng để nhắn vị khách này kết nối Zalo để tôi liên lạc, nhưng số điện thoại của người khách tên Hùng không bắt máy. Tôi gọi đến lần thứ 3 thì thuê bao không liên lạc được… Lúc này tôi nghĩ mình đã bị lừa, dù bực bội vì mất thời gian nhưng vẫn may mắn là chưa bị mất tiền. Trở về nhà kể lại với một số bạn bè, bạn hàng tôi mới biết đây là thủ đoạn lừa đảo mới và nhiều người vì tin tưởng đã mất tiền oan”, chị Thu chia sẻ.

Còn chị Đặng Thanh Nga ở Khu đô thị Thanh Hà (Cự Khê, Thanh Oai, Hà Nội), một nạn nhân của hình thức lừa đảo nói trên kể, chị có nhu cầu sửa sang lại cửa hàng spa để phục vụ khách hàng dịp Tết, nhưng vì “lười” ra cửa hàng lựa chọn sản phẩm và tin tưởng vào lời chào mời khuyến mại, giảm giá sản phẩm trên trang mạng xã hội Facebook, chị Nga liền đặt mua 3 chiếc bàn massage qua số điện thoại hotline trên một trang Facebook chuyên về đồ dùng, sản phẩm làm đẹp, với tổng giá trị 11 triệu đồng.

Sau khi đặt hàng, chị Nga được “chủ shop” yêu cầu chuyển tiền đặt cọc trước 3 triệu đồng. Tuy nhiên, sau một hồi thương lượng, “chủ shop” đồng ý cho chị Nga chuyển tiền đặt cọc 2 triệu đồng, số tiền còn lại sẽ thanh toán sau khi hàng được chuyển đến và lắp đặt hoàn chỉnh và 2 ngày sau sẽ chuyển hàng đến. “Đếnngày hẹn, tôi đợi từ sáng đến chiều mà không thấy có nhân viên liên hệ đến giao hàng, nóng lòng, tôi liền gọi đến số hotline mà mình đã trao đổi 2 hôm trước, nhưng thuê bao không thể liên lạc. Đến lúc này tôi mới biết mình bị lừa và đành ngậm ngùi ra tận cửa hàng để lựa chọn sản phẩm”, chị Nga cho hay.

… Đến lừa đảo qua giao dịch với ngân hàng

Có thể thấy, bên cạnh các thủ đoạn lừa đảo như mạo danh các thương hiệu, cơ quan nhà nước nhắn tin SMS thông báo trúng thưởng; hình thức lừa đảo “việc nhẹ lương cao”; gọi điện thoại cho nạn nhân, thông báo vi phạm pháp luật và yêu cầu chuyển khoản; các đối tượng lừa đảo còn sử dụng nâng cấp lên Sim 4G hay 5G để lừa lấy số điện thoại của nạn nhân, nhằm chiếm đoạt thông tin tài khoản và tài sản; giả mạo email của ngân hàng, ví điện tử, tổ chức uy tín để uy hiếp, đe dọa lừa tiền nạn nhân; lập sàn đầu tư tiền ảo, đầu tư đa cấp, đầu tư nhị phân, đầu tư Forex để lừa đảo chiếm đoạt tài sản…

Phương thức của các đối tượng lừa đảo thường là dẫn dụ nạn nhân thông qua các trang mạng xã hội, zalo… thậm chí, nhiều đối tượng giả mạo đầu số tổng đài ngân hàng, nhắn tin SMS gửi tin nhắn có nội dung thông báo về việc thanh toán dịch vụ, hoặc yêu cầu khách hàng truy cập vào đường dẫn (link) giả mạo gần giống với website của ngân hàng; hoặc mạo danh nhân viên ngân hàng để cho vay tiền online, mời rút tiền từ thẻ tín dụng đang diễn ra ngày càng thường xuyên. Đặc biệt, lợi dụng tình hình dịp lễ Tết sắp tới, tâm lý người dân cần tiền để mua sắm, các đối tượng sẽ thực hiện hành vi lừa đảo thông qua việc nâng cấp thẻ tín dụng…

Sau khi được nạn nhân đồng ý, đối tượng lừa đảo sẽ gửi cho nạn nhân một đường link để cung cấp thông tin cá nhân như: Căn cước công dân (CCCD), thông tin thẻ, ảnh chụp mặt trước mặt sau của thẻ ngân hàng. Khi lấy hết đầy đủ thông tin, từ hình ảnh CCCD và thẻ, đối tượng lừa đảo sẽ thực hiện mua sắm trên các nền tảng thương mại điện tử Tiki, Shopee, Lazada… Sau đó cố gắng tìm mọi cách rút hết số tiền trong thẻ. Với hình thức lừa đảo này, nhiều trường hợp ghi nhận, nạn nhân có những người đã mất từ vài chục đến vài trăm triệu đồng.

Cảnh báo về hình thức lừa đảo trên, Thượng tá, Tiến sĩ Đào Trung Hiếu (chuyên gia tội phạm học) cho rằng, phương thức lừa đảo của các đối tượng qua hình thức tin nhắn SMS giả đầu số của các ngân hàng thường là cài cắm các thông tin hấp dẫn như thông báo trúng thưởng, hay nâng cấp hệ thống nền tảng, nhất là báo tin tài khoản của khách hàng đang có dấu hiệu bị tấn công để tạo ra tâm lý sợ hãi… Mục tiêu của chúng là yêu cầu “con mồi” truy cập vào đường link dẫn đến một website có giao diện y chang như trang web chính thức của ngân hàng, chỉ khác một hoặc một số ký tự trên đường dẫn.

Bên cạnh đó, ông Hiếu lưu ý, các ngân hàng sẽ không gửi tin nhắn SMS đi kèm các đường link đăng nhập dịch vụ Digibank. Do đó, các tin nhắn có đường link đăng nhập dịch vụ đều là giả mạo. Ngoài ra, người dân tuyệt đối không được để lộ, hoặc cung cấp, điền thông tin mã OTP, số tài khoản, số thẻ tín dụng… vào những website lạ, không rõ nguồn gốc. Cùng đó, người dân cũng không nên cài đặt các ứng dụng chưa được xác thực; không cho mượn hoặc cho thuê thông tin cá nhân để mở thẻ, tài khoản ngân hàng.

Trường hợp trót bấm vào đường link và bị lộ thông tin, chuyên gia Đào Trung Hiếu cho biết, người dân cần khóa dịch vụ Digibank khẩn cấp bằng tin nhắn với cú pháp do bộ phận chăm sóc khách hàng của ngân hàng đó cung cấp, hoặc đến các điểm giao dịch (trong giờ hành chính) để được hỗ trợ.

Đỗ Đạt

Nguồn: Báo lao động thủ đô

Bạn cũng có thể thích