Cách thức lực lượng cứu hộ tìm kiếm người sống sót sau động đất
Cách thức lực lượng cứu hộ tìm kiếm người sống sót sau động đất
Hiện tại không có ước tính về số người mất tích sau trận động đất ở Maroc, nhưng các đội cứu hộ đang chạy đua với thời gian để tìm kiếm người sống sót có thể vẫn còn bị mắc kẹt dưới đống đổ nát.
Ít nhất 2.600 người được xác nhận đã thiệt mạng sau trận động đất có độ lớn 6,8 xảy ra ở Maroc hôm 8/9, khiến đây trở thành thảm họa kinh hoàng nhất ở nước này trong hơn sáu thập kỷ.
Ngay sau thảm họa, nhiều quốc gia đã đề nghị gửi viện trợ và đội cứu hộ tới Maroc và cho đến nay nước này đã chấp nhận sự giúp đỡ từ Tây Ban Nha, Anh, Qatar và Các Tiểu Vương quốc Arab Thống nhất (UAE).
Theo Reuters, hiện tại không có ước tính nào về số người mất tích, nhưng các đội cứu hộ đang chạy đua với thời gian để tìm kiếm những người sống sót có thể vẫn còn bị mắc kẹt dưới đống đổ nát.
Frank Infante, chuyên gia thuộc Sở Cứu hỏa Los Angeles, người từng tham gia hoạt động cứu hộ tại thành phố Adiyaman của Thổ Nhĩ Kỳ sau thảm họa động đất vào tháng Hai, cho biết: “Tất nhiên, khả năng sống sót giảm dần khi thời gian trôi qua, nhưng chúng tôi luôn hy vọng. Ở Haiti [sau trận động đất năm 2010], chúng tôi tìm thấy người sống sót 10 ngày sau thảm họa. Còn hy vọng thì chúng tôi vẫn tiếp tục nỗ lực cứu người.”
Tuy nhiên, việc tìm ra những người sống sót sau động đất là một thách thức. Mỗi thảm họa động đất đều đặt ra những khó khăn riêng.
Bước quan trọng đầu tiên: Phối hợp
Việc triển khai đội tìm kiếm cứu nạn sau thảm họa như động đất rất phức tạp. Về cơ bản, các đội phải có khả năng tự túc trong khoảng ba tuần.
Khi nhóm của Infante được triển khai tới Thổ Nhĩ Kỳ, họ đã mang theo 68 tấn vật tư như máy phát điện, dụng cụ, lều trại và thiết bị lọc nước; tất cả những gì họ cần là tiếp cận với nguồn nước, nhiên liệu và gỗ để xây dựng các kết cấu hỗ trợ.
Khi các đội cứu hộ đến hiện trường, họ phải làm việc với chính quyền địa phương để tìm hiểu mức độ tàn phá và thảo luận về cách thực vận dụng tốt nhất các kỹ năng của mình.
Sử dụng các công cụ như máy bay không người lái hay chỉ bằng cách lái xe và đi bộ xung quanh, họ định hình khu vực bị tàn phá và cố gắng xác định nơi có nhiều khả năng tìm thấy những người sống sót nhất.
Sau đó, cùng với những nhóm cứu hộ và tình nguyện viên địa phương, họ bắt tay vào công việc khó khăn là tìm kiếm người sống sót dưới đống đổ nát.
Tìm kiếm khoảng trống là chìa khóa
Tâm chấn của trận động đất ở Maroc nằm ở vùng núi High Atlas, cách Marrakesh, một trong những thành phố lớn nhất và lâu đời nhất của Maroc, khoảng 72km về phía Tây Nam.
Nhiều tòa nhà ở các ngôi làng thuộc vùng núi High Atlas được làm bằng gạch bùn theo kiểu truyền thống. Khi trận động đất xảy ra, những viên gạch này về cơ bản đã vỡ vụn.
Ở Marrakesh, nơi tập trung nhiều tòa nhà và người dân, các tòa nhà cổ đã bị hư hại. Nhưng nhiều tòa nhà hiện đại hơn dường như vẫn tương đối nguyên vẹn.
Liệu con người có sống sót được hay không và tồn tại được bao lâu, phụ thuộc rất lớn vào vật liệu của tòa nhà.
Joseph Barbera, Giáo sư tại Viện Quản lý Khủng hoảng, Thảm họa và Rủi ro của Đại học George Washington, cho biết sau thảm họa, “các kỹ sư kết cấu đánh giá tòa nhà để tìm kiếm cái mà chúng tôi gọi là không gian trống có thể sống sót.”
Những khoảng trống đó là nơi một người dưới đống đổ nát có thể tìm thấy không khí để thở. Trong các tòa nhà làm bằng bêtông cốt thép, các khoảng trống thường được tạo ra ở các khoảng trống giữa các mảng gạch vụn.
Nhưng ở Maroc, tình hình có thể khác. Theo Reuters, gạch bùn, đá và gỗ được sử dụng để xây dựng những ngôi nhà truyền thống ở vùng núi High Atlas nhiều khả năng đã bị vỡ vụn, lấp đầy mọi khoảng trống và chôn vùi những người bị mắc kẹt bên dưới.
Đội cứu hộ sử dụng một số công cụ để tìm khoảng trống, chẳng hạn như thiết bị có thể phóng đại âm thanh từ những người sống sót hoặc camera có thể nhìn xuyên qua các khe nứt trong đống đổ nát (máy hồng ngoại không hữu ích ở nhiều thành phố vì lượng lớn bêtông cốt thép làm cản dấu hiệu nhiệt).
Đôi khi, những người sống sót thậm chí có thể sử dụng điện thoại để gọi điện hoặc nhắn tin yêu cầu trợ giúp, mặc dù điều này có thể gây nhầm lẫn nếu tháp di động bị sập do động đất khiến tin nhắn văn bản chỉ có thể gửi đi sau hàng giờ hoặc thậm chí nhiều ngày. Điều này làm cho lực lượng cứu hộ không rõ tới thời điểm nhận tin thì người gửi tin còn sống hay không.
Nhưng theo Infante, công cụ quan trọng nhất không phải là những thiết bị công nghệ mà là những chú chó cứu hộ đã được huấn luyện đặc biệt để di chuyển qua đống đổ nát và đánh hơi những người sống sót.
Hoạt động giải cứu sau động đất thường xoay quanh việc phân loại – tập trung các nguồn lực vào nơi có nhiều khả năng giải cứu thành công những người sống sót nhất.
Điều tương tự cũng xảy ra với những chú chó nghiệp vụ, chúng được triển khai đến bất cứ nơi nào có báo cáo đáng tin cậy về những người sống sót trong tòa nhà, chẳng hạn như có tiếng la hét cầu cứu để thu hút sự chú ý của người bên ngoài.
Cũng giống như các chuyên gia cứu hộ, những chú chó được huấn luyện đặc biệt để đi trên những bề mặt không ổn định. Sau khi những chú chó báo hiệu tìm thấy người sống sót, lực lượng cứu hộ sẽ bắt tay vào việc giải cứu.
Đưa người sống sót ra khỏi đống đổ nát là công việc cẩn trọng
Việc cứu người sống sót ra khỏi những tòa nhà bị sập đi kèm với rất nhiều nguy hiểm. Đầu tiên, các chuyên gia về vật liệu nguy hiểm và kỹ sư kết cấu đánh giá liệu lực lượng cứu hộ có thể đào bới an toàn hay không.
Nếu có nguy cơ sụp đổ thêm, trước tiên các đội có thể xây dựng các trụ đỡ kết cấu bằng gỗ để các nhân viên cứu hộ không vô tình bị mắc kẹt hoặc vật liệu đổ xuống những người mà họ đang cố gắng cứu ra ngoài.
Sau khi xác nhận an toàn, lực lượng cứu hộ sẽ bắt đầu đào bới bằng các công dụng cầm tay như cưa máy, cuốc và búa tạ – máy móc hạng nặng có nguy cơ làm dịch chuyển quá nhiều đống đổ nát cùng một lúc, điều này có thể ảnh hưởng đến không gian trống.
Khi tiếp cận được một người sống sót, đôi khi đội cứu hộ phải bắt đầu chăm sóc y tế ngay cả trước khi đưa họ ra ngoài.
Những người sống sót thường phải trải qua hàng giờ với các bộ phận cơ thể bị mắc kẹt dưới đống đổ nát và những người bị chấn thương do chèn ép có nguy cơ mắc phải hội chứng đè nén, có thể gây suy nội tạng khắp cơ thể trong vòng vài phút sau khi được giải cứu.
Hội chứng đè nén gây chết người một cách âm thầm – và rất dễ bị bỏ qua – bởi vì nó chỉ xuất hiện khi vật thể đè lên người đó được nhấc ra khỏi cơ thể.
Việc lấy vật chèn ép ra một cách đột ngột sẽ khiến máu lưu thông vào tứ chi của nạn nhân, đồng thời lượng oxy và chất độc vận chuyển đột ngột có thể khiến cơ thể bị quá tải, đặc biệt là thận.
Nếu một người mắc hội chứng bị đè nén không được chăm sóc y tế ngay lập tức, ban đầu họ có thể trông ổn định, thậm chí mỉm cười và nói chuyện với người cứu hộ. Nhưng ngay sau đó, tình hình nhanh chóng trở nên xấu đi và thậm chí họ có thể tử vong.
Tại Maroc, lực lượng cứu hộ vẫn đang tìm kiếm những người sống sót và họ sẽ tiếp tục làm việc với các tình nguyện viên địa phương và những người phản ứng đầu tiên để tìm kiếm những người sống sót trong thời gian được yêu cầu.
Chính phủ Maroc sẽ thông báo khi nào nên ngừng tìm kiếm người sống sót và có nên chuyển trọng tâm sang tìm kiếm các thi thể hay không. Cho đến lúc đó, nhiệm vụ của các đội cứu hộ vẫn là tiếp tục tìm kiếm./.
Nguồn: Báo Môi Trường và Đô Thị