Cách Nhật Bản kéo giảm tai nạn giao thông thần kỳ

Cách Nhật Bản kéo giảm tai nạn giao thông thần kỳ

Nhật Bản ghi nhận 2.610 người tử vong vì TNGT trong năm 2022, đánh dấu mức thấp kỷ lục trong 6 năm liên tiếp và là mức thấp nhất kể từ năm 1948.

Nhìn mức độ an toàn giao thông tại Nhật hiện nay, không ai nghĩ, khoảng đầu những năm 70 của thế kỷ XX, đất nước này phải đối mặt với tỷ lệ tử vong vì tai nạn giao thông cao hơn cả người tử vong vì chiến tranh.

Từ “chiến tranh giao thông” đến an toàn nhất thế giới

Cách Nhật Bản kéo giảm tai nạn giao thông thần kỳ 1
Ngã tư Shibuya nổi tiếng tại trung tâm Thủ đô Tokyo, Nhật Bản

Theo số liệu thống kê mới nhất được công bố đầu năm 2023, Nhật Bản ghi nhận 2.610 người tử vong vì TNGT trong năm 2022, đánh dấu mức thấp kỷ lục trong 6 năm liên tiếp và là mức thấp nhất kể từ năm 1948 – năm đầu tiên dữ liệu về TNGT bắt đầu được thống kê.

Tính trung bình, tỷ lệ người tử vong vì TNGT tại Nhật Bản là 2,24/100.000 người, bằng khoảng 1/5 so với tỷ lệ của Mỹ (12,7/100.000 người) và là mức thấp nhất trong thời gian từ năm 1948.

Trong đó, theo nghiên cứu của Viện Nguồn lực thế giới, Thủ đô Tokyo của Nhật Bản được đánh giá nằm trong top những thành phố an toàn nhất thế giới.

Nhưng nếu nhìn lại lịch sử, không ai nghĩ an toàn giao thông Nhật Bản lại đạt được thành tựu này nếu không có cuộc cách mạng toàn diện.

Khoảng những năm 60 của thế kỷ XX, nền kinh tế Nhật Bản bùng nổ, tỷ lệ ô tô tăng nhanh, hàng triệu người tham gia giao thông nhưng còn thiếu kinh nghiệm, ý thức tuân thủ luật chưa cao nên tỷ lệ tử vong hàng năm vì TNGT cao gấp 6 lần so với hiện nay.

Tình trạng này nguy hiểm đến mức các nhà quan sát Nhật Bản phải ví như “chiến tranh giao thông”, số người thiệt mạng trên đường mỗi năm còn cao hơn số người tử vong vì trong chiến tranh Trung – Nhật lần thứ 1 vào năm 1894 – 1895.

Chìa khóa tàu cao tốc

Cách Nhật Bản kéo giảm tai nạn giao thông thần kỳ 2
Hệ thống đường sắt đồng bộ, có tính kết nối cao tại Nhật Bản giúp người dân di chuyển dễ dàng mà không cần sử dụng phương tiện cá nhân

Để trở thành quốc gia tiêu biểu cho thành công trong công tác đảm bảo an toàn giao thông, Nhật Bản đã áp dụng nhiều giải pháp hữu ích, nhưng đáng kể nhất là việc phát triển hệ thống tàu điện siêu tốc.

Nhật Bản đã ra mắt tàu cao tốc đầu tiên trên thế giới mang tên Shinkansen vào năm 1964, cải thiện đáng kể tần suất, tốc độ và mức độ đáng tin cậy của dịch vụ đường sắt.

Tuyến tàu liên thành phố chạy rất nhanh và có tần suất cao, đủ sức hấp dẫn người dân bỏ ô tô cá nhân, chuyển sang sử dụng tàu.

Thời điểm đó, mỗi giờ có 15 tàu rời Tokyo tới Osaka và hành trình dài 332 dặm này chỉ mất chưa tới 2,5 giờ. Trong khi đó, nếu sử dụng ô tô, thời gian di chuyển ít nhất 6 giờ.

Ngoài Shinkansen, Nhật Bản còn có hệ thống đường sắt đô thị liên tỉnh dày đặc kết nối các thành phố, thị trấn.

“Nếu bạn di chuyển cùng gia đình trong chặng đường dài bằng Shinkansen, chi phí sẽ cao hơn hơn dùng ô tô riêng nhưng nhiều người vẫn chọn vì hệ thống này rất phát triển”, ông Takashi Oguchi, Giáo sư tại Đại học Toyoko nhận định.

Tính đến năm 2019, hệ thống đường sắt Nhật Bản phục vụ lượng khách (tính trên số km) cao gấp 13 lần so với hệ thống đường sắt Amtrak của Mỹ dù dân số Mỹ cao hơn Nhật Bản 2,5 lần.

Hệ thống đường sắt đô thị ở Nhật Bản cũng được đánh giá rất ấn tượng. Với 285 tàu, hệ thống tàu điện của Thủ đô Tokyo vận chuyển số lượt khách mỗi ngày cao hơn hệ thống tàu điện ngầm của TP New York khoảng 2 lần.

Các thành phố nhỏ hơn cũng có dịch vụ đường sắt đô thị rất ấn tượng. Chẳng hạn, tại Fukuoka, thành phố 1,5 triệu dân ở phía Nam Nhật Bản, cứ vài phút lại có tàu điện ngầm chạy từ nhà ga chính của thành phố tới sân bay, mỗi chuyến dài 6 phút.

Khi đã có hệ thống tàu kết nối dày đặc, việc lái xe lúc này, với người dân Nhật Bản chỉ còn là một lựa chọn chứ không còn quá cần thiết.

“Vì diện tích đất tại Nhật rất hạn chế nên người dân có xu hướng sống ở các thành phố lớn như Tokyo, Osaka và Nagoya. Họ thường ít lái xe nhờ hệ thống vận tải công cộng đáng tin cậy, chuẩn xác đến từng giây đủ để phục vụ nhu cầu đi lại”, Giáo sư Oguchi nói.

Dịch vụ đường sắt tại Nhật Bản cũng nổi tiếng về an toàn, tàu cao tốc Shinkansen kể từ khi đi vào hoạt động đến nay chưa xảy ra tai nạn nghiêm trọng.

Nói không với đỗ xe bên đường

Không giống ở Việt Nam hay nhiều nước khác trên thế giới, các khu dân cư tại Nhật Bản không có tình trạng đỗ xe bên đường. Ở quốc gia này, mỗi chủ ô tô, trước khi mua xe phải có giấy chứng nhận ga-ra chứng minh họ đã chuẩn bị nơi đỗ xe qua đêm ở trong khu dân cư hoặc tại bãi đỗ xe để ngăn chặn tình trạng đỗ xe bên đường.

Do quy định này nên việc sở hữu một chiếc ô tô tại Nhật lại càng phức tạp và đắt đỏ hơn, khiến cho người có ý định mua xe cũng giảm bớt.

Bên cạnh đó, không có xe đỗ bên đường nên đường phố Nhật thân thiện với người đi bộ, nhất là các khu vực có các trung tâm thương mại, cửa hàng bán lẻ nhộn nhịp, trẻ em với tầm nhìn thấp dễ dàng quan sát đường phố hơn.

Một cách gián tiếp, chính sách này giúp kéo giảm tỷ lệ TNGT, khuyến khích người dân sử dụng xe đạp, đi bộ. Biện pháp này mới đây cũng được Philippines – một quốc gia đau đầu về tắc đường học tập.

Trong đó, quốc đảo Đông Nam Á đặt khẩu hiệu “Không ga-ra, không đăng ký xe”, yêu cầu người dân phải trình giấy chứng nhận có chỗ đỗ xe khi đăng ký phương tiện.

Tạo điều kiện cho xe ô tô siêu nhỏ

Một yếu tố nữa giúp giảm TNGT nghiêm trọng tại Nhật Bản là xu hướng chuộng dùng ô tô siêu nhỏ (kei car). Đây là loại xe rất nhỏ, nhẹ. Nhật Bản quy định cụ thể về kích thước, tốc độ của loại xe này đó là trọng lượng khoảng 2.400 pound (1.080kg), dài 130 inch (3.300mm).

Tại châu Âu, các loại xe siêu nhỏ chỉ xuất hiện ở thời hậu chiến nhưng với Nhật Bản, xu hướng này kéo dài tới hiện nay.

Sở dĩ vậy vì xe kei phù hợp để di chuyển trên những tuyến đường hẹp, hạn chế chỗ đỗ, giá cả phải chăng khoảng 10.000 – 20.000 USD và nếu được Chính phủ hỗ trợ, thường giảm còn vài nghìn USD.

Theo ông Oguchi, nhiều người sử dụng xe này cho mục đích sinh hoạt hàng ngày và hiếm khi dùng trên cao tốc.

Khoảng 1/3 xe mới bán ra tại Nhật Bản thuộc phân khúc xe kei. Từ góc độ an toàn, một số nghiên cứu đã chỉ ra, những người ngồi trong loại xe siêu nhỏ cũng an toàn như các loại xe kích thước lớn thông thường nhưng không gây ra lực mạnh nếu xảy ra va chạm.

Bên cạnh đó, trong khu vực đô thị, Nhật Bản giới hạn tốc độ thông thường là 40km/h. Hầu hết đường đô thị đều khá hẹp nên các tài xế về cơ bản luôn giữ tốc độ thấp.

Có thể thấy, để kéo giảm TNGT, Nhật Bản đã phải thực hiện một cách đồng bộ và quyết liệt một loạt giải pháp nâng cao chất lượng hạ tầng giao thông cho đến siết chặt quy định và nâng cao văn hóa giao thông.

Bên cạnh các giải pháp quan trọng, không thể không kể đến việc Nhật Bản là quốc gia có luật giao thông nghiêm ngặt hàng đầu thế giới. Chẳng hạn, đây là quốc gia có khung hình phạt nghiêm khắc bậc nhất về các tội liên quan đến uống rượu, bia và lái xe. Theo đó, với nồng độ cồn từ 0,15 mg/lít khí thở (tương đương 1 cốc bia), người điều khiển xe sẽ bị quy vào lỗi “lái xe trong điều kiện không tỉnh táo”.

Nguồn: Báo Môi Trường và Đô Thị

Bạn cũng có thể thích