Các sáng kiến mới tại nơi làm việc “Made in Vietnam”
Tại hội nghị, 05 sáng kiến đã được chia sẻ và thảo luận bao gồm: “Sổ tay số hóa Nội quy & tiêu chuẩn tại nơi làm việc bằng hình ảnh”; “Truyền thông nội bộ chính sách làm việc mới trên một trang giấy OPC”; “Công cụ đề xuất một sáng kiến tại nơi làm việc kèm phân tích Chi phí & lợi ích trên một trang giấy”; “Số hóa biểu mẫu ghi nhận ý kiến nhân sự để cải tiến liên tục dựa vào số liệu thực tế”; “Cẩm nang số hóa các nội dung mới nhất của Luật lao động 2019”.
Thảo luận về các sáng kiến trên, bà Trúc Huỳnh – Giám đốc Nhân sự tại Coca – Cola Việt Nam cho rằng, đó là các sáng kiến có giá trị, đảm bảo tính tinh gọn. Trước thực tế rất nhiều doanh nghiệp tại Việt Nam chỉ chú ý đến cắt giảm chi phí và cho rằng đó là giảm lãng phí, bà Trúc chỉ ra, đó là việc làm chưa hợp lý, tinh gọn phải làm “giảm lãng phí nhưng không giảm giá trị”.
Việc nhìn nhận về tinh gọn đang diễn ra cồng kềnh, hình thức, không tập trung vào giá trị và mục đích cốt lõi dẫn đến khoảng cách lớn từ mục tiêu đến hành động của cả doanh nghiệp và người lao động. Từ thực tế này, Respect Việt Nam và các đối tác như Fashion Garments, Esquel Việt Nam, Tessellation đã nghiên cứu, sáng tạo ra các bộ công cụ và đi đến thí điểm trực tiếp tại các nhà máy với số lượng hàng ngàn người lao động.
Nhân sự trong các doanh nghiệp trực tiếp tham gia vào xây dựng, tinh gọn nội dung, ngôn ngữ, thiết kế hình ảnh, màu sắc, ký tự nhằm số hóa các văn bản tại nơi làm việc. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp cũng thu thập các thông tin, ý kiến góp ý là dữ liệu đầu vào, phân tích một cách khoa học nhằm cải thiện quy trình, chính sách tại nơi làm việc.
Trong bối cảnh hội nhập, các doanh nghiệp Việt Nam đang tham gia chặt chẽ vào các chuỗi cung ứng toàn cầu và buộc phải tuân thủ yêu cầu của đối tác là các tiêu chuẩn về trách nhiệm xã hội, trong đó có các tiêu chuẩn về lao động. Các tiêu chuẩn lao động hướng đến tăng cường sự tham gia của người lao động, tiếp thu các ý kiến của người lao động. Tuy nhiên, tiêu chuẩn không có các công cụ nhằm gắn kết tư duy, nhận thức giữa người lao động và doanh nghiệp, dẫn đến mâu thuẫn khi các bên không nhận ra được lợi ích, đóng góp của nhau để đưa ra các quyết định đúng đắn về kinh doanh hay phúc lợi cho người lao động tại nơi làm việc.
Trước thực trạng trên, chuyên gia quốc tế đã từng làm việc tại Việt Nam như ông Jan Sunoo – chuyên gia của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO), ông Richard Fincher – Cố vấn cấp cao Viện Scheinman về Giải quyết tranh chấp, Đại học Cornell (Hoa Kỳ) đều chung nhận định rằng, các sáng kiến đưa ra tại hội nghị là những bước tiến vượt bậc tại Việt Nam, giải quyết được các vấn đề đang tồn tại và có thể trở thành tấm gương cho thế giới.
Tham dự hội nghị cũng có sự tham gia của đại diện Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội. Bà Trần Thị Thanh Hà – Trưởng ban Quan hệ lao động, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam khẳng định tính tiết kiệm, giảm lãng phí khi áp dụng các sáng kiến trên vào đào tạo, hướng dẫn, đảm bảo tính chính xác khi diễn giải pháp luật, nội quy lao động để người lao động và doanh nghiệp xóa đi khoảng cách, dễ đạt tiếng nói chung.
Ông Mai Đức Thiện, Phó Vụ trưởng, Vụ Pháp chế, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội cho rằng, đây là các sáng kiến có tiềm năng lớn, cần được tiếp tục thí điểm và nhân rộng tại nhiều doanh nghiệp, từ đó tạo nên các giá trị cụ thể, gắn kết người lao động và doanh nghiệp, giảm khoảng cách, sự đối lập về lợi ích.
Kết thúc hội nghị, các đại biểu tham gia bày tỏ nguyện vọng được sử dụng bộ công cụ và được tham gia các buổi hỗ trợ, chuyển giao công cụ trong chuỗi sự kiện The Know do Respect Vietnam và AmChamVietnam đồng chủ trì. Đại diện các doanh nghiệp mong muốn được học tập và áp dụng tại doanh nghiệp nhằm giải quyết tận cùng, triệt để và bền vững các vấn đề về mối quan hệ giữa người lao động và doanh nghiệp. Hội nghị đã nhận được sự quan tâm, tham dự của gần 100 đại diện đến từ các cơ quan, tổ chức, hiệp hội, doanh nghiệp,…
Nguồn: Báo doanhnghiepthuonghieu