Cả nước có khoảng 1,4 triệu thanh niên thất nghiệp

Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội vừa thông tin về tình hình lao động, việc làm quý I/2024. Đáng chú ý, tỷ lệ thiếu việc làm tăng so với quý trước và cùng kỳ năm trước, tuy nhiên tỷ lệ thất nghiệp giảm, theo quy luật thường thấy ở quý có Tết Nguyên đán.

Chú thích ảnh
Thanh niên tìm kiếm việc làm tại phiên giao dịch việc làm lưu động tổ chức tại các quận huyện Hà Nội.

Mặc dù vậy, tỷ lệ thất nghiệp của thanh niên vẫn còn cao. Cả nước có khoảng 1,4 triệu thanh niên không có việc làm (từ 15-24 tuổi) và không tham gia học tập, đào tạo (chiếm 11% tổng số thanh niên). Tỷ lệ này ở khu vực nông thôn cũng cao hơn khu vực thành thị (12,8% so với 8,3%).

Trong quý I, lực lượng lao động từ 15 tuổi trở lên của cả nước ước tính là 52,4 triệu người (giảm 137,4 nghìn người so với quý trước và tăng 175,8 nghìn người so với cùng kỳ năm trước).

Tỷ lệ tham gia lực lượng lao động là 68,5% (giảm 0,4 điểm phần trăm so với quý trước và so với cùng kỳ năm trước); lao động có việc làm ước tính là 51,3 triệu người (giảm 127 nghìn người so với quý trước và tăng 174,1 nghìn người so với cùng kỳ năm trước).

Thu nhập bình quân của lao động quý I/2024 là 7,6 triệu đồng/tháng, tăng 301.000 đồng so với quý IV/2023 và tăng 549.000 đồng so với cùng kỳ năm 2023.

Tuy nhiên, trong những tháng đầu năm 2024, vẫn có hiện tượng mất cân đối cung – cầu lao động cục bộ và có sự phát triển không đồng đều giữa các vùng miền, khu vực, ngành nghề kinh tế; cơ chế kết nối cung – cầu và tự cân bằng của thị trường còn yếu.

Chất lượng cung lao động còn nhiều bất cập, hạn chế, chưa đáp ứng cho cầu lao động của một thị trường lao động hiện đại, linh hoạt, bền vững và hội nhập. Tính đến nay, khoảng 37,8 triệu người lao động chưa qua đào tạo từ sơ cấp trở lên.

Để ổn định thị trường lao động, đại diện Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, cho biết, thời gian qua, Bộ vẫn tiếp tục chỉ đạo thực hiện đồng bộ các giải pháp phát triển thị trường lao động, nhằm duy trì lực lượng lao động ổn định, góp phần phát triển kinh tế, sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp.

Bộ cũng chỉ đạo các địa phương theo dõi chặt chẽ, nắm bắt tình hình sản xuất – kinh doanh, lao động, việc làm, nhất là của doanh nghiệp trong các khu công nghiệp, để kịp thời có phương án hỗ trợ doanh nghiệp khắc phục tình trạng thiếu hụt lao động.

Trong thời gian tới, Bộ sẽ tiếp tục tăng kết nối cung – cầu lao động trên thị trường, nhất là kết nối thị trường lao động các tỉnh, thành vùng kinh tế trọng điểm. Chú trọng giải quyết việc làm cho thanh niên, lao động trung niên, lao động yếu thế và lao động nữ.

Bên cạnh đó, thường xuyên theo dõi diễn biến của thị trường lao động để kịp thời chỉ đạo, hướng dẫn hệ thống Trung tâm Dịch vụ việc làm tăng cường tổ chức các hoạt động giao dịch việc làm, thông tin thị trường lao đông để kin thời hỗ trợ cho người lao động và doanh nghiệp…

Theo Báo Tin tức/TTXVN

Nguồn: Báo doanhnghiepthuonghieu

Bạn cũng có thể thích