Báo chí cần làm gì trước sự phát triển của mạng xã hội?

Đó là thông tin được đưa ra tại hội thảo “Vai trò của báo chí Liên hiệp Hội Việt Nam trước sự phát triển của không gian mạng” tổ chức bởi Liên hiệp các Hội khoa học và Kỹ thuật Việt Nam. Trước sự “tấn công” của các mạng xã hội, các cơ quan báo chí cần cùng nhau đoàn kết, tuyên truyền và định hướng thông tin chính thống, tin cậy để có sức cạnh tranh trên không gian mạng, đáp ứng nhu cầu thông tin ngày càng cao của các nhà khoa học, trí thức và bạn đọc cả nước.

z2882093843835_f6a03d2db3ca0e0ffe4381a72122a6db
Toàn cảnh cuộc hội thảo

Trong khuôn khổ buổi hội thảo, các đại biểu là những nhà báo đã cùng thảo luận những vấn đề ảnh hưởng từ sự phát triển thông tin trên không gian mạng, để có cái nhìn đúng đắn về không gian mạng và đưa ra những giải pháp để phát huy vai trò của báo chí.

Chia sẻ tại hội thảo, PGS.TS Phạm Quang Thao, Phó Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam cho biết, hệ thống báo chí của Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam đã luôn chú trọng thực hiện đúng tôn chỉ, mục đích và chấp hành đầy đủ các quy định hiện hành của Luật Báo chí 2016, Luật Xuất bản, pháp luật của Nhà nước.

Một trong những thế mạnh đặc biệt của báo chí trong hệ thống Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam là thông tin về khoa học và công nghệ, truyền thông phổ biến kiến thức khoa học và công nghệ, thúc đẩy các hoạt động nghiên cứu khoa học, ứng dụng và chuyển giao công nghệ, …

Cùng với sự hình thành và phát triển của không gian mạng, có thể nói khối lượng thông tin trên các mạng xã hội như Facebook, Youtube, Zalo, Instagram… lớn gấp nhiều lần báo chí. Thách thức lớn nhất mà báo chí gặp phải là chạy đua thông tin, đòi hỏi thông tin đăng tải trên báo chí phải nhanh, chân thực, chính xác và mang tính định hướng. Khi mạng xã hội ngày càng phát triển, mỗi người dân đều là một nhà báo, vừa là phóng viên vừa là tổng biên tập trang mạng của chính mình.

Để báo chí phát huy được vai trò của mình, theo nhà báo Vũ Tuấn Anh, Tổng biên tập Tạp chí Doanh nhân và Pháp lý, các cơ quan báo chí cần liên kết với nhau trong việc đưa tin bản quyền, dẫn tin của nhau, bắt tay nhau trong việc cùng chia sẻ nguồn tin, có cùng quan điểm về phát triển luồng thông tin, tuyến bài viết, đề tài triển khai.

Theo nhà báo Bùi Hoàng Tám (báo Dân trí), sự phát triển của không gian mạng biết tất cả mọi người đều có thể là “nhà báo”, do có một lực lượng “phóng viên” khổng lồ, có mặt mọi lúc mọi nơi. Trong đó, có không ít người là những chuyên gia trong một lĩnh vực nào đó. Trong khi đó, phóng viên của các tờ báo phải qua một quy trình kiểm duyệt. Mạng xã hội có lợi thế khi không chịu sự kiểm duyệt, được giật gân, câu khách. Thậm chí đưa tin không cần biết đúng sai.

Mạng xã hội có ưu thế rất lớn trong việc cung cấp thông tin, kết nối và lan tỏa. Bởi thế, các nhà báo cũng sử dụng mạng xã hội và có thể tận dụng mạng xã hội để marketing cho sản phẩm báo chí của mình. Nếu báo chí có thể đóng vai trò tạo nguồn thông tin chính thống thì mạng xã hội sẽ thúc đẩy việc lan tỏa với tốc độ cao. Nhờ mạng xã hội, báo chí cũng có thể tương tác với độc giả một cách nhanh chóng hơn là cách phát hành báo in truyền thống hay cạnh tranh với hàng triệu báo điện tử, trang tin điện tử hiện nay.

Với lợi thế này, các tờ báo thuộc Liên hiệp Hội cũng có thể sử dụng mạng xã hội để phổ biến kiến thức, tư vấn, phản biện và giám sát xã hội một cách hiệu quả.

Nguồn: Báo doanhnghiepthuonghieu

Bạn cũng có thể thích