Bài dự thi “Cùng giữ màu xanh của biển”: Thông điệp xanh cho môi trường biển

(TN&MT) – Việt Nam hiện đứng thứ tư trên thế giới về ô nhiễm rác thải biển, hàng năm, có khoảng 70% chất thải đổ ra biển có nguồn gốc từ đất liền. Ô nhiễm, suy thoái môi trường biển nước ta đang không ngừng tăng với tính chất và mức độ ô nhiễm ngày càng nghiêm trọng, gây ảnh hưởng trầm trọng tới môi trường sinh thái, sức khỏe và kinh tế – xã hội, khiến con người đối mặt với rất nhiều rủi ro về tác động của môi trường.

Rác thách thức môi trường biển

Các sự cố môi trường vẫn ngày càng tiếp tục gia tăng, nhiều vụ ảnh hưởng trên phạm vi rộng, diễn biến phức tạp, gây khó khăn cho công tác xử lý và khắc phục hậu quả. Theo số liệu thống kê chưa đầy đủ, từ năm 1989 đến nay, cả nước có hơn 100 vụ tràn dầu do tai nạn hàng hải, đổ ra biển từ vài chục đến hàng trăm tấn dầu; điển hình như sự cố tràn dầu tàu Formosa One xảy ra năm 2001 tại vịnh Gành Rái, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu. Bên cạnh đó, với trên 100 con sông, trong đó hơn 10 con sông đang ở mức độ ô nhiễm nặng như sông Cầu, sông Đáy, sông Thị Vải… đổ ra biển khiến nguy cơ ô nhiễm và suy thoái môi trường biển ở Việt Nam gia tăng, tính chất ngày càng nghiêm trọng, ảnh hưởng không nhỏ tới môi trường sinh thái và nhiều mặt của đời sống xã hội.

Công trình Thanh niên “Nói không với rác của Thành đoàn Vũng Tàu. Ảnh: Thư Kỳ

Tính đến năm 2019, Việt Nam đứng thứ 17 thế giới về xả chất thải rắn ra biển, với 13 triệu tấn/năm. Ô nhiễm không những làm mất vẻ đẹp của cảnh quan biển và trên bờ mà còn làm suy giảm các chất khoáng của đất, tàn phá hệ sinh thái tự nhiên ven biển, hải đảo, đồng thời làm nghèo kiệt các loài sinh vật.

Nguyên nhân gây ô nhiễm môi trường biển ở Việt Nam chủ yếu là do tác động của con người: một lượng lớn rác thải, chất thải từ hoạt động của con người đổ ra biển, sự phát triển của du lịch biển dẫn đến khai thác cạn kiệt nguồn tài nguyên, quá trình khai thác tài nguyên khoáng sản gây ô nhiễm môi trường biển, cơ chế quản lý lỏng lẻo trong bảo vệ môi trường biển và kiểm soát rác thải của các doanh nghiệp, xí nghiệp, nhà máy ven biển và các khu du lịch biển…

Thực trạng trên cho thấy, môi trường biển Việt Nam đang đứng trước những thách thức to lớn nếu chúng ta không có những giải pháp khắc phục kịp thời.

Giải pháp không chỉ dừng ở rác

Thử nghĩ xem, khi đang đứng cạnh thùng rác giữa nơi đông người, không có lý do gì bạn lại vứt rác ra ngoài môi trường, dĩ nhiên không loại trừ người quá thiếu ý thức. Vì vậy, cần xây dựng, thiết kế hệ thống thùng rác thân thiện, đầu tư mật độ dày, đảm bảo thùng rác có phân loại rác và phù hợp với cảnh quan bờ biển, phát triển loại thùng rác robot được lập trình di chuyển theo tuyến tiện lợi cho người dùng. Các thùng rác cần được làm sạch, làm vơi thường xuyên. Điều này đòi hỏi đội ngũ nhân viên làm công tác vệ sinh môi trường phải thực sự tận tụy, tận tình, trách nhiệm; bên cạnh đó, cần đầu tư những thiết bị thu gom rác, vận chuyển rác để hỗ trợ…

Những phao lưới ngăn rác ở các bãi tắm để đảm bảo vừa phân cách giới hạn tắm an toàn, vừa ngăn ngừa rác thải đổ ra biển hiện đang là một giải pháp mới nhưng khá hữu hiệu, kết hợp với đội ngũ nhân viên chuyên nghiệp thu gom rác trên mặt biển và vùng đáy biển nước nông.

Tại các nhà hàng, khách sạn ven biển hiện nay, cần xây dựng hệ thống cung ứng dịch vụ thân thiện với môi trường như chai lọ thủy tinh, túi vải tự hủy, ống hút tre, ống hút gạo, đồ dùng bằng gỗ có thể tái sử dụng nhiều lần,… Tích cực sử dụng chất tẩy rửa bằng các nguyên liệu thân thiện với môi trường tại khu dân cư ven biển và khu nghỉ dưỡng…

Với một số địa phương phát triển, có thể áp dụng mô hình sử dụng hệ thống camera và gắn loa trực tiếp ở các bãi tắm, các địa điểm vui chơi công cộng, quan sát và thông báo, nhắc nhở ngay những hành vi gây ô nhiễm môi trường, vi phạm pháp luật môi trường; đồng thời tiếp nhận và thông báo trên loa truyền thông công cộng các nhà hàng, khách sạn tăng giá dịch vụ, vi phạm ô nhiễm môi trường để tránh việc du khách bị ép giá và mang tính răn đe khách sạn, nhà hàng kịp thời; cập nhật tình hình thời tiết, tình hình an ninh trật tự, an toàn giao thông cho du khách.

Bên cạnh đó, cần phối hợp với các công ty lữ hành, công ty du lịch bố trí các địa điểm có các bình nước, cây nước có vòi tự động để hạn chế tối đa việc du khách phải sử dụng chai nhựa, cốc nhựa mang theo. Cũng trong các chuyến du lịch nghỉ dưỡng đó, các tour du lịch nên tuyên truyền khuyến khích du khách hạn chế vứt rác, hạn chế sử dụng chai lọ nhựa. Đặc biệt các hướng dẫn viên tour du lịch hoặc các tuyên truyền viên của địa phương tại bãi biển nên tổ chức thường xuyên các hoạt động, phong trào và gương mẫu thực hiện để lôi kéo du khách và người dân tham gia.

Báo TN&MT phối hợp với Công an tỉnh,  Sở TN&MT Thanh Hóa tổ chức Lễ ra quân làm sạch biển tại Sầm Sơn năm 2019. Ảnh: Thư Kỳ

Về chiến lược dài hạn, các địa phương cần thực hiện quy hoạch các khu kinh tế ven biển đảm bảo vệ sinh môi trường, hạn chế khai thác khoáng sản, tăng nuôi trồng thủy sản trong bờ. Hiện nay, cả nước có 15 khu kinh tế đang được đầu tư xây dựng ven biển, đặt ra những bài toán lớn về kiểm soát nước thải và chất thải. Việc chuyển các hệ thống nuôi trồng thủy sản vào bờ có thể làm giảm một số chất ô nhiễm liên quan đến nuôi trồng thủy sản ven biển, chẳng hạn như ô nhiễm nhựa từ các thiết bị bỏ đi và chất thải chưa được xử lý có hàm lượng nitơ và phốt pho cao.

Một bộ chế tài xử lý vi phạm môi trường chung cho tất cả các địa phương có biển trên cả nước cũng sẽ tránh được tình trạng từng địa phương áp dụng quy định cục bộ. Bên cạnh đó, các địa phương cần tăng cường các giải pháp nâng cao chất lượng dịch vụ du lịch, tránh tình trạng chế tài xử lý có nhưng chất lượng dịch vụ không nâng cao, dẫn đến lượng du khách giảm.

Các phần mềm hướng dẫn du lịch ứng dụng trên nền tảng điện thoại di động cho du khách phải kèm theo đó là những thông điệp về bảo vệ môi trường, những địa điểm có thùng rác công cộng, những địa điểm có cây lấy nước công cộng, những chương trình bảo vệ môi trường đang được phát động để du khách tham gia…

Về chế tài pháp luật gắn với trách nhiệm các công ty lữ hành, các khu nghỉ dưỡng, khách sạn, nhà hàng… cần phải lồng ghép nội dung quy định khung tiêu chuẩn bảo vệ môi trường, các cam kết chấp hành các giải pháp về đảm bảo môi trường và các điều kiện ràng buộc trong điều kiện đơn vị vi phạm. Cùng với đó, cần đầu tư hệ thống phương tiện giao thông công cộng chạy bằng nguyên liệu không gây ô nhiễm môi trường. Kinh phí di chuyển khi khu nghỉ dưỡng, khách sạn bố trí phương tiện đưa đến các địa điểm du lịch tính trong phí thanh toán khách sạn, nhà hàng; tính trong vé địa điểm vui chơi, bãi tắm, nhà hàng… khi nhà hàng, địa điểm vui chơi bố trí phương tiện đưa du khách quay trở về khách sạn.

Bên cạnh đó, Chính phủ cần có chính sách đào tạo nguồn nhân lực cho kinh tế biển. Đầu tư xây dựng các cơ sở quan trắc, dự báo tại các vùng ven biển. Từ đó góp phần phát huy vai trò nhân tố con người trong nghiên cứu phương thức quản lý biển mới, tiên tiến như: quản lý không gian biển, quy hoạch sử dụng biển, công nghệ biển tiên tiến để áp dụng trên thực tế.

Biển có ảnh hưởng rất lớn đến môi trường sinh tồn của loài người. Bảo vệ biển là bảo vệ môi trường chung của nhân loại, tức là bảo vệ tương lai của chúng ta. Mỗi người góp một bàn tay, cả cộng đồng, xã hội sẽ có hàng triệu bàn tay góp lại. Có thực hiện hiệu quả những giải pháp bảo vệ môi trường biển với sự chung tay của cộng đồng thì mới lan tỏa sâu rộng thông điệp vì môi trường biển xanh bền vững.

Bài dự thi xin gửi về địa chỉ

Email: [email protected]

Điện thoại liên hệ: 0243.7738729 (máy lẻ 305)

Bạn cũng có thể thích