Bắc Kạn công bố tình huống khẩn cấp về thiên tai
Cây “Cầu kết nối yêu thương số 116” được xây dựng tại xã Quang Thuận, huyện Bạch Thông chưa kịp khai trương đã bị lũ cuốn trôi.
Quyết định nêu rõ: Hoàn lưu bão số 3 đã gây nhiều thiệt hại cho tỉnh Bắc Kạn với ước tính sơ bộ hơn 860 tỷ đồng. Thiên tai đã làm bị thương 04 người; 2.327 nhà ở bị hư hỏng (Trong đó có 620 nhà phải di dời do sạt lở đất, ngập lụt, 10 nhà bị sập đổ hoàn toàn); hiện tại còn 215 nhà tại xã Nam Cường, huyện Chợ Đồn và vẫn đang ngập nước; hơn 2.000ha cây trồng bị thiệt hại.
Các tuyến quốc lộ, tỉnh lộ và đường giao thông nông thôn… bị sạt lở nghiêm trọng; gần 650 vị trí sạt lở với khối lượng lớn gây hư hỏng kết cấu mặt đường, các công trình cầu, tràn; 90 công trình thủy lợi, nhiều nhà văn hóa, trụ sở y tế, giáo dục và công trình hạ tầng khác bị hư hỏng; nhiều tài sản của Nhân dân bị vùi lấp, ngập lụt, nhiều khu vực dân cư bị sạt trượt, có nguy cơ sạt trượt cao.
Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu các ngành chức năng triển khai các biện pháp khẩn cấp cần áp dụng ngay để ứng phó và khắc phục hậu quả nhằm hạn chế thấp nhất thiệt hại do thiên tai gây ra như: Huy động lực lượng, phương tiện, nguồn lực để chủ động nhanh chóng sơ tán, di dời Nhân dân ra khỏi nơi nguy hiểm.
Bố trí chỗ ở và đảm bảo hậu cần cho Nhân dân tại nơi sơ tán, tổ chức việc tiếp nhận, cấp cứu, khám bệnh, chữa bệnh, cấp phát thuốc miễn phí cho Nhân dân vùng bị thiệt hại. Tổ chức tiếp nhận và cấp phát miễn phí lương thực, thực phẩm và nhu yếu phẩm thiết yếu, cung cấp nước sạch, xử lý các vấn đề về môi trường nhằm ổn định đời sống Nhân dân.
Tiếp tục chức rà soát, đánh giá xác định các khu vực nguy hiểm, nhất là các khu vực thường xảy ra lũ quét, khu vực ngập nước ven sông, suối, vùng trũng thấp, vị trí sườn đồi dốc có nguy cơ xảy ra sạt lở đất để xây dựng phương án chủ động sơ tán người, tài sản và xem xét có giải pháp xử lý khẩn cấp bước đầu đảm bảo an toàn các khu dân cư bị sạt trượt cao nhằm đảm bảo an toàn tuyệt đối về tính mạng và tài sản của người dân, an toàn công trình hạ tầng dân sinh.
Huy động mọi nguồn lực để xử lý khẩn cấp bước đầu đối với các khu dân cư bị sạt lở và có nguy cơ sạt lở cao, sự cố công trình phòng chống thiên tai, sự cố công trình xây dựng do thiên tai theo quy định tại Điều 17 Nghị định số 66/2021/NĐ-CP ngày 06/7/2021 của Chính phủ.
Chủ động đảm bảo giao thông thông suốt, cảnh báo và thông báo kịp thời không để xảy ra hậu quả đáng tiếc. Đối với các khu vực đã được Chủ tịch UBND tỉnh công bố tình huống khẩn cấp về thiên tai, các địa phương, đơn vị tổ chức thực hiện theo Quyết định đã được công bố.
Phần ta luy bị sạt xuống của Trường mầm non Quảng Bạch huyện Chợ Đồn đe dọa an toàn công trình.
Tại tỉnh Bắc Kạn bão số 3 và hoàn lưu sau bão đã gây thiệt hại nặng nề về tài sản, hoa màu và hạ tầng trên địa bàn. Đến nay, ước thiệt hại sơ bộ đã gần 900 tỷ đồng, trong đó, có hơn 2.000 nhà ở bị thiệt hại, ảnh hưởng đến đời sống của hơn 8.000 người dân; nhiều nhà phải di dời khẩn cấp do sạt lở đất; hơn 2.000 ha sản xuất nông nghiệp bị hư hỏng; nhiều tuyến quốc lộ, tỉnh lộ, giao thông nông thôn bị sạt lở, sụt lún, đứt gẫy…
Ngày 16/9 Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Đăng Bình đã chủ trì cuộc họp bàn biện pháp, chính sách hỗ trợ khắc phục hậu quả cơn bão số 3, ổn định đời sống Nhân dân, phục hồi sản xuất, kinh doanh.
Tại cuộc họp, các đại biểu đã tập trung đánh giá tình hình thiệt hại, công tác khắc phục hậu quả do cơn bão số 3 và mưa lũ sau bão gây ra, đồng thời thảo luận, đề xuất một số chính sách, giải pháp hỗ trợ người dân bị thiệt hại sớm ổn định đời sống, khôi phục sản xuất, kinh doanh theo các nhóm giải pháp: Bảo vệ tính mạng, an toàn, sức khỏe của Nhân dân; hỗ trợ khôi phục các hoạt động đời sống, xã hội để ổn định cuộc sống Nhân dân; hỗ trợ các các cơ sở sản xuất, hộ kinh doanh, hợp tác xã, doanh nghiệp để khôi phục nhanh chuỗi sản xuất, cung ứng, lao động, phục hồi và phát triển sản xuất, kinh doanh; chuẩn bị sẵn sàng ứng phó với thiên tai, bão, lũ, ngập lụt, sạt lở… trong thời gian tới; cơ chế, chính sách, giải pháp cắt giảm, đơn giản hóa các thủ tục hành chính để triển khai các chính sách hỗ trợ.
Một số nội dung được tập trung thảo luận như về chính sách hỗ trợ các hộ dân có nhà ở bị sập hoàn toàn, hư hỏng; hỗ trợ người dân di dời ra khỏi khu vực có nguy cơ sạt lở cao; hỗ trợ học sinh vùng bị thiên tai; hỗ trợ các cơ sở sản xuất, kinh doanh, hợp tác xã nông nghiệp…
Các chính sách, giải pháp hỗ trợ được đưa ra bàn với quan điểm phải nhanh, khả thi, kịp thời, hiệu quả, có trọng tâm, trọng điểm, trực tiếp vào các đối tượng bị ảnh hưởng; trình tự, thủ tục, điều kiện hưởng thụ đơn giản, dễ thực hiện, dễ kiểm tra, giám sát, đánh giá; huy động mọi nguồn lực, bảo đảm công khai, minh bạch… Các chính sách, giải pháp hướng đến mục tiêu bảo vệ tính mạng, an toàn, sức khỏe của Nhân dân là trên hết, trước hết; bảo đảm an sinh xã hội, không để người dân thiếu ăn, thiếu mặc, thiếu chỗ ở, thiếu nước sạch; sớm khôi phục các hoạt động đời sống, xã hội để ổn định cuộc sống Nhân dân, nhất là tại các địa bàn bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi bão lũ, ngập lụt, sạt lở đất; khôi phục nhanh sản xuất, kinh doanh; sẵn sàng ứng phó với thiên tai trong thời gian tới; giữ vững ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội…
Đánh giá của UBND tỉnh Bắc Kạn đánh giá: Mặc dùcơn bão đã qua, nhưng nguy cơ thiệt hại có thể xảy ra trong thời gian tiếp theo, phạm vi ảnh hưởng trên địa bàn 08 huyện, thành phố của tỉnh Bắc Kạn. Cụ thể: Sau bão, do mưa lớn kéo dài dẫn đến tình hình ngập lụt tiếp tục xảy ra, nước rút chậm ảnh hưởng đến môi trường, sức khỏe, tài sản của người dân; sạt lở đất đá trên địa bàn diễn biến hết sức phức tạp do đất đá đã bão hòa nước, nhiều khu vực đang tiếp tục sạt trượt, nhiều khu vực tiềm ẩn nguy cơ sạt trượt nguy hiểm đe dọa đến an toàn tính mạng, tài sản của người dân, công trình cơ sở hạ tầng của nhà nước; nhiều diện tích lúa bị ngập sâu dẫn đến hư hỏng toàn bộ không thể khôi phục sản xuất.
Nguồn: hoanhap.vn