Bắc Giang: Hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo
Hệ sinh thái khởi nghiệp được hiểu là “tổng hợp các mối liên kết chính thức và phi chính thức giữa các chủ thể khởi nghiệp (đã tồn tại hoặc tiềm năng), các tổ chức khởi nghiệp (công ty, nhà đầu tư mạo hiểm, nhà đầu tư thiên thần, hệ thống ngân hàng), các cơ quan liên quan (trường đại học, các cơ quan nhà nước, các quỹ đầu tư công) và tiến trình khởi nghiệp (tỷ lệ thành lập doanh nghiệp, số lượng doanh nghiệp có tỷ lệ tăng trưởng tốt, số lượng các nhà khởi nghiệp, tinh thần bán hàng và tham vọng kinh doanh) tác động trực tiếp đến môi trường khởi nghiệp tại địa phương”. Mỗi ngành dọc có một hệ sinh thái khởi nghiệp tương ứng riêng, giữa các hệ sinh thái khởi nghiệp có phần giao nhau. Sức mạnh của hệ sinh thái khởi nghiệp tùy thuộc vào sự gắn kết chặt chẽ của các thành phần bên trong hệ sinh thái khởi nghiệp.
Vì vậy, Kế hoạch hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tỉnh Bắc Giang giai đoạn 2021 – 2025 nhằm tiếp tục hoàn thiện và triển khai thực hiện đồng bộ các cơ chế, chính sách liên quan đến hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo. Nâng cao nhận thức của cán bộ, công chức, viên chức, học sinh, sinh viên và người dân thông qua truyền thông và giáo dục cộng đồng về khởi nghiệp đổi mới sáng tạo. Khuyến khích và đẩy mạnh các hoạt động xã hội hóa, thu hút đầu tư của tổ chức, cá nhân tư nhân hỗ trợ hoạt động khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo. Hình thành môi trường thuận lợi thúc đẩy phát triển doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, phát huy tối đa sự sáng tạo của các yếu tố nhằm tạo ra hệ sinh thái khởi nghiệp là các doanh nghiệp, trường đại học, cao đẳng, các tổ chức tư vấn, cung cấp dịch vụ, các nhà đầu tư.
Mục tiêu của Kế hoạch đề ra sẽ hỗ trợ phát triển 20 dự án khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, 8 đến 10 doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo (ưu tiên doanh nghiệp được chứng nhận doanh nghiệp khoa học và công nghệ có đủ điều kiện). Hình thành từ 1 đến 2 tổ chức cung cấp dịch vụ, cơ sở vật chất kỹ thuật hỗ trợ khởi nghiệp. Đào tạo từ 20 đến 25 huấn luyện viên khởi nghiệp đổi mới sáng tạo (có chứng chỉ đào tạo). Tổ chức tập huấn, bồi dưỡng cho 1.500 lượt người tham gia. Kêu gọi vốn đầu tư xã hội hoá cho các dự án khởi nghiệp đổi mới sáng tạo ít nhất 5 tỷ đồng. Phấn đấu đến năm 2025 tỉnh Bắc Giang nằm trong nhóm 15 tỉnh, thành phố thực hiện tốt Đề án 844 của Thủ tướng Chính phủ.
Đối tượng hỗ trợ là các cá nhân, nhóm cá nhân có dự án khởi nghiệp, doanh nghiệp khởi nghiệp có khả năng tăng trưởng nhanh dựa trên khai thác tài sản trí tuệ, công nghệ, mô hình kinh doanh mới (doanh nghiệp khởi nghiệp có thời gian hoạt động không quá 5 năm kể từ ngày được cấp giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp lần đầu). Tổ chức cung cấp dịch vụ, cơ sở vật chất kỹ thuật, đầu tư, truyền thông cho hoạt động khởi nghiệp đổi mới sáng tạo.
Để đạt được kết quả cao, các hoạt động hỗ trợ được tổ chức triển khai thực hiện thiết thực bao gồm: Đẩy mạnh thông tin, tuyên truyền thúc đẩy phong trào khởi nghiệp đổi mới sáng tạo. Đào tạo, tư vấn hỗ trợ về khởi nghiệp đổi mới sáng tạo. Phát triển cơ sở hạ tầng cho hoạt động khởi nghiệp. Hỗ trợ phát triển các chương trình, dự án khoa học và công nghệ đổi mới sáng tạo. Kết nối và phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo. Điều này sẽ khích lệ văn hóa và tinh thần khởi nghiệp, tinh thần doanh nhân – startup phát triển mạnh mẽ trong các tổ chức hỗ trợ khởi nghiệp, quỹ khởi nghiệp và doanh nhân kết nối hiệu quả./.
Nguồn: Báo doanhnghiepthuonghieu