Đổi mới để phát triển: Nâng cao hiệu quả giám sát tối cao của Quốc hội

Khẳng định trọng tâm của Quốc hội khóa mới là hoạt động giám sát, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ yêu cầu phải lựa chọn trúng, đúng những vấn đề quan trọng của đất nước, liên quan quốc kế, dân sinh.

doi moi de phat trien nang cao hieu qua giam sat toi cao cua quoc hoi
Toàn cảnh phiên họp kỳ họp thứ nhất Quốc hội khóa XV. (Ảnh: Phương Hoa/TTXVN)

Cùng với chú trọng đổi mới công tác lập pháp, trong nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV, hoạt động giám sát tối cao đối với hoạt động của Nhà nước là nội dung tiếp tục được tập trung đổi mới và đẩy mạnh.

Đây được xác định là khâu trọng tâm, then chốt để nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của Quốc hội.

Giám sát có trọng tâm, trọng điểm

Nhắc tới một trong ba chức năng quan trọng của Quốc hội, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng yêu cầu trong nhiệm kỳ khóa XV: Quốc hội tiếp tục đổi mới, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động giám sát, nhất là giám sát chuyên đề, hoạt động chất vấn, phát huy dân chủ, tăng tính tranh luận, phân tích sâu, làm rõ những thành tích, ưu điểm, cũng như những tồn tại, khuyết điểm, tìm ra nguyên nhân, bài học kinh nghiệm và đề xuất các giải pháp xác đáng, khả thi; chú trọng giám sát việc thực hiện các kết luận, kiến nghị sau giám sát.

Thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, Chương trình Hành động của Đảng đoàn Quốc hội đã xác định việc đổi mới và đẩy mạnh công tác giám sát là khâu trọng tâm, then chốt để nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của Quốc hội.

Hoạt động giám sát tối cao nói riêng và tổng thể hoạt động giám sát của Quốc hội nói chung cần bám sát các nhiệm vụ trọng tâm đặt ra trong Nghị quyết, văn kiện Đại hội Đảng lần thứ XIII, các nghị quyết, chỉ thị của Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, nhất là về các vấn đề lớn, được quan tâm như mô hình tăng trưởng, ổn định kinh tế vĩ mô, cơ cấu lại nền kinh tế, việc thực hiện các dự án quan trọng quốc gia, cải cách hành chính, sắp xếp, tinh gọn bộ máy nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập, các vấn đề về văn hóa, an sinh xã hội, hội nhập, hợp tác kinh tế quốc tế, bảo đảm quốc phòng, an ninh, trật tự an toàn xã hội.

Hoạt động giám sát của Quốc hội vừa phải bám sát, đáp ứng kịp thời nhu cầu của xã hội, tâm tư, nguyện vọng, mong muốn của nhân dân và cử tri, đồng thời phải gắn với công tác lập pháp, cung cấp thông tin thực tiễn để hoàn thiện chính sách, pháp luật, nâng cao trách nhiệm của tổ chức, cá nhân trong thực hiện quy định của pháp luật, tăng cường hiệu quả hoạt động của các tổ chức, cá nhân chịu sự giám sát.

Chương trình Hành động cũng xác định, cần chú trọng giám sát việc thực hiện các nghị quyết của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội về giám sát chuyên đề, chất vấn; tăng cường xem xét các kiến nghị giám sát chưa được thực hiện, coi đây là nhiệm vụ thường xuyên của Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội, Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội giám sát các tổ chức, cá nhân trong việc trả lời và thực hiện các kiến nghị giám sát để báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Quốc hội xem xét, xử lý trách nhiệm theo thẩm quyền luật định đối với các cơ quan, tổ chức, cá nhân không thực hiện hoặc thực hiện không đầy đủ các kiến nghị giám sát.

Khẳng định trọng tâm thứ hai trong công tác của Quốc hội khóa mới là hoạt động giám sát, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ yêu cầu: Phải lựa chọn trúng và đúng những vấn đề quan trọng của đất nước, những vấn đề thực tiễn đặt ra, có liên quan tới quốc kế, dân sinh.

Tinh thần giám sát là có trọng tâm, trọng điểm; làm đến nơi, đến chốn, truy đến cùng sự việc; xác định trách nhiệm giải trình của tập thể, cá nhân; nêu ra kiến nghị xác đáng; đồng thời phải coi trọng giám sát thực hiện các kiến nghị của giám sát.

Đặc biệt, trong 5 năm tới, Hội đồng Dân tộc và các cơ quan của Quốc hội cũng đề nghị phải giám sát việc ban hành các văn bản hướng dẫn pháp luật và tổ chức thực thi pháp luật. Đồng thời, Quốc hội sẽ tiếp tục đổi mới hình thức và nội dung chất vấn tại Quốc hội và tăng cường chất vấn tại Ủy ban Thường vụ Quốc hội, tăng cường hoạt động giải trình của Hội đồng Dân tộc và các cơ quan của Quốc hội; có cơ chế để đoàn đại biểu Quốc hội và đại biểu Quốc hội tham gia công tác giám sát.

Ở một góc độ khác, trong bài viết “Vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh trong hoạt động lập pháp, góp phần xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam,” Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đề cập tới việc hoàn thiện cơ sở pháp lý để thực hiện đúng đắn, hiệu quả dân chủ trực tiếp, dân chủ đại diện, đặc biệt là dân chủ ở cơ sở. Trong đó, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nêu rõ: Xây dựng và hoàn thiện cơ chế giám sát của nhân dân. Tạo cơ sở pháp lý để làm cho người dân trao quyền mà không mất quyền, các cơ quan nhà nước và cá nhân được trao quyền mà không tiếm quyền của dân; đây là vấn đề quyết định nhất bảo đảm quyền lực nhà nước thực sự thuộc về nhân dân…

Quan tâm “hậu giám sát”

Trong nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIV, hoạt động giám sát của Quốc hội tiếp tục được tăng cường, có sự đổi mới, ngày càng nâng cao hiệu lực, hiệu quả, đạt được nhiều kết quả quan trọng, được cử tri và nhân dân đánh giá cao.

Báo cáo trước Quốc hội khóa mới, Tổng Thư ký Quốc hội Bùi Văn Cường cho biết, thời gian qua, Quốc hội đã chủ động điều chỉnh, cải tiến, đổi mới cách thức tiến hành cho phù hợp với thực tiễn, qua đó đã đạt được những kết quả nhất định, được cử tri và nhân dân ghi nhận, đánh giá cao.

Việc xem xét báo cáo được thực hiện nghiêm túc, thảo luận kỹ lưỡng, tiếp tục là phương thức giám sát hiệu quả việc tổ chức và thực hiện Hiến pháp, luật, nghị quyết của Quốc hội trong thực tiễn.

Chất vấn và trả lời chất vấn tiếp tục có nhiều đổi mới với việc tiến hành xem xét việc thực hiện các nghị quyết của Quốc hội về giám sát chuyên đề và chất vấn từ đầu nhiệm kỳ. Giám sát chuyên đề tiếp tục được hoàn thiện, kịp thời điều chỉnh để phù hợp với tình hình thực tế.

doi moi de phat trien nang cao hieu qua giam sat toi cao cua quoc hoi
Các đại biểu thực hiện nghi thức chào cờ tại phiên bế mạc Kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa XV. (Ảnh: Phạm Kiên/TTXVN)

Trong giám sát, nội dung tập trung vào những vấn đề lớn, quan trọng hoặc bức xúc của cuộc sống, bao quát hầu hết các lĩnh vực. Thông qua hoạt động giám sát, đã khẳng định tính đúng đắn của chính sách, pháp luật, tiếp tục phát huy những kết quả tích cực, kịp thời phát hiện hạn chế, bất cập và đưa ra kiến nghị bổ sung, hoàn thiện chính sách, pháp luật, làm cơ sở cho việc quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước, bảo đảm kỷ luật, kỷ cương, từ đó các cơ quan hữu quan nhận thức đầy đủ trách nhiệm và thực hiện tốt hơn nhiệm vụ của mình.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả, một vấn đề được đặt ra là việc sau giám sát đã được quan tâm và đặt đúng vị trí hay chưa, liệu công tác giám sát đã đi đến cùng vấn đề được giám sát? Đây cũng là vấn đề đặt ra trong việc tiếp tục đổi mới, nâng cao hơn nữa hiệu quả hoạt động giám sát của Quốc hội khóa XV.

Về vấn đề này, đại biểu Trần Hoàng Ngân (Thành phố Hồ Chí Minh) thấy rằng, báo cáo “hậu giám sát” rất ít nên không biết sau giám sát địa phương, đơn vị thực hiện thế nào. Đại biểu cũng kiến nghị cần sớm xây dựng cơ chế, quy trình cho đại biểu Quốc hội, tổ đại biểu Quốc hội thực hiện quyền giám sát của mình.

Là đại biểu tái cử tại khóa XV, ông Nguyễn Tuấn Anh (Long An) nêu quan điểm, để phát huy kết quả giám sát trong thực tiễn, từ đó tạo dựng sự tin tưởng của cử tri, cần tăng cường hiệu quả của công tác “hậu giám sát.”

Đây cũng chính là nội dung được người đứng đầu Quốc hội lưu ý trong phát biểu đầu tiên trước Quốc hội sau khi nhậm chức. Nhấn mạnh là khâu trọng tâm, then chốt để nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ lưu ý chú trọng giám sát việc thực thi pháp luật và giám sát việc thực hiện các kiến nghị sau giám sát, gắn với trách nhiệm giải trình của tổ chức, cá nhân có liên quan, nhất là trách nhiệm của người đứng đầu.

Tăng cường giám sát việc giải quyết đơn, thư khiếu nại, tố cáo của công dân và kiến nghị của cử tri; tiếp tục hoàn thiện và tổ chức tốt việc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm, đồng thời nghiên cứu để tiếp tục hoàn thiện cơ chế giám sát, lấy phiếu tín nhiệm đối với những người do Quốc hội, Hội đồng nhân dân bầu hoặc phê chuẩn theo định hướng Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII.

Còn đại biểu Hoàng Đức Thắng (Quảng Trị) cho rằng, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cần chủ trì xây dựng Đề án đổi mới hoạt động giám sát của Quốc hội và thực hiện ngay ở năm đầu nhiệm kỳ.

“Đề án cần định hướng, xác định nội dung tổng quan cho cả nhiệm kỳ khóa XV. Trên cơ sở đó, hằng năm Quốc hội sẽ xem xét, lựa chọn, quyết định những nội dung chuyên đề giám sát cụ thể, có lộ trình, đảm bảo tầm nhìn toàn diện và căn bản hơn. Trong tình hình phát sinh đột xuất, Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét báo cáo với Quốc hội để điều chỉnh bổ sung nội dung giám sát phù hợp hơn,” đại biểu Hoàng Đức Thắng đề nghị.

Với mục tiêu kiểm tra sau giám sát để bảo đảm các quyết định của Quốc hội được thực hiện đầy đủ, nghiêm túc cũng như sự chuyển biến trong quá trình thực hiện, việc tăng cường khâu “hậu giám sát” trong hoạt động giám sát của Quốc hội khóa XV kỳ vọng sẽ tạo ra bước chuyển biến đột phá trong thực hiện chức năng quan trọng này của Quốc hội./.

Nguồn: Báo xây dựng

Bạn cũng có thể thích