Thị trường nhà đất Trung Quốc suy yếu trầm trọng
Cuộc khủng hoảng trong lĩnh vực bất động sản của Trung Quốc đã bào mòn niềm tin của khách mua nhà. Giá nhà tại đất nước tỷ dân giảm trong tháng thứ tư liên tiếp
Theo Bloomberg, giá nhà mới tại 70 thành phố của Trung Quốc tuột 0,28% so với tháng 11. Trong tháng 11, giá nhà cũng sụt giảm 0,33%, theo dữ liệu của Cục Thống kê Quốc gia.
Tại các thành phố hạng nhất, giá nhà bán lại tăng khoảng 0,1% trong tháng 12. Hồi tháng 11, giá nhà chứng kiến mức giảm 0,2%.
Cuộc khủng hoảng thanh khoản của gã khổng lồ bất động sản Trung Quốc China Evergrande đã lan sang những đối thủ cạnh tranh như Shimao Group Holdings Ltd. và Guangzhou R&F Properties Co.
Cuộc khủng hoảng trong lĩnh vực bất động sản của Trung Quốc khiến giá nhà liên tục sụt giảm. Ảnh: Reuters. |
Thị trường suy yếu
Gần đây, nhà chức trách Bắc Kinh đã nới lỏng một số hạn chế đối với việc cấp vốn cho lĩnh vực bất động sản. Nhưng điều này chưa đủ để thúc đẩy thị trường.
Nhu cầu vay để mua nhà vẫn yếu. Những khoản vay trung và dài hạn của các hộ gia đình chứng kiến mức tăng thấp nhất kể từ tháng 2/2020. Những chương trình giảm giá cuối năm của các nhà phát triển bất động sản càng đè nặng lên giá nhà.
“Trong năm tới, bất động sản có thể trở thành vật cản lớn nhất đối với tăng trưởng của nền kinh tế Trung Quốc”, ông Larry Hu – Trưởng bộ phận kinh tế Trung Quốc tại Macquarie Group Ltd. – bình luận.
Cuộc khủng hoảng trong lĩnh vực bất động sản tại Trung Quốc – bắt đầu từ China Evergrande của tỷ phú Hứa Gia Ấn – đã khiến niềm tin của các khách mua nhà nước này suy yếu trầm trọng.
“Trong năm tới, bất động sản có thể trở thành vật cản lớn nhất đối với tăng trưởng của nền kinh tế Trung Quốc Ông Larry Hu, Trưởng bộ phận kinh tế Trung Quốc tại Macquarie Group Ltd. |
China Evergrande – tập đoàn bất động sản lớn thứ hai Trung Quốc – đã phải dừng hàng loạt dự án nhà ở vì không thể thanh toán tiền cho nhà thầu, nhà cung cấp và nhân viên.
Các khách mua nhà của China Evergrande đã tập trung tại trụ sở của công ty để đòi lại tiền mua nhà trả trước.
Các nhà đầu tư quốc tế cũng đang chuẩn bị cho một làn sóng biến động mới trên thị trường tín dụng của Trung Quốc. Một số tập đoàn nợ lớn phải đối mặt với những khoản nợ đến thời hạn thanh toán.
China Evergrande đang tìm cách tránh vỡ nợ đối với một khoản trái phiếu trong nước. Các chủ nợ đã bỏ phiếu để quyết định xem liệu có thể cho phép công ty hoãn thanh toán vào ngày 13/1 hay không.
Trong khi đó, Shimao Group Holdings Ltd – công ty từng được coi là một nhà phát triển bất động sản khỏe mạnh – cũng đối mặt với khoản thanh toán trái phiếu 376 triệu USD trong tuần này. Chỉ hai tuần trước, Shimao vẫn được xếp hạng đầu tư.
Lực cản lớn với nền kinh tế
Cuộc khủng hoảng trong lĩnh vực bất động sản của Trung Quốc đẩy tỷ lệ vỡ nợ năm 2021 lên mức kỷ lục. Theo dữ liệu của Bloomberg, thị trường trái phiếu nước ngoài của các nhà phát hành Trung Quốc cũng chịu sức ép chưa từng có.
Mức độ căng thẳng trên thị trường tín dụng nước ngoài tăng lên kỷ lục sau khi hai gã khổng lồ China Evergrande Group và Kaisa Group Holdings Ltd. không thể thanh toán các trái phiếu bằng đồng USD trong khoảng thời gian ân hạn.
Hồi đầu tháng 12/2021, Fitch hạ xếp hạng của China Evergrande xuống “vỡ nợ giới hạn” sau khi tập đoàn không thể trả hai khoản lãi trái phiếu coupon trong khoảng thời gian ân hạn. Chi phí huy động vốn tăng cao khiến cuộc khủng hoảng càng trở nên nghiêm trọng hơn.
Theo tính toán của Bloomberg và các nhà phân tích, ngành công nghiệp bất động sản Trung Quốc sẽ cần ít nhất 197 tỷ USD để trả nợ trái phiếu đáo hạn, sản phẩm ủy thác và lương trả chậm cho hàng triệu lao động nhập cư.
China Evergrande đã khỏi trụ sở ở Thâm Quyến để tiết kiệm tiền thuê nhà. Ảnh: Nikkei Asian Review. |
Doanh số bán nhà trong năm 2021 (tính theo hợp đồng) của China Evergrande đã giảm 39% so với năm trước đó xuống 443 tỷ NDT (tương đương 70 tỷ USD). Hồi đầu năm, tập đoàn đặt mục tiêu 750 tỷ NDT.
Đáng nói, doanh số bán nhà của tập đoàn này gần như đóng băng kể từ hồi tháng 10. Tính đến ngày 20/10, doanh số tính theo hợp đồng đã đạt 442 tỷ USD. Sự suy thoái của thị trường nội địa đã đặt ra thách thức cho các nhà chức trách Bắc Kinh. Bởi lĩnh vực bất động sản chiếm tới 25% GDP của nền kinh tế.
Theo Bloomberg, nền kinh tế Trung Quốc có thể ghi nhận mức tăng trưởng yếu nhất trong vòng hơn một năm vào quý IV/2021.
Giới quan sát cho rằng Trung Quốc sẽ nới lỏng chính sách tiền tệ hơn nữa vào quý I/2022, một phần nhằm chống lại xu hướng sụt giảm của giá nhà. Cùng với đó, giới chức trách có thể tăng cường thúc giục những tập đoàn địa ốc nợ nần đẩy mạnh giao nhà cho khách hàng.
“Bắc Kinh cần nới lỏng hơn nữa những biện pháp kiểm soát đối với lĩnh vực bất động sản để mức tăng trưởng kinh tế năm nay vượt ngưỡng 5%”, các nhà kinh tế của Huatai Securities Co. nhận định.
Nguồn: Báo xây dựng