Cần những chính sách phù hợp phát triển quy hoạch điện gió ngoài khơi
Sáng nay, 1/12, tại Trung tâm Hội nghị Quốc tế (ICC), 35 Hùng Vương, quận Ba Đình, thành phố Hà Nội diễn ra hội nghị năng lượng gió Việt Nam – Vietnam Wind Power 2021.
Diễn giả tại sự kiện là những tên tuổi lớn hàng đầu ngành năng lượng gió toàn cầu, có đại diện Bộ Khoa học và Công nghệ (MOST); bà Nguyễn Phương Mai, Phó Tổng giám đốc Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo (EREA) – Bộ Công Thương; ông Ben Backwell, Giám đốc điều hành Hội đồng Năng lượng gió Toàn cầu (GWEC); ông Kim Højlund Christensen – Đại sứ Đan Mạch tại Việt Nam và Lào; ông Erik Kjaer – Cố vấn trưởng Trung tâm Hợp tác Toàn cầu, Cơ quan Năng lượng Đan Mạch; ông Jon Dugstad, Giám đốc mảng Năng lượng gió & Mặt trời, đối tác năng lượng Na Uy (NORWEP); ông Bùi Văn Thịnh Giám đốc Thuận Bình Wind; ông Shah Sujay, Giám đốc điều hành, Standard Chartered Bank… cùng các đại biểu và phóng viên, nhà báo tham dự.
Sự kiện sẽ diễn ra vào ngày 1 và 2 tháng 12 năm 2021, trong khuôn khổ của diễn đàn Công nghệ & Năng lượng Việt Nam do Cục Ứng dụng và Phát triển công nghệ (SATI), Bộ Khoa học & Công nghệ tổ chức.
Bên cạnh đó, sự kiện còn quy tụ nhiều lãnh đạo đầu ngành, đại diện chính phủ và chuyên gia quốc tế để cùng thảo luận về những cơ hội và thách thức trong quá trình chuyển đổi năng lượng từ nhiên liệu hóa thạch sang năng lượng tái tạo – năng lượng sạch, vai trò của năng lượng tái tạo đối với mục tiêu phát triển kinh tế – xã hội.
Phát biểu tại hội nghị, bà Trần Thị Hồng Lan – Phó Cục trưởng Cục Ứng dụng và Phát triển công nghệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) cho biết: “tại hội nghị COP26 mới đây ở Glasgow, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cũng đã đưa ra thông điệp và cam kết mạnh mẽ của Việt Nam trong nỗ lực giảm phát thải khí nhà kính và mục tiêu đạt phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050. Trong quá trình chuyển đổi năng lượng từ điện than sang năng lượng tái tạo, điện gió đóng một vai trò quan trọng trong hệ thống năng lượng tương lai, là chìa khóa để Việt Nam hiện thực hóa các mục tiêu đề ra. Tuy nhiên, các vấn đề đặt ra với chúng ta không chỉ nằm ở chính sách, mà cốt lỗi nằm ở công nghệ. Công nghệ không chỉ giúp giải bài toán tổng thể từ khâu sản xuất, lắp đặt, vận hành, giám sát, truyền tải, phân phối đến các vấn đề tối ưu hóa hiệu năng, lưu trữ năng lượng, kéo dài tuổi thọ của thiết bị hay xử lý, tái chế rác thải công nghệ mà còn có khả năng tạo ra những mô hình mới, hướng đi mới cho ngành năng lượng nói riêng và các ngành khác nói chung”.
Hội nghị đầu ngành Vietnam Wind Power được tổ chức dưới hình thức “hybrid” (trực tiếp kết hợp trực tuyến). Những khách gặp trở ngại trong việc tham dự trực tiếp có thể tham gia online trên nền tảng Digital Connect.
Tại diễn đàn, các chuyên gia nhận định, năng lượng xanh, năng lượng tái tạo, nhất là điện gió, điện gió ngoài khơi là chìa khoá giúp Việt Nam chuyển dịch năng lượng.
Bà Nguyễn Phương Mai, Phó chánh văn phòng Cục Điện lực & Năng lượng tái tạo (Bộ Công Thương) cho biết, tại dự thảo quy hoạch VIII năng lượng tái tạo sẽ chiếm 15 – 20% tổng nguồn năng lượng sơ cấp vào năm 2030, trong đó điện gió, mặt trời chiếm tỷ trọng lớn.
Ngoài lợi ích kinh tế, bà Mai nhấn mạnh vai trò giảm ô nhiễm không khí, giảm phát thải khí nhà kính của năng lượng gió. “Điện gió là một trong những trụ cột quan trọng của hệ thống năng lượng Việt Nam trong tương lai. Việt Nam có tiềm năng gần 230 GW điện gió trên bờ, ngoài khơi”, bà Mai cho biết.
Tại hội nghị Bùi Văn Thịnh CEO Thuận Bình wind – Chủ tịch Hội điện gió Bình Thuận chia sẻ, Bình Thuận là tỉnh đầu tiên có điện gió trên bờ và ngoài khơi. Chúng tôi luôn luôn sẵn sàng chia sẻ với các đối tác trong và ngoài nước về các cơ hội. Trong đó, Chính phủ cần có chính sách phù hợp để phát triển, quy hoạch điện gió ngoài khơi, đây là một tiền năng lớn của Việt Nam… bên cạnh đó, ông đề xuất đề xuất nhà chức trách nên xem xét gia hạn giá FIT cho các nhà đầu tư chưa kịp về đích vì lý do khách quan là ảnh hưởng của Covid – 19. “Khi chúng ta chưa có cơ chế đấu thầu, vẫn nên gia hạn giá FIT cho các nhà đầu tư điện gió, để những dự án này có thể về đích, có doanh thu”.
Là sự kiện chuyên ngành lớn nhất của lĩnh vực năng lượng gió tại Việt Nam, Vietnam Wind Power đã quy tụ các nhà hoạt động năng lượng trong nước và quốc tế, các nhà đầu tư, nhà hoạch định chính sách và tất cả các doanh nghiệp, cá nhân tham gia tại thị trường điện gió. Sự kiện là cơ hội để khách tham gia chia sẻ, kết nối, thảo luận và cùng mở ra các cơ hội mới cho ngành năng lượng tái tạo tại Việt Nam.
Tại hội nghị, phần lớn các chuyên gia, nhà đầu tư cho rằng, với cam kết đưa giảm phát thải ròng về 0 vào năm 2050 của Thủ tướng Phạm Minh Chính tại COP 26, ngay từ giờ, Việt Nam cần cải thiện khung chính sách, cơ sở hạ tầng liên quan tới điện gió. Trong quá trình chuyển dịch năng lượng, ngoài cơ chế, chính sách thì công nghệ (lắp đặt, vận hành, giám sát, bảo trì…) tạo ra những mô hình mới cho phát triển năng lượng gió ở Việt Nam.
Ở khía cạnh này, đại diện Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo, khẳng định Việt Nam đang từng bước phát triển nhanh thị trường điện gió, nhưng nguồn điện này đều dựa vào thiên nhiên, khó kiểm soát… Vì thế tích hợp các nguồn năng lượng mới vào hệ thống điện đòi hỏi đầu tư và nâng cấp đồng bộ hệ thống điện.
Từ góc độ nhà đầu tư, ông Niels Holst, đại diện Tập đoàn Copenhagen Offshore Partners (CIP, đơn vị quản lý dự án điện gió ngoài khơi La Gàn), nhìn nhận Việt Nam có phần giống Đan Mạch khi chuyển dịch từ điện than sang năng lượng tái tạo và sử dụng các công nghệ mới theo xu hướng phát triển xanh.
Ông nhắc tới kinh nghiệm từ các quốc gia trên thế giới, là khu vực tư nhân được tham gia vào đầu tư lưới điện truyền tải và cho rằng Việt Nam có thể tham khảo, học hỏi giải pháp này.
“Cần giảm những thách thức với lưới điện, huy động vốn từ khu vực tư nhân vào lĩnh vực này. Là nhà đầu tư, chúng tôi rất sẵn sàng hợp tác”, ông Niels Holst nói.
Một số hình ảnh doanh nghiệp bên lề hội nghị:
Về Hội đồng Năng lượng gió toàn cầu (GWEC)
GWEC là một tổ chức đại diện cho ngành năng lượng gió với hơn 1,500 thành viên bao gồm các công ty, các tổ chức, các học viện từ hơn 80 quốc gia, trong đó có các nhà sản xuất, các nhà cung cấp linh kiện, các học viện, hiệp hội quốc gia và quốc tế về năng lượng gió và năng lượng tái tạo, các nhà cung cấp điện, các công ty tài chính và bảo hiểm.
Vui lòng truy cập: https://gwec.net/
Về Informa Markets (Vietnam)
Informa Markets Vietnam tập trung vào phát triển các ngành kinh tế tiêu biểu như Nông nghiệp, Năng lượng, Thực phẩm & Đồ uống, Cơ sở hạ tầng, Phong cách sống, Sản xuất – chế tạo, Chế biến & Đóng gói. Các triển lãm của chúng tôi được đông đảo các doanh nghiệp và chuyên gia trong ngành biết tới như: Electric & Power Vietnam, Food & Hotel Vietnam (FHV), Machine Tool Automation Vietnam (MTA), ProPak Vietnam, Renewable Energy Vietnam, VietBeauty & Cosmobeaute, VietWater and VietStock. Qua các hoạt động tích cực của mình, Informa Markets Vietnam đã tạo ra một sân chơi thương mại kết nối hàng ngàn doanh nghiệp trưng bày.
Vui lòng truy cập: https://www.informamarkets.com
Về Vietnam Wind Power 2021
Trong 2 ngày diễn ra Hội thảo, các chương trình diễn ra liên tục với các chủ đề về toàn cảnh thị trường, chính sách, tài chính, công nghệ, nhà đầu tư nước ngoài, cũng như các vấn đề về phát triển ngành điện gió nói riêng và ngành năng lượng tái tạo nói chung, đặc biệt là sau dịch bệnh.
Vui lòng truy cập: https://vietnam-windpower.com
Nguồn: Báo doanhnghiepthuonghieu