Hà Nội vượt qua nhiều khó khăn đạt kết quả ấn tượng về tiết kiệm năng lượng
Vượt qua thách thức
Có thể thấy rõ năm 2020, 2021 đầy khó khăn và thử thách đối với doanh nghiệp, người dân và các cơ quan quản lý nhà nước do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19. Điều này đã hạn chế các hoạt động tập trung đông người nên đã gây không ít khó khăn cho các hoạt động tuyên truyền, hỗ trợ, triển khai các hoạt động tư vấn, kiểm toán ở doanh nghiệp.
Bên cạnh đó, do ảnh hưởng của dịch bệnh dẫn đến hoạt động sản xuất kinh doanh của nhiều doanh nghiệp bị đình trệ hoặc giảm sút đã làm thay đổi kế hoạch triển khai các giải pháp đầu tư đổi mới thiết bị, máy móc công nghệ tiết kiệm năng của nhiều doanh nghiệp, đó là chưa kể đến nguồn nhân lực quản lý năng lượng tại các doanh nghiệp cũng bị ảnh hưởng khi các kế hoạch tổ chức đào tạo, tập huấn cũng bị hủy hoặc hoãn…
Vượt qua những khó khăn đó, Hà Nội đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền trên diện rộng và cả theo chiều sâu, đồng thời chủ động đẩy mạnh áp dụng công nghệ số, hướng dẫn, hỗ trợ trực tiếp cho doanh nghiệp trong triển khai thực hiện nâng cao hiệu quả sử dụng năng lượng, giúp giảm tiêu hao năng lượng, nâng cao năng suất chất lượng, đảm bảo phù hợp với điều kiện, khả năng của từng doanh nghiệp; hỗ trợ xây dựng hệ thống quản lý năng lượng, đào tạo cán bộ quản lý năng lượng.
Đặc biệt 6 tháng đầu năm 2021 tình hình dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp nhiều hoạt động bề nổi như: Hội nghị, hội thảo, tập huấn, hỗ trợ tư vấn kỹ thuật… cho doanh nghiệp đã phải tạm dừng và thay đổi phương thức hỗ trợ, tuy nhiên tổng mức năng lượng tiết kiệm của thủ đô vẫn ước đạt 34,4 kTOE, đạt 42% so với kế hoạch năm. Đặc biệt, các quận huyện, thị xã đã xây dựng kế hoạch và tổ chức tuyên truyền phổ biến nâng cao nhận thức về lối sống, tiêu dùng bền vững đạt trên 55%; 35% Khu Công nghiệp, Cụm Công nghiệp và 30% các làng nghề đã được tuyên truyền, phổ biến nâng cao nhận thức về sản xuất và tiêu dùng bền vững.
Những con số ấn tượng
Thành công đầu tiên phải kể đến Phong trào Hộ gia đình tiết kiệm điện, tiết kiệm năng lượng, Sở Công thương đã phối hợp với các Sở, ngành Thành phố, Tổng Công ty Điện lực thành phố Hà Nội và các đơn vị đẩy mạnh công tác tuyên truyền tăng cường triển khai các biện pháp tiết kiệm điện, tiết kiệm năng lượng trong sản xuất kinh doanh và sinh hoạt. Chỉ tính riêng, trong thời điểm cao điểm hè, Thành phố Hà Nội đã triển khai tuyên truyền tiết kiệm điện đến trên 120.000 hộ gia đình tiêu thụ nhiều điện thông qua gửi tin nhắn SMS với thông điệp: “Thành phố Hà Nội chung tay tiết kiệm điện, tắt thiết bị điện khi không sử dụng” cũng như triển khai phát động cao điểm hè về sử dụng tiết kiệm điện, tiết kiệm năng lương và tổ chức Hội nghị Phát động Cao điểm hè về sử dụng tiết kiệm điện năm 2020…
Bên cạnh đó, Hà Nội đã phát hành 12.000 sổ tay hướng dẫn kỹ năng sử dụng tiết kiệm điện, tiết kiệm năng lượng trong hộ gia đình. Hướng dẫn UBND các quận, huyện, thị xã công nhận 11.400 hộ gia đình tiết kiệm điện, tiết kiệm năng lượng tiêu biểu cấp quận, huyện, thị xã. Công nhận 1.050 hộ gia đình tiêu biểu sử dụng tiết kiệm điện, tiết kiệm năng lượng trên địa bàn Thành phố năm 2020.
Đối với các cơ sở sử dụng năng lượng trọng điểm trong công nghiệp và công trình xây dựng theo tiêu chí của thành phố, năm 2020 Hà Nội đã vận động và hướng dẫn trên 80 cơ sở tham gia công nhận danh hiệu Cơ sở sử dụng NĂNG LƯỢNG XANH cho 42 cơ sở, trong đó: 19 cơ sở, công trình xây dựng sử dụng năng lượng trọng điểm đã triển khai thực hiện 112 giải pháp, tiết kiệm được 8.130,8 TOE, tương đương tiết kiệm 84,01 tỷ đồng trong vòng đời dự án 3 năm; kế hoạch sử dụng năng hiệu quả trong 5 năm tới, 19 cơ sở này sẽ tiết kiệm 8.401,1 TOE, tương đương với 86,8 tỷ đồng; 11 cơ sở sử dụng nhiều năng lượng đã triển khai thực hiện 48 giải pháp, tiết kiệm được 391,7 TOE, tương đương tiết kiệm 3,4 tỷ đồng trong vòng đời dự án 3 năm; kế hoạch sử dụng năng hiệu quả trong 5 năm tới, 11 cơ sở này sẽ tiết kiệm 652,4 TOE, tương đương với 5,6 tỷ đồng.
Trong lĩnh vực năng lượng mới, năng lượng tái tạo, cùng với một số đề tài nghiên cứu phục vụ công tác kiểm toán năng lượng ứng dụng công nghệ IoT và nền tảng trí tuệ nhân tạo AI thông qua Sở Khoa học và Công nghệ thì năm 2020 Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn phối hợp với đơn vị liên quan đã thực hiện 22 mô hình trình diễn áp dụng quy trình sản xuất theo tiêu chuẩn VietGap vừa nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, vừa thân thiện với môi trường, tạo ra năng lượng sinh khối, góp phần vào việc sử dụng năng lượng tiết kiệm hiệu quả; xây dựng 115 công trình Khí sinh học (Biogas); Tổ chức 100 hội nghị tuyên truyền hướng dẫn quy trình vận hành, bảo dưỡng công trình Khí sinh học, lợi ích của việc xây dựng khí sinh học… Đặc biệt, chương trình khuyến khích khách hàng lắp đặt điện mặt trời mái nhà cũng đã được EVNHANOI thực hiện. Tính đến hết năm 2020 thành phố Hà Nội đã có trên 2.101 khách hàng lắp đặt điện mặt trời mái nhà với tổng công suất lắp đặt 35,78 MWp, sản lượng điện phát lên lưới điện là 4,8 triệu kWh.
Sẵn sàng cho những mục tiêu mới
Theo Bà Trần Thị Phương Lan – Q.Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội cho biết: năm 2021 Thành phố phấn đấu đạt mức tiết kiệm năng lượng từ 1,0% -1,5% mức tiêu thụ năng lượng so với dự báo nhu cầu, 50% doanh nghiệp vận tải trọng điểm có chương trình phổ biến kỹ năng điều khiển phương tiện/giải pháp kỹ thuật trong khai thác, sử dụng phương tiện giao thông cơ giới theo hướng tiết kiệm năng lượng; đạt 60% doanh nghiệp trong các khu công nghiệp, cụm công nghiệp và 50% các cơ sở công nghiệp nông thôn, làng nghề được tiếp cận, áp dụng các giải pháp sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả; đạt chỉ tiêu 60% cơ sở tiêu thụ năng lượng trọng điểm áp dụng hệ thống quản lý năng lượng theo quy định; 45 cơ sở, công trình xây dựng trên địa bàn được công nhận sử dụng năng lượng xanh.
Để thực hiện mục tiêu này, kế hoạch đề ra nội dung cụ thể, như hỗ trợ kỹ thuật đối với các hoạt động sản xuất, chế tạo, cải tạo; chuyển đổi phương tiện, trang thiết bị, máy móc, dây chuyền sản xuất, công trình xây dựng, chiếu sáng công cộng, giao thông vận tải, tiết kiệm năng lượng trong hộ gia đình. Đồng thời, tăng cường năng lực và truyền thông nâng cao nhận thức cộng đồng về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả.
Thành phố đã thực hiện kiểm toán năng lượng cho 53 cơ sở, doanh nghiệp; Đánh giá hiệu quả năng lượng cho 12 cơ sở tòa nhà, công trình xây dựng; Hỗ trợ xây dựng hệ thống quản lý năng lượng cho 14 cơ sở; Mô phỏng năng lượng cho 04 tòa nhà cơ sở tòa nhà, công trình xây dựng; Hỗ trợ 27 cơ sở ứng dụng phương pháp dự báo nhu cầu năng lượng để đánh giá hiệu quả năng lượng và 6 tòa nhà, công trình xây dựng ứng dụng công cụ đánh giá hiệu quả năng lượng đáp ứng Quy chuẩn QCVN 09:2017/BXD.
Vận động, hướng dẫn trên 90 cơ sở tham gia công nhận danh hiệu Cơ sở sử dụng NĂNG LƯỢNG XANH theo Tiêu chí của Thành phố; Tổ chức họp hội đồng đánh giá và công nhận danh hiệu Cơ sở sử dụng năng lượng xanh cho 45 cơ sở. Hỗ trợ kỹ thuật nâng cao hiệu quả sử dụng năng lượng, tư vấn cho 05 đơn vị tham gia Giải thưởng ASEAN về quản lý năng lượng trong công nghiệp và tòa nhà.
Hướng dẫn các chủ đầu tư lắp đặt, sử dụng các loại đèn LED đảm bảo chất lượng, hiệu quả, có kinh phí đầu tư hợp lý và giảm điện năng tiêu thụ trong quá trình lập dự án đầu tư xây dựng công trình, cải tạo chỉnh trang, duy tu, duy trì hệ thống chiếu sáng công cộng, tổ chức lập và thực hiện các biện pháp cần thiết để tiết kiệm năng lượng cho hệ thống chiếu sáng công cộng của Thành phố. Áp dụng các giải pháp quản lý, quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật hiện hành trong chiếu sáng công cộng, đèn tín hiệu giao thông; thay thế các đèn trang trí, đèn chiếu sáng, đèn tín hiệu giao thông băng đèn Led tiết kiệm điện. Giám sát chặt chẽ thời gian bật, tắt đèn chiếu sáng công cộng đảm bảo tiết kiệm điện theo đúng quy định.
Tuyên truyền, vận động cộng đồng hưởng ứng Chiến dịch Giờ trái đất trên địa bàn thành phố Hà Nội: Tổ chức in ấn và treo băng rôn, khẩu hiệu, poster tuyên truyền, hưởng ứng Chiến dịch Giờ Trái đất tại các cơ quan, công sở, các tuyến phố trên địa bàn; Tuyên truyền đến các hộ gia đình, các cơ sở kinh doanh dịch vụ sử dụng các loại thiết bị điện có hiệu suất cao, được dán nhãn năng lượng và thực hiện các giải pháp tiết kiệm điện trên hệ thống loa truyền thanh xã, phường, thị trấn, tổ chức truyền thanh lưu động,… Vận động các tổ chức, cơ quan và người dân trên địa bàn thực hiện tắt đèn và các thiết bị không cần thiết vào thời gian diễn ra Giờ Trái đất; nhiều hoạt động hưởng ứng diễn ra tại các trường học như: thi vẽ tranh, thuyết trình tranh với chủ đề “Lên tiếng vì thiên nhiên”, treo pano, áp phích, băng rôn, trên bảng khẩu hiệu đèn LED các công trường; góp phần vào kết quả chung của cả nước, tiết kiệm được 353.000 kWh trong thời gian 1 giờ diễn ra Giờ Trái đất.
Tuyên truyền phổ biến trong cộng đồng dân cư về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả: Thực hiện thiết kế và in ấn 10.000 tờ rơi tuyên truyền tiết kiệm điện và tiết kiệm năng lượng, bảo vệ môi trường phát các trụ sở của các xã, phường; các cơ sở sản xuất kinh doanh, các trường học trên địa bàn Thành phố; xây dựng và phát hành 3.000 sổ tay tuyên truyền tiết kiệm điện, tiết kiệm năng lượng, các mô hình tiết kiệm điện và tiết kiệm năng lượng, ứng dụng các giải pháp tiên tiến tiết kiệm năng lượng phát cho các tòa nhà.
Tham mưu UBND thành phố Hà Nội tổ chức Hội chợ triển lãm quốc tế: Công nghệ năng lượng – Môi trường Hà Nội năm 2021 từ ngày 17-19/11/2021 tại Trung tâm Triển lãm quốc tế I.C.E Hanoi – số 91, Trần Hưng Đạo, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội với quy mô: 70-80 gian hàng trưng bày tại Hội chợ triển lãm của các doanh nghiệp trong nước; 120 – 150 gian hàng triển lãm ảo trên không gian mạng của các doanh nghiệp quốc tế đến từ các quốc gia như: Hàn Quốc, Trung Quốc, Nhật Bản, Czech, Đức…
Triển khai tổ chức Phong trào Hộ gia đình sử dụng tiết kiệm điện, tiết kiệm năng lượng trên địa bàn thành phố Hà Nội năm 2021: Tuyên truyền tiết kiệm điện đến 120.000 hộ gia đình tiêu thụ nhiều điện trong tháng 7/2021 thông qua gửi tin nhắn SMS với thông điệp: Thành phố Hà Nội chung tay tiết kiệm năng lượng, tắt thiết bị điện khi không sử dụng, ưu tiên sử dụng thiết bị dán nhãn năng lượng; Cập nhật, thiết kế, phát hành 12.000 sổ tay hướng dẫn kỹ năng sử dụng tiết kiệm điện, tiết kiệm năng lượng trong hộ gia đình; Tổ chức 40 buổi tuyên truyền kỹ năng sử dụng thiết bị tiết kiệm điện, tiết kiệm năng lượng cho các hộ gia đình tại quận, huyện/thị xã trên địa bàn thành phố Hà Nội. Vận động các hộ gia đình tham gia phong trào Hộ gia đình sử dụng tiết kiệm điện, tiết kiệm năng lượng. Công nhận 1.050 hộ gia đình tiêu biểu sử dụng tiết kiệm điện, tiết kiệm năng lượng của Thành phố năm 2021 (50 hộ/quận; 25 hộ/huyện, thị xã).
Năm 2021, theo đánh giá sơ bộ việc triển khai Chương trình đã góp phần tiết kiệm 122,4 kTOE, đạt 1,57% mức tiêu thụ năng lượng so với dự báo nhu cầu; kết quả đã đạt được mục tiêu đặt ra tại Kế hoạch số 75/KH-UBND ngày 19/3/2021 của UBND thành phố Hà Nội, góp phần tích cực thực hiện các mục tiêu của Thành phố Hà Nội trong thực hiện Chương trình giai đoạn 2021-2025 trên địa bàn thành phố Hà Nội.
Nguồn: Báo doanhnghiepthuonghieu