Thanh Hóa: Tiêu hủy 1.193 con lợn bị dịch tả lợn châu Phi
Thanh Hoá hiện có tổng đàn lợn lớn thứ 3 cả nước với khoảng 1,2 triệu con, tập trung chủ yếu ở các huyện chăn nuôi trọng điểm với mật độ cao như: Nông Cống, Yên Định, Thiệu Hóa… Tính đến ngày 25/10, bệnh DTLCP đã ảnh hưởng đến 273 hộ của 27 xã thuộc 5 huyện: Thiệu Hóa, Nông Cống, Triệu Sơn, Như Thanh và Quan Sơn buộc phải tiêu hủy 1.193 con lợn với tổng trọng lượng 78.862 kg.
Trước diễn biến phức tạp của bệnh DTLCP, ngành Nông nghiệp cùng các địa phương trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa đang tăng cường thực hiện các giải pháp phòng, chống dịch quyết liệt. Trong đó, tập trung thực hiện các giải pháp tiêu độc khử trùng, duy trì các trạm chốt kiểm soát động vật, siết chặt công tác kiểm soát vận chuyển, giết mổ, nhất là đối với việc vận chuyển lợn giống. Kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm trong buôn bán, vận chuyển, tập kết, thu gom lợn không đúng quy định. Chỉ đạo lực lượng chức năng kiểm tra, kiên quyết xóa bỏ các điểm dừng, tắm, rửa các xe vận chuyển lợn không được cấp phép trên các tuyến giao thông. Bố trí đầy đủ lực lượng thú y các cấp đáp ứng yêu cầu ứng phó với bệnh DTLCP. Đồng thời, tăng cường thông tin, tuyên truyền bằng nhiều hình thức để các doanh nghiệp, người chăn nuôi hiểu rõ mức độ nguy hiểm và các biện pháp phòng, chống dịch bệnh, các chính sách hỗ trợ trong công tác phòng, chống dịch bệnh theo đúng quy định.
Được biết, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Thanh Hóa đã tham mưu cho UBND tỉnh trình Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hỗ trợ khẩn cấp cho tỉnh Thanh Hóa 10.000 lít hóa chất sát trùng để phòng, chống dịch bệnh. Bên cạnh đó, Sở NN&PTNT đã thành lập đội phản ứng nhanh với thành phần là lãnh đạo, cán bộ chuyên môn của Chi cục Chăn nuôi và Thú y, phân công cán bộ chuyên môn bám sát địa bàn để xử lý, khống chế các ổ dịch ngay khi mới xuất hiện.
Nhằm kiểm soát và phòng dịch tốt, toàn ngành Nông nghiệp Thanh Hóa đã triển khai tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác phòng, chống dịch bệnh động vật, báo cáo dịch bệnh động vật trực tuyến qua hệ thống VAHIS. Áp dụng hình thức trực tuyến để hướng dẫn phòng, chống dịch bệnh và tổ chức lấy mẫu giám sát, xét nghiệm xác định tác nhân gây bệnh động vật, đánh giá các cơ sở an toàn dịch bệnh động vật…
Đưa ra khuyến cáo với các xã, huyện chưa có dịch: Đối với các xã, huyện bị dịch uy hiếp thực hiện việc tổng vệ sinh, khử trùng tiêu độc liên tục 1 lần/ngày trong vòng 1 tuần đầu tiên, 3 lần tuần trong 2-3 tuần tiếp theo. Đối với các xã, huyện thuộc vùng đệm vệ sinh, khử trùng tiêu độc liên tục 1 lần tuần liên tục trong vòng 1 tháng kể từ khi có ổ dịch. Đồng thời, theo dõi lâm sàng và lấy mẫu xét nghiệm đối với lợn có triệu chứng lâm sàng của bệnh, lợn chết. Tăng cường kiểm tra, đôn đốc, giám sát việc thực hiện công tác phòng, chống dịch bệnh tại các xã, phường, thị trấn, các huyện để phát hiện sớm các ổ dịch và bao vây dập tắt dịch ngay khi còn ở diện hẹp, kiên quyết không để dịch lây lan ra diện rộng./.
Nguồn: Báo doanhnghiepthuonghieu