Kiến nghị sớm có quy định về hoạt động từ thiện kêu gọi đóng góp từ nhân dân
Tội phạm và vi phạm pháp luật vẫn diễn biến phức tạp
Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 2, chiều 23/10, Quốc hội đã nghe Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày báo cáo của Chính phủ về công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật năm 2021.
Bộ trưởng Công an cho hay, năm 2021, công tác điều tra, xử lý tội phạm được thực hiện theo đúng quy định của pháp luật. Về cơ bản, các vụ án rất nghiêm trọng và đặc biệt nghiêm trọng đều được khẩn trương điều tra làm rõ, đạt 87,05%; trong đó, án rất nghiêm trọng đạt 95%, án đặc biệt nghiêm trọng đạt gần 96,6%, vượt chỉ tiêu Quốc hội giao; tội phạm về trật tự xã hội tiếp tục được kéo giảm 8,06%.
Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm trình bày báo cáo của Chính phủ. (Ảnh: VPQH) |
Tuy nhiên, số vụ phạm tội về trật tự quản lý kinh tế phát hiện tăng 1,87%, số vụ phạm tội về tham nhũng phát hiện tăng 22,44%. Tội phạm tham nhũng, kinh tế, buôn lậu diễn ra rất phức tạp; nhất là các vi phạm trong hoạt động đấu thầu, đấu giá, xã hội hóa y tế và chỉ định thầu mua trang thiết bị y tế phòng, chống dịch bệnh Covid-19.
Số vụ khởi tố mới tăng gần 88,82%. Hành vi vi phạm chủ yếu là giao dịch tài chính trái phép, lừa đảo, mua bán dữ liệu thông tin cá nhân, giả danh nhà mạng, cơ quan chức năng, đánh bạc, đưa tin sai sự thật, không được kiểm chứng, nhất là liên quan đến công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19…
Bộ trưởng Tô Lâm cũng báo cáo, tình hình tội phạm và vi phạm pháp luật vẫn còn diễn biến phức tạp. Công tác tuyên truyền, phòng ngừa tội phạm một số nơi còn hình thức. Tỷ lệ giải quyết tin báo, tố giác tội phạm, kiến nghị khởi tố chưa đạt chỉ tiêu Quốc hội đề ra; số vụ tạm đình chỉ điều tra còn tăng. Vi phạm hành chính còn diễn ra phổ biến trên các lĩnh vực, nhưng việc xử lý chưa nghiêm, chưa đủ sức răn đe…
Nguyên nhân của những tồn tại, hạn chế nêu trên chủ yếu là do tác động tiêu cực của đại dịch Covid-19; lực lượng phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật được tăng cường tối đa cho công tác phòng, chống dịch dẫn tới thiếu hụt nhân lực cho các công tác thường xuyên. Một số cán bộ thực thi pháp luật ý thức kỷ luật kém, thậm chí có sai phạm, tiêu cực trong thực hiện nhiệm vụ… làm ảnh hưởng đến hiệu lực, hiệu quả công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật.
Toàn cảnh phiên họp (Ảnh: VPQH) |
Tội phạm chống người thi hành công vụ tiếp tục gia tăng
Trình bày Báo cáo thẩm tra, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga cho biết, Ủy ban Tư pháp nhận thấy, Chính phủ đã có nhiều nỗ lực, cố gắng, vừa chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh, vừa thực hiện công tác phòng ngừa, chống vi phạm pháp luật và tội phạm đảm bảo giữ vững an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội.
Mặc dù về tổng thể chung, tình hình vi phạm pháp luật và tội phạm giảm, tuy nhiên một số loại tội phạm nghiêm trọng gia tăng, như: Hiếp dâm trẻ em 637 vụ, tăng 9,26%; lừa đảo chiếm đoạt tài sản 2.362 vụ, tăng 4,19%, gây rối trật tự công cộng 469 vụ tăng 18,73%. Số vụ giết người tuy có giảm (1.048 vụ, giảm 7,26%), tuy nhiên xảy ra một số vụ với tính chất, mức độ nguy hiểm, hậu quả đặc biệt nghiêm trọng.
Tội phạm chống người thi hành công vụ tiếp tục gia tăng với 548 vụ, tăng 20,18% và diễn biến phức tạp, số vụ chống người thi hành công vụ thực hiện công tác phòng, chống dịch Covid-19 chiếm 22,81%, số vụ chống lại lực lượng Công an chiếm 69,89%.
Đáng quan tâm, vi phạm quy định về phòng, chống dịch bệnh Covid-19 vẫn diễn ra ở nhiều nơi, phổ biến là các hành vi không tuân thủ quy định về phòng, chống dịch bệnh, làm lây lan dịch bệnh gây hậu quả nghiêm trọng. Cơ quan chức năng đã khởi tố 68 vụ về hành vi làm lây lan dịch bệnh, trong đó có vụ Lương Văn Tiến chống đối Tổ kiểm dịch để vượt qua chốt kiểm dịch tại xã Tiền Phong, huyện Yên Dũng, tỉnh Bắc Giang; vụ Nguyễn Gia Tài tấn công lực lượng làm nhiệm vụ chống dịch tại xã Song Liễu, huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh…
Bên cạnh đó, một số đối tượng còn lợi dụng tình hình dịch bệnh để trục lợi. Cơ quan chức năng đã triệt phá 1 đường dây tổ chức tiêm vắc xin “dịch vụ” với giá từ 2-4 triệu đồng/người, Công an thành phố Hà Nội bắt giữ 1 vụ đối tượng nhận tiền để cấp thẻ “luồng xanh” vào Thành phố…
Đáng lo ngại, số vụ hiếp dâm 922 vụ, tăng 5,49% vụ, số vụ hiếp dâm trẻ em là 637 vụ, tăng 9,26% nhiều vụ có tính chất nghiêm trọng. Năm 2020, Quốc hội đã tiến hành giám sát tối cao về vấn đề này, các cơ quan chức năng đã vào cuộc rất quyết liệt, nhưng loại tội phạm này không những không giảm mà còn gia tăng. “Đây là một thực trạng rất đáng báo động”, Báo cáo nêu rõ.
Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga trình bày báo cáo thẩm tra của Ủy ban Tư pháp. (Ảnh: VPQH) |
Cùng với đó, việc lợi dụng mạng viễn thông, mạng internet, mạng xã hội để làm mất an ninh trật tự, lừa đảo chiếm đoạt tài sản, tổ chức đánh bạc… vẫn diễn ra công khai. Công tác quản lý nhà nước về hoạt động đấu thầu, chỉ định thầu, định giá, cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước còn nhiều sơ hở, bất cập tạo điều kiện cho các đối tượng thông đồng để trục lợi, gây thất thoát lớn tài sản của Nhà nước…
Theo Ủy ban thẩm tra, dư luận cử tri ghi nhận sự đóng góp tích cực của một số cá nhân hoạt động từ thiện khi xảy ra thiên tai, dịch bệnh. Tuy nhiên, để ngăn ngừa khả năng xảy ra tình trạng trục lợi của một số cá nhân khi thực hiện hoạt động từ thiện có kêu gọi đóng góp từ nhân dân thì cần có quy định của pháp luật về vấn đề này.
“Hiện Nghị định số 64/2008 về vận động, tiếp nhận, phân phối và sử dụng các nguồn đóng góp tự nguyện hỗ trợ nhân dân khắc phục khó khăn do thiên tai, hỏa hoạn, sự cố nghiêm trọng, các bệnh nhân mắc bệnh hiểm nghèo quy định: Ngoài các tổ chức, đơn vị như Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; Hội chữ thập đỏ Việt Nam; các quỹ xã hội, quỹ từ thiện; một số tổ chức, đơn vị được cơ quan có thẩm quyền cho phép thì không một tổ chức, đơn vị, cá nhân nào được quyền tổ chức tiếp nhận tiền, hàng cứu trợ”, Báo cáo của Ủy ban Tư pháp nêu rõ.
Nguồn: Báo lao động thủ đô