Ngăn chặn đấu giá cao rồi bỏ cọc: Đại biểu kiến nghị người tham gia phải chứng minh đủ tiền để mua
Sáng 28/10, Quốc hội đã thảo luận về kết quả giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý thị trường bất động sản (BĐS) và phát triển nhà ở xã hội (NOXH) từ năm 2015 đến hết năm 2023.
Đại biểu Hoàng Văn Cường (Đoàn thành phố Hà Nội) cho rằng, báo cáo của Đoàn giám sát đã đánh giá khá đẩy đủ, toàn diện về thị trường bất động sản và phát triển NOXH trong những năm qua.
“Điều mà rất nhiều đại biểu và người dân quan tâm lo lắng là giá BĐS tại các thành phố lớn ở nước ta rất cao và liên tục tăng lên. Giá BĐS được đánh giá là cao một cách bất hợp lý vì tương quan giữa giá BĐS nhà ở với thu nhập của người dân là quá cao, điều đó phản ánh mức giá đó là không có khả năng thanh toán thực tế và hai là thu nhập mang lại từ BĐS, ví dụ như là tiền thuê so với tổng vốn bỏ ra mua BĐS đó là rất thấp, thậm chí nhiều BĐS có mức thu nhập gần như bằng không.
Đại biểu Hoàng Văn Cường (Đoàn thành phố Hà Nội) thảo luận tại hội trường. Ảnh: Quốc hội. |
Đại biểu Hoàng Văn Cường nhìn nhận, giá BĐS cao, nhưng vẫn liên tục tăng lên là do 3 nguyên nhân.
Thứ nhất, là do người mua nhà không chỉ để ở mà còn là một kênh tích lũy tài sản vì tiền bỏ vào mua nhà sẽ không mất đi mà tăng lên do giá nhà chỉ có tăng không giảm. Nhiều người mua dẫn đến nhu cầu tăng, giá tăng và làm gia tăng đầu cơ đẩy giá BĐS, hút dòng tiền không vào lĩnh vực kinh doanh khác.
Thứ hai, trong những năm qua do vướng mắc các thủ tục pháp lý, nên hầu hết các dự án đầu tư BĐS phải dừng lại, không được triển khai, dẫn đến nguồn cung không có. Mặc dù giá BĐS cao, nhưng các doanh nghiệp BĐS vẫn rơi vào khó khăn, do các dự án BĐS phải dừng không triển khai được.
Do vậy, để gỡ khó cho các doanh nghiệp BĐS thì phải gỡ các vướng mắc về pháp lý và thủ tục để các dự án BĐS được tiếp tục triển khai, nhiều dự án mới được khởi công.
Thứ ba, trong bối cảnh cầu tăng, cung khan hiếm, lực lượng môi giới đã tung tin, thổi giá; những người đấu giá cố tình bỏ giá cao để đẩy giá thị trường lên; và các doanh nghiệp lớn đưa BĐS ra thị trường cùng bán với mức giá cao (dư luận cho rằng có bắt tay nhau, nhưng không có bằng chứng) nhằm thiết lập một mặt bằng giá mới của thị trường.
Để kiểm soát tình trạng tăng giá BĐS, bên cạnh giải pháp về giải quyết các thủ tục pháp lý cho các dự án BĐS để tăng nguồn cung, đại biểu Hoàng Văn Cường kiến nghị một số giải pháp cấp bách.
Theo đại biểu, để ngăn chặn tình trạng bỏ giá cao khi đấu giá, không thể tăng tiền đặt cọc, vì nếu tăng sẽ hạn chế số người tham gia, mất đi tính cạnh tranh. Do vậy, phải đưa ra qui định người tham gia đấu giá phải chứng minh đủ tiền để mua nếu trúng đấu giá, bằng việc xác nhận Tài khoản tiền gửi ngân hàng hoặc tài sản bảo đảm khác như nhà đất, và phải cam kết nếu cố tình bỏ cọc sẽ bị phong tỏa các tài sản trên để xử lý.
Đại biểu Quốc hội tại Kỳ họp. Ảnh: Quốc hội |
“Nếu có quy định như thế này thì những người có nhu cầu mua thật sẽ dễ dàng chứng minh được, đồng thời sẽ loại bỏ được những người không có nhu cầu sử dụng, tham gia đấu giá để mua đi bán lại, hoặc những người cố tình bỏ giá cao rồi bỏ cọc như vừa qua. Tôi đề nghị trong Nghị quyết cần bổ sung ngay quy định này”, ông Cường nói.
Đồng thời, đưa vào Nghị quyết đề nghị Chính phủ thực hiện ngay Điều 31 của Luật Giá về kiểm tra các yếu tố hình thành giá khi có sự biến động giá bất thường. Việc kiểm tra các yếu tố hình thành giá sẽ không chỉ phát hiện được sự bất thường của giá bán cao để bảo vệ người tiêu dùng, ổn định thị trường mà còn là cơ sở để thu thuế, điều tiết phần thu nhập tăng lên do giá cao bất thường.
Đại biểu cũng đề nghị Chính phủ phải đưa hàng hóa BĐS của các doanh nghiệp bán ra lần đầu trên thị trường thứ cấp, thuộc đối tượng phải kê khai giá. Vì có kê khai và kiểm tra giá như thế, thì Chính phủ mới nắm bắt được kịp thời nguồn gốc biến động giá để có các giải pháp điều chỉnh hữu hiệu.
Cho rằng để lành mạnh thị trường, hoạt động môi giới của các sàn giao dịch BĐS phải hoạt động chuyên nghiệp, đại biểu đoàn Hà Nội đề nghị cho phép Chính phủ nghiên cứu thí điểm tại một số thành phố lớn như Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh cơ chế quản lý các giao dịch BĐS chuyên nghiệp trở thành công cụ thực sự hữu hiệu nâng cao tính công khai, minh bạch của thị trường bất động sản.
Đại biểu Hoàng Văn Cường cũng đồng tình với Dự thảo Nghị quyết giám sát yêu cầu sớm sửa đổi, ban hành mới các luật thuế cao hơn đối với người sử dụng nhiều nhà, nhiều đất và cho rằng, đây là công cụ hữu hiệu để chống đầu cơ đất.
Về NOXH, đại biểu cho biết, để người thu nhập thấp có chỗ ở ổn định, không phải lo trả nợ, kinh nghiệm trên thế giới chủ yếu phát triển nhà ở cho thuê với giá thuê thấp. Người thu nhập thấp muốn có chỗ ở thì đến thuê, thậm chí thuê ở suốt đời; khi có thu nhập cao hơn hoặc đã tích lũy được tiền thì sẽ đi tìm mua nhà ở thương mại, trả nhà thuê đó cho người thu nhập khác thuê.
“Như thế quỹ nhà ở xây dựng cho người thu nhập thấp sẽ luôn dành cho người thu nhập thấp ở”, theo đại biểu.
Nguồn: Báo lao động thủ đô