Đại biểu Nguyễn Phi Thường: Không để doanh nghiệp vi phạm đóng BHXH nhưng người lao động phải gánh hậu quả
Cơ bản nhất trí với 2 Báo cáo của Chính phủ về tình hình thực hiện chính sách, chế độ BHXH, quản lý và sử dụng Quỹ BHXH năm 2020, song đại biểu Nguyễn Phi Thường (Đoàn thành phố Hà Nội) cho rằng, tình trạng doanh nghiệp nợ đóng BHXH, đặc biệt là tình trạng trốn đóng, nợ đóng BHXH có chiều hướng tăng nhanh do tác động của dịch Covid-19, làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền lợi của người lao động.
Đại biểu Nguyễn Phi Thường, Chủ tịch LĐLĐ thành phố Hà Nội (Đoàn thành phố Hà Nội) phát biểu tại phiên thảo luận ở Tổ. |
Theo đại biểu Nguyễn Phi Thường, một trong những bất cập đó là khi doanh nghiệp nợ BHXH thì người lao động sẽ không được hưởng, không được giải quyết các trợ cấp như ốm đau, thai sản, tử tuất… trong khi đó, người lao động vẫn thực hiện đủ nghĩa vụ đóng từ 10-15%, tức là hoàn thành nghĩa vụ của mình. Điều này không chỉ dẫn đến nhiều vụ tranh chấp đã xảy ra mà còn góp phần làm cho đời sống của người lao động vốn đã khó khăn lại càng khó khăn hơn.
“Có trường hợp, người lao động sinh con thứ hai rồi, nhưng việc giải quyết chế độ thai sản lần thứ nhất vẫn chưa thực hiện được; có trường hợp đủ tuổi nghỉ hưu nhưng vẫn chưa được cấp sổ do doanh nghiệp còn nợ đọng BHXH… Điều bất hợp lý là doanh nghiệp vi phạm đóng BHXH, nhưng người lao động lại phải chịu hậu quả”, đại biểu Nguyễn Phi Thường nhấn mạnh.
Liên quan đến tình trạng doanh nghiệp trốn, nợ đọng BHXH, đại biểu Đoàn Hà Nội cho rằng, Luật BHXH đã có hiệu lực từ năm 2016, trong đó tổ chức Công đoàn có quyền đại diện cho người lao động khởi kiện doanh nghiệp ra tòa án đối với hành vi vi phạm pháp luật về BHXH, gây ảnh hưởng đến quyền lợi và lợi ích hợp pháp của người lao động. Tuy nhiên, đến nay, việc thực hiện quy định này vẫn gặp rất nhiều khó khăn, vướng mắc. 6 năm qua, chưa có doanh nghiệp vi phạm nào được tòa án đưa ra xét xử. Vướng mắc lớn nhất là sự bất cập, thiếu thống nhất trong các quy định của pháp luật.
“Thẩm quyền khởi kiện hiện nay được giao cho Công đoàn cơ sở. Tuy nhiên, Chủ tịch Công đoàn cơ sở chủ yếu là kiêm nhiệm, ăn lương của doanh nghiệp, nên rất khó khởi kiện ông chủ của mình. Vì vậy, khi sửa đổi Luật BHXH, chúng tôi đề xuất nghiên cứu, giao quyền khởi kiện này cho Công đoàn cấp trên thực hiện”, đại biểu Nguyễn Phi Thường đề xuất.
Quốc hội lắng nghe Báo cáo thẩm tra về tình hình thực hiện chính sách, chế độ BHXH, quản lý và sử dụng Quỹ BHXH năm 2020 chiều ngày 22/10 |
Trước đó, trình bày Báo cáo thẩm tra về tình hình thực hiện chính sách, chế độ BHXH, quản lý và sử dụng Quỹ BHXH năm 2020, bà Nguyễn Thúy Anh – Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Quốc hội cho biết, tổng số tiền nợ, chậm đóng BHXH là 15.129 tỷ đồng; trong đó, nợ gốc đóng BHXH bắt buộc là 12.113 tỷ đồng, tăng 2.013 tỷ đồng so với 2019; nợ lãi chậm đóng là 3.016 tỷ đồng, chiếm gần 20% tổng số nợ.
Cũng theo bà Nguyễn Thúy Anh, số nợ, chậm đóng có thể tiếp tục gia tăng trong năm 2021 và những năm tiếp theo; cần tính toán về hệ quả pháp lý đối với chính sách tạm dừng đóng vào Quỹ hưu trí và tử tuất khi triển khai các gói hỗ trợ các đối tượng chịu ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 trong trường hợp doanh nghiệp không có khả năng đóng bù khi hết thời hạn tạm dừng đóng.
Ủy ban Xã hội thấy rằng, các nội dung chi của Quỹ BHXH và Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp đều tăng về số người, số tiền so với năm 2019 và nằm trong xu thế tăng đều trong những năm qua; vẫn còn tình trạng cấu kết, lập khống, làm giả hồ sơ hưởng chế độ để lạm dụng, trục lợi Quỹ ốm đau, thai sản; vẫn còn tình trạng chi sai, chi chế độ trợ cấp thất nghiệp trùng với thời gian đóng BHXH; Quỹ Bảo hiểm tai nạn lao động và bệnh nghề nghiệp và Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp vẫn chi chủ yếu vào một số chế độ nhất định, chưa thực hiện được hết các chế độ theo quy định…
Nguồn: Báo lao động thủ đô