Nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động các cơ quan báo chí

Tạo điều kiện cho các hội viên hoạt động

Phát biểu khai mạc Hội nghị, Nhà báo Tô Quang Phán – Chủ tịch Hội Nhà báo Hà Nội cho biết: Năm 2024, Hội Nhà báo Cụm thi đua các tỉnh, thành phố dọc đường 6 đã tập hợp, đoàn kết, động viên, cổ vũ các hội viên, nhà báo tuyên truyền hiệu quả các nhiệm vụ chính trị và đạt được nhiều thành tích trong hoạt động nghiệp vụ, công tác Hội.

Giao ban Cụm thi đua Hội Nhà báo các tỉnh, thành phố dọc đường 6 và Hội thảo “Kinh tế báo chí trong giai đoạn mới”
Toàn cảnh Hội nghị

Các cơ quan báo chí trong Cụm cũng có nhiều nỗ lực trong việc đổi mới, nắm bắt công nghệ, cải tiến nội dung và hình thức thể hiện qua việc xây dựng các chuyên trang, chuyên mục, chương trình mới; đóng góp hiệu quả vào công tác tuyên truyền, cổ vũ nhân dân cả nước, đồng bào các dân tộc khu vực Tây Bắc và Thủ đô Hà Nội thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước; hội viên trong Cụm luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ chính trị được giao, nghiêm túc chấp hành các quy định của pháp luật về báo chí, Điều lệ của Hội, Quy định về đạo đức nghề nghiệp người làm báo, Quy tắc sử dụng mạng xã hội và phong trào thi đua “Xây dựng môi trường văn hóa trong các cơ quan báo chí và văn hóa của người làm báo Việt Nam” với 12 tiêu chí do Hội Nhà báo Việt Nam ban hành.

Bên cạnh đó, điểm sáng trong hoạt động của Hội Nhà báo các tỉnh, thành phố, Cụm thi đua dọc đường 6, đó là sự phối hợp chặt chẽ trong tổ chức các hoạt động từ thiện – xã hội.

Giao ban Cụm thi đua Hội Nhà báo các tỉnh, thành phố dọc đường 6 và Hội thảo “Kinh tế báo chí trong giai đoạn mới”
Ông Nguyễn Đức Lợi – Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam phát biểu chỉ đạo Hội nghị

“Chúng ta đang sống trong thời đại công nghệ 4.0, cơ hội để đổi mới, với rất nhiều tiềm năng phát triển, nhưng khó khăn, thách thức phía trước cũng không ít. Trong bối cảnh hiện nay, bên cạnh nhiệm vụ chính trị, các cơ quan báo chí, truyền thông còn phải tập trung xây dựng tòa soạn hiện đại, phù hợp với sự phát triển của thời đại về công nghệ số. Chính vì vậy, một trong những nhiệm vụ hàng đầu của các cơ quan báo chí là phải tăng tốc, mạnh mẽ chuyển đổi số, đồng thời có hướng đi mới để phát triển kinh tế báo chí hiệu quả”, Chủ tịch Hội Nhà báo Hà Nội Tô Quang Phán nhấn mạnh.

Ông cũng cho rằng, đây là một trong những nhiệm vụ cấp thiết, “sống còn”, “một bài toán cần có lời giải” hữu hiệu, nhất là đối với cơ quan báo chí tự chủ hoàn toàn về tài chính.

Trình bày Dự thảo báo cáo tổng kết công tác Thi đua năm 2024 và phương hướng, nhiệm vụ năm 2025, ông Kiều Thanh Hùng – Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Hà Nội cho biết, Hội Nhà báo trong Cụm thi đua các tỉnh, thành phố dọc đường 6 thường xuyên nhận được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của Thành ủy, Tỉnh ủy và Hội đồng nhân dân (HĐND), Ủy ban nhân dân (UBND) các tỉnh, thành phố; hướng dẫn kịp thời, cụ thể của Hội Nhà báo Việt Nam và các Ban Công tác của Hội; phối hợp, giúp đỡ của các sở, ban, ngành, các cơ quan báo chí trong Cụm thi đua…

Thường trực Hội và hội viên nhà báo trong Cụm luôn đoàn kết, giữ vững lập trường, tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống và chuyên môn nghiệp vụ; thực hiện nghiêm Điều lệ Hội, Luật báo chí, Quy định về đạo đức nghề nghiệp người làm báo Việt Nam và Quy tắc sử dụng mạng xã hội, hưởng ứng tham gia và triển khai thực hiện phong trào thi đua “Xây dựng môi trường văn hóa trong các cơ quan báo chí” và văn hóa của người làm báo Việt Nam theo Quyết định số 70a/QĐ-HNBVN ngày 21/06/2022 của Hội Nhà báo Việt Nam ban hành với 12 tiêu chí cụ thể.

Giao ban Cụm thi đua Hội Nhà báo các tỉnh, thành phố dọc đường 6 và Hội thảo “Kinh tế báo chí trong giai đoạn mới”
Nhà báo Tô Quang Phán – Chủ tịch Hội Nhà báo Hà Nội phát biểu tại Hội nghị.

Việc phối hợp giữa Thường trực Hội và Ban Biên tập, Liên Chi hội, Chi hội các cơ quan báo chí trong Cụm được duy trì thường xuyên, chặt chẽ, tạo môi trường hoạt động nghiệp vụ thuận lợi cho hội viên, đảm bảo đúng quy định của pháp luật.

Năm 2024, Thường trực Hội Nhà báo trong Cụm đã bám sát chỉ đạo của Hội Nhà báo Việt Nam, của Thành ủy, Tỉnh ủy, HĐND, UBND các tỉnh, thành phố làm tốt công tác giáo dục chính trị cho hội viên, nhà báo. Hoạt động các cấp Hội trong Cụm được đổi mới, chất lượng được nâng cao và có sự phối hợp, gắn kết chặt chẽ.

Tổ chức tốt và tham gia đầy đủ các phong trào thi đua yêu nước, các cuộc thi báo chí do Trung ương, Bộ ngành và các Cụm, tỉnh, thành phố phát động. Phối hợp với Ban Tuyên giáo Tỉnh – Thành ủy, Sở Thông tin và Truyền thông; Thủ trưởng các cơ quan báo chí định hướng công tác tuyên truyền; quản lý hội viên; bảo vệ quyền lợi cho hội viên; chăm lo công tác đào tạo nâng cao nghiệp vụ chuyên môn đáp ứng yêu cầu đổi mới.

Bên cạnh những kết quả đã đạt được, còn có một số hạn chế như: Một số hoạt động còn bất cập do kinh phí hạn hẹp; chưa tạo được động lực thu hút đông đảo hội viên tham gia. Công tác phối hợp trong đào tạo nghiệp vụ chưa thực sự đáp ứng nhu cầu đặt ra từ thực tiễn, nhất là công cuộc chuyển đổi số báo chí.

Trình độ năng lực của cán bộ, hội viên còn nhiều hạn chế, nhất là nghiệp vụ chuyên sâu, chuyên môn về công nghệ mới, kỹ năng, phương pháp sáng tạo trong làm báo hiện đại. Công tác đối ngoại, nhất là đối với các Hội Nhà báo, cơ quan báo chí trong khu vực còn hạn chế do không có kinh phí…

Giao ban Cụm thi đua Hội Nhà báo các tỉnh, thành phố dọc đường 6 và Hội thảo “Kinh tế báo chí trong giai đoạn mới”
Nhà báo Đinh Tuấn Anh – Phó Tổng Biên tập Báo Lao động Thủ đô tham luận.

Báo cáo cũng nêu 11 phương hướng, nhiệm vụ năm 2025 và các giải pháp thực hiện nhiệm vụ năm 2025 như: Tiếp tục quán triệt triển khai hiệu quả Chỉ thị 43/CT/TW ngày 8/4/2020 của Ban Bí thư về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với hoạt động của Hội Nhà báo Việt Nam trong tình hình mới” đến các hội viên, chi hội, liên chi hội trực thuộc. Tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 35-NQ/TW ngày 22/8/2018 của Bộ Chính trị khóa XII về “Tăng cường bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trong tình hình mới”. Triển khai hiệu quả chương trình chuyển đổi số Quốc gia, nhất là lĩnh vực liên quan đến hoạt động báo chí…

Linh hoạt các giải pháp phát triển kinh tế báo chí trong giai đoạn mới

Thảo luận nội dung chủ đề của Hội thảo “Kinh tế báo chí trong giai đoạn mới”, ông Đinh Tuấn Anh – Phó Tổng Biên tập Báo Lao động Thủ đô cho rằng, hiện nay, đa số cơ quan báo chí của Việt Nam nói chung và Hà Nội nói riêng đang hoạt động theo mô hình đơn vị sự nghiệp có thu, tự chủ tài chính. Vì vậy, việc tạo nguồn thu của cơ quan báo chí có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, là điều kiện tiên quyết để cơ quan báo chí trong quá trình tồn tại và phát triển.

Cũng cần nhìn nhận rằng, sản phẩm của báo chí không phải là sản phẩm hàng hóa đơn thuần mà mang đặc trưng các yếu tố chính trị, văn hóa. Trong khi doanh nghiệp có thể đưa ra sản phẩm đáp ứng nhu cầu thị trường thì các cơ quan báo chí không thể muốn đưa sản phẩm nào ra thị trường cũng được vì cùng với thông tin thì sản phẩm báo chí còn gánh vác các chức năng chính trị, giáo dục, định hướng xã hội… Và không giống nhiều nền báo chí khác, báo chí Việt Nam được định danh là “Báo chí Cách mạng” với sứ mệnh “phụng sự nhân dân”, là nguồn nội lực cho sự phát triển mạnh mẽ của đất nước.

Giao ban Cụm thi đua Hội Nhà báo các tỉnh, thành phố dọc đường 6 và Hội thảo “Kinh tế báo chí trong giai đoạn mới”
Hội thảo có sự tham gia của nhiều đơn vị báo chí Hà Nội và các tỉnh, thành.

Nói như vậy cũng không có nghĩa rằng, làm kinh tế báo chí, tự chủ báo chí là cứ bám rịt vào “bầu sữa” ngân sách. Để có thể phát triển vững chắc, ngoài cơ chế đặt hàng từ Nhà nước, cũng cần có chính sách, hành lang pháp lý thông thoáng hơn, cởi mở hơn để giúp các cơ quan báo chí làm phong phú thêm nguồn thu. Bản thân mỗi cơ quan báo chí cũng phải đổi mới, tinh gọn bộ máy, tối ưu hóa chi phí và doanh thu, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động.

“Đối với Báo Lao động Thủ đô, lợi thế là một trong năm tờ báo của thành phố Hà Nội, một trong hai tờ báo của tổ chức Công đoàn được giữ lại sau giai đoạn đầu thực hiện Quy hoạch báo chí. Thời gian qua, bên cạnh việc luôn nghiêm túc thực hiện đúng tôn chỉ mục đích, báo cũng đã xây dựng được thị trường, mang bản sắc riêng khi tập trung truyền thông lĩnh vực lao động việc làm, công đoàn, phong trào công nhân, viên chức, lao động, quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động”, ông Đinh Tuấn Anh cho biết.

Giao ban Cụm thi đua Hội Nhà báo các tỉnh, thành phố dọc đường 6 và Hội thảo “Kinh tế báo chí trong giai đoạn mới”
Nhà báo Nguyễn Minh Đức – Tổng Biên tập Báo Hànộimới tham luận tại chương trình.

Cũng bàn về chủ đề “Kinh tế báo chí trong giai đoạn mới”, ông Nguyễn Minh Đức – Tổng Biên tập Báo Hànộimới cho hay, kinh tế báo chí là hoạt động nhằm mang lại nguồn thu, lợi nhuận và bảo đảm cho quá trình vận hành, phát triển của cơ quan báo chí. Hoạt động kinh tế báo chí phần lớn dựa trên sản phẩm hàng hóa báo chí, truyền thông và dịch vụ quảng cáo.

Những năm gần đây, kinh tế báo chí ngày càng đóng vai trò quan trọng khi các cơ quan báo chí phải tự chủ về vấn đề tài chính. Hơn nữa, bước vào thời đại kỹ thuật số, báo chí phải chịu áp lực nặng nề từ việc doanh thu sụt giảm, trong khi chi phí sản xuất, phân phối thông tin ngày càng tăng. Những điều này khiến các cơ quan báo chí buộc phải cải tiến các mô hình kinh doanh phù hợp với xu thế của thị trường nhằm tạo ra những nguồn thu mới.

Là cơ quan của ngôn luận, tiếng nói của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Thủ đô, 66 năm qua, Báo Hànộimới không chỉ hoàn thành tốt nhiệm vụ chính trị của một tờ báo Đảng của Thủ đô mà còn thực hiện khá tốt công tác kinh tế báo chí thông qua các hoạt động: Phát hành, quảng cáo, tổ chức các sự kiện, chương trình từ thiện xã hội.

Từ những kết quả đạt được của Báo Hànộimới và những khó khăn mà các cơ quan báo chí nói chung, Báo Hànộimới nói riêng đang phải đối mặt, theo Tổng Biên tập Báo Hànộimới, để thực hiện tốt hoạt động kinh tế báo chí nhằm tạo nguồn thu cho đơn vị, cần phải thực hiện đồng thời nhiều biện pháp. Về công tác phát hành, cần ứng dụng tối đa công nghệ số nhằm thực hiện việc tự chủ phát hành thay vì phát hành thông qua khâu trung gian nhằm giảm thiểu chi phí phát hành. Áp dụng đa dạng các biện pháp nhằm siết chặt khâu quản lý và giữ lượng bạn đọc lẻ trung thành với Báo.

Giao ban Cụm thi đua Hội Nhà báo các tỉnh, thành phố dọc đường 6 và Hội thảo “Kinh tế báo chí trong giai đoạn mới”
Ký kết thi đua giữa các Hội trong Cụm đường 6.

Về công tác quảng cáo, tuyên truyền, cần nâng cao chất lượng tất cả ấn phẩm của Báo nhằm duy trì bạn đọc hiện có, thu hút bạn đọc mới. Thực hiện các chính sách ưu đãi hợp lý nhằm giữ vững tệp khách hàng truyền thống, sử dụng linh hoạt các biện pháp nhằm khai thác các khách hàng mới. Ứng dụng những thành tựu mới nhất của công nghệ số để đẩy mạnh thu hút quảng cáo trên tất cả các ấn phẩm của Báo.

Chia sẻ với nội dung “Báo chí địa phương nhập cuộc xây dựng lộ trình phát triển kinh tế báo chí”, bà Bùi Thúy Hằng – Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo tỉnh Hòa Bình cho hay, hiện tại tỉnh Hòa Bình có 3 cơ quan báo chí là Báo Hòa Bình, Đài Phát thanh – Truyền hình Hòa Bình và Tạp chí Văn nghệ Hòa Bình. Là cơ quan ngôn luận của Đảng, Chính quyền, các tổ chức chính trị – xã hội, là diễn đàn của nhân dân, trước nay các cơ quan báo chí của tỉnh được bao cấp hoàn toàn để thực hiện nhiệm vụ chính trị.

Nhưng nay 2 cơ quan báo chí của tỉnh là Báo Hòa Bình và Đài Phát thanh – Truyền hình tỉnh đã phải tự chủ tài chính một phần. Từ cơ chế “bao cấp” chuyển sang cơ chế Nhà nước “đặt hàng” báo chí. Khi Nhà nước, ở quy mô địa phương là tỉnh “đặt hàng” thì đương nhiên cũng đặt ra yêu cầu với các cơ quan báo chí đó là: Phải có một lượng đối tượng độc giả, khán thính giả nhất định, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ chính trị được giao.

Tại Hội thảo, các đại diện Cụm Thi đua đã đưa ra nhiều giải pháp nhằm phát triển kinh tế báo chí trong giai đoạn mới. Qua đó, tìm ra các mô hình phát triển kinh tế báo chí hiệu quả, đặc biệt chú trọng ứng dụng công nghệ số và trí tuệ nhân tạo để tiếp tục tạo nguồn thu ổn định nhằm hoàn thành tốt chức năng, nhiệm vụ của báo chí.

Phát biểu chỉ đạo Hội nghị, ông Nguyễn Đức Lợi – Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam cho biết: Có thể nói những kết quả trong thời gian vừa qua đã phản ánh đúng chức năng, nhiệm vụ của Hội Nhà báo Việt Nam, Hội Nhà báo các địa phương. Cụm Thi đua đã thực hiện tương đối tốt các hoạt động báo chí.

Giao ban Cụm thi đua Hội Nhà báo các tỉnh, thành phố dọc đường 6 và Hội thảo “Kinh tế báo chí trong giai đoạn mới”
Trao Cờ đăng cai năm 2025 cho Hội Nhà báo tỉnh Lai Châu.

Tuy nhiên có một thực trạng chung là phong trào thi đua còn mang tính hình thức. Cần có những tiêu chí, mục tiêu cụ thể, bám sát tiêu chí của Hội Nhà báo Việt Nam. Công tác kết nạp và quản lý hội viên cần có những chỉ tiêu, tiêu chí cụ thể. Phần khen thưởng thực hiện còn tương đối yếu, chưa động viên khuyến khích được hội viên tham gia các phong trào thi đua.

Một số Hội Nhà báo địa phương được chính quyền quan tâm, tạo điều kiện về mọi mặt, nhưng vẫn còn nhiều Hội chưa được quan tâm đúng mức. Vì vậy cần khẳng định sự cần thiết của Hội trong việc thông tin, tuyên truyền chính sách và phản ánh thực trạng các vấn đề của địa phương và cả nước đối với chính quyền địa phương.

Các tổ chức Hội địa phương cần kiện toàn Hội đồng xử lý vi phạm đạo đức nghề nghiệp báo chí và hoạt động tích cực hơn nữa chức năng nhiệm vụ của mình. Cùng với đó, với vai trò là một Cụm Thi đua mạnh nhưng Cụm Thi đua đường 6 chưa có đóng góp tích cực trong các giải báo chí lớn trên toàn quốc. Các hoạt động của Cụm còn thiếu sự liên kết, đang hoạt động rời rạc, chủ yếu Hội địa phương tự hoạt động.

Về kinh tế báo chí, ông Nguyễn Đức Lợi cũng cho biết, Quốc hội đang bàn về việc thu thuế thu nhập doanh nghiệp đối với cơ quan báo chí. Hội Nhà báo đang đề xuất Chính phủ có những chính sách tháo gỡ khó khăn cho báo chí, nhất là các cơ chế đặt hàng.

Tại Hội nghị, các Hội trong Cụm đường 6 đã tiến hành Ký kết thi đua và Trao Cờ đăng cai năm 2025 cho Hội Nhà báo tỉnh Lai Châu.

Bảo Thoa

Nguồn: Báo lao động thủ đô

Bạn cũng có thể thích