Những loại thuốc bảo vệ thực vật cấm sử dụng tại Việt Nam

Theo thông tin từ Sở Tài nguyên và Môi trường thành phố Hồ Chí Minh, thuốc bảo vệ thực vật là các loại hoá chất do con người sản xuất ra để trừ sâu bệnh và cỏ dại có hại cho cây trồng. Thuốc bảo vệ thực vật được phân thành hai loại chính là thuốc trừ sâu và thuốc diệt cỏ. Các loại thuốc này có ưu điểm là diệt sâu bệnh, cỏ dại nhanh, sử dùng đơn giản nên được nông dân ưa thích. Nhưng thuốc bảo vệ thực vật cũng có rất nhiều tác hại.

Trong tự nhiên có rất nhiều loại sâu hại khác nhau, có loại sâu ẩn núp dưới lá, có loại đục vào thân cây, có loại lại chui vào đất, nên phải dùng nhiều loại thuốc khác nhau để tiêu diệt chúng. Việc này gây khó khăn cho người sử dụng, nhất là những người nông dân có trình độ văn hoá thấp. Nhiều người chỉ thích mua thuốc rẻ để phun, không cần biết phạm vi tác dụng của chúng ra sao. Có người hay phun quá liều chỉ dẫn làm tăng lượng thuốc thừa tích đọng trong đất và nước. Thậm chí một số nông dân không tuân thủ đầy đủ các quy định về sử dụng, bảo quản thuốc trừ sâu, có người cất thuốc vào chạn, vào tủ quần áo, nên đã gây nên những trường hợp ngộ độc do ăn nhầm phải thuốc.

Bởi theo nhiều nghiên cứu chỉ ra rằng, các loại thuốc trừ sâu đều có tính độc cao. Trong quá trình dùng thuốc, một lượng thuốc nào đó có thể đi vào trong thân cây, quả, hoặc dính bám chặt trên lá, quả. Người và động vật ăn phải các loại nông sản này có thể bị ngộ độc tức thời đến chết, hoặc nhiễm độc nhẹ, từ từ gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khoẻ. 

Nhiều loại thuốc bảo vệ thực vật được phép sử dụng tại Việt Nam. Ảnh minh họa

Một số loại thuốc trừ sâu có khả năng bay hơi mạnh nên gây khó chịu, mệt mỏi, thậm chí choáng ngất cho người trực tiếp phun thuốc sâu trên đồng ruộng, nhất là trong trường hợp không có các biện pháp phòng tránh tốt.

Một số loại thuốc trừ sâu có tính năng hoá học ổn định, khó phân huỷ, nên sẽ tích luỹ trong môi trường. Sau nhiều lần sử dụng lượng tích luỹ này có thể cao đến mức gây độc cho môi trường đất, nước, không khí và con người. Do thuốc tồn đọng lâu không phân huỷ, nên có thể theo nước và gió phát tán tới các vùng khác, theo các loài sinh vật đi khắp mọi nơi. Thuốc diệt cỏ được dùng ở mức ít hơn. Tuy nhiên do có tính độc, chúng cũng gây nên những tác hại tới môi trường nghiêm trọng, ảnh hưởng tới hệ sinh thái và con người.

Theo điều tra của Cục Y tế dự phòng và môi trường Việt Nam, hằng năm có trên 5000 trường hợp nhiễm độc hóa chất bảo vệ thực vật phải cấp cứu tại bệnh viện và có trên 300 trường hợp tử vong. Tác hại của thuốc bảo vệ thực vật đối với cơ thể con người và môi trường xung quanh xảy ra khi thuốc được sử dụng không đúng các tiêu chuẩn quy định. Do vậy cần phải thận trọng khi dùng thuốc và phải dùng đúng liều, đúng loại, đúng lúc theo chỉ dẫn của cán bộ kỹ thuật.

Danh mục thuốc bảo vệ thực vật cấm sử dụng tại Việt Nam

Để quản lý và sử dụng thuốc bảo vệ thực vật hiệu quả, tránh những tác hại không mong muốn, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã ban hành Thông tư 09/2023/TT-BNNPTNT ban hành Danh mục thuốc bảo vệ thực vật cấm sử dụng tại Việt Nam gồm: 23 hoạt chất thuốc trừ sâu, thuốc bảo quản lâm sản gồm: (Aldrin; BHC, Lindane; Cadmium compound (Cd); Carbofuran; Chlordane; Chlordimeform; DDT; Dieldrin; Endosulfan; Endrin…); Heptachlor; Isobenzan; Isodrin; Lead(Pb); Methamidophos; Methyl; Parathion; Monocrotophos; ParathionEthyl; Sodium; Pentachlorophenate; monohydrate; Pentachlorophenol; Phosphamidon; Polychlorocamphene.

06 hoạt chất thuốc trừ bệnh (Arsenic (As); Captan; Captafol; Hexachlorobenzene; Mercury (Hg); Selenium (Se)); 01 hoạt chất thuốc trừ chuột (Talium compond) và 01 hoạt chất thuốc trừ cỏ (2,4,5-T).

Căn cứ theo quy định tại Điều 7 Thông tư 21/2015/TT-BNNPTNT những loại thuốc bảo vệ thực vật bị loại khỏi Danh mục thuốc bảo vệ thực vật được phép sử dụng tại Việt Nam gồm: Có bằng chứng khoa học về thuốc bảo vệ thực vật gây ảnh hưởng xấu đến sức khỏe con người, vật nuôi, hệ sinh thái, môi trường; Thuốc bảo vệ thực vật hiệu lực thấp đối với sinh vật gây hại; Thuốc bảo vệ thực vật của các tổ chức, cá nhân đăng ký tự nguyện rút khỏi Danh mục thuốc bảo vệ thực vật được phép sử dụng tại Việt Nam.

Những loại thuốc bảo vệ thực vật không được phép đăng ký ở Việt Nam theo quy định hiện hành

Căn cứ theo quy định tại Điều 6 Thông tư 21/2015/TT-BNNPTNT có những loại thuốc bảo vệ thực vật không được phép đăng ký ở Việt Nam gồm: Thuốc bảo vệ thực vật trong Danh mục thuốc bảo vệ thực vật cấm sử dụng ở Việt Nam. Thuốc thành phẩm hoặc hoạt chất trong thuốc thành phẩm có độc cấp tính loại I, II theo phân loại của Hệ thống hài hòa toàn cầu về phân loại và ghi nhãn hóa chất (GHS), trừ thuốc bảo vệ thực vật sinh học, thuốc bảo vệ thực vật dùng để xông hơi khử trùng, thuốc trừ chuột; thuốc trừ mối hại công trình xây dựng, đê điều; thuốc bảo quản lâm sản mà lâm sản đó không dùng làm thực phẩm và dược liệu.

Thuốc bảo vệ thực vật có nguy cơ cao ảnh hưởng xấu đến sức khỏe con người, vật nuôi, hệ sinh thái, môi trường, gồm: Thuốc bảo vệ thực vật được cảnh báo bởi Tổ chức Nông nghiệp và Lương thực Liên hợp quốc (FAO), Chương trình Môi trường của Liên hợp quốc (UNEP), Tổ chức Y tế thế giới (WHO); Thuốc bảo vệ thực vật có trong Phụ lục III của Công ước Rotterdam; Thuốc bảo vệ thực vật hoá học là hỗn hợp của các loại thuốc bảo vệ thực vật có công dụng khác nhau (trừ sâu, trừ cỏ, trừ bệnh, điều hoà sinh trưởng) trừ thuốc xử lý hạt giống; Thuốc bảo vệ thực vật chứa vi sinh vật gây bệnh cho người; Thuốc bảo vệ thực vật gây đột biến gen, ung thư, độc sinh sản cho người;

Thuốc bảo vệ thực vật hóa học đăng ký phòng trừ sinh vật gây hại thực vật hoặc điều hoà sinh trưởng cho cây ăn quả, cây chè, cây rau hoặc để bảo quản nông sản sau thu hoạch có độ độc cấp tính của hoạt chất hoặc thành phẩm thuộc loại III, IV theo GHS; thuộc nhóm clo hữu cơ; có thời gian cách ly ở Việt Nam trên 07 ngày. Thuốc bảo vệ thực vật trùng tên thương phẩm với tên hoạt chất hoặc tên thương phẩm của thuốc bảo vệ thực vật khác trong Danh mục.

Thuốc bảo vệ thực vật chứa hoạt chất methyl bromide. Thuốc bảo vệ thực vật đăng ký để phòng trừ các loài sinh vật không phải là sinh vật gây hại thực vật ở Việt Nam. Thuốc bảo vệ thực vật được sáng chế ở nước ngoài nhưng chưa được phép sử dụng ở nước ngoài.

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, thời gian tới Bộ sẽ tiếp tục rà soát loại bỏ các thuốc bảo vệ thực vật có nguy cơ cao ảnh hưởng đến sức khoẻ con người, vật nuôi, hệ sinh thái và môi trường ra khỏi Danh mục thuốc được phép sử dụng tại Việt Nam. Việc rà soát loại bỏ này đã góp phần quan trọng trong việc quản lý và sử dụng thuốc bảo vệ thực vật trong thời gian tới. Đồng thời, Danh mục thuốc được phép sử dụng sẽ tinh gọn hơn và tạo điều kiện thuận lợi cho người sử dụng trong việc lựa chọn các loại thuốc bảo vệ thực vật.

Trước đó, trong xây dựng văn bản quy phạm pháp luật Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã ban hành Thông tư số 09/2023/TT-BNNPTNT nhằm đảm bảo tính phù hợp, thống nhất, đồng bộ các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành trong lĩnh vực quản lý thuốc bảo vệ thực vật. Bổ sung, cập nhập thông tin về các thuốc mới, các thuốc sinh học phục vụ kịp thời cho sản xuất nông nghiệp đảm bảo thuận tiện cho các tổ chức, cá nhân sản xuất, nhập khẩu, kinh doanh thuốc bảo vệ thực vật đúng theo quy định của pháp luật.

Quy chuẩn QCVN 01-188:2018/BNNPTNT về thuốc bảo vệ thực vật

Quy chuẩn QCVN 01-188:2018/BNNPTNT do Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành theo Thông tư 12/2018/TT-BNNPTNT ngày 05 tháng 10 năm 2018.

Theo đó, Quy chuẩn này quy định mức giới hạn chỉ tiêu chất lượng đối với thuốc bảo vệ thực vật. Hàm lượng hoạt chất tối thiểu của thuốc kỹ thuật phải được đăng ký không nhỏ hơn quy định hiện hành của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tại Thông tư ban hành Danh mục thuốc bảo vệ thực vật được phép sử dụng tại Việt Nam và khi xác định, hàm lượng trung bình không được nhỏ hơn mức hàm lượng tối thiểu đã đăng ký.

Trường hợp hàm lượng hoạt chất tối thiểu của thuốc kỹ thuật chưa có trong quy định hiện hành thì phải đăng ký, được Cục Bảo vệ thực vật chấp thuận và khi xác định, hàm lượng trung bình không nhỏ hơn mức hàm lượng tối thiểu đã đăng ký.

Thuốc bảo vệ thực vật thành phẩm thì hàm lượng của từng hoạt chất có trong thuốc thành phẩm tính theo % khối lượng hoặc g/kg hoặc g/l ở (20 ± 2) °C ở các dạng thuốc bảo vệ thực vật đã được đăng ký và khi xác định, hàm lượng trung bình phải phù hợp với quy định.

Đối với các chỉ tiêu vi sinh vật có trong các dạng thuốc bảo thực vật thành phẩm, mật độ vi sinh vật sống phải được đăng ký và khi xác định, mật độ trung bình không nhỏ hơn 10 lần mật độ đã đăng ký. Đối với các thuốc bảo vệ thực vật sinh học có nguồn gốc từ thực vật, hàm lượng hoạt chất phải được đăng ký và khi xác định, hàm lượng hoạt chất trung bình tuân theo mức sai lệch cho phép (bảng 1) ở giá trị nhỏ và không giới hạn ở giá trị lớn.

An Dương 

Nguồn: Tạp chí điện tử chất lượng Việt Nam

Bạn cũng có thể thích