Xâm phạm hồ Trị An – Bài 2: Có hay không việc cán bộ Khu bảo tồn đốt cây, chiếm đảo?
Đốn cây, san lấp đảo, lấn chiếm đất lòng hồ
Những khu đất giữa lòng hồ Trị An có độ cao trên 62m so với mực nước biển (còn gọi là code 62) được gọi là đảo. Theo Khu bảo tồn, hiện trong lòng hồ Trị An có 76 đảo lớn nhỏ được Ủy ban nhân dân (UBND) tỉnh Đồng Nai giao Khu bảo tồn trực tiếp quản lý. Khu vực này được bảo vệ nghiêm ngặt, cấm con người tác động vào dưới mọi hình thức.
Đảo nằm trong lòng hồ Trị An nơi người dân phản ánh bị ông L.V. T và ông T.N.Đ đốn hạ hết cây xanh còn lại vùng đất trống. |
Trên chiếc ghe máy, phóng viên Báo Lao động Thủ đô xuất phát từ bến Cây Gáo, xã Thanh Bình, huyện Trảng Bom, chạy dọc hồ Trị An về hướng huyện Định Quán. Khi ghe chạy được khoảng 2km thì thấp thoáng hiện ra trước mắt là một đảo chỉ còn lác đác cây xanh. Đảo này có tổng diện tích khoảng 3.000 m2, trên đảo nhiều cây cối bị đốn hạ hoặc bị đốt cháy, chỉ còn lại gốc. Đảo xanh trước đây đã trở thành khu đất trống trơ trọi.
Người dân phản ánh, cây xanh trên đảo bị ông L.V.T và ông T.N.Đ đốn hạ. |
Đi một vòng quanh đảo, chúng tôi thấy một số khu vực còn sót lại các gốc cây vừa được đốn hạ với đường kính gần nửa mét và nhiều khúc gỗ khá lớn, dài tầm 2m. Ngoài ra trên đảo này có một số dụng cụ để phục vụ sinh hoạt như bếp, chén đũa, vỏ bia sau những cuộc ăn nhậu. Thậm chí còn có một chiếc xuồng nhỏ để phục vụ đi lại trên đảo, một khu vực mặt nước cũng được chắn bửng để đánh bắt cá…
Theo phản ánh của người dân, đảo này được ông L.V.T và ông T.N.Đ là lãnh đạo Trạm kiểm lâm cơ động thuộc Hạt kiểm lâm – Khu bảo tồn thực hiện phát dọn, đốn hạ cây, san lấp mặt bằng khoảng một năm nay; hoạt động này diễn ra nhiều lần trong thời gian dài nhưng không được Khu bảo tồn có ý kiến, xử lý.
Khu đất tại khu phố 8, thị trấn Vĩnh An, huyện Vĩnh Cửu, tỉnh Đồng Nai bị ông L.V.T và T.N.Đ san lấp, mở một con đường dài gần 300m, rộng khoảng 10m. |
Ngoài việc bị người dân phản ánh có hành vi phá đảo nói trên, người dân còn khẳng định ông L.V.T và T.N.Đ đã san lấp một khu đất tại khu phố 8, thị trấn Vĩnh An, huyện Vĩnh Cửu, tỉnh Đồng Nai để “làm của riêng”. Cụ thể, theo người dân sống lân cận phản ánh, khu đất này trước đây cây cối um tùm, khoảng mấy tháng trước, ông L.V.T và ông T.N.Đ cho người phát dọn. Ngoài ra ông L.V.T và ông T.N.Đ còn thuê xe đào và cho người tiến hành san lấp, tạo thành một con đường dài khoảng 300m bao quanh khu đất để kết nối với một con đường của người dân đã có sẵn.
Người dân phản ánh, con đường này được ông L.V.T và ông Đ.N.Đ mở chạy bao quanh khu đất nằm sát mặt hồ Trị An để làm “của riêng”. |
Có mặt tại khu đất, theo ghi nhận của phóng viên, nhiều cây tràm lớn đã bị đốn hạ, trơ lại gốc. Khu đất này trước đây do Trung tâm thủy sản Đồng Nai quản lý, trong quá trình sáp nhập đã bàn giao lại cho Khu bảo tồn. Toàn bộ khu đất này thuộc cao độ 63.9, là hành lang bảo vệ nghiêm ngặt của hồ Trị An.
Theo phản ánh của người dân, sau dịch Covid-19, nhiều khách du lịch tại tỉnh Đồng Nai và các tỉnh, thành phố lân cận đã tìm đến các đảo trên lòng hồ Trị An để nghỉ dưỡng. Do đó người dân đã ra “chiếm” đảo để làm du lịch nghỉ dưỡng hoặc cho người khác thuê lại làm du lịch. Việc ông L.V.T và ông T.N.Đ đốt cây, san lấp, làm đường bao quanh khu đất sát mặt hồ có thể cũng nhằm vào mục đích nói trên. |
Đảo trong lòng hồ Trị An bị ông Nguyễn Cao Minh lấn chiếm, xây dựng nhiều nhà chòi để làm du lịch, nhưng không được Khu bảo tồn xử lý. |
Rời khỏi hòn đảo trên, chúng tôi tìm đế một hòn đảo khác cách đó khoảng 3km. Trên đảo này hiện có nhiều ngôi nhà, nhiều chòi lá được dựng lên bởi các cột sắt, bên trong có sàn gỗ để phục vụ khách du lịch, thậm chí có một số công trình được xây dựng kiên cố bằng tường gạch, lợp mái ngói… Hầu hết diện tích trên đảo này đã được làm sạch, trồng nhiều cây xanh, cạnh đó là một chiếc ca nô nhỏ dùng để phục vụ việc đi lại trên đảo. Theo Khu bảo tồn, đảo này do ông Nguyễn Cao Minh (ngụ ở Thành phố Hồ Chí Minh) sử dụng và khai thác. Đảo hiện do Khu bảo tồn quản lý và chưa được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, các công trình trên đảo được ông Minh xây dựng trái phép từ năm 2003.
Tiếp đó, phóng viên tìm đến một đảo khác, được người dân địa phương gọi là đảo Hồng Ngọc, rộng khoảng 3ha với hàng chục công trình kiên cố như: Nhà xây dựng bằng tường, lợp ngói, nhà vệ sinh và hơn 10 nhà tiền chế từ các thùng container để làm chỗ lưu trú cho khách du lịch. Xung quanh đảo này có một con đường được lát gạch, một cầu tàu. Các lối đi trên đảo đều được lát đá như một khu du lịch sinh thái nghỉ dưỡng.
Theo Khu bảo tồn, đảo Hồng Ngọc thuộc thửa đất số 6, tờ bản đồ địa chính số 13, xã Mã Đà, huyện Vĩnh Cửu, do Khu Bảo tồn quản lý nhưng chưa xác định được chủ sử dụng và cũng chưa được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.
Trước đó vào ngày 18/1/2022, trong quá trình kiểm tra, lực lượng của Khu bảo tồn đã lập biên bản xử lý hành chính đối với ông Dường A Si (thường trú tại huyện Trảng Bom, tỉnh Đồng Nai, người quản lý đảo) vì có hành vi vi phạm quản lý, sử dụng vùng đất ngập nước hồ Trị An với diện tích 18.576m2. Đặc biệt, trong quá trình kiểm tra, lực lượng chức năng phát hiện trên đảo có 3 hồ nhân tạo (diện tích mỗi hồ khoảng 50m2), 10 nhà thùng container để ở, 3 căn nhà tiền chế lợp tôn vách và nhiều công trình khác. Lực lượng chức năng đã yêu cầu ông Dường A Si ngưng ngay các hoạt động, tháo gỡ các công trình, trả lại hiện trạng ban đầu, tuy nhiên đến nay ông Dường A Si vẫn chưa thực hiện.
Một đảo khác nằm trong lòng hồ Trị An cũng bị người dân phát dọn, lấn chiếm. |
Sau đảo Hồng Ngọc, phóng viên tiếp tục đến một đảo khác. Đảo này được người dân địa phương gọi là đảo Thỏ, trên đảo đã xây dựng nhiều công trình để khai thác du lịch. Ngoài đảo này ra, còn phát hiện nhiều đảo khác trong lòng hồ Trị An cũng bị người dân phát quang, trồng cây để làm du lịch một cách tự phát. Những đảo này tuy chưa được xây dựng các công trình lớn như một số đảo đã kể trên, nhưng nếu không được quản lý chặt chẽ thì cũng sẽ dễ dàng bị lấn chiếm, cải tạo.
Đằng sau sự im lặng của ông Nguyễn Hoàng Hảo, Giám đốc Khu bảo tồn
Nhằm làm sáng tỏ thông tin người dân phản ánh việc cán bộ Tổ kiểm lâm cơ động thuộc Hạt kiểm lâm – Khu bảo tồn đốt rừng, phá đảo, mở đường, chiếm đất, chúng tôi đã có buổi làm việc với ông Nguyễn Hoàng Hảo, Giám đốc Khu bảo tồn. Tại buổi làm việc, ông Hảo cho biết: Sau khi nắm thông tin từ báo cung cấp, Ban giám đốc Khu bảo tồn đã yêu cầu ông L.V.T báo cáo vụ việc. Theo nội dung báo cáo, vào tháng 1/2024, cán bộ trong Tổ kiểm lâm cơ động hồ Trị An đã tiến hành phát dọn một số loại cây bụi, cỏ, dây leo và trồng thêm một số loại cây gỗ lớn làm bóng mát tại vị trí đất có tọa độ GPS (VN2000) là X: 456525, Y: 1233612 với mục đích tạo thuận lợi cho việc neo đậu tàu, ca nô.
Ông Nguyễn Hoàng Hảo, Giám đốc Khu bảo tồn cung cấp thông tin cho phóng viên Báo Lao động Thủ đô liên quan đến việc người dân phản ánh ông L.V.T và ông T.N.Đ có hành vi san lấp khu đất và đốn hạ cây xanh trên đảo. |
Ông Hảo diễn giải thêm, việc này nhằm để tránh sóng gió, dông lốc vào mùa mưa gió khi thực hiện nhiệm vụ tuần tra, kiểm tra trên hồ Trị An và canh phục, ngăn chặn kịp thời các hành vi vi phạm trong lĩnh vực thủy sản. Trước thông tin này, phóng viên Báo Lao động Thủ đô đã cung cấp một số hình ảnh cho thấy, không chỉ phát dọn một số loại cây bụi, cỏ, dây leo, mà những người này còn san ủi và đốt cây, đốn hạ nhiều cây gỗ lớn trên đảo. Sau khi xem các hình ảnh mà phóng viên cung cấp, ông Hảo im lặng. Khi phóng viên đặt câu hỏi, liệu hành vi đốn hạ cây, san lấp trên đảo có vi phạm hay không, ai sẽ là người chịu trách nhiệm cho vấn đề này, ông Hảo cũng không trả lời.
Lãnh đạo Khu bảo tồn trong đó có ông L.V.T, ông T.N.Đ kiểm tra khu đất tại khu phố 8, thị trấn Vĩnh An, huyện Vĩnh Cửu, tỉnh Đồng Nai sau khi phóng viên Báo Lao động Thủ đô cung cấp thông tin. |
Còn vấn đề ông L.V.T và ông T.N.Đ bị người dân phản ánh đã tiến hành san ủi đất, làm đường tại khu đất thuộc khu phố 8, thị trấn Vĩnh An, ông Hảo cho biết: Theo nội dung báo cáo của ông L.V.T thì vào đầu tháng 12/2023, Trạm kiểm lâm cơ động hồ Trị An đã thuê xe để dọn rác, cây bụi, dây leo tại tuyến đường nằm phía sau gần khu tập thể (Trung tâm thủy sản cũ) nhằm mục đích tạo thuận lợi cho việc di chuyển vào vị trí neo đậu tàu, ca nô trong mùa nước lên để tránh sóng gió dông lốc; đồng thời ngăn chặn việc du lịch tự phát gây mất an ninh trật tự – an toàn xã hội, làm ảnh hưởng đến công tác bảo vệ vùng đất ngập nước nội địa hồ Trị An.
Tuy nhiên, khi phóng viên đưa ra các hình ảnh cho thấy tuyến đường cũ vốn đã kết nối với khu vực sát lòng hồ Trị An, hiện tại vẫn còn sử dụng được; chưa kể việc cạnh đó không xa đã có một khu vực dành cho cano của Khu bảo tồn neo đậu, trong khi khu vực vừa được ông L.V.T và ông T.N.Đ phát dọn, mở đường có mực nước rất thấp, cano, tàu không thể ra vào. Một lần nữa, ông Hảo lại im lặng.
Vậy đằng sau sự im lặng của ông Hảo là gì? Chúng tôi không nói sự im lặng của ông Hảo là đang bao che cho cấp dưới, nhưng ông Hảo đang “vướng” gì mà phải im lặng trước những hình ảnh và những câu hỏi mà có lẽ bất kỳ người dân nào ở đây cũng trả lời được – ngoài ông? Ông Hảo không trả lời được thì cấp trên của ông, nơi giao trọng trách cho Khu bảo tồn (mà ông Hảo là người đứng đầu) phải giữ rừng, giữ đất liệu có trả lời được không?
Trên đảo thì bị đốn cây, đốt rừng, mở đường, chiếm đất, dưới nước thì hàng nghìn nhà bè nuôi thủy sản các loại, nước thải sinh hoạt của người dân, các khu du lịch tự phát và các cơ sở chăn nuôi, đơn vị sản xuất khác đổ hết xuống hồ. Nguy cơ nước hồ Trị An bị ô nhiễm đã hiển hiện trước mắt. Báo Lao động Thủ đô sẽ thông tin ở bài tiếp theo.
(Còn nữa)
Từng liên quan đến phá rừng Dư luận cả nước vẫn còn nhớ đến vụ việc liên quan đến đốn hạ rừng tại đồi 90, thuộc xã Phú Lý, huyện Vĩnh Cửu, tỉnh Đồng Nai cách đây mấy năm. Theo đó, trong quá trình dọn dây leo, cây bụi rậm trong rừng tự nhiên tại khu vực Đồi 90 để trồng rừng thuốc, Khu Bảo tồn thiên nhiên – Văn hoá Đồng Nai đã thuê người đốn hạ khoảng 1ha rừng với nhiều cây gỗ lớn. Sau khi bị dư luận phản ánh, các cơ quan liên qua của tỉnh Đồng Nai vào cuộc, tạm giữ 428 lóng gỗ với tổng khối lượng hơn 12,6m3 của 61 gốc cây (đường kính 14 – 60cm). Hành vi này có dấu hiệu vi phạm quy định về quản lý, bảo vệ rừng, có dấu hiệu tội phạm hủy hoại rừng, vi phạm quy định về khai thác, bảo vệ rừng và lâm sản. Để thực hiện việc chặt cây, ông T.N.Đ lúc đó là Hạt phó Hạt Kiểm lâm Khu bảo tồn đã thuê ông Nguyễn Văn Kiệp (ngụ huyện Vĩnh Cửu) và cung cấp cưa máy để dọn phát. |
Nguồn: Báo lao động thủ đô