Xây dựng giai cấp công nhân trong thời đại mới
Nhận thức sâu sắc hơn nữa về vai trò
Nhân dịp Kỷ niệm 94 năm Ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam (3/2/1930 – 3/2/2024), Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã có bài viết với tiêu đề: “Tự hào và tin tưởng dưới lá cờ vẻ vang của Đảng, quyết tâm xây dựng một nước Việt Nam ngày càng giàu mạnh, văn minh, văn hiến và anh hùng”. Trong bài viết này, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh: Đảng Cộng sản Việt Nam là đội tiên phong của giai cấp công nhân Việt Nam; Đảng ra đời, tồn tại và phát triển là vì lợi ích của giai cấp công nhân, nhân dân lao động và của cả dân tộc. Còn trong bài phát biểu chỉ đạo tại Đại hội XIII Công đoàn Việt Nam nhiệm kỳ 2023 – 2028, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh, để thực hiện được mục tiêu cao cả mà Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XIII đề ra, hơn lúc nào hết, công nhân, lao động và tổ chức Công đoàn nước ta cần nhận thức đầy đủ và sâu sắc hơn nữa về vị trí, vai trò và sứ mệnh lịch sử của mình, chung tay xây dựng Công đoàn Việt Nam ngày càng vững mạnh toàn diện, xứng đáng là tổ chức đại diện lớn nhất, trung tâm tập hợp, đoàn kết giai cấp công nhân và người lao động cả nước; là lực lượng tiên phong trong thực hiện nhiệm vụ phát triển nhanh và bền vững đất nước.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và Đại tướng Tô Lâm – Bộ trưởng Bộ Công an (nay là Chủ tịch nước) thăm hỏi, động viên người lao động Thủ đô – Xuân Kỷ Hợi 2019. |
Trên bình diện nghiên cứu, Tiến sĩ Lê Trung Kiên – Viện Hồ Chí Minh và các lãnh tụ của Đảng (Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh) phân tích, Chủ tịch Hồ Chí Minh vận dụng, bổ sung và phát triển sáng tạo lý luận kinh điển vào điều kiện cụ thể cách mạng Việt Nam một cách khoa học, khách quan, toàn diện, lịch sử – cụ thể, thể hiện mục tiêu, con đường, lực lượng, phương thức để Đảng mang bản chất giai cấp công nhân bước lên vũ đài chính trị.
Tư tưởng của Người về bản chất giai cấp công nhân thống nhất với tính nhân dân và tính dân tộc của Đảng đã được Đảng và dân tộc tiếp tục khẳng định, vận dụng và phát triển sáng tạo do Đảng lãnh đạo phù hợp với xu thế thời đại, quy luật phát triển và khát vọng của dân tộc. Khi Đảng trở thành Đảng duy nhất cầm quyền, trách nhiệm chính trị của Đảng ngày càng lớn lao đối với sự thịnh vượng của dân tộc và sự phát triển xã hội mà không thể có tổ chức nào có thể thay thế được. Trong Đảng không chỉ kết nạp những người ưu tú trong giai cấp công nhân, mà còn kết nạp cả những người ưu tú từ giai cấp nông dân, từ tầng lớp trí thức và các thành phần khác được thử thách, rèn luyện và giác ngộ về Đảng, về tính giai cấp và tự nguyện phấn đấu theo lý tưởng của Đảng. Điều này phản ánh sự đồng thuận của “lòng dân, ý Đảng” về mục tiêu mang đến lợi ích cho Tổ quốc, cho dân tộc, cho mỗi người dân và cũng chính là tiền đồ mà Đảng của giai cấp công nhân tạo dựng nên.
Phân tích thêm về điều này, trong lần trao đổi với phóng viên trước đây, ông Phạm Thế Duyệt – nguyên Ủy viên Thường vụ Thường trực Bộ Chính trị, nguyên Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, nguyên Bí Thư Thành ủy Hà Nội, nguyên Chủ tịch Tổng Công đoàn Việt Nam… nhấn mạnh bản chất giai cấp công nhân là ý thức hệ tư tưởng của Đảng, mục tiêu và lý tưởng cách mạng. Theo ông Phạm Thế Duyệt, chúng ta phải đặt ra câu hỏi, trong những năm đổi mới kinh tế, nếu không có giai cấp công nhân và tổ chức Công đoàn thì kinh tế đất nước có phát triển như ngày hôm nay không? Trong bối cảnh xây dựng nền kinh tế theo hướng công nghiệp hóa – hiện đại hóa, nếu không có vai trò của giai cấp công nhân làm việc ở từng phân ngành kinh tế, vị trí như khoa học kỹ thuật, vận hành máy móc, công nghệ thì sẽ như thế nào?. Thậm chí, ngay đến lĩnh vực nông nghiệp, chúng ta thường đề cập đến tầng lớp nông dân làm nông nghiệp, nhưng nếu không có các công nhân làm việc trong hệ thống thủy lợi, vận hành các trang thiết bị khoa học, kỹ thuật, máy móc thì nền nông nghiệp cũng không phát triển như hiện tại. Nói những dẫn chứng trên để thấy rằng, thời gian qua, giai cấp công nhân, tổ chức Công đoàn vẫn là những yếu tố cốt lõi để đưa kinh tế đất nước đi lên.
“Định vị” lại giai cấp công nhân để tạo sức mạnh tổng hợp
Thế giới ngày nay đang chứng kiến cuộc cách mạng khoa học công nghệ phát triển chưa từng có và điều này sẽ còn có những đột phá mới. Đi cùng với lĩnh vực sản xuất còn có lĩnh vực nghiên cứu, đào tạo, dịch vụ, y tế… Quốc gia nào nắm được khoa học – công nghệ, quốc gia đó sẽ phát triển hơn. Trong khi đó, khi nói về hai từ “công nhân”, lâu nay chúng ta thường nghĩ là những người lao động chân tay làm tại các khu công nghiệp, nhà máy, xí nghiệp. Chính vì thế, ông Phạm Thế Duyệt và một số chuyên gia cho rằng, thời kỳ Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 gắn với kinh tế tri thức và toàn cầu hóa ở mức rất cao, chúng ta không nên quan niệm giai cấp công nhân là những người mặc áo xanh, những lao động làm việc trực tiếp mà còn là đội ngũ tri thức làm việc trong tất cả các phân ngành kinh tế… bởi họ cũng là người lao động. Đây mới thực sự là lực lượng quan trọng để Công đoàn tập hợp, phát huy sức mạnh của các mũi giáp công nhằm phát huy hơn nữa vai trò tiên phong của mình trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa với nhiều thành phần kinh tế, xét trên phạm trù lý luận, bên cạnh phát triển đội ngũ doanh nhân Việt Nam hùng mạnh, tạo cơ chế cho các doanh nghiệp nước ngoài, đặc biệt các tập đoàn lớn về công nghệ, công nghệ nguồn vào đầu tư, chúng ta phải tiếp tục nhấn mạnh đến vai trò của giai cấp công nhân và đội ngũ tri thức là lực lượng “tinh hoa” trong phát triển kinh tế. Trong đó, bất luận hoàn cảnh nào, chúng ta phải tập hợp được sức mạnh của giai cấp công nhân, gồm cả lao động chân tay và lao động tri thức là hạt nhân thúc đẩy phát triển kinh tế nước nhà.
Trên tinh thần đó, ông Phạm Thế Duyệt hiến kế, tổ chức Công đoàn phải tham mưu với Đảng, Nhà nước để kịp thời có cơ chế, chính sách phù hợp với tình hình mới. Đồng thời, Công đoàn phải tự thân vận động, không ngừng lớn mạnh để chứng minh vị trí, vai trò của mình. Đặc biệt, sao cho những công nhân lao động đang làm việc tại các doanh nghiệp, trong đó có cả doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài thấy được vai trò của mình, để khi nếu có tổ chức nghiệp đoàn khác hoạt động, họ cũng chỉ tin tưởng vào tổ chức Công đoàn mà thôi.
Riêng với thành phố Hà Nội, cũng trong lần trao đổi với phóng viên, ông Phạm Thế Duyệt nhấn mạnh: Hà Nội là Thủ đô của các nước, nơi tụ hội rất nhiều đội ngũ tri thức và công nhân lao động làm việc trong tất cả các lĩnh vực và phân ngành kinh tế; nơi có nhiều khu công nghiệp – chế xuất, doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, nên mong muốn Đảng bộ thành phố Hà Nội, Liên đoàn Lao động thành phố Hà Nội và các cấp Công đoàn phải làm sao đi đầu cả nước trong việc tập hợp đội ngũ người lao động thời kỳ mới hay gọi là “công nhân cổ xanh” để giai cấp công nhân thực sự là hạt nhân trong phát triển kinh tế – xã hội của Thủ đô và đất nước.
Nguồn: Báo lao động thủ đô