Tập trung các giải pháp tăng tốc kinh tế Thủ đô Hà Nội
Sản xuất ngành dệt may xuất khẩu sang châu Âu. Ảnh minh họa:
Tính chung 6 tháng đầu năm 2024, GRDP của thành phố Hà Nội ước tính tăng 6,0% so với cùng kỳ năm trước (quý I tăng 5,53%; quý II tăng 6,44%). Tăng trưởng GRDP 6 tháng đầu năm nay tăng nhẹ so với mức tăng 5,86% của cùng kỳ năm 2023.
Lĩnh vực quan trọng hàng đầu của nền kinh tế là sản xuất công nghiệp có nhiều tín hiệu tích cực khi các đơn hàng tiếp tục tăng vào quý II năm nay. Tính chung 6 tháng đầu năm 2024, chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 5%, trong đó công nghiệp chế biến, chế tạo và chỉ số tiêu thụ đều tăng. Lĩnh vực du lịch cũng đóng góp quan trọng trong tăng trưởng kinh tế của Thủ đô. Trong 6 tháng đầu năm, lượng khách du lịch đến Hà Nội tăng 13,7%, trong đó khách quốc tế đạt 3,14 triệu lượt khách, tăng 52,6% so với cùng kỳ.
Thu hút vốn đầu tư nước ngoài FDI đạt hơn 1,1 tỷ USD, tăng 52% so với cùng kỳ năm 2023.
Bên cạnh những kết quả đạt được, UBND thành phố cũng chỉ ra một số khó khăn, hạn chế như thu ngân sách nhà nước 6 tháng đầu năm 2024 tăng so với cùng kỳ năm 2023, tuy nhiên thu về nhà, đất so với dự toán còn thấp (ước đạt 33,7%). Nguyên nhân chủ yếu do dự toán năm nay cao, bằng 2,1 lần so với dự toán năm 2023 và bằng 2,4 lần so với thực hiện năm 2023. Cơ chế chính sách vẫn còn những vướng mắc đang được tháo gỡ. Công tác giải ngân mặc dù cao hơn cùng kỳ nhưng thấp hơn bình quân toàn quốc và chưa đạt yêu cầu đề ra, đặc biệt với các dự án trọng điểm. Doanh nghiệp vẫn còn khó khăn, số doanh nghiệp thành lập mới và số vốn đăng ký đều giảm so với cùng kỳ; số doanh nghiệp giải thể và tạm ngừng hoạt động tăng so cao với cùng kỳ. Phát triển nhà ở thương mại, nhà ở xã hội, nhà ở tái định cư còn chậm so với yêu cầu…
Nhấn mạnh năm 2024 có ý nghĩa rất quan trọng đối với cả nước và Thủ đô, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Trần Sỹ Thanh nêu rõ nhiệm vụ 6 tháng cuối năm là rất lớn, các cấp, các ngành, các địa phương và mỗi đơn vị cần tiếp tục khẩn trương, tập trung thực hiện tốt các nhiệm vụ, giải pháp đã đề ra.
Theo đó, thành phố sẽ đẩy mạnh cải cách hành chính, chuyển đổi số và nâng cao năng lực quản lý Nhà nước trên mọi lĩnh vực; tập trung tối đa nguồn lực, đẩy mạnh giải ngân, thực hiện hiệu quả vốn đầu tư công năm 2024; hoàn thành nhanh, gọn từng dự án đảm bảo tiến độ và chất lượng công trình…
Thành phố đôn đốc quyết liệt tiến độ các công trình trọng điểm, các công trình thiết yếu, dự án nhà ở xã hội; tập trung tháo gỡ khó khăn tối đa cho các dự án ODA, dự án vốn đầu tư nước ngoài, đầu tư ngoài ngân sách nhằm đẩy mạnh kích cầu đầu tư. Đồng thời, thúc đẩy sản xuất công nghiệp, nâng cao hiệu quả, năng lực sản xuất của các doanh nghiệp trong khu công nghiệp, cụm công nghiệp; thu hút các dự án đầu tư công nghiệp lớn có vai trò quan trọng nhằm gia tăng năng lực sản xuất trên địa bàn.
Thành phố cũng tiếp tục đẩy mạnh sản xuất công nghiệp theo định hướng Chương trình phát triển các ngành công nghiệp ưu tiên, Chương trình phát triển công nghiệp hỗ trợ và Đề án phát triển sản phẩm công nghiệp chủ lực.
UBND thành phố theo dõi sát diễn biến cung cầu giá cả thị trường; tăng cường công tác quản lý, điều hành, bình ổn thị trường giá cả, kiểm tra, giám sát việc kê khai, niêm yết giá và việc bán theo giá niêm yết; xử lý nghiêm các hành vi lợi dụng tăng giá bất hợp lý. Bên cạnh đó, chủ động dự báo, xây dựng, cập nhật kịch bản điều hành giá và phương án, lộ trình điều chỉnh một số dịch vụ công, dịch vụ y tế, giáo dục theo mức độ và thời điểm phù hợp với diễn biến thị trường, bảo đảm mục tiêu kiểm soát lạm phát.
Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội cũng cho biết, thành phố sẽ tập trung khai thác và phát triển thị trường nội địa, nâng cao sức tiêu dùng trong nước và phát triển thương hiệu Việt, thực hiện hiệu quả cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”.
Hà Nội sẽ thực hiện cơ cấu lại sản xuất trong lĩnh vực trồng trọt theo mục tiêu nâng cao hiệu quả sử dụng đất, giảm diện tích trồng lúa, tập trung phát triển lúa gạo theo hướng tăng cơ cấu giống lúa chất lượng; mở rộng diện tích trồng rau, tăng diện tích hoa, cây cảnh hàng năm; tiếp tục chăn nuôi theo vùng, xã trọng điểm phù hợp với từng vùng và định hướng phát triển của thành phố. Hà Nội sẽ nâng cao thương hiệu, sản phẩm OCOP, ưu tiên các sản phẩm đặc sản vùng miền, làng nghề có sự tham gia đông đảo của cộng đồng.
Theo TTXVN
Nguồn: Báo doanhnghiepthuonghieu