Đại biểu Quốc hội đề nghị bổ sung chính sách đặc thù vượt trội cho Đà Nẵng

Hiện nay, Đà Nẵng đang thực hiện cơ chế đặc thù theo Nghị quyết số 119/2020/QH14 ngày 19/6/2020 về thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị và một số cơ chế chính sách đặc thù phát triển thành phố Đà Nẵng.

Theo báo cáo của Chính phủ, qua 3 năm thực hiện thí điểm tổ chức chính quyền đô thị, đã phát huy nhiều kết quả tích cực. Trong bối cảnh phát triển thực tế hiện nay và qua đánh giá, thành phố Đà Nẵng đủ điều kiện, cơ sở để thực hiện chính thức tổ chức chính quyền đô thị và cần có các cơ chế, chính sách đặc thù mang tính vượt trội, đột phá có tính động lực, lan tỏa.

Đại biểu Quốc hội đề nghị bổ sung chính sách đặc thù vượt trội cho Đà Nẵng
Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV.

Các nội dung của chính sách trong dự thảo Nghị quyết về tổ chức chính quyền đô thị và thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Đà Nẵng trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 7 trên cơ sở tiếp tục thực hiện các chính sách của Nghị quyết số 119/2019/QH14 của Quốc hội đang thực hiện có hiệu quả; bỏ các nội dung, chính sách không còn phù hợp khi thực hiện chính thức tổ chức chính quyền đô thị; đồng thời, đề xuất cơ chế chính sách đặc thù sửa đổi bổ sung theo 2 nhóm cơ chế, chính sách đặc thù với 30 chính sách cụ thể.

Qua thảo luận, các ý kiến đại biểu Quốc hội cơ bản ủng hộ việc ban hành Nghị quyết thay thế Nghị quyết số 119/2020/QH14 và cho rằng, việc ban hành Nghị quyết nhằm thể chế hóa Nghị quyết số 43-NQ/TW ngày 24/1/2019 của Bộ Chính trị và Kết luận số 79-KL/TW ngày 13/5/2024 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Nghị quyết 43 của Bộ Chính trị khóa XII về xây dựng và phát triển thành phố Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 nhằm tăng cường nguồn lực tài chính, cơ chế tự chủ và tạo cơ sở pháp lý để phát huy tiềm năng, lợi thế, tạo đột phá về phát triển kinh tế – xã hội xây dựng thành phố Đà Nẵng trở thành thành phố văn minh, hiện đại, là thành phố cảng biển, đô thị quốc tế.

Đại biểu Quốc hội đề nghị bổ sung chính sách đặc thù vượt trội cho Đà Nẵng
Đại biểu Hà Sỹ Đồng nêu ý kiến thảo luận.

Đại biểu Hà Sỹ Đồng (Đoàn tỉnh Quảng Trị) đánh giá, qua 5 năm thực hiện Nghị quyết 43-NQ/TW của Bộ Chính trị và 3 năm thực hiện Nghị quyết 119/2020/QH14, bộ máy hành chính thành phố Đà Nẵng từ Thành phố xuống quận, phường hoạt động hiệu lực, hiệu quả, đảm bảo tính thống nhất, thông suốt; giảm khâu trung gian, rút ngắn, đơn giản hóa quy trình, thủ tục, thời gian giải quyết công việc của các cơ quan nhà nước…

Tuy nhiên, đại biểu Hà Sỹ Đồng cho rằng, trong quá trình thực hiện mô hình đô thị theo Nghị quyết 119/2020/QH14 vẫn còn có một số vướng mắc cần tháo gỡ. Bên cạnh đó, cũng cần bổ sung các chính sách đặc thù vượt trội, tạo đột phá, thêm động lực và sức lan tỏa cho thành phố Đà Nẵng tiếp tục phát triển.

“Vì vậy, việc ban hành Nghị quyết của Quốc hội về tổ chức chính quyền đô thị và thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Đà Nẵng lần này là rất cần thiết”, đại biểu Hà Sỹ Đồng nêu quan điểm.

Đại biểu Quốc hội đề nghị bổ sung chính sách đặc thù vượt trội cho Đà Nẵng
Đại biểu Nguyễn Hải Dũng nêu ý kiến thảo luận.

Nêu rõ vị trí, vai trò quan trọng của thành phố Đà Nẵng, đại biểu Nguyễn Hải Dũng (Đoàn tỉnh Nam Định) cho rằng, Đà Nẵng hiện còn nhiều khó khăn, vướng mắc trong nỗ lực xây dựng và phát triển Thành phố theo các Nghị quyết của Trung ương, của Quốc hội như cơ chế, chính sách thu hút nhân tài, nhân lực khoa học công nghệ, vi mạch bán dẫn, trí tuệ nhân tạo, thu hút nguồn lực đầu tư ngoài nhà nước…

Trong khi đó, Nghị quyết số 43-NQ/TW ngày 24/1/2019 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển thành phố Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 và Kết luận của Bộ Chính trị đã đặt ra những mục tiêu lớn, cho phép tổ chức chính quyền đô thị cùng với cơ chế, chính sách đặc thù để xây dựng và phát triển Đà Nẵng theo những mục tiêu đó.

Do vậy, đại biểu Nguyễn Hải Dũng cho rằng, cần phải kịp thời ban hành Nghị quyết về tổ chức chính quyền đô thị và thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Đà Nẵng để thể chế hóa các nghị quyết Bộ Chính trị và tháo gỡ được khó khăn, vướng mắc hiện nay cho thành phố Đà Nẵng, tạo động lực cho thành phố Đà Nẵng phát triển nhanh và bền vững, xứng đáng là thành phố đáng sống.

Đại biểu Quốc hội đề nghị bổ sung chính sách đặc thù vượt trội cho Đà Nẵng
Đại biểu Nguyễn Minh Tâm nêu ý kiến thảo luận.

Đồng quan điểm, đại biểu Nguyễn Minh Tâm (Đoàn tỉnh Quảng Bình) cho biết, về mặt địa lý, Đà Nẵng có vị trí trọng yếu cả về kinh tế – xã hội và quốc phòng – an ninh, với vai trò là trung tâm công nghiệp, tài chính, du lịch, dịch vụ, văn hóa, giáo dục, y tế, khoa học, công nghệ, khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo của khu vực miền Trung, Tây Nguyên và cả nước; đồng thời là trung tâm tổ chức các sự kiện tầm khu vực và quốc tế.

Đà Nẵng cũng là đô thị biển và đầu mối giao thông rất quan trọng về đường bộ, đường sắt, đường biển, đường hàng không. Đặc biệt, thời gian qua, Đà Nẵng tích cực đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, cải thiện môi trường, nâng cao an sinh xã hội và được đánh giá là thành phố đáng sống nhất Việt Nam.

“Với vai trò, vị trí đặc biệt quan trọng như vậy, việc cho áp dụng một số cơ chế, chính sách đặc thù để thành phố Đà Nẵng chủ động vận động bứt phá, tăng tốc trong phát triển kinh tế – xã hội, xứng đáng là đầu tàu của khu vực miền Trung là hết sức cần thiết”, đại biểu Nguyễn Minh Tâm nhấn mạnh.

Đại biểu Quốc hội đề nghị bổ sung chính sách đặc thù vượt trội cho Đà Nẵng
Các đại biểu dự Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV.

Tại phiên thảo luận, các đại biểu Quốc hội cũng cho biết, đến thời điểm hiện nay, có 10 địa phương đã và đang đề nghị thí điểm cơ chế đặc thù. Do vậy, cũng đã đến lúc nên tổng kết việc áp dụng thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù để đánh giá một cách nghiêm túc, toàn diện các cơ chế, chính sách đặc thù đã ban hành, từ đó xem xét ban hành một cơ chế chính sách chung cho cả nước nếu phù hợp.

Hoàng Phúc

Nguồn: Báo lao động thủ đô

Bạn cũng có thể thích