Những kiến nghị thấu tình, đạt lý về lương, bảo hiểm xã hội, thuế thu nhập
Toàn cảnh kỳ họp thứ Bảy, Quốc hội khóa XV. |
Sống “thắt lưng buộc bụng” nhưng phải đóng TTNCN
Phát biểu thảo luận ở hội trường về đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội và ngân sách nhà nước năm 2023; tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội và ngân sách nhà nước những tháng đầu năm 2024, đại biểu Nguyễn Thị Thủy (Đoàn tỉnh Bắc Kạn – Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp) phản ánh, cử tri cho rằng, mức giảm trừ gia cảnh 4,4 triệu đồng/người/tháng là quá lạc hậu, cần được Quốc hội xem xét sửa đổi sớm, không nên chờ đến hai năm nữa – năm 2026 mới xem xét sửa Luật Thuế thu nhập cá nhân (TTNCN) như đã đề xuất.
Theo đại biểu Thủy, nhiều chuyên gia và cử tri cho rằng, Luật TTNCN hiện hành lấy tiêu chí là biến động CPI 20%, tức là phải dựa trên “rổ” hàng hóa 720 mặt hàng là bất hợp lý, trong khi đó, các mặt hàng thiết yếu, ảnh hưởng đến chi tiêu của người dân chỉ khoảng trên 20%, nhưng phải chờ tính mức giá trung bình của 720 mặt hàng sẽ rất lâu, thậm chí phải đến 6 – 7 năm. Thời gian này là quá dài, không phản ánh được biến động trong chi tiêu của người dân và các hộ gia đình, gây thiệt thòi cho người dân. Cạnh đó, quy định mức giảm trừ gia cảnh hiện nay chưa phù hợp với quốc gia có mức thu nhập trung bình thấp như Việt Nam. Phần lớn thu nhập của người dân sẽ dành cho hàng hóa dịch vụ thiết yếu, ví dụ thu nhập 10 triệu đồng/tháng thì chi cho hàng hóa dịch vụ thiết yếu phải chiếm 70%.
Đại biểu Nguyễn Thị Thủy kiến nghị cần sớm xem xét để sửa đổi Luật TTNCN. |
Theo khảo sát của Trường Đại học Kinh tế quốc dân, với các quốc gia có thu nhập cao, ví dụ khoảng 100 triệu đồng/tháng, thì mức chi cho hàng hóa dịch vụ thiết yếu cũng chỉ chiếm 30%. Do đó, quy định về mức giảm trừ gia cảnh hiện nay sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến mức chi cho dịch vụ thiết yếu của người dân. Vì vậy, đại biểu kiến nghị, Chính phủ sớm trình Luật TTNCN vào tháng 10 năm nay và trình Quốc hội thông qua vào tháng 5/2025.
Nên cho hoán đổi thời gian đóng BHXH để không bị trừ 2% lương hưu
Thảo luận về dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi), đại biểu Nguyễn Duy Thanh (đoàn Cà Mau) đề nghị, cho phép người lao động nghỉ hưu sớm tối đa là 5 năm so với tuổi nghỉ hưu, cho phép hoán đổi thời gian đóng bảo hiểm xã hội, không bị trừ 2% lương hưu mỗi năm do nghỉ hưu sớm.
Cụ thể, về giảm trừ tiền lương hưu do nghỉ hưu sớm, đại biểu cho biết, qua thực tế tìm hiểu nguyện vọng của người lao động và ý kiến của nhiều hiệp hội ngành nghề, trong quá trình tham gia đóng góp ý kiến dự án Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi), đề nghị nghiên cứu, kế thừa quy định Luật Bảo hiểm xã hội năm 2006, người lao động có thời gian đóng bảo hiểm xã hội trên 20 năm được nghỉ hưu sớm và mỗi năm nghỉ hưu sớm chỉ bị trừ 1%. Do đó, dự thảo Luật (sửa đổi) lần này cần bổ sung quy định cho phép người lao động nghỉ hưu sớm, và thời gian nghỉ sớm tối đa là 5 năm so với tuổi nghỉ hưu theo lộ trình quy định tại Bộ luật Lao động. Theo đó, nam đạt 62 tuổi vào năm 2028, và nữ đạt 60 tuổi vào năm 2035, và đã đóng đủ 30 năm bảo hiểm xã hội đối với nữ và 32 năm đối với nam thì được nghỉ hưu, hưởng mức tối đa 75% và bổ sung quy định hoán đổi thời gian đóng bảo hiểm xã hội để nghỉ hưu sớm, không bị trừ 2% lương hưu mỗi năm do nghỉ hưu sớm.
Đại biểu Nguyễn Duy Thanh kiến nghị nên cho hoán đổi thời gian đóng bảo hiểm xã hội để không bị trừ 2% tiền hưu/năm. |
Theo đại biểu, việc điều chỉnh linh hoạt như vậy mới khuyến khích được người lao động tham gia bảo hiểm xã hội, hạn chế rút bảo hiểm xã hội một lần ở những người đã có đóng từ 20 đến 25 năm đóng bảo hiểm xã hội. Do thời gian chờ đợi hưởng lương hưu quá dài, như hiện nay, đa số công nhân lao động khó có thể tham gia bảo hiểm xã hội cho đến khi độ tuổi nghỉ hưu là 62 đối với nam và 60 đối với nữ.
Cần thông tin thang bảng lương chính thức khi thời điểm 1/7 đang đến gần
Thảo luận tại tổ về tình hình kinh tế – xã hội… đại biểu Dương Minh Ánh (Đoàn thành phố Hà Nội) cho biết, tại cuộc tiếp xúc cử tri gần đây nhất, cử tri phản ánh để thực hiện cải cách tiền lương từ 1/7, việc dự thảo bảng lương, cũng như chính sách khi thực hiện Nghị quyết 29, cử tri chưa thấy có bất kỳ thông tin chính thống nào được đưa ra, nhưng trên mạng xã hội lan truyền bảng dự thảo Tờ trình của Chính phủ về việc xây dựng chế độ tiền lương mới.
Qua tham khảo thông tin trên mạng, thì việc đưa ra phân cấp theo nhóm trong bảng lương tại vị trí việc làm chức danh lãnh đạo còn chưa thật sự tương xứng với công việc mà các đối tượng đang thực hiện. Việc tăng lương cũng chưa được thể hiện rõ trong bảng lương dự kiến mới.
Đại biểu Dương Minh Ánh kiến nghị sớm công bố các văn bản hướng dẫn về lộ trình thực hiện thang bảng lương mới có hiệu lực từ 1/7 tới. |
Theo các thông tin trên mạng, đối tượng được tăng lương nhiều nhất lần này là ngành Y tế và Giáo dục. Do đó các chi phí dành cho việc này sẽ tăng cao. Cử tri nêu, việc nâng lương cho đội ngũ cán bộ y tế và giáo viên nhằm nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe nhân dân và chất lượng giáo dục phổ thông công lập là đáng mừng. Nhưng việc nâng lương cho 2 ngành này là từ ngân sách Nhà nước hay nguồn thu tự chủ? Nếu là nguồn thu tự chủ với ngành Y tế thì người bệnh sẽ phải đóng thêm số tiền lớn, với người không có bảo hiểm y tế sẽ càng khó khăn, thậm chí, chờ chết chứ không có tiền đi bệnh viện, chất lượng giáo dục có nâng lên hay không.
Với ngành Giáo dục, chi phí tự chủ nghĩa là học sinh phải đóng học phí theo quy định của các trường công lập, sẽ gây khó khăn cho phụ huynh, bởi hầu hết là con em cán bộ, công chức, viên chức có lương, phụ cấp thấp. Với bậc đại học, tự chủ như hiện tại, có thể sẽ khiến nhiều cháu cũng phải bỏ giấc mơ vào đại học để đi kiếm sống vì gia đình không có điều kiện…
Theo đại biểu Dương Minh Ánh, cử tri kiến nghị cơ quan có thẩm quyền, trước khi ban hành bảng lương chính thức, cần thông tin cho các đối tượng được hưởng lương biết một cách rõ ràng, chính xác quan điểm, thấy được việc cải cách tiền lương là đúng đắn, tránh việc gây hoang mang và không yên tâm công tác…
Nguồn: Báo lao động thủ đô