Vẹn nguyên bài học trong công cuộc dựng xây đất nước

Sau 8 năm thực hiện đường lối “kháng chiến, kiến quốc”, quân và dân ta đã lập nên nhiều chiến công to lớn trên các chiến trường, đẩy thực dân Pháp ngày càng lún sâu vào thế bị động. Với tham vọng xoay chuyển tình thế, tháng 7/1953 thực dân Pháp thực hiện kế hoạch Nava, hòng tập trung binh lực, giành thắng lợi trong vòng 18 tháng.

Vẹn nguyên bài học trong công cuộc dựng xây đất nước
Ảnh tư liệu.

Đây là nỗ lực tiếp tục đẩy mạnh chiến tranh của Pháp được Mỹ giúp sức. Tuy nhiên, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo sáng suốt, tài tình của Đảng, quân và dân ta đã phát huy quyền chủ động, tiến hành cuộc tiến công chiến lược Đông Xuân 1953 – 1954, đẩy địch càng lún sâu vào thế bị động, phải tập trung quân lên Điện Biên Phủ để thực hiện cuộc giao chiến chiến lược ngoài kế hoạch.

Nhận định đây là thời cơ để tiến hành trận quyết chiến chiến lược tác động to lớn đến cục diện kháng chiến, Bộ Chính trị, Ban Chấp hành Trung ương Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh quyết định chọn Điện Biên Phủ là điểm quyết chiến, đánh đòn quyết định; đồng thời thành lập Đảng ủy và Bộ Chỉ huy Chiến dịch do đồng chí Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Bí thư Tổng Quân ủy – Tổng Tư lệnh làm Chỉ huy trưởng kiêm Bí thư Đảng ủy Chiến dịch. Với sự nỗ lực cao độ của toàn quân, toàn dân, sự mưu trí, dũng cảm của cán bộ, chiến sĩ trên chiến trường, trải qua ba đợt chiến đấu, ngày 7/5/1954 quân và dân ta đã lập nên chiến thắng hiển hách trong lịch sử chống ngoại xâm của dân tộc.

Trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ là một trong những đỉnh cao chói lọi, một kỳ tích vẻ vang của thời đại Hồ Chí Minh; giáng đòn quyết định, tạo bước ngoặt lịch sử làm thay đổi cục diện chiến tranh giữa ta và địch, trực tiếp dẫn đến việc ký kết Hiệp định Giơ-ne-vơ chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Đông Dương; kết thúc thắng lợi cuộc kháng chiến 9 năm chống thực dân Pháp và can thiệp Mỹ, chấm dứt hoàn toàn ách xâm lược của thực dân Pháp trên đất nước ta và các nước bán đảo Đông Dương; bảo vệ và phát triển thành quả cách mạng tháng Tám năm 1945; một nửa đất nước được giải phóng, tạo cơ sở và điều kiện vững chắc để đưa nhân dân ta tiến lên giành thắng lợi vĩ đại trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, đưa cả nước đi lên Chủ nghĩa xã hội.

Tại Hội thảo khoa học cấp quốc gia với chủ đề “Chiến thắng Điện Biên Phủ với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa” do Bộ Quốc phòng chủ trì tổ chức vừa qua, Thiếu tướng, PGS.TS Ngô Việt Cường, Phó Giám đốc Học viện Quốc phòng khẳng định, nét nổi bật về lập thế trận chiến tranh nhân dân trong Chiến dịch Điện Biên Phủ, đó là: Ta đã kết hợp chặt chẽ giữa thế và lực; phát huy cao độ sức mạnh tổng hợp của thế và lực trên chiến trường rộng cả Đông Dương, nhưng vẫn bố trí triển khai được lực lượng chủ lực tập trung hợp lý ở chiến trường trọng điểm để tạo ra bước chuyển chiến lược mới, tạo ra một thắng lợi kép trong đòn quyết chiến chiến lược với địch ở Điện Biên Phủ; đồng thời phá vỡ một mảng quan trọng hậu phương và chỗ đứng của địch ở Đồng bằng Bắc Bộ…

Điều đó cho thấy, thế trận chiến dịch Điện Biên Phủ vừa là thế trận tiếp tục phát triển thế chủ động về chiến lược của ta, vừa là thế trận chiến tranh nhân dân, toàn dân, toàn diện, đập tan cuộc phản công chiến lược của quân Pháp và can thiệp Mỹ (qua Kế hoạch Nava)… “Đây là những kinh nghiệm quý không chỉ có ý nghĩa to lớn trong tác chiến chiến dịch, chiến lược, mà còn có giá trị cả về lý luận và thực tiễn trong xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân, xây dựng thế trận chiến tranh nhân dân bảo vệ vững chắc Tổ quốc từ sớm, từ xa ở cả hiện tại và trong tương lai”, Thiếu tướng, PGS.TS Ngô Việt Cường cho hay.

Còn Đại tá Nguyễn Hữu Tài, Nguyên Chủ nhiệm Chính trị, Trung đoàn 209, Đại đoàn 312 trong Chiến dịch Điện Biên Phủ, nguyên Phó Cục trưởng Cục Quân huấn Bộ Tổng Tham mưu kể lại, 15 giờ ngày 7/5, các đại đoàn được lệnh, không cần đợi trời tối, lập tức mở cuộc tổng công kích vào Mường Thanh. Khi có lệnh tổng công kích thì Đại đội 360 của Trung đoàn đã tới bờ tả ngạn sông Nậm Rốm sát chân cầu Mường Thanh. Trên đà tiến công như vũ bão, Đại đội 360 Tiểu đoàn 130 do Đại đội trưởng Tạ Quốc Luật dẫn đầu đã vượt qua Cầu Mường Thanh, xông thẳng vào Sở Chỉ huy của địch, bắt sống tướng Đờ Cát và bộ tham mưu của hắn.

“Tôi nghĩ rằng thắng lợi vĩ đại của Chiến dịch Điện Biên Phủ lịch sử do nhiều nhân tố tạo thành, nhưng có 2 sự kiện có ý nghĩa quyết định. Một là, thay đổi phương châm tác chiến từ “đánh nhanh, giải quyết nhanh” sang “đánh chắc, tiến chắc”. Hai là, cuộc vận động chống hữu khuynh tiêu cực, nâng cao quyết tâm giành toàn thắng cho chiến dịch do Đảng uỷ mặt trận và các cấp uỷ đảng lãnh đạo. Bài học quyết tâm chiến đấu chống mọi biểu hiện của hữu khuynh tiêu cực đã khắc sâu vào tâm trí của tôi và nhiều cán bộ khác trong suốt cuộc đời chiến đấu của mình”, Đại tá Nguyễn Hữu Tài nhận định.

Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ luôn là mốc son chói lọi của dân tộc ta, bởi vậy, trong giai đoạn hiện nay, cần tiếp tục kế thừa, phát triển, làm phong phú hơn kho tàng lý luận về nghệ thuật quân sự Việt Nam (trong đó có bài học xây dựng thế trận chiến tranh nhân dân), đồng thời vận dụng một cách sáng tạo vào thực tiễn, góp phần thực hiện thắng lợi nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới.

70 năm đã trôi qua, kể từ khi chiến dịch Điện Biên Phủ kết thúc thắng lợi, chiến trường Điện Biên Phủ năm xưa nay đã trở thành điểm hẹn lịch sử của đồng bào cả nước, của bè bạn quốc tế và cả những người đã từng cầm súng ở bên kia chiến tuyến… Đặc biệt, thắng lợi của Chiến cục Đông Xuân 1953 – 1954, đỉnh cao là chiến dịch Điện Biên Phủ đã để lại nhiều bài học kinh nghiệm quý có giá trị lý luận và thực tiễn sâu sắc về nghệ thuật tác chiến chiến lược, chiến dịch và chiến đấu…

Phương Bùi

Nguồn: Báo lao động thủ đô

Bạn cũng có thể thích