Thành phố mang tên Bác hướng về Điện Biên Phủ
Những năm tháng không thể nào quên
Những ngày đầu tháng 5/2024, Phóng viên Báo Lao động Thủ đô tìm đến nhà của ông Mai Xuân Huệ (99 tuổi, hiện cư ngụ tại xã Vĩnh Lộc A, huyện Bình Chánh, TP.HCM) – người chiến sĩ quân y tham gia chiến đấu trong chiến dịch Điện Biên Phủ năm xưa. Gặp chúng tôi, dù mắt đã không còn nhìn rõ nhưng ông vẫn hào hứng, xúc động kể lại những kỉ niệm khó quên trong chiến dịch Điện Biên Phủ cách đây 70 năm về trước.
Triển lãm ảnh Chiến thắng Điện Biên Phủ – Sức mạnh Việt Nam, tầm vóc thời đại khai mạc tại phố đi bộ Nguyễn Huệ, TP.HCM. |
Ông Huệ cho biết, bản thân sinh ra ở đất Quảng Yên, tỉnh Quảng Ninh vào năm 1926 trong một gia đình theo nghề dạy học. Đến năm 1950, ông nhập ngũ với vị trí y tá trưởng Trung đoàn 53, Bộ Tư lệnh Quân khu 4. Sau đó, ông được điều sang Đại đoàn 316 (một trong 4 đại đoàn chủ lực tham gia Chiến dịch Điện Biên Phủ, đảm nhiệm tiến công tiêu diệt những cứ điểm quan trọng trong hệ thống phòng ngự kiên cố của quân Pháp) để tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ.
“Đường hành quân từ huyện Nghi Lộc, Nghệ An lên chiến trường Điện Biên Phủ gặp vô vàn khó khăn, địch liên tục dùng máy bay Hellcat tấn công. Tôi vài lần may mắn thoát chết khi địch tập kích trong lúc Đại đoàn 316 nghỉ ngơi. Nhưng sau nhiều ngày kiên trì, chúng tôi cũng đến được chiến trường an toàn”, ông Huệ cho biết.
Ông Huệ kể lại, ở giai đoạn đầu của chiến dịch Điện Biên Phủ, quân ta bao vây toàn bộ quân Pháp nên quân địch buộc phải dùng máy bay thả dù tiếp tế quân nhu nhưng do thả ở độ cao lớn nên một số lượng không nhỏ quân nhu rơi gần khu vực quân ta án ngữ. Vào lúc đó, cả ta và địch đều tìm cách giành lấy từng phần quân nhu giữa làn mưa đạn pháo yểm trợ từ cả hai phía.
“Có một lần khi tôi đang chiến đấu trong chiến hào thì máy bay địch oanh tạc cứ điểm của ta. Lúc này quân ta dùng pháo cao xạ để tiêu diệt máy bay địch, từng tiếng nổ là từng loạt khói trắng bao phủ xung quanh máy bay địch. Với lượng bom lớn, một số trái đã rơi trúng chiến hào, bản thân tôi cũng bị ngất đi khi bom địch rơi và nổ gần một bên, rất may là mạng sống vẫn giữ được”, ông Huệ kể lại.
Ông Huệ sau đó được chuyển về hậu phương để điều trị và phục viên vào năm 1955. Đến nay, ông vẫn đều đặn tham gia hoạt động của Hội Cựu Chiến binh TP.HCM, thường xuyên liên hệ với các cựu binh cùng chiến đấu lúc trước.
Cũng tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ, ông Trần Quang Triệu (90 tuổi, ngụ phường 17, quận Gò Vấp, TP.HCM) cho biết: Ông nhập ngũ vào năm 1952, sau đó được điều sang Đại đoàn 316 tham gia chiến dịch Tây Bắc. Khi chiến dịch Điện Biên Phủ nổ ra, ông được điều sang Đại đội 834, Tiểu đoàn pháo cao xạ 396 thuộc Trung đoàn pháo cao xạ 367 để tấn công máy bay địch thả dù tiếp tế quân nhu ở sân bay Hồng Cúm. “Cứ máy bay địch tiếp cận trận địa để thả dù tiếp tế quân nhu, tôi và đồng đội dùng pháo 12 ly 7 tấn công. Do hỏa lực dồn dập, máy bay địch buộc phải bay từ độ cao 500m sang độ cao hơn 1.000m để thả quân nhu, chính vì vậy mà độ chính xác giảm đi khiến không ít quân nhu của địch rơi vào tay quân ta”, ông Triệu chia sẻ.
Ông Triệu cho biết, những ngày chiến đấu ở Điện Biên Phủ là những ngày sẵn sàng đối mặt với hy sinh để bảo vệ Tổ quốc. Do đó, các chiến sĩ như ông không bao giờ chùn bước trước những loạt oanh tạc từ máy bay của địch mà vẫn anh dũng dùng pháo cao xạ đáp trả, bảo vệ bộ binh tiến công vào cứ điểm…
Hướng về vùng đất Điện Biên
Chiến tranh đã lùi xa, những người lính từng tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ trở về cuộc sống mưu sinh hằng ngày nhưng trong tâm khảm họ, Điện Biên Phủ luôn là dòng mạch chảy mãi. Cựu binh Trương Sỹ Trì (87 tuổi, ngụ phường Tân Thuận Đông, quận 7, TP.HCM) bồi hồi nhớ lại: Sau khi nhập ngũ năm 1953, ông được điều vào Tiểu đoàn 251, Trung đoàn 174, Đại đoàn 316 để tiến lên chiến trường Điện Biên Phủ vào năm 1954. Đơn vị của ông phụ trách chiến đấu ở Đồi A1 – một trong những chiến địa ác liệt nhất. Tại cứ điểm Đồi A1, địch từng bố trí nhiều binh lực, hỏa lực mạnh, có công sự kiên cố, vững chắc, gây rất nhiều khó khăn cho quân đội ta khi tiến công vào vị trí này. Nhưng sau 39 ngày điêm chiến đấu anh dũng, quân ta đã chiếm được Đồi A1 vào ngày 6/5/1954, mở cửa cho toàn quân tấn công ào ạt vào trung tâm Mường Thanh của địch.
Sau 70 năm, ông Trì lúc nào cũng nhớ lại giây phú hào hùng đó. Và ông cũng không quên những đồng đội đã ngã xuống để chiến đấu cho lý tưởng của mình. Mỗi lần có dịp quay lại chiến trường cũ, bản thân ông rất xúc động và không kìm được nước mắt khi nhớ về những ngày chiến đấu bên đồng đội. Thời gian đã lùi xa nhưng những hình ảnh, câu chuyện, từng cái tên, từng trận đánh, từng tiếng gọi của đồng đội dường như chỉ vừa mới trải qua.
Còn đối với cựu binh Dương Chí Kỳ (89 tuổi, ngụ phường Tân Phú, quận 7, TP.HCM), người từng tham Chiến dịch Điện Biên Phủ ở đơn vị Đại đội trợ chiến, Trung đoàn 174 thuộc Đại đoàn 316 cho biết: Sau 70 năm quay lại chiến trường Điện Biên Phủ, nơi này đã thay đổi rất nhiều, mọi thứ đã trở nên tốt đẹp hơn, không còn loang lổ những hố bom, lỗ châu mai hay những đường chiến hào mà thay vào đó là những căn nhà khang trang, đẹp đẽ. “Cuộc sống của người dân ở Điện Biên ngày nay rất vui vẻ, đầm ấm, chan hòa với nhiều dân tộc anh em khác nhau. Mỗi khi có dịp quay về chiến trường xưa, tôi đều cảm thấy choáng ngợp so với những gì mà chúng tôi biết khi còn chiến đấu ở đây 70 năm trước”, ông Kỳ chia sẻ.
Thiết thực kỷ niệm 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ, những ngày qua, Thành phố cũng đã tổ chức nhiều đoàn đại biểu thăm, tặng quà các cá nhân trực tiếp tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ hiện đang sinh sống trên địa bàn Thành phố như đoàn đại biểu do Phó Bí thư Thường trực Thành ủy TP.HCM Nguyễn Hồ Hải dẫn đầu (ngày 2/5); đoàn đại biểu do Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND TP.HCM Nguyễn Thị Lệ dẫn đầu (ngày 3/5); đoàn đại biểu do Phó Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Phước Lộc dẫn đầu (ngày 4/5); đoàn đại biểu do Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Văn Dũng, dẫn đầu (ngày 2/5)…
Vào ngày 4/5 tại đường sách Nguyễn Văn Bình, Hội Nhiếp ảnh TP. HCM và Viện nghiên cứu Phật học Việt Nam khai mạc triển lãm ảnh và giới thiệu sách ảnh “Điện Biên Phủ xưa và nay” với hơn 300 hình ảnh. Tối cùng ngày, UBND thành phố Thủ Đức (TP.HCM) tổ chức lễ mít tinh chào mừng kỷ niệm 49 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước và 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ. Trước đó vào ngày 24/4, Thành ủy TP.HCM tổ chức họp mặt Kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ và 49 năm Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước…
Tại Lễ kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ, ông Hồ Xuân Lâm, Phó Chủ tịch Liên hiệp các tổ chức hữu nghị TP.HCM cho biết: Lịch sử dân tộc Việt Nam mãi mãi vinh danh, khắc ghi công lao của những người đã làm nên chiến thắng “chấn động địa cầu” năm ấy. Chúng ta trân trọng sự hiện diện của các cô chú cựu chiến binh – chiến sĩ Điện Biên Phủ hiện đang sống tại TP.HCM đã chiến đấu anh dũng, kiên cường, mưu trí sáng tạo, đã vượt lên mọi mất mát hy sinh, để làm nên chiến tích huyền thoại ngày 7/5/1954. Chiến thắng đó là nguồn cổ vũ lớn lao, giáo dục thế hệ trẻ tinh thần yêu nước, sức sáng tạo để ra sức học tập, sản xuất, góp phần xây dựng quê hương giàu mạnh, xứng đáng với sự hy sinh của thế hệ cha anh đi trước.
Hòa chung vào không khí cả nước rộn ràng kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân TP.HCM đã tổ chức nhiều sự kiện lớn, đầy ý nghĩa. Trong dịp này, TP.HCM đã tặng, hỗ trợ tỉnh Điện Biên hơn 85 tỷ đồng, thể hiện tình cảm, sự quan tâm của Đảng bộ, chính quyền, nhân dân Thành phố đối với những người đã có công trong chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ. |
Minh Tuấn – Xuân Tình
Nguồn: Báo lao động thủ đô