Khát vọng góp phần xây dựng đất nước hùng cường

Khát vọng góp phần xây dựng đất nước hùng cường
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu với cộng đồng doanh nghiệp nhân kỷ niệm 17 năm Ngày Doanh nhân Việt Nam.

Ngày 13/10/1945, khi giới doanh nhân tập hợp lại thành lập “Công Thương cứu quốc đoàn” và gia nhập Mặt trận Việt Minh, Bác Hồ đã viết thư động viên, cổ vũ. Trong thư Bác Hồ viết: “Trong lúc các giới khác trong quốc dân ra sức hoạt động để giành toàn độc lập của nước nhà, thì giới Công – Thương phải hoạt động để xây dựng một nền kinh tế và tài chính vững vàng và thịnh vượng.

Chính phủ, Nhân dân và tôi sẽ tận tâm giúp giới Công – Thương trong công cuộc kiến thiết này”. Chính vì thế, 20/9/2004 Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số số 990/QĐ-TTg lấy ngày 13/10 là Ngày Doanh nhân Việt Nam.

Những năm qua Đảng, Nhà nước đã ban hành các chủ trương, đường lối, chính sách, pháp luật để cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam ngày càng phát triển, đóng góp lớn hơn cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Đặc biệt, trước những năm 2000, chúng ta từng xem doanh nghiệp Nhà nước là xương sống của nền kinh tế, thì sau khi Quốc hội thông qua Luật Doanh nghiệp 2005 (29/11/2005) và đến nay đã thêm 02 lần sửa đổi bổ sung vào các năm 2014, 2020 cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam càng có điều kiện phát triển bình đẳng.

Để khẳng định vai trò của kinh tế tư nhân, ngày 03/6/2017, Hội nghị lần thứ năm Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XII) đã ban hành Nghị quyết về “Phát triển kinh tế tư nhân trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa”. Có thể nói, sự ra đời của Luật Doanh nghiệp, Nghị quyết của Trung ương Đảng và các văn bản pháp quy đã tạo động lực để doanh nghiệp Việt Nam vươn mình ra biển lớn.

Điều đáng nói trong công tác quản lý Nhà nước từ chỗ xem doanh nghiệp là chủ thể quản lý, nay Nhà nước xem doanh nghiệp là khách thể quản lý, là bạn đồng hành trong quá trình xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Chính nhờ những chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước mà hiện nay trên mảnh đất hình chữ S đã có rất nhiều loại hình doanh nghiệp ra đời.

Cùng với doanh nghiệp Nhà nước, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài khu vực doanh nghiệp tư nhân cũng đã vươn lên tạo thế kiềng 3 chân trong cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam thời hội nhập. Những tập đoàn kinh tế như Viettel, Vinamilk, Vingroup, Trường Hải, FPT… không những khẳng định vị trí trong nước mà còn vươn ra cạnh tranh quốc tế.

Doanh nghiệp là chủ thể làm ra của cải vật chất cho xã hội, đóng thuế cho Nhà nước và tạo công ăn việc làm cho người lao động… góp phần quan trọng vào sự hưng thịnh của quốc gia. Nên trong công tác quản lý Nhà nước, Quốc hội, Chính phủ luôn quan tâm đến việc hoàn thiện thể chế để cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam phát triển hơn nữa.

Đặc biệt, từ khi được Quốc hội bầu làm Thủ tướng Chính phủ, Thủ tướng Phạm Minh Chính trong các hội nghị, cuộc họp với các bộ, ngành, địa phương đã nhiều lần nhấn mạnh đến cụm từ “tháo gỡ các vướng mắc để hoàn thiện thể chế”. Và trong đợt dịch thứ 4, chỉ trong thời gian ngắn, người đứng đầu Chính phủ cũng đã 2 lần tiến hành Hội nghị trực tuyến với các doanh nghiệp, lãnh đạo địa phương để tìm giải pháp tháo gỡ khó khăn cho cộng đồng doanh nghiệp nhằm khôi phục sản xuất- kinh doanh.

Ngày 7/10, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cũng có cuộc làm việc với Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) và gặp gỡ giới doanh nhân Việt Nam để lắng nghe các ý kiến, kiến nghị nhằm hoàn thiện thể chế luật pháp giúp cộng đồng doanh nghiệp trước mắt là vượt qua khó khăn do đại dịch gây ra, về lâu dài có điều kiện để phát triển mạnh mẽ hơn nữa.

Nhằm tạo ra nhiều doanh nghiệp mới, ngày 11/10/2019, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1362 về phê duyệt kế hoạch phát triển bền vững doanh nghiệp khu vực tư nhân đến năm 2025, tầm nhìn 2030. Theo đó, phấn đấu có ít nhất 1,5 triệu doanh nghiệp vào năm 2025 và 2 triệu doanh nghiệp vào năm 2030 để hướng tới mục tiêu thúc đẩy doanh nghiệp khu vực tư nhân tăng trưởng chất lượng và hiệu quả, tạo nền tảng vững chắc, động lực quan trọng cho phát triển kinh tế – xã hội nhanh, bền vững.

Để triển khai thực hiện Kế hoạch phát triển bền vững doanh nghiệp khu vực tư nhân đến năm 2030, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các Bộ, ngành, địa phương cần lồng ghép các nội dung, giải pháp phát triển bền vững doanh nghiệp khu vực tư nhân với các chương trình mục tiêu quốc gia, các dự án, các chương trình mục tiêu của các Bộ, ngành, địa phương liên quan nhằm sử dụng hiệu quả các nguồn lực.

Phát huy tinh thần dân tộc quật cường, phát huy tinh thần, ý chí kinh doanh thấm đẫm tinh thần Việt của nhà kinh doanh Bạch Thái Bưởi, từ doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp quy mô trung bình đến các tập đoàn lớn đều mang trong mình lòng tự tôn dân tộc và một khát khao vì một Việt Nam hùng cường.

Có lần một doanh nhân từng vào sinh ra tử trong cuộc chiến chống lại sự can thiệp của đế quốc Mỹ thống nhất đất nước đã nói: “Một dân tộc duy nhất 3 lần thắng quân Nguyên Mông; đánh đuổi thực dân Pháp và đánh bại sự can thiệp của siêu cường thế giới đế quốc Mỹ thì không có lý do gì đội ngũ doanh nhân của dân tộc Việt Nam lại không làm nên trang sử vẻ vang trên mặt trận xây dựng Tổ quốc mạnh giàu”!

Câu hỏi đó cũng chính là khát vọng cháy bỏng của đội ngũ doanh nhân Việt trong việc góp phần xây dựng đất nước hùng cường. Nhân ngày Doanh nhân Việt Nam gửi lời chúc tốt đẹp nhất đến cộng đồng doanh nhân sức khỏe, thịnh vượng, góp phần xứng đáng trong sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc và xây dựng đất nước hùng cường./.

H.Phạm

Nguồn: Báo lao động thủ đô

Bạn cũng có thể thích