Chợ gốm đìu hiu, làng gốm làm gì để vượt bão hồi sinh sau đại dịch

Làng gốm Bát Tràng không chỉ nổi tiếng với bề dầy gần 1.000 năm lịch sử với nghề gốm truyền thống, mà nhiều năm qua, nơi đây đã trở thành điểm đến lý tưởng trong những ngày nghỉ cuối tuần của các gia đình và các bạn trẻ yêu gốm. Nhưng gần 2 năm qua, sau ảnh hưởng của đại dịch Covid – 19, chợ gốm không còn cảnh tấp nập thường thấy, thay vào đó là quang cảnh đìu hiu. Hàng quán ế ẩm…

Xã Bát Tràng gồm hai làng (hay còn gọi là thôn): Bát Tràng và Giang Cao; đều là làng làm nghề gốm truyền thống.

Cổng vào của làng Bát Tràng.

Đường vào làng Giang Cao, các xe hàng đã bắt đầu vào – ra lấy hàng xuất xưởng. Đường xá tấp nập hơn trước đó. Nhưng tình trạng vẫn chưa mấy khả quan.

Chị Hoa có thâm niên bán hàng 10 năm tại cửa hàng trưng bày kiêm xưởng sản xuất Dũng Hằng của làng Giang Cao cho biết: “từ khi dịch tràn về, hàng hóa ế ẩm, hàng làm xong rồi nhưng vẫn chưa thể xuất đi Mỹ” và chỉ về phía hàng được đóng hộp xếp một góc trong cửa hàng… “còn thợ thì chưa thể lên làm được vì các chính sách phòng, chống dịch của thành phố”.

Cổng vào chợ gốm Bát Tràng, nơi du khách có thể  thăm quan các sản phẩm của làng gốm và tự mình thỏa thích sáng tạo, thì nay rơi vào cảnh ế ấm, ảm đạm. Chỉ một vài khách ghé qua.

Hình ảnh sân làm gốm vắng tanh, hiu quạnh. Chắc bàn quay gốm cũng rất nhớ những đôi bàn tay nhào nặn thường ngày mỗi khi du khách ghé qua. Chủ cửa hàng Vân Anh, nơi mở dịch vụ làm gốm cho du khách cho biết, “bình thường trước đây, cửa hàng của anh tiếp mấy trăm khách mỗi ngày, nhất là cuối tuần, giờ thì đành phải đóng cửa vì dịch, khách mua cũng ít nên đợt này cũng gặp nhiều khó khăn”. Chắc đợi dịch qua đi, anh còn nhắn nhủ, “khi nào gia đình ghé qua đây, cho các con trải nghiệm, sau đó, anh gửi đồ làm được về tận nơi cho”.

Chủ cửa hàng Hoan Hằng thì cho biết, “mấy tháng nay anh đóng cửa và vừa ra mở được vài hôm. Nhưng vắng khách lắm. Chẳng biết bao giờ lại trở lại hoạt động bình thường. Chứ thế này, thì khổ lắm!”.

Chợ gốm làng cổ Bát Tràng nổi bật với bảng xanh mã QR đìu hiu, thưa thớt khách qua lại. Hiện làng gốm Bát Tràng có hai chợ, theo như các tiểu thương ở đây cho biết thì chợ gốm làng cổ Bát Tràng là chợ gốm lâu đời và chỉ có người dân có lò trong làng mới được buôn bán ở đây, còn chợ gốm bát tràng thì mới và bên đó có thêm dịch vụ làm gốm tại chỗ cho du khách.

Đôi vợ chồng trẻ mua sắm vật dụng cho gia đình, có lẽ là một trong những khách hàng hiếm hoi của ngày hôm nay.

Các gian hàng trưng bày gốm trong chợ còn chưa mở hết, một số tiểu thương vẫn đóng cửa im lìm vì ế ẩm. Thợ và người bán hàng chưa thể lên do dịch.

Khách không thấy đâu, chán lắm em ạ, là chia sẻ của đa phần các tiểu thương ở đây.

“Ế lắm cháu ạ, ngày được 2 khách, ngày chẳng có khách nào! 5 giờ chiều là cô đã đóng cửa rồi… mùa dịch khó khăn, không đủ để trả tiền điện cho cửa hàng” là lời chia sẻ của chủ cửa hàng Thắng Lan tại chợ gốm sứ truyền thống Bát Tràng và phần đông tiểu thương ở đây! Các tiểu thương ngồi nhìn nhau cũng hết một ngày…! Chỉ mong hết dịch!

Nhiều gian hàng vẫn đóng cửa, nên chợ gốm đã ảm đạm, đìu hiu, nay càng ảm đạm hơn.

Đường xá thường ngày đông đúc lắm vì xe khách về thăm quan nhiều, vào đợt dịch, khách không có, nên mong sao dịch nhanh đi. Bác trông giữ xe tại cổng chợ cho biết. Tình hình cứ thế, thì mọi người sẽ rất khó khăn.

Bảo tàng gốm Bát Tràng toạ lạc tại thôn 5, xã Bát Tràng vừa mở cửa đã phải đóng lại vì dịch và đến nay vẫn chưa mở lại, bác bảo vệ cho biết. Bảo tàng được khởi công xây dựng vào năm 2018 trên một khu đất rộng 3.700 m2. Công trình nằm trong dự án “Trung tâm tinh hoa làng nghề Việt” của công ty TNHH Gốm sứ Quang Vinh và Hiệp hội làng nghề Hà Nội nhằm mục đích phát triển làng nghề. Đứng từ trên tầng cao của Bảo tàng, khách ghé thăm  có thể nhìn thấy dòng kênh xanh trong của Bắc Hưng Hải phía đối diện. Bảo tàng có số vốn đầu tư lên đến hơn 150 tỷ đồng.

Khu trưng bày kế bên bảo tàng cũng trong tình trạng ế ẩm cửa đóng then cài, tối om.

“Với những gì mà bão Covid đi qua và để lại là cả một hệ lụy, chỉ mong sao không còn Covid, không còn cảnh ngăn sống cấm chợ, đường xá thuận lợi hơn thì lúc đó may ra mọi thứ mới trở lại như xưa”. Một tiểu thương chia sẻ.

Theo quy định tại Khoản 10 mục II Nghị quyết số 68/NQ-CP ngày 1/7/2021 của Chính phủ về một số chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch Covid – 19, có nêu:

“Hộ kinh doanh có đăng ký kinh doanh, có đăng ký thuế và dừng hoạt động từ 15 ngày liên tục trở lên trong thời gian từ ngày 01 tháng 5 năm 2021 đến ngày 31 tháng 12 năm 2021 theo yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền để phòng, chống dịch Covid – 19 được ngân sách nhà nước hỗ trợ một lần 3.000.000 đồng/ hộ.”

Theo quy định tại Điều 35, 36 Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg ngày 7/7/2021 của Thủ tướng Chính phủ quy định về việc thực hiện một số chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch COVID-19, có nêu:

“Điều 35. Đối tượng, điều kiện hỗ trợ

 

Hộ kinh doanh được hỗ trợ khi có đủ các điều kiện sau:

1. Có đăng ký kinh doanh, đăng ký thuế.

2. Phải dừng hoạt động từ 15 ngày liên tục trở lên trong thời gian từ ngày 01 tháng 5 năm 2021 đến ngày 31 tháng 12 năm 2021 theo yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền để phòng, chống dịch Covid – 19.

Điều 36. Mức hỗ trợ và phương thức chi trả

1. Mức hỗ trợ: 3.000.000 đồng/hộ kinh doanh.

2. Phương thức chi trả: Trả 01 lần cho hộ kinh doanh”.

Nghị quyết số 68/NQ-CP là vậy, nhưng khi được hỏi về thông tin này, đa phần tiểu thương tại chợ làng gốm đều không rõ? Và không biết cách tiếp cận được với gói hỗ trợ theo Nghị quyết số 68 của Chính phủ. 

Nguồn: Báo doanhnghiepthuonghieu

Bạn cũng có thể thích