Ngân hàng Nhà nước yêu cầu tổ chức tín dụng rà soát công tác phát hành thẻ, cách tính lãi

Chú thích ảnh
Các ngân hàng phải rà soát đảm bảo các loại phí, lãi suất, phương pháp tính lãi đối với từng loại thẻ phát hành đúng quy định.

Theo đó, các tổ chức tín dụng (TCTD), chi nhánh ngân hàng nước ngoài cần rà soát các quy trình nội bộ về phát hành và sử dụng thẻ ngân hàng đảm bảo tuân thủ theo quy định pháp luật; đồng thời chỉ đạo, quán triệt cán bộ, nhân viên trong toàn hệ thống thực hiện đúng trình tự, thủ tục phát hành và sử dụng thẻ ngân hàng. 

Đối với phương pháp tính phí, lãi, các ngân hàng thương mại (NHTM) phải rà soát đảm bảo các loại phí, lãi suất, phương pháp tính lãi đối với từng loại thẻ phát hành tuân thủ đúng quy định; đồng thời phải công khai minh bạch, cung cấp đầy đủ thông tin và có biện pháp đảm bảo khách hàng đã nắm được các thông tin về quyền và nghĩa vụ của khách hàng, các loại phí, lãi suất, phương pháp tính lãi (đặc biệt với thẻ tín dụng). 

“Rà soát toàn bộ quy trình xử lý tra soát, khiếu nại theo đúng quy định pháp luật; Trường hợp phát sinh khiếu nại, phản ánh của khách hàng trong quá trình sử dụng thẻ, tổ chức phát hành thẻ (TCPHT) xử lý theo đúng quy trình và quy định của pháp luật liên quan, đảm bảo nhanh chóng, kịp thời và dứt điểm, không để vụ việc kéo dài ảnh hưởng đến quyền lợi hợp pháp của khách hàng cũng như hình ảnh và uy tín của TCPHT”, nội dung Công văn 2235/NHNN-TT của NHNN nêu.

Theo NHNN, trường hợp phát hiện các vấn đề bất thường trong việc sử dụng thẻ của khách hàng (như không phát sinh giao dịch, phát sinh nợ quá hạn kéo dài…) thông qua quá trình kiểm soát, giám sát, TCPHT cần chủ động thông tin đến khách hàng và phối hợp các bên liên quan có biện pháp xử lý kịp thời đảm bảo không ảnh hưởng đến quyền lợi hợp pháp của khách hàng và TCPHT. 

Ngoài ra, các TCTD cần thực hiện các biện pháp truyền thông tới khách hàng về quyền và trách nhiệm của khách hàng trong phát hành và sử dụng thẻ ngân hàng; khuyến cáo khách hàng các biện pháp bảo mật dữ liệu cá nhân, thông tin thẻ ngân hàng tránh rủi ro lộ lọt thông tin cá nhân, thông tin thẻ sử dụng cho các mục đích bất hợp pháp.

Theo các chuyên gia tài chính, ngân hàng, thẻ tín dụng ngày một phổ biến góp phần phát triển thanh toán không dùng tiền mặt tại Việt Nam. Khách hàng phải tự trang bị kiến thức về những quy định thời gian miễn lãi, quy định thanh toán, các chi phí phát sinh… để có cách sử dụng cũng như tiêu dùng thẻ một cách thông minh.

Thẻ tín dụng phát triển đã mang lại nhiều lợi ích như góp phần thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt, hạn chế chi tiêu tiền mặt, minh bạch cho nền kinh tế. Đối với người tiêu dùng, thẻ tín dụng giúp thanh toán mọi lúc. Người tiêu dùng có thể đặt hàng online, đặt đồ ăn giao hàng tại nhà, đặt phòng khách sạn du lịch nước ngoài. Ngoài ra, thẻ này còn mang lại lợi ích, như khoản cung cấp tín dụng, cho khách hàng chi tiêu trước, trả sau…

Bà Nguyễn Hồng Thanh, Trưởng Tiểu ban chính sách Chi hội thẻ (Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam – VNBA) cho biết: Hiện nay, Việt Nam có hơn 140 triệu thẻ thanh toán, trong đó có 10,2 triệu thẻ tín dụng. Giá trị giao dịch qua thẻ tín dụng năm 2023 đạt trên 1 triệu tỷ đồng.

“Ngân hàng cung cấp công cụ quản lý chi tiêu thông qua quản lý tín dụng. Khách hàng dễ dàng quản lý khoản chi tiêu thông qua thẻ tín dụng. Hàng tháng, ngân hàng sẽ gửi sao kê khoản chi tiêu cho khách hàng. Người dùng dễ dàng tra cứu thông tin thông qua báo cáo chi tiêu do ngân hàng cung cấp, hoặc thông qua các ứng dụng. Phía ngân hàng cũng cung cấp chương trình ưu đãi cho khách hàng như: Hoàn tiền, cộng dặm, chiết khấu trực tiếp”, bà Nguyễn Hồng Thanh cho biết.

Tuy nhiên, đại diện VNBA cũng lưu ý những rủi ro của thẻ tín dụng như chậm thanh toán sẽ quá hạn, ảnh hưởng điểm tín nhiệm khi xin cấp khoản tín dụng mới như vay mua nhà, mua ô tô. Khi sử dụng thẻ, nếu không bảo quản thẻ cẩn thận, đưa thẻ cho người khác sử dụng, khách hàng có thể gặp rủi ro như nguy cơ mất thông tin thẻ, phát sinh giao dịch giả mạo.

“Khách hàng được cấp khoản tín dụng nên sẽ dễ xảy ra việc chi tiêu vượt quá nhu cầu, vượt quá khả năng tài chính của bản thân”, đại diện VNBA cho biết. Lãi suất thẻ tín dụng hiện rất cao, dao động từ 20 – 40%/năm. Ngoài lãi suất thanh toán dư nợ chậm, ngân hàng còn áp dụng phí phạt thanh toán dư nợ chậm, lãi suất khi rút tiền mặt, phí rút tiền mặt… Sở dĩ lãi suất thẻ tín dụng cao do đây là khoản cho vay tín chấp, rủi ro cao.

Chuyên gia kinh tế, TS Nguyễn Trí Hiếu cho rằng: Thẻ tín dụng chưa thật sự phổ biến tại Việt Nam dù tiềm năng phát triển còn lớn. “Số thẻ tín dụng phát hành trong nước khoảng 10 triệu, nhưng tỷ lệ dân số có thẻ mới khoảng 6 – 7%, do nhiều người sở hữu nhiều hơn 1 thẻ. Hơn 90% dân số chưa có thẻ tín dụng nhưng việc nhân rộng loại thẻ này không dễ. Hạn mức thẻ bằng 5 – 6 lần thu nhập, điều kiện là thu nhập ổn định. Tuy nhiên, thu nhập của người Việt còn thấp, GDP đầu người hiện chỉ khoảng 4.500 USD/năm”, TS Nguyễn Trí Hiếu cho biết.

Để phát triển thị trường thẻ tín dụng, chuyên gia Nguyễn Trí Hiếu cho rằng: Việt Nam cần có hệ thống chấm điểm, xếp hạng tín dụng cho những người từng vay nợ, có giao dịch tài chính. NHNN đã có hệ thống CIC nhưng chỉ một số khách hàng trong số 100 triệu dân có lịch sử tín dụng với Trung tâm thông tin tín dụng Quốc Gia (CIC) được chấm điểm tín dụng. 

Bên cạnh đó, việc giao dịch, nâng cao tính tuân thủ pháp luật của người dân cần được chú trọng. Rủi ro cho ngân hàng phát hành thẻ tín dụng không nhỏ, khi hiện nay có những nhóm công khai trên mạng xã hội bày cách xù nợ, chạy nợ. Ý thức tuân thủ pháp luật, đạo đức kinh doanh tại Việt Nam chưa cao.

Vì vậy, bà Nguyễn Hồng Thanh khuyến cáo: Khách hàng phải nghiên cứu kỹ quy định sử dụng, quy định về tính lãi, phí, trách nhiệm liên quan. Bên cạnh hợp đồng sử dụng thẻ, khách hàng tìm hiểu kỹ biểu phí, cách tính lãi cho thẻ. Hiện, cách tính lãi của ngân hàng Việt Nam phù hợp với thông lệ chung của quốc tế, tương đồng với cách tính lãi của một số quốc gia hàng đầu thế giới như Mỹ…

Theo TTXVN

Nguồn: Báo doanhnghiepthuonghieu

Bạn cũng có thể thích