Bộ Y tế tập trung triển khai 6 nhiệm vụ trọng tâm ngay sau Tết
Khẩn trương trở lại làm việc bình thường
Bộ Y tế đã ban hành Chỉ thị số 01 về việc tăng cường công tác y tế đảm bảo đón Tết Nguyên Đán Giáp Thìn năm 2024, trong đó, chỉ đạo các cơ quan, đơn vị xây dựng và triển khai kế hoạch tăng cường công tác y tế đảm bảo đón Tết Nguyên Đán năm 2024;
Phân công trực 24/24 giờ đối với lãnh đạo đơn vị, cán bộ, nhân viên bảo đảm khoa học, hiệu quả; niêm yết công khai danh sách trực hằng ngày theo quy định.
Tuyệt đối không chủ quan, lơ là, mất cảnh giác trước dịch bệnh; tổ chức lực lượng, phương tiện ứng trực, theo dõi, giám sát diễn biến dịch và bảo đảm an ninh trật tự, an toàn phòng, chống cháy nổ; xử lý, giải quyết kịp thời, hiệu quả các công việc, tình huống phát sinh.
Yêu cầu các đơn vị đảm bảo triển khai các công việc đúng tiến độ, khẩn trương trở lại làm việc bình thường sau ngày nghỉ, phấn đấu hoàn thành nhiệm vụ ngay từ những tháng đầu năm.
Về công tác giám sát và đáp ứng dịch bệnh, Bộ Y tế (Cục Y tế dự phòng) ban hành công văn gửi Sở Y tế tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về tăng cường công tác phòng, chống dịch dịp Tết Nguyên Đán và mùa Lễ hội năm 2024; trong đó, đề nghị Sở Y tế tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương:
Tiếp tục theo dõi, giám sát, phát hiện sớm, xử lý kịp thời triệt để các ổ dịch bệnh truyền nhiễm, không để lây lan, bùng phát lan rộng ra cộng đồng. Tăng cường kiểm tra, giám sát dịch bệnh tại các cửa khẩu để phát hiện sớm, cách ly, xử lý kịp thời những trường hợp nghi ngờ, trường hợp mắc bệnh truyền nhiễm, không để dịch bệnh xâm nhập và lây lan vào Việt Nam.
Phân công cán bộ trực 24/24 giờ trong thời gian nghỉ Tết; chỉ đạo các đơn vị xây dựng kế hoạch phân công nhiệm vụ, thực hiện nghiêm công tác báo cáo dịch bệnh theo đúng quy định.
Xây dựng phương án sẵn sàng ứng phó với các tình huống của dịch bệnh theo phương châm 4 tại chỗ; chuẩn bị đầy đủ hóa chất, trang thiết bị, phương tiện và nhân lực đảm bảo đáp ứng các yêu cầu về phòng, chống dịch bệnh trên địa bàn.
Tăng cường kiểm tra, giám sát, theo dõi việc triển khai công tác phòng, chống dịch bệnh trong thời gian Tết.
Tiếp tục theo dõi chặt chẽ tình hình dịch bệnh trên cả nước để chỉ đạo kịp thời công tác phòng, chống dịch bệnh, các bệnh nguy hiểm và mới nổi, không để xâm nhập vào Việt Nam, trong đó có Covid-19, đậu mùa khỉ.
Giám sát chặt chẽ các bệnh lưu hành trong nước như: Tay chân miệng, sốt xuất huyết, sởi, các bệnh dịch lây truyền qua đường hô hấp, tiêu hóa khác có nguy cơ bùng phát trong mùa Đông – Xuân, dịp Tết Nguyên Đán và mùa Lễ hội đầu năm tại các địa phương.
Tổ chức trực chống dịch 24/24 giờ và chuẩn bị sẵn sàng các cơ số thuốc, vật tư, hoá chất, sẵn sàng hỗ trợ kịp thời, xử lý triệt để ổ dịch khi xảy ra dịch. Chỉ đạo, phối hợp với các Viện Vệ sinh dịch tễ, Viện Pasteur thu thập thông tin, phân tích, đánh giá nguy cơ dịch bệnh và hỗ trợ triển khai các biện pháp ứng phó trong các tình huống dịch bệnh hoặc các sự kiện y tế công cộng…
Đối với công tác kiểm tra, giám sát và báo cáo dịp Tết Nguyên Đán 2024, Bộ Y tế đã thành lập các đoàn công tác do Lãnh đạo Bộ làm Trưởng đoàn kiểm tra công tác khám, chữa bệnh, phòng, chống dịch bệnh và đảm bảo công tác y tế tại một số bệnh viện tuyến Trung ương và cơ sở y tế trên một số địa bàn tỉnh, thành phố.
Bộ Y tế thành lập 5 Đoàn kiểm tra liên ngành của Ban Chỉ đạo liên ngành Trung ương về an toàn thực phẩm để tiến hành kiểm tra tại 10 tỉnh, thành phố nhằm bảo đảm an toàn thực phẩm trong sản xuất, chế biến, kinh doanh, nhập khẩu và sử dụng thực phẩm; tăng cường kiểm soát, xử lý việc sản xuất, kinh doanh thực phẩm giả, kém chất lượng, phòng chống ngộ độc thực phẩm trong dịp Tết và Lễ hội Xuân 2024.
6 nhiệm vụ trọng tâm
Quán triệt chủ đề điều hành năm 2024 của Chính phủ “Kỷ cương trách nhiệm, chủ động kịp thời, tăng tốc sáng tạo, hiệu quả bền vững”; bảo đảm kịp thời triển khai chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về việc đôn đốc triển khai các nhiệm vụ sau Tết Nguyên Đán năm 2024, Bộ Y tế thông tin, tập trung triển khai các nhiệm vụ trọng tâm:
Tập trung xây dựng, hoàn thiện, hướng dẫn triển khai các văn bản quy phạm pháp luật trọng tâm của Ngành như: Luật Khám bệnh, chữa bệnh số 15/2023/QH15; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dược; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo hiểm y tế; đồng thời, tiếp tục xây dựng, sửa đổi, bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật lĩnh vực y tế.
Triển khai các biện pháp phòng, chống dịch bệnh; đặc biệt đối với dịch bệnh lây truyền qua đường hô hấp, dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm, mới nổi. Tăng cường theo dõi, giám sát, phát hiện sớm các trường hợp mắc bệnh ngay tại cửa khẩu, trong cộng đồng và tại các cơ sở y tế để kịp thời xử lý triệt để các ổ dịch bệnh truyền nhiễm, không để lây lan rộng.
Bên cạnh đó, chỉ đạo các cơ sở y tế chủ động xây dựng, triển khai kế hoạch bảo đảm đủ thuốc, thiết bị y tế phục vụ khám, chữa bệnh và phòng, chống dịch bệnh; có phương án thường trực, sẵn sàng đáp ứng, đảm bảo tốt công tác thu dung, điều trị, khám bệnh, chữa bệnh thường quy và phòng, chống dịch bệnh.
Cùng với đó, tăng cường công tác bảo đảm an toàn thực phẩm, phòng, chống ngộ độc thực phẩm và các bệnh truyền qua thực phẩm trong dịp Lễ hội Xuân năm 2024.
Đồng thời, đẩy mạnh thông tin, tuyên truyền, nâng cao ý thức người dân trong phòng, chống dịch bệnh và nâng cao sức khỏe. Tăng cường truyền thông các chính sách về công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân, các chính sách mới được ban hành.
Tổ chức hiệu quả các hoạt động dịp kỷ niệm Ngày Thầy thuốc Việt Nam 27/2/2024; tôn vinh, biểu dương các tập thể, cá nhân có thành tích tiêu biểu, xuất sắc trong công tác y tế.
Theo Người đưa tin
Nguồn: Báo doanhnghiepthuonghieu