Biến đổi khí hậu đe doạ cuộc chiến loại bỏ các bệnh nhiệt đới bị lãng quên
Biến đổi khí hậu đe doạ cuộc chiến loại bỏ các bệnh nhiệt đới bị lãng quên
Các mô hình khí hậu thay đổi đang tác động đến sự lây lan của NTDs, khiến tiến trình chống lại sự lây truyền của NTDs thậm chí còn khó khăn hơn, đặc biệt là với những bệnh lây truyền qua vectơ.
Các bệnh nhiệt đới bị lãng quên (NTDs) là một nhóm đa dạng gồm hơn 20 bệnh nhiễm trùng mạn tính tác động đến hơn 1,6 tỷ người trên toàn thế giới, gây ra bởi nhiều loại mầm bệnh – virus, vi khuẩn, ký sinh trùng, nấm và độc tố, trong đó có những bệnh phổ biến như: sốt Dengue và sốt Chikungunya, bệnh giun Guinea, bệnh do nhiễm ký sinh trùng leishmaniasis, bệnh phong, dại, ghẻ, đau mắt hột…
Những căn bệnh này được gọi là “bị lãng quên” vì chúng không ảnh hưởng đến các nước phát triển mà chỉ phổ biến nhất ở các cộng đồng nông thôn và có nguồn lực hạn chế, và chúng đã bị loại khỏi chương trình nghị sự y tế toàn cầu trong nhiều năm. Chính vì vậy, NTDs không được quan tâm thỏa đáng và chỉ được nhận nguồn tài trợ quá nhỏ cho việc kiểm soát và loại bỏ chúng so với gánh nặng sức khỏe mà chúng gây ra.
Do vậy, trong Ngày Thế giới phòng chống các bệnh nhiệt đới bị lãng quên năm nay (30/1/2024), Tổ chức Y tế thế giới (WHO) kêu gọi tất cả các nhà lãnh đạo, cộng đồng và các đối tác cùng đoàn kết và hành động để giải quyết và loại bỏ sự bất bình đẳng gây ra các bệnh nhiệt đới bị lãng quên (NTDs).
WHO kêu gọi các khoản đầu tư mạnh mẽ và bền vững để giúp khoảng 1,62 tỷ người thuộc các cộng đồng dễ bị tổn thương nhất trên thế giới thoát khỏi vòng luẩn quẩn của bệnh tật và nghèo đói khi NTDs đang tiếp tục ảnh hưởng không tương xứng đến các thành viên nghèo nhất của cộng đồng toàn cầu, chủ yếu ở những khu vực không đủ an toàn về nguồn nước, vệ sinh và bị hạn chế tiếp cận các dịch vụ chăm sóc sức khỏe.
Trong năm 2023, cuộc chiến toàn cầu chống NTDs đã đạt được những tiến bộ đáng kể, đưa chúng ta đến gần hơn với mục tiêu kiểm soát và loại bỏ những căn bệnh này trên toàn thế giới. Trong một thành tựu mang tính bước ngoặt đối với sức khỏe toàn cầu, hiện đã có 50 quốc gia loại bỏ được ít nhất một NTD, đưa thế giới đi được nửa chặng đường hướng tới mục tiêu đầy tham vọng đặt ra trong lộ trình NTD 2021-2030 của WHO. Cũng trong năm 2023, Bangladesh trở thành quốc gia đầu tiên trên thế giới được công nhận đã loại trừ bệnh leishmania nội tạng nhờ các nỗ lực hợp tác rộng rãi. Một khoảnh khắc quan trọng khác là tại hội nghị khí hậu COP28, hơn 777 triệu USD đã được cam kết tài trợ nhằm đánh bại NTDs – một dấu hiệu rõ ràng cho thấy cam kết của cộng đồng quốc tế đối với mục tiêu này.
Cũng trong tháng 12/2023, WHO chính thức công nhận noma (viêm miệng hoại tử) là NTD, nâng số bệnh và nhóm bệnh có trong danh sách NTDs của WHO lên 21. Đây là cơ hội lớn để tăng cường nỗ lực và các mối liên kết xuyên suốt, cả ở cấp độ toàn cầu và quốc gia.
Tiến sĩ Ibrahima Socé Fall, Giám đốc Chương trình NTDs Toàn cầu của WHO cho rằng các nước cần tăng cường hành động tập thể, giải quyết những bất bình đẳng sâu xa gây ra những căn bệnh này và đầu tư mạnh mẽ, bền vững để đảm bảo một tương lai nơi NTD không còn là mối lo ngại về sức khỏe cộng đồng, từ đó tạo ra một thế giới lành mạnh hơn cho tất cả mọi người.
Tuy nhiên, cuộc chiến toàn cầu chống NTDs vẫn đang phải đối mặt với những thách thức dai dẳng và cả những thách thức mới.
Điều đáng chú ý là mối đe dọa của biến đổi khí hậu đang đè nặng lên những nỗ lực của nhân loại. Các mô hình khí hậu thay đổi đang tác động đến sự lây lan của NTDs, khiến tiến trình chống lại sự lây truyền của NTDs thậm chí còn khó khăn hơn, đặc biệt là với những bệnh lây truyền qua vectơ.
Việc đạt được các mục tiêu của lộ trình đến năm 2030 vẫn còn nhiều thách thức do thiếu kinh phí dai dẳng. Bất chấp tác động của những căn bệnh này, NTDs thường thu hút ít hỗ trợ tài chính hơn so với các ưu tiên sức khỏe khác. Khoảng cách tài trợ này hạn chế nghiêm trọng các nỗ lực điều trị, phòng ngừa và nghiên cứu cần thiết để chẩn đoán, phát triển thuốc, vaccine và can thiệp hiệu quả hơn, đồng thời khiến quá trình phục hồi của các chương trình NTDs sau sự gián đoạn do COVID-19 chậm hơn dự kiến. Hơn nữa, những khó khăn về mặt hậu cần trong việc tiếp cận các khu vực xa xôi hoặc không ổn định, nơi phổ biến nhất là NTD, làm trầm trọng thêm những thách thức này, khiến việc thực hiện các chiến lược chăm sóc sức khỏe và duy trì các nỗ lực loại trừ NTDs trở nên khó khăn hơn.
Trước những thách thức này, WHO và các đối tác kêu gọi nỗ lực thống nhất và đổi mới cho Ngày Thế giới phòng chống NTDs 2024 với chủ đề “Đoàn kết – Hành động – Loại bỏ”. “Chỉ thông qua hành động tập thể, tận dụng chuyên môn và nguồn lực ở cấp quốc gia, khu vực và toàn cầu, chúng ta mới có thể vượt qua những thách thức để đánh bại NTDs một cách hiệu quả và bền vững”, WHO nhấn mạnh.
Trâm Anh
Nguồn: Báo Môi Trường và Đô Thị