Thực trạng và giải pháp về dinh dưỡng của bà mẹ trẻ em vùng Trung du và miền núi Bắc Bộ
Thực trạng và giải pháp về dinh dưỡng của bà mẹ trẻ em vùng Trung du và miền núi Bắc Bộ
Mặc dù tỷ lệ SDD toàn quốc đã giảm, tỷ lệ SDD thể thấp còi ở trẻ em là người dân tộc thiểu số vẫn cao gấp 2 lần so với nhóm trẻ em là người Kinh (31,4% so với 15,0%)
1. Đặt vấn đề
Trong mấy thập niên qua, Việt Nam đã có những bước tiến nhanh trong phát triển kinh tế xã hội, xóa đói giảm nghèo, đã trở thành quốc gia có mức thu nhập trung bình và hiện đang phấn đấu trở thành quốc gia có thu nhập cao vào năm 2035. Song hành với đó là những thành tựu đạt được trong chăm sóc sức khỏe, mà một trong những kết quả đầu ra quan trọng là cải thiện tình trạng dinh dưỡng (TTDD) của người dân, nhằm nâng cao chất lượng nguồn nhân lực phục vụ công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Để có được những thành tựu trên là nhờ sự quan tâm, chỉ đạo của Đảng, Nhà nước và những nỗ lực của ngành Y tế, sự tham gia tích cực của các ban ngành, đoàn thể và toàn xã hội. Việt Nam đã đưa dinh dưỡng là một trong những vấn đề sức khỏe cần được ưu tiên nhằm nâng cao thể trạng nhân dân đặc biệt là cải thiện dinh dưỡng trẻ em và bà mẹ nhằm nâng cao tầm vóc của người Việt Nam.
Từ Hội nghị toàn cầu về dinh dưỡng lần đầu tiên được tổ chức tại Rome năm 1992, Việt Nam đã ban hành các văn bản, chính sách dinh dưỡng như Kế hoạch hành động quốc gia về dinh dưỡng 1995–2000 và Chiến lược quốc gia về dinh dưỡng (CLQGDD) 2 giai đoạn (2001–2010, 2011–2020) và Chiến lược quốc gia về dinh dưỡng gia đoạn hiện nay 2021-2030. Việt Nam đã khởi động chương trình “Không còn nạn đói” từ năm 2015 và là thành viên của cộng đồng văn hóa–xã hội khu vực ASEAN, tham gia Tuyên bố chung của Lãnh đạo các nước ASEAN về chấm dứt các thể suy dinh dưỡng (SDD) năm 2017.
Tuy nhiên, Việt Nam cũng như nhiều quốc gia trên thế giới và khu vực đang đương đầu đồng thời với 3 gánh nặng về SDD đó là thiếu dinh dưỡng (SDD thấp còi, SDD gày còm), thừa cân/béo phì (TCBP) và thiếu vi chất dinh dưỡng (VCDD). Kết quả các cuộc Tổng điều tra dinh dưỡng toàn quốc 2000, 2010 và 2020 cho thấy tình hình dinh dưỡng của trẻ em và bà mẹ nhìn chung đã được cải thiện, tuy nhiên có sự chênh lệch khá lớn về tỷ lệ SDD giữa các vùng miền: tỷ lệ SDD thấp còi còn rất cao ở những tỉnh miền núi nghèo, khó khăn; tỷ lệ TCBP ở trẻ em tuổi học đường tăng nhanh ở các thành phố lớn; Tỷ lệ thiếu VCDD của trẻ em và bà mẹ còn cao, đặc biệt là dân tộc thiểu số (DTTS) ở vùng núi và Tây nguyên. Do vậy, cần có các giải pháp phù hợp và đặc thù để cải thiện TTDD cho bà mẹ trẻ em và nâng cao thể trạng nhân dân ở những vùng Trung du miền núi và các dân tộc ít người.
2. Thực trạng dinh dưỡng trẻ em, phụ nữ có thai và phụ nữ tuôi sinh đẻ trên thế giới và Việt Nam
2.1. Tình trạng dinh dưỡng bà mẹ trẻ em
2.1.1.Tình hình dinh dưỡng toàn cầu và một số nước trong khu vực và trên thế giới.
Theo số liệu của WHO năm 2022, có khoảng 159 triệu trẻ em dưới 5 tuổi trên toàn cầu bị SDD thể thấp còi, 50 triệu trẻ em bị SDD cấp tính (thể gầy còm) và 41 triệu trẻ em bị TCBP. Đối với phụ nữ tuổi sinh đẻ: khoảng 528 triệu người bị thiếu máu và 462 triệu người bị gầy/thiếu cân (thiếu năng lượng trường diễn); trong khi đó số người trưởng thành bị TCBP rất cao (1,9 tỷ) người và hơn 600 triệu người bị béo phì.
Số liệu trong Hình 1 cho thấy tỷ lệ SDD thể thấp còi ở các nước Lào, Indonesia và Philippine khá cao (>30%), trong khi đó tỷ lệ SDD thấp còi ở Nhật Bản và Trung Quốc thấp dưới 10%, kết quả của TĐT DD toàn quốc 2020 cho thấy khoảng 20% trẻ em <5 tuổi ở Việt Nam bị SDD thể thấp còi.
Số liệu trong Hình 2 cho thấy chiều cao trung bình (TB) của một số nước châu Á và khu vực Đông Nam Á: Chiều cao TB của thanh niên Việt Nam cả nam và nữ đều thấp hơn các nước Ấn Độ, Hà Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc và Singapore, Thái Lan…; Tuy nhiên, chiều cao TB của thanh niên Việt Nam (2020) cao hơn so với Indonesia và Philipine.
Tỷ lệ SDD cấp tính (khi cân nặng so với chiều cao của trẻ < 5 tuổi thấp hơn so với chuẩn của WHO 2007 trong Bảng 1 cho thấy tỷ lệ SDD gầy còm ở một số nước rất cao trên 9% như Cambodia, Lào, Solomon Islands…, trong khi đó tỷ lệ này rất thấp ở một số nước như Bruney, Samoa, Vanuatu… (tỷ lệ này ở Việt Nam là 5,8%).
2.1.2.Tình hình dinh dưỡng trẻ em, phụ nữ có thai và phụ nữ tuổi sinh đẻ ở Việt Nam.
Tình trạng SDD thể thấp còi của trẻ dưới 5 tuổi (chiều cao/tuổi thấp) ở Việt Nam đã giảm khá nhanh từ năm 2010 đến năm 2020 (Hình 3): tỷ lệ SDD thấp còi toàn quốc giảm từ 29,3% xuống 19,6%, chuyển từ mức cao sang mức trung bình theo phân loại của Tổ chức Y tế thế giới về vấn đề sức khỏe cộng đồng. Tuy nhiên, tốc độ giảm SDD thể thấp còi ở trẻ em dưới 5 tuổi đã giảm xuống mức dưới 1%/năm.
Tỷ lệ SDD thể nhẹ cân (CN/T) năm 1990 rất cao (41,1%) và có xu hướng giảm tương đối nhanh- đến năm 2000 tỷ lệ này là 33,8% (Hình 4). Đến 2008, tỷ lệ SDD thể nhẹ cân đã giảm xuống dưới 20% – đạt Mục tiêu (MDGs), và đến 2020 tỷ lệ SDD thể nhẹ cân rất thấp 11,5%.
Tình trạng thiếu Vitamin A, thiếu máu thiếu sắt và thiếu kẽm ở trẻ dưới 5 tuổi (Hình 5) vẫn là các vấn đề có ý nghĩa sức khỏe cộng đồng đặc biệt là trẻ em Miền núi; Tỷ lệ trẻ em dưới 5 tuổi vùng nông thôn và miền núi (2015) có tỷ lệ thiếu máu và thiếu kẽm rất cao. Theo kết quả điều tra của Viện Dinh dưỡng Quốc gia đến năm 2020, tỷ lệ thiếu máu ở trẻ em dưới 5 tuổi tại Việt Nam là 19,6%; Tỷ lệ thiếu máu ở phụ nữ có thai (PNCT) và PNTSĐ tương ứng 25,6% và 16,2% (Bảng 2). Tỷ lệ thiếu Vitamin A tiền lâm sàng ở trẻ em dưới 5 tuổi là 9,5%. Tỷ lệ vitamin A trong sữa mẹ thấp là 18,3%. Tỷ lệ thiếu kẽm đặc biệt rất cao ở trẻ dưới 5 tuổi là 58% năm 2020; phụ nữ có thai là 63,5%, xếp ở mức nặng về ý nghĩa sức khỏe cộng đồng. Tất cả các tỷ lệ này đều chưa đạt được mục tiêu đặt ra về cải thiện tình trạng VCDD bà mẹ và trẻ em của CLQGDD giai đoạn 2011 – 2020.
So sánh kết quả TĐT DD toàn quốc năm 2000, 2010 và 2020 (Bảng 2) cho thấy tình trạng thiếu máu của cả 3 đối tượng (trẻ em <5 tuổi, PNTSĐ và PNCT) năm 2020 đều giảm đáng kể so với năm 2000, tuy nhiên tỷ lệ thiếu máu của PNCT vẫn còn cao (25,6%).
Tỷ lệ thừa cân/béo phì (liên quan chặt chẽ đến chế độ ăn uống và lối sống) đang gia tăng nhanh chóng ở mọi lứa tuổi cả ở thành thị và nông thôn. Thừa cân/béo phì ở trẻ dưới 5 tuổi là 7,4% (9,8% ở thành thị; 5,3% ở nông thôn) và rất cao ở mức 19% với trẻ em lứa tuổi học đường (năm 2020), so với tỷ lệ tương ứng năm 2010 là 5,6% và 8,5%. Kèm theo đó là hệ lụy gia tăng các rối loạn chuyển hóa dinh dưỡng và mắc các bệnh không lây nhiễm ở người trưởng thành. Tỷ lệ người trưởng thành TCBP là 15,6% theo điều tra STEPS (Điều tra quốc gia yếu tố nguy cơ bệnh không lây nhiễm) năm 2015. Cũng theo điều tra này, tỷ lệ người trưởng thành có tăng huyết áp là 18,9%, tỷ lệ người trưởng thành mắc đái tháo đường (ĐTĐ) là 4,1%, tỷ lệ người trưởng thành có rối loạn mỡ máu khá cao là 30,2%.
Kết quả của TĐT DD toàn quốc năm 2010 và 2020 (Hình 6) cho thấy: Tỷ lệ SDD lứa tuổi học đường (cả thể nhẹ cân và thể thấp còi) đều giảm (SDD thể nhẹ cân giảm từ 24,2% xuống 12,2%; SDD thể thấp còi giảm từ 23,4% xuống 14,8%); Tuy nhiên, tỷ lệ TCBP của trẻ tuổi học đường tăng gấp hơn 2 lần (từ 8,5% lên 19%).
Liên quan đến khẩu phần ăn thực tế của người dân: Mức ăn rau quả TB của (Hình 7) đã tăng bình quân đầu người từ 190,4 gam rau/người/ngày; 60,9 gam quả chính/người/ngày (năm 2010) lên mức 231 gam rau/người/ngày; 140,7 gam quả chín/người/ngày (năm 2020); tuy nhiên, mức tiêu thụ rau quả ở người trưởng thành mới chỉ đạt khoảng 66,4 – 77,4% so với nhu cầu khuyến nghị. Trong khi đó, mức tiêu thụ thịt tăng nhanh từ 84,0 gam/người/ngày (năm 2010) lên 136,4 gam/người/ngày (năm 2020); khu vực thành phố tiêu thụ thịt cao hơn ở mức 155,3 gam/người/ngày. Mức tiêu thụ gạo có xu hướng giảm. Học sinh ở các thành phố có xu hướng tăng tiêu thụ các loại nước ngọt và thức ăn nhanh.
Nhìn chung, khẩu phần của người dân đã có những cải thiện tích cực về năng lượng trung bình trong khẩu phần đạt 2023 kcal/ngày, tăng nhẹ so với mức năng lượng 1925 kcal/ngày năm 2010 (Hình 8). Cơ cấu năng lượng từ Protein, Lipid và Glucid là 15,8%: 20,2%: 64,0% (so với tổng số năng lượng ăn vào), cơ cấu này được coi là cân đối theo khuyến nghị cho người Việt Nam.
Một trong những quan tâm hàng đầu trong Chiến lược giai đoạn mới (2021-2030) là sự khác biệt lớn về tình hình dinh dưỡng giữa các vùng, miền, nhất là giữa thành thị, vùng đồng bằng với miền núi và vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Theo các số liệu từ hệ thống giám sát dinh dưỡng năm 2019 của viện Dinh dưỡng, vùng DTTS và miền núi vẫn có tỷ lệ SDD cao nhất so với trung bình cả nước. Kết quả TĐTDD năm 2020 cho thấy tỷ lệ SDD thấp còi ở vùng miền núi là 38% vẫn còn ở mức rất cao có ý nghĩa sức khỏe cộng đồng. Trên toàn quốc vẫn còn 7 tỉnh có tỷ lệ SDD thấp còi trên 30% thuộc mức rất cao về ý nghĩa sức khỏe cộng đồng theo phân loại của WHO.
Theo kết quả điều tra của Viện Dinh dưỡng, các dân tộc thiểu số ở Việt Nam thường xuyên đối mặt với tình trạng thiếu dinh dưỡng. Mặc dù tỷ lệ SDD toàn quốc đã giảm, tỷ lệ SDD thể thấp còi ở trẻ em là người dân tộc thiểu số vẫn cao gấp 2 lần so với nhóm trẻ em là người Kinh (31,4% so với 15,0%), đồng thời tỷ lệ trẻ em là người dân tộc thiểu số SDD nhẹ cân cũng cao hơn gấp 2,5 lần so với trẻ em là người Kinh (21% so với 8,5%). Hơn nữa có tới 60% số trẻ em bị SDD thể thấp còi ở 10 tỉnh thành có tỷ lệ SDD thể thấp còi cao nhất cả nước là người dân tộc thiểu số.
2.2. Nguyên nhân của suy dinh dưỡng bà mẹ trẻ em
Nguyên nhân trực tiếp của SDD là do chế độ dinh dưỡng không đầy đủ (Năng lượng và các chất dinh dưỡng của khẩu phần không đáp ứng nhu cầu dinh dưỡng của cơ thể) và bệnh tật (đối với trẻ em thì tiêu chảy và viêm đường hô hấp… là những nguyên nhân gây SDD): tỷ lệ trẻ 6-23 tháng tuổi là người DTTS có chế độ ăn đúng, đủ rất thấp (39%) so với 69% trẻ em là người Kinh/Hoa; trẻ em DTTS bị tiêu chảy cao hơn gấp 3 lần so với các nhóm khác (Điều tra MICS – Điều tra đánh giá các mục tiêu về trẻ em và phụ nữ năm 2014).
Nguyên nhân gián tiếp: Thiếu kiến thức và thực hành dinh dưỡng không hợp lý cũng là nguyên nhân ảnh hưởng đến nuôi dưỡng trẻ; ngoài ra hạn chế trong việc tiếp cận với các dịch vụ y tế (chăm sóc sức khỏe sinh sản, dinh dưỡng và tiêm chủng); việc cung cấp nước sạch và cải thiện điều kiện vệ sinh môi trường trong cộng đồng các dân tộc thiểu số còn chậm. Tảo hôn sớm và kết hôn cận huyết ở các khu vực miền núi phía Bắc và Tây nguyên cao gấp đôi so với tỷ lệ chung của quốc gia (tỷ lệ tảo hôn ở 2 khu vực này là 21,1% và 18,1%).
Nguyên nhân cơ bản và quan trọng là nghèo đói dẫn đến tỷ lệ SDD cao ở nhóm dân cư này. Mặc dù chỉ chiếm 14% tổng dân số Việt Nam nhưng cộng đồng DTTS lại chiếm đến 73% số hộ nghèo tính đến năm 2016. Bên cạnh đó, do đặc điểm địa lý, cộng đồng này còn chịu tác động nhiều hơn của biến đổi khí hậu, càng làm gia tăng gánh nặng của suy dinh dưỡng.
3. Chiến lược quốc gia về Dinh dưỡng và một số giải pháp cải thiện TTDD trẻ em, phụ nữ tuổi sinh đẻ, đặc biệt những vùng nghèo có tỷ lệ SDD cao như vùng Trung du và miền núi Bắc bộ.
3.1. Chiến lược quốc gia về Dinh dưỡng các giai đoạn 2001-2010, 2011-2020 và 2021-2030.
Kế hoạch hành động quốc gia về dinh dưỡng 1995 – 2000 đã được Chính phủ phê duyệt sau Hội nghị toàn cầu về dinh dưỡng lần đầu tiên được tổ chức tại Rome năm 1992; Tiếp theo Việt Nam đã ban hành các chính sách dinh dưỡng và CLQGDD 2 giai đoạn (2001 – 2010, 2011 – 2020) và CLQGDD giai đoạn hiện nay 2021-2030.
+ Mục tiêu chung của CLQGDD giai đoạn 2001 – 2010:Đảm bảo đến 2010, tình trạng dinh dưỡng của nhân dân được cải thiện rõ rệt, các gia đình trước hết là trẻ em và bà mẹ được nuôi dưỡng và chăm sóc hợp lý, bữa ăn của người dân ở tất cả các vùng đủ hơn về số lượng, cải thiện hơn về chất lượng, đảm bảo an toàn vệ sinh. Hạn chế các vấn đề sức khoẻ mới nảy sinh có liên quan tới dinh dưỡng.
+ Mục tiêu chung của CLQGDD giai đoạn 2011 – 2020:Đến năm 2020, bữa ăn của người dân được cải thiện về số lượng, cân đối hơn về chất lượng, đảm bảo an toàn vệ sinh, SDD trẻ em, đặc biệt là SDD thể thấp còi được giảm mạnh, góp phần nâng cao tầm vóc và thể lực của người Việt Nam, kiểm soát có hiệu quả tình trạng TCBP góp phần hạn chế các bệnh mạn tính không lây liên quan đến dinh dưỡng.
+ Mục tiêu chung của CLQGDD giai đoạn 2021 – 2030:Thực hiện dinh dưỡng hợp lý để cải thiện TTDD phù hợp với từng đối tượng, vùng, miền, dân tộc góp phần giảm thiểu gánh nặng bệnh tật, nâng cao tầm vóc, thể lực và trí tuệ người Việt Nam.
Những thuận lợi, khó khăn và bài học kinh nghiệm trong việc thực hiện CLQGDD giai đoạn 2011-2020
Các chính sách và chương trình dinh dưỡng ở Việt Nam đã chuyển từ tập trung vào giải quyết thiếu ăn, SDD thể nhẹ cân trước đây sang nâng cao chất lượng của khẩu phần ăn, giảm tình trạng TCBP và SDD thể thấp còi.
Các yếu tố được xác định là khó khăn, tồn tại trong việc thực hiện CLQGDD cần được quan tâm nhiều hơn nữa trong Chiến lược giai đoạn tới đó là:
Lãnh đạo nhiều địa phương chưa nhận thức đầy đủ về tầm quan trọng của vấn đề dinh dưỡng đối với sức khỏe và phát triển kinh tế – xã hội (KT-XH), đặc biệt là dinh dưỡng bà mẹ và trẻ nhỏ.
Công tác phối hợp liên ngành trong triển khai các hoạt động chăm sóc sức khoẻ, dinh dưỡng chưa tốt; Dinh dưỡng được coi là nhiệm vụ của ngành y tế.
Mạng lưới dinh dưỡng các tuyến còn nhiều hạn chế: thiếu nhân lực, thiếu kiến thức, kỹ năng và phương tiện cần thiết để tuyên truyền, hướng dẫn về dinh dưỡng hợp lý đặc biệt là các vùng miền núi và DTTS.
Nhiều can thiệp dinh dưỡng quan trọng quyết định đến phát triển tầm vóc và thể lực của trẻ mới triển khai ở diện hẹp chưa tiếp cận đến cộng đồng miền núi, DTTS.
Công tác truyền thông dinh dưỡng và sức khoẻ còn chưa đạt hiệu quả cao ở khu vực khó khăn, DTTS do hạn chế về cách tiếp cận, khác biệt về ngôn ngữ, trình độ văn hóa, phong tục tập quán…
Nguồn lực tài chính cho công tác dinh dưỡng nói chung và nhất là ở khu vực miền núi, vùng đồng bào DTTS còn thấp chưa đáp ứng được yêu cầu. Hỗ trợ kinh phí của quốc tế cho các hoạt động về dinh dưỡng của Việt Nam đã và đang bị cắt giảm dần…
3.2. Một số giải pháp cải thiện TTDD trẻ em, phụ nữ TSĐ và nhân dân nói chung, đặc biệt những vùng nghèo có tỷ lệ SDD cao như vùng Trung du và miền núi Bắc bộ.
Tỷ lệ SDD trẻ em ở Việt Nam đã giảm tương đối bền vững trong giai đoạn vừa qua nhưng chưa đạt được một số chỉ tiêu của CLQGDD giai đoạn 2011-2020 đặc biệt là vùng miền núi và DTTS, do vậy song song với việc triển khai hiệu quả một số chương trình/dự án chung của Kế hoạch hành động dinh dưỡng trên toàn quốc, cần tập trung vào một số lĩnh vực ưu tiên đối với dinh dưỡng bà mẹ trẻ em vùng miền núi nghèo và DTTS:
- Triển khai các hoạt động chăm sóc dinh dưỡng cho trẻ nhỏ, PNTSĐ và PNCT trên toàn quốc như chăm sóc sức khoẻ sinh sản, nuôi con bằng sữa mẹ, ăn bổ sung hợp lý; Bổ sung vitamin A liều cao cho trẻ 6-36 tháng tuổi…
- Đẩy mạnh các can thiệp dinh dưỡng cho nhóm trẻ em tuổi học đường, người lao động trong những ngành nghề đặc thù và người cao tuổi đang phải đối mặt với tình trạng thừa cân và béo phì ngày càng gia tăng cũng như tình trạng thiếu dinh dưỡng, thiếu vi chất dinh dưỡng và gánh nặng bệnh tật.
- Triển khai đồng bộ các giải pháp nhằm kiểm soát tình trạng TCBP và các yếu tố nguy cơ của các bệnh không lây nhiễm liên quan đến dinh dưỡng đang gia tăng nhanh chóng ở trẻ em, thanh thiếu niên và người trưởng thành. Chú trọng giải pháp điều chỉnh hệ thống thực phẩm để đảm bảo mọi người dân có chế độ ăn hợp lý và lành mạnh.
- Tăng cường thực thi, hoàn thiện hệ thống pháp luật về thực phẩm và dinh dưỡng. Ban hành qui định về thông tin dinh dưỡng, nhãn mác, quảng cáo tiếp thị và chính sách tài chính để hạn chế thực phẩm không có lợi cho sức khỏe, khuyến khích thực phẩm có lợi cho sức khỏe.
- Tăng cường truyền thông về dinh dưỡng hợp lý bằng các cách tiếp cận hiệu quả, ứng dụng công nghệ thông tin. Đổi mới phương thức truyền thông phù hợp cho đồng bào DTTS.
- Xác định, huy động, phân bổ kinh phí từ trung ương và địa phương cho việc triển khai hiệu quả kế hoạch hành động dinh dưỡng, ưu tiên đầu tư các vùng khó khăn, vùng nghèo, vùng đồng bào dân tộc thiểu số.
- Hoàn thiện hệ thống giám sát, theo dõi, đánh giá dinh dưỡng để thu thập đầy đủ các thông tin, nhất là các dữ liệu còn thiếu liên quan đến độ bao phủ của các chương trình, tình trạng dinh dưỡng của các nhóm đối tượng.
- Bảo đảm có kế hoạch ứng phó về dinh dưỡng khẩn cấp trong Kế hoạch ứng phó với thiên tai, thảm họa, dịch bệnh cấp quốc gia và cấp tỉnh, thành phố đặc biệt là tại các tỉnh có nguy cơ.
- Tăng cường cam kết chính trị để chuyển công tác dinh dưỡng từ chỗ chỉ được coi là vấn đề y tế sang cam kết và tham gia liên ngành.
- Phát triển toàn diện nguồn nhân lực để triển khai thực hiện các lĩnh vực ưu tiên nêu trên.
Xây dựng và triển khai một số chương trình/ dự án tổng thể, dài hạn về chăm sóc sức khoẻ và dinh dưỡng cho bà mẹ trẻ em và người dân vùng Trung du và miền núi Bắc bộ:
Chương trình/dự án phát triển kinh tế hộ gia đình, giảm đói nghèo đảm bảo an ninh thực phẩn hộ gia đình đặc biệt những gia đình phụ nữ TSĐ ở những vùng nghèo có tỷ lệ SDD trẻ em và bà mẹ cao.
Tăng cường các hoạt động truyền thông giáo dục dinh dưỡng, tập huấn nâng cao kiến thức và thực hành dinh dưỡng hợp lý cho PNTSĐ, PNCT ở các tỉnh có tỷ lệ SDD thể thấp còi cao trẻ em và thiếu năng lượng trường diễn ở PNTSĐ cao. Cần có giải pháp tuyên truyền cho người dân để tránh vấn đề tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống…
Dự án phòng chống thiếu VCDD (thiếu máu, thiếu vitamin A, thiếu kẽm…) đặc hiệu cho trẻ em và PNTSĐ, đặc biệt là DTTS vùng Trung du và miền núi Bắc bộ…
Xây dựng mạng lưới cán bộ y tế, dinh dưỡng vững mạnh để triển khai các hoạt động chăm sóc sức khoẻ cộng đồng…
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. World Health Organization (2011). Noncommunicable diseases country profiles 2011. World Health Organization.
2. Https://.www.who.int.nmh/publications/ncd/profile 2011.
Bộ Y tế/Viện Dinh Dưỡng (2003). Tổng điều tra dinh dưỡng năm 2000. Nhà xuất bản Y học, Hà Nội, 2003.
3. Bộ Y tế/Viện Dinh Dưỡng (2010). Tổng điều tra dinh dưỡng quốc gia 2009-2010. Nhà xuất bản Y học, Hà Nội, 2010.
4. Bộ Y tế/Viện Dinh Dưỡng (2021). Tổng điều tra dinh dưỡng quốc gia 2019-2020. Nhà xuất bản Y học, Hà Nội, 2021.
5. Viện Dinh dưỡng (2012). Chiến lược quốc gia về Dinh dưỡng giai đoạn 2010-2020 và tầm nhìn 2030. Nhà xuất bản Y học.
6. Viện Dinh dưỡng (2018). Kế hoạch hành động quốc gia về dinh dưỡng đến 2020.
7. Viện Dinh dưỡng (2021). Chiến lược quốc gia về Dinh dưỡng giai đoạn 2021-2030 và tầm nhìn 2045. Nhà xuất bản Y học.
GS.TS.BS. Lê Thị Hợp
Chủ tịch Hội Nữ trí thức Việt Nam, nguyên Viện trưởng Viện Dinh dưỡng Quốc gia.
Nguồn: Báo Môi Trường và Đô Thị