Vaccine Rota sắp được đưa vào chương trình tiêm chủng mở rộng
Vaccine Rota sắp được đưa vào chương trình tiêm chủng mở rộng
Theo dự kiến, vaccine Rota sẽ được phân bổ sử dụng tại 33 tỉnh, thành phố theo chương trình tiêm chủng mở rộng vào quý II/2024.
Thông tin được PGS.TS.BS Dương Thị Hồng, Phó viện trưởng Viện Dịch tễ Trung ương chia sẻ trong Hội thảo cung cấp thông tin cho các cơ quan báo chí về chính sách công tác bảo vệ chăm sóc mảng sức khỏe nhân dân năm 2023 do Bộ Y tế tổ chức tại TPHCM.
Theo Phó viện trưởng Viện Dịch tễ Trung ương, ngày 15/8/2022, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 104/NQ-CP về lộ trình tăng số lượng vaccine trong chương trình tiêm chủng mở rộng giai đoạn 2021 – 2030. Theo dự kiến, ngành y tế triển khai vaccine phế cầu trong năm 2025; vaccine HPV trong năm 2026 và vaccine cúm mùa trong năm 2030.
Đặc biệt, ngành y tế đang triển khai sử dụng vaccine Rota (vaccine phòng bệnh tiêu chảy do virus Rota) tại 33 tỉnh, thành phố trong chương trình tiêm chủng mở rộng. Dự kiến, chương trình sẽ được triển khai từ quý II/2024.
PGS.TS.BS Dương Thị Hồng cũng cho hay, giữa tháng 12/2023, chương trình tiêm chủng mở rộng đã tiếp nhận gần 500.000 liều vaccine DPT-VGB-Hib (vaccine 5 tromg 1) để triển khai trong tiêm chủng vào các tháng đầu năm 2024.
“Đối tượng ưu tiên tiêm sẽ được sắp xếp theo đúng nguyên tắc về miễn dịch học, dịch tễ học. Theo đó, trẻ nhỏ có sức đề kháng yếu, dễ mắc các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm nên đối tượng này sẽ được ưu tiên tiêm. Các trẻ từ 2 tháng tuổi trở lên sẽ được tiêm vaccine sớm. Đồng thời, các trẻ trên 12 tháng tuổi ở những vùng khó khăn chưa có cơ hội tiêm hoặc bị trì hoãn cũng sẽ được ưu tiên tiêm chủng trong thời gian tới đây”, PGS.TS.BS Dương Thị Hồng cho hay.
Sau khi tiêm hết các đối tượng ưu tiên sẽ tiến hành tiêm trả mũi 2,3 cho những trẻ chưa được tiêm đủ 3 mũi vaccine DPT-VGB-Hib để đảm bảo cho tất cả trẻ sinh ra trong năm 2023 có thể phòng được 5 bệnh truyền nhiễm nguy hiểm.
Bà Hồng khẳng định: “Khi có nguồn vaccine, vaccine sẽ được cung ứng cho 63 tỉnh thành trên cả nước để tiến hành tiêm bù, tiêm trả các mũi vaccine DPT-VGB-Hib cho trẻ”.
Cũng theo bà Hồng, năm 2023, việc cung cấp vaccine, nguồn cung vaccine gặp rất nhiều khó khăn và vướng mắc. Tuy nhiên, Quốc hội và Chính phủ đã bố trí ngân sách trung ương để thực hiện chương trình tiêm chủng và đảm bảo việc cung ứng vaccine trên quy mô toàn quốc bên cạnh sự hỗ trợ của nhà nước.
Hiện nay trong chương trình tiêm chủng mở rộng vẫn có đầy đủ 2 loại vaccine uốn ván và vaccine bại liệt, cho tới nay 1 số xã, huyện vẫn còn vaccine sản xuất trong nước.
Mục tiêu 5 tháng đầu năm 2024 là đạt tỷ lệ bao phủ vaccine trên 90% cho tất cả các bé là đối tượng của chương trình tiêm chủng mở rộng năm 2023 và nỗ lực đạt 95% đối với một số kháng nguyên như sởi, rubella, viêm não Nhật Bản và DPT-VGB-Hib…
Trước đó, Bộ Y tế và Bộ Giáo dục & Đào tạo đã ký kế hoạch triển khai rà soát tiền sử tiêm chủng cho các trẻ đi học tại các trường mầm non, tiểu học để tiến hành tiêm chủng bù cho trẻ. Trường hợp trẻ chưa tiêm đủ vaccine trong chương trình sẽ được tiêm bù để chắc chắn các bé được tiêm đầy đủ các vaccine trong chương trình tiêm chủng mở rộng phòng các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm.
Bộ Y tế và Bộ Giáo dục & Đào tạo đã cùng nhau đề ra mục tiêu 100% trẻ đều được rà soát tiền sử tiêm chủng khi vào học. Ít nhất 90% trẻ được xác định chưa tiêm chủng được tiêm các mũi vaccine sởi, rubella, bại liệt… để các bé chủ động phòng bệnh.
Trong năm 2023 chương trình rà soát tiền sử tiêm chủng này đã được triển khai thành công tại 12 tỉnh. Tại khu vực miền Nam đã triển khai ở ba tỉnh Lâm Đồng, Kiên Giang và Cần Thơ và mang lại kết quả rất thành công. Dự kiến, năm 2024 sẽ có 30% tỉnh trên toàn quốc thực hiện chương trình rà soát này. Tới năm 2025, chương trình rà soát tiền sử tiêm chủng sẽ được áp dụng trên toàn quốc.
Cũng tại buổi hội thảo, Phó viện trưởng Viện Dịch tễ trung ương đã đưa ra khuyến cáo về nguy cơ bùng phát dịch sởi. Theo đó, ngoài chương trình tiêm chủng thường xuyên thì Việt Nam đã tổ chức rất nhiều chương trình tiêm chủng bổ sung nhằm tăng độ bao phủ vaccine, giảm tỷ lệ ca mắc.
“Tình hình hiện tại rất quan ngại vì sởi là loại virus có đối tượng đích là con người và theo chu kỳ của Việt Nam, 4-5 năm sẽ bùng phát một lần. Năm 2023 nguy cơ rất cao vì các năm trước bị ảnh hưởng của dịch COVID-19 khiến tỷ lệ tiêm giảm song tới nay chưa ghi nhận tình trạng gia tăng ca mắc sởi. Tuy nhiên, người dân tuyệt đối không được chủ quan và phải tiếp tục duy trì tiêm chủng đầy đủ”, PGS.TS.BS Dương Thị Hồng khuyến cáo.
Nguồn: Báo Môi Trường và Đô Thị