Thành lập thị xã Việt Yên ở Bắc Giang và thị trấn Hậu Hiền ở Thanh Hóa
Không thay đổi về diện tích tự nhiên, quy mô dân số
Trình bày Tờ trình tại phiên họp, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà cho biết, tỉnh Bắc Giang có 3.895,9 km2 diện tích tự nhiên và quy mô dân số 2.004.332 người; có 10 đơn vị hành chính (ĐVHC) cấp huyện; 209 ĐVHC cấp xã. Huyện Việt Yên có 171,01 km2 diện tích tự nhiên, quy mô dân số 229.162 người; có 17 ĐVHC cấp xã trực thuộc (gồm 2 thị trấn và 15 xã).
Tỉnh đề nghị thành lập thị xã Việt Yên trên cơ sở nguyên trạng diện tích tự nhiên và quy mô dân số của huyện Việt Yên; đồng thời thành lập 9 phường trên cơ sở nguyên trạng diện tích tự nhiên và quy mô dân số của 2 thị trấn (Bích Động, Nếnh) và 7 xã (Tăng Tiến, Hồng Thái, Quảng Minh, Ninh Sơn, Vân Trung, Quang Châu, Tự Lạn) thuộc huyện Việt Yên.
Sau khi thành lập thị xã Việt Yên và các phường thuộc thị xã Việt Yên, tỉnh Bắc Giang không thay đổi về diện tích tự nhiên, quy mô dân số và số lượng ĐVHC cấp huyện, cấp xã trực thuộc. Thị xã Việt Yên không thay đổi về diện tích tự nhiên, quy mô dân số, có 17 ĐVHC cấp xã trực thuộc (gồm 9 phường và 8 xã); 9 phường thuộc thị xã sau khi thành lập không thay đổi về diện tích tự nhiên và quy mô dân số.
Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà trình bày Tờ trình của Chính phủ. Ảnh: Quốc hội |
Theo Bộ trưởng Bộ Nội vụ, huyện Việt Yên nằm ở cửa ngõ phía Tây Nam của tỉnh Bắc Giang, có các tuyến giao thông huyết mạch đi qua, thuận lợi trong việc giao lưu phát triển kinh tế – xã hội. Từ vị trí, tiềm năng, lợi thế, sự phát triển kinh tế – xã hội và đô thị hóa của huyện Việt Yên thì việc thành lập thị xã Việt Yên trên cơ sở toàn bộ diện tích tự nhiên và quy mô dân số của huyện Việt Yên, thành lập 9 phường thuộc thị xã Việt Yên trên cơ sở 2 thị trấn và 7 xã thuộc huyện Việt Yên là cần thiết…
Đáp ứng yêu cầu về mở rộng không gian phát triển đô thị
Về việc nhập xã Thiệu Phú vào thị trấn Thiệu Hoá và thành lập thị trấn Hậu Hiền thuộc huyện Thiệu Hoá, tỉnh Thanh Hoá, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà cho biết, tỉnh Thanh Hóa đề nghị nhập toàn bộ 6,53 km2 diện tích tự nhiên và quy mô dân số là 9.175 người của xã Thiệu Phú vào thị trấn Thiệu Hóa; thành lập thị trấn Hậu Hiền trên cơ sở nguyên trạng 10,41 km2 diện tích tự nhiên và quy mô dân số là 12.061 người của xã Minh Tâm (đổi tên Minh Tâm thành Hậu Hiền).
Kết quả sau khi nhập xã Thiệu Phú vào thị trấn Thiệu Hóa và thành lập thị trấn Hậu Hiền: Tỉnh Thanh Hoá không thay đổi về diện tích tự nhiên, quy mô dân số, có 558 ĐVHC cấp xã (giảm 01 ĐVHC cấp xã); huyện Thiệu Hóa không thay đổi về diện tích tự nhiên, quy mô dân số, có 24 ĐVHC cấp xã trực thuộc, gồm 22 xã và 2 thị trấn, giảm 1 ĐVHC cấp xã (giảm 2 xã, tăng 1 thị trấn); thị trấn Thiệu Hóa mới có 17,21 km2 diện tích tự nhiên và quy mô dân số là 28.352 người; thị trấn Hậu Hiền sau khi thành lập và đổi tên không thay đổi về diện tích tự nhiên và quy mô dân số….
Các đại biểu dự phiên họp. Ảnh: Quốc hội |
Thị trấn Thiệu Hóa là trung tâm huyện lỵ của huyện Thiệu Hóa; nằm giữa 4 vùng kinh tế động lực của tỉnh đã được Ủy ban nhân dân (UBND) tỉnh phê duyệt điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng thị trấn Thiệu Hóa (gồm thị trấn Thiệu Hóa và xã Thiệu Phú). Thị trấn Thiệu Hóa và khu vực dự kiến mở rộng (xã Thiệu Phú) đã được UBND tỉnh Thanh Hóa đánh giá đạt tiêu chuẩn đô thị loại V.
Từ vị trí, tiềm năng, lợi thế nêu trên, việc nhập xã Thiệu Phú vào thị trấn Thiệu Hóa và thành lập thị trấn Hậu Hiền là cần thiết, đáp ứng yêu cầu về mở rộng không gian phát triển đô thị và yêu cầu quản lý kinh tế, quản lý xây dựng, kiến trúc, quản lý dân cư, bảo đảm an ninh, trật tự trên địa bàn thị trấn Thiệu Hóa, xã Thiệu Phú, xã Minh Tâm nói riêng và huyện Thiệu Hóa nói chung.
Trình bày Báo cáo thẩm tra, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng nêu rõ, Ủy ban tán thành với sự cần thiết thành lập thị xã Việt Yên và các phường thuộc thị xã Việt Yên, tỉnh Bắc Giang; sự cần thiết nhập xã Thiệu Phú vào thị trấn Thiệu Hóa và thành lập thị trấn Hậu Hiền thuộc huyện Thiệu Hóa, tỉnh Thanh Hóa với các lý do như đã thể hiện tại Tờ trình và Đề án của Chính phủ.
Điều hành nội dung thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định cho biết, hồ sơ các nội dung này đã được chuẩn bị đầy đủ, sau khi thẩm tra, Chính phủ và các địa phương đã có báo cáo giải trình. Đây là hai đề án đầu tiên thực hiện theo Nghị quyết 28, được thực hiện theo quy trình điều chỉnh địa giới hành chính thông thường, Chính phủ và cơ quan thẩm tra có xem xét để đảm bảo từng việc sắp xếp đơn lẻ đều phù hợp với tổng thể trong giai đoạn tới.
Phát biểu tại Phiên họp, Chủ tịch Quốc hội băn khoăn trong Tờ trình chưa đề cập đến nội dung liên quan đến quy hoạch – đây là vấn đề bắt buộc. Do vậy, cơ quan trình và cơ quan thẩm tra cần khẳng định rõ vấn đề này trước khi Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiến hành biểu quyết thông qua.
Chủ tịch Quốc hội cũng nêu rõ, trong Nghị quyết số 06-NQ/TW ngày 24/01/2022 của Bộ Chính trị về quy hoạch, xây dựng, quản lý và phát triển bền vững đô thị Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 không nêu vấn đề nợ tiêu chí khi thành lập đô thị, do vậy phải khẳng định có hay không có tình trạng nợ tiêu chí khi thành lập đô thị…
Giải trình về vấn đề quy hoạch, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà cho rằng, Tờ trình của Chính phủ đã rất đầy đủ, bám đúng theo 5 tiêu chuẩn của khoản 2 ĐIều 128 của Luật Chính phủ, đồng thời bám đúng theo tinh thần của Nghị quyết 1211 và Nghị quyết 27 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Bộ Nội vụ còn căn cứ trên cơ sở của Nghị quyết 35/2023/UBTVQH15 ngày 12/7/2023 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội quy định chặt chẽ về tiêu chuẩn đô thị và việc sắp xếp. Vì vậy, toàn bộ nội dung trình từ khi bắt đầu có Nghị quyết 35 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội thì Bộ Nội vụ đã bám đúng theo tinh thần đó.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã biểu quyết thông qua Nghị quyết về nội dung này với tỷ lệ tán thành 100%. Ảnh: Quốc hội |
Về việc sắp xếp đơn vị hành chính xã Thiệu Phú vào thị trấn Thiệu Hóa và thành lập thị trấn Hậu Hiền thuộc huyện Thiệu Hóa, tỉnh Thanh Hóa, Bộ trưởng Bộ Nội vụ nêu rõ, Bộ đã đảm bảo đúng theo quy hoạch tỉnh và quy hoạch đô thị đã phê duyệt.
Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà cho rằng, thực tế hiện có 56 tỉnh thành đã chuyển phương án, còn sau khi rà soát, một số tỉnh không nằm trong diện phải sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã. Tuy nhiên đến thời điểm này, khi các địa phương triển khai thực hiện Kết luận 48 và Nghị quyết 35 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội thì một số nơi có tâm lý chưa quyết liệt.
Khi tổng hợp các phương án của các địa phương, Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà nhận thấy, đối với 56/56 địa phương, hiện chỉ 50% địa phương đảm bảo được việc sắp xếp. Còn lại cần căn cứ theo 4 tiêu chí đặc thù để đưa vào cơ chế đặc thù nên các địa phương không sắp xếp.
Dự kiến số liệu khi các đơn vị sắp xếp lại theo hướng giảm, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà nêu rõ, sẽ có 33 đơn vị hành chính cấp huyện và 1.327 đơn vị hành chính cấp xã, và khả năng khi sắp xếp lại theo hướng giảm thì chỉ đạt 50% của các số nêu trên.
Sau khi nghe giải trình của lãnh đạo hai tỉnh Bắc Giang, Thanh Hóa và thảo luận, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã biểu quyết thông qua Nghị quyết về nội dung này với tỷ lệ tán thành 100%.
Nguồn: Báo lao động thủ đô