Tạo bước đột phá cho TP. Hồ Chí Minh “cất cánh”
Thúc đẩy kinh tế TP.HCM
Tại Hội nghị lần thứ nhất của Ban Chỉ đạo triển khai Nghị quyết 98/2023/QH15 về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP.HCM diễn ra mới đây, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cho biết, TP.HCM là thành phố năng động, sáng tạo, có truyền thống lịch sử, đoàn kết thống nhất, không gian phát triển lớn nhưng khuôn khổ pháp lý hẹp. Nghị quyết 98 ra đời đã góp phần giải quyết những vấn đề ách tắc về pháp lý, cách thức tổ chức thực hiện, để phát triển tối đa không gian phát triển của TP.HCM trong tổng thể phát triển cả nước.
Nghị quyết 98 tạo động lực phát triển cho TP.HCM |
Các bộ, ngành, cơ quan liên quan và TP.HCM tự tin hơn trong xây dựng các cơ chế chính sách phát triển Thành phố. Các nhiệm vụ thực hiện Nghị quyết 98 ban đầu được triển khai tích cực, có hiệu quả, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội của TP.HCM tháng sau cao hơn tháng trước, quý sau cao hơn quý trước.
Tuy nhiên, một số bộ, ngành vẫn có cách làm dè dặt do tư tưởng chưa thông. Để khắc phục, Thủ tướng nhấn mạnh, cần có tư duy, nhận thức, cách tiếp cận ngày càng tốt hơn, phù hợp hơn; tạo động lực, niềm tin thúc đẩy phát triển TP.HCM; góp phần giúp các bộ, cơ quan liên quan và TP.HCM tự tin, hiệu quả hơn trong xây dựng các chính sách.
Đồng thời, phối hợp chặt chẽ, kịp thời, hiệu quả hơn, thảo luận, bàn bạc có đầu ra để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, ban hành quy định khả thi để TP.HCM có thể làm được và yên tâm làm. Cùng đó, cần giải quyết các vướng mắc, khó khăn phải ở tầm cao hơn, mạnh mẽ hơn, như vấn đề đường sắt của TP.HCM phải giải quyết tổng thể, tập trung trọng tâm, trọng điểm, dành nguồn lực cho các dự án lớn mang tính chất xoay chuyển tình thế, chuyển đổi trạng thái, làm nhanh và tiết kiệm, chống lãng phí.
Về nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm thời gian tới, Thủ tướng đề nghị TP.HCM tăng cường phối hợp với các ban, bộ, ngành Trung ương; triển khai có hiệu quả các cơ chế, chính sách đặc thù, tạo bước chuyển biến có tính đột phá trong huy động sức mạnh tổng hợp, khai thác hiệu quả các tiềm năng, lợi thế, vị trí chiến lược, thúc đẩy TP.HCM phát triển nhanh, bền vững.
Giao nhiệm vụ cụ thể cho các bộ, ngành trong thời gian tới, Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu các nghị định phải xây dựng, trình theo trình tự, thủ tục rút gọn, chậm nhất trong 1 tháng tới phải trình ban hành. Trong đó, Bộ Tài chính cần hoàn thiện hồ sơ trình Chính phủ ban hành Nghị định quy định lãi vay, lợi nhuận hợp lý, phương thức thanh toán, quyết toán thực hiện dự án áp dụng loại hợp đồng BT và quy định miễn thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế thu nhập cá nhân liên quan đến hoạt động đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp trong các lĩnh vực ưu tiên của TP.HCM.
Bộ Nội vụ cần sớm hoàn thiện hồ sơ trình Chính phủ ban hành Nghị định quy định việc bầu, tuyển dụng, quản lý, sử dụng công chức làm việc tại xã, thị trấn và cán bộ phường của TP.HCM. Đồng thời, phối hợp Văn phòng Chính phủ sớm hoàn thiện hồ sơ trình Chính phủ chủ trương xây dựng Nghị định phân cấp quản lý Nhà nước một số lĩnh vực cho TP.HCM.
Cùng với đó, Bộ Giao thông vận tải rà soát, bổ sung chức năng khu bến cảng Cần Giờ tại Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng biển Việt Nam thời kỳ 2021 – 2030, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn rà soát, phối hợp với TP.HCM thực hiện trình tự, thủ tục chuyển mục đích sử dụng đất rừng phòng hộ sang mục đích khác tại Cần Giờ, trên cơ sở nghiên cứu, đánh giá kỹ lưỡng tác động, lắng nghe ý kiến nhiều chiều, nhất là về bảo vệ rừng ngập mặn, hoàn thành trong quý I năm 2024.
Nghị quyết 98 có tính đột phá cao
Tại hội nghị, Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi cho biết, Thành phố đã hoàn thành được khối lượng công việc rất lớn sau 4 tháng Nghị quyết 98 có hiệu lực. Trong đó, một số cơ chế, chính sách TP.HCM đã thực thi gồm: Bố trí vốn hỗ trợ giảm nghèo, giải quyết việc làm (đã bố trí 2.796 tỉ đồng, giải ngân 1.560 tỉ đồng); chi thu nhập tăng thêm cho cán bộ, công chức, viên chức; mở rộng thêm một số hội đặc thù và cơ quan Trung ương trên địa bàn; tổ chức bộ máy thành phố Thủ Đức; tăng số lượng Phó chủ tịch UBND cho 3 quận, thành phố Thủ Đức và 52 phường, xã.
Bên cạnh đó, TP.HCM đã lập Hội đồng Tư vấn gồm các chuyên gia, nhà quản lý, cùng nghiên cứu, giải quyết các vấn đề lớn của thành phố, như đề án phát triển hệ thống đường sắt đô thị, xây dựng đề án xây dựng cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ; mô hình TOD (mô hình phát triển đô thị theo định hướng giao thông công cộng)… theo cơ chế Nghị quyết 98.
Tuy nhiên, ông Mãi nhìn nhận, một số nhiệm vụ về thể chế hóa còn chậm. Một số nội dung mới chưa có khung pháp lý, cần có thời gian nghiên cứu, sự phối hợp đa ngành giữa Trung ương và Thành phố như các vấn đề về TOD, cân bằng phát thải, thu hút đầu tư chiến lược; khối lượng công việc cần thực hiện quá tải so với tổ chức bộ máy và đội ngũ cán bộ TP.HCM.
Do đó, ông Mãi kiến nghị Thủ tướng chỉ đạo các bộ, ngành sớm hoàn thiện để trình Quốc hội Đề án Trung tâm tài chính quốc tế TP.HCM vào kỳ họp giữa năm 2024. Bộ Kế hoạch và Đầu tư sớm có hướng dẫn cơ chế, chính sách ưu đãi đối với các nhà đầu tư chiến lược, chính sách ưu đãi đầu tư giai đoạn mới để áp dụng ngay trong thực hiện cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ, để có thể chỉ định nhà đầu tư chiến lược thay cho đấu thầu…
Theo Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên, Nghị quyết 98 có tính đột phá cao nhất từ trước tới nay. Song để Nghị quyết vào cuộc sống mạnh mẽ hơn, Bí thư Thành ủy đề xuất TP.HCM có thêm một Phó chủ tịch UBND Thành phố chuyên trách để chỉ đạo theo dõi các phần việc vì hiện tại bộ máy chính quyền hiện hữu của TP.HCM đang bị quá tải.
Nguồn: Báo lao động thủ đô