Bệnh viện trẻ em Hải Phòng gắp thành công dị vật trong đường tiêu hoá của trẻ

Bệnh viện trẻ em Hải Phòng gắp thành công dị vật trong đường tiêu hoá của trẻ

Gần đây Bệnh viện trẻ em Hải Phòng đã tiếp nhận nhiều trường hợp bệnh nhi nhập viện do nuốt phải dị vật. Các dị vật này nằm lại trong đường tiêu hóa và gây ra những biến chứng nặng nề, thậm chí có thể gây tử vong nếu không được cấp cứu đúng cách,kịp thời.

Nuốt dị vật là một tai nạn thường gặp ở trẻ nhỏ, với bản tính tò mò, khám phá thế giới xung quanh trẻ hay cho mọi thứ vào miệng. Trong nhiều trường hợp, các dị vật sẽ được đưa ra khỏi cơ thể theo đường đại tiện.

Nhưng một số trường hợp các dị vật này nằm lại trong đường tiêu hóa và gây ra những biến chứng nặng nề như thủng ruột, tắc ruột hoặc có thể nằm ở thanh quản gây ra tắc đường thở cấp tính, thậm chí có thể gây tử vong nếu không được cấp cứu đúng cách, kịp thời.

tm-img-alt
Hình ảnh một số dị vật được các bác sĩ nội soi Tiêu hóa – Bệnh viện trẻ em Hải Phòng can thiệp cấp cứu

Thời gian gần đây Bệnh viện trẻ em Hải Phòng đã tiếp nhận nhiều trường hợp bệnh nhi nhập viện do nuốt phải dị vật như dây chuyền, nhẫn kim loại, đồng xu, hòn bi, mảnh sắc nhọn…

Gần đây nhất, vào ngày 01/10/2023, trong lúc đang chơi ở nhà, cháu N.P.Q (35 tháng tuổi) đã nuốt một miếng đồ chơi bằng nhựa, sau nuốt cháu xuất hiện tím tái, gia đình đã đưa cháu đến khám tại bệnh viện tư nhân. Tại bệnh viện này, cháu Q đã được siêu âm và chụp xquang kiểm tra nhưng không thấy dị vật, bác sĩ đã giải thích và hướng dẫn người nhà sang Bệnh viện Trẻ em Hải Phòng.

Tại Bệnh viện trẻ em Hải Phòng, cháu N.P.Q đã nhanh chóng được các bác sĩ tại khoa Tiêu hóa thăm khám lâm sàng, thực hiện các biện pháp thăm dò chức năng và chẩn đoán hình ảnh, các bác sĩ thấy có một dị vật nằm ở trong dạ dày của bé. Bác sĩ đã tư vấn gia đình: trường hợp của bé, dị vật không sắc nhọn, còn nằm ở dạ dày nên có thể nội soi dạ dày gây mê để lấy dị vật, tránh các tai biến có thể xảy ra. Gia đình bệnh nhi đồng ý, ngay lập tức kíp nội soi tiêu hóa cấp cứu tiến hành nội soi gắp dị vật cho cháu Q. Dị vật đã được gắp qua nội soi an toàn là một mảnh nhựa hình tròn kích thước đường kính gần 2cm.

Các trường hợp mắc dị vật ở trẻ em có xu hướng ngày càng tăng, các bác sỹ chuyên khoa tiêu hóa cung cấp thêm các thông tin về dị vật đường tiêu hóa để cảnh báo cho người nhà của trẻ.

tm-img-alt

Dấu hiệu mắc dị vật đường tiêu hóa: Các dấu hiệu khi mắc dị vật đường tiêu hóa liên quan đến tính chất dị vật và vị trí mắc, thời gian mắc dị vật.

Tại thực quản: bệnh nhân thường có các triệu chứng như nuốt vướng, nuốt nghẹn, đau khi nuốt, đau sau xương ức; ở trẻ em có thể quấy khóc hoặc buồn nôn và nôn; có thể khạc ra máu nếu các dị vật gây biến chứng ở thực quản như viêm, áp-xe,…

Tại dạ dày: bệnh nhân có dấu hiệu đau vùng thượng vị, buồn nôn-nôn, đầy bụng, chậm tiêu.

Các biến chứng có thể gặp: Nếu mắc phải dị vật sắc nhọn trong thời gian dài có thể gây tổn thương niêm mạc đường tiêu hóa, gây ra xuất huyết tiêu hóa. Dị vật có thể đâm thủng ống tiêu hóa gây áp xe trong thành ống tiêu hóa, abces trung thất, abcess dưới hoành, abces trong ổ bụng, thủng ruột hoặc viêm phúc mạc,… Nguy hiểm nhất là dị vật ở thực quản có thể đâm vào động mạch chủ gây tử vong tức thì.

Một số trường hợp, bệnh nhân có thể bị ngộ độc do các thành phần là các chất độc có trong dị vật như nuốt Pin

Điều trị dị vật : Hiện nay người ta có thể sử dụng máy nội soi dạ dày ống mềm để chẩn đoán, xác định vị trí của dị vật, can thiệp điều trị và lấy dị vật qua nội soi.

Đối với các trường hợp không lấy được dị vật vì to quá, hoặc có thể gây nguy hiểm trong quá trình thao tác hoặc dị vật đã gây biến chứng thì cần phải phẫu thuật.

Khi phát hiện dị vật, điều quan trọng cần phải đến ngay các bệnh viện, cơ sở y tế, đặc biệt là các trung tâm can thiệp qua nội soi để nhanh chóng chẩn đoán và xử trí kịp thời. Tuyệt đối không nên chữa bằng thuốc nam hoặc bằng mẹo…, vì không khỏi mà để muộn có thể nguy hiểm đến tính mạng

Trường hợp em bé trên rất may mắn, dị vật bé nuốt vào được phát hiện sớm và chưa gây ra các biến chứng nguy hiểm như loét, thủng thực quản, áp xe trung thất…, nên có thể nội soi lấy bỏ dị vật một cách dễ dàng mà không cần phải phẫu thuật.

Cách phòng bệnh: Bác sỹ có một số lưu ý đối với các phụ huynh:

 Đối với trẻ nhỏ, cha mẹ phải chuẩn bị kỹ thức ăn cho trẻ, lấy hết xương cá, xương lợn ra khỏi món ăn. Tập cho trẻ lớn thói quen ăn chậm, nhai kỹ.

Không cho trẻ ngậm bất kỳ vật nhỏ gì ở miệng vì trẻ dễ nuốt vào. Không nên đùa, gây cười khi trẻ đang ăn uống, vì dễ khiến trẻ bị sặc.

Không nên cho trẻ ăn các loại hạt hoặc những loại quả chưa lấy hạt, vì hạt dễ rớt vào đường thở hoặc thực quản, có thể gây tử vong nếu không được xử trí kịp thời,…

Các bác sĩ Bệnh viện Trẻ em Hải Phòng xin khuyến cáo: Khi con bạn nuốt dị vật hoặc nghi ngờ trẻ đã nuốt dị vật, cha mẹ hoặc người giám hộ nên nhanh chóng đưa trẻ đến khám tại Bệnh viện Trẻ em Hải Phòng. Với đội ngũ nhân  viên y tế có nhiều kinh nghiệm, đặc biệt trong lĩnh vực nội soi tiêu hóa, cùng trang thiết bị hiện đại của bệnh viện sẽ xử lí nhanh chóng, chính xác, chuyên nghiệp, tận  tình đảm bảo sự an toàn cho bệnh nhi và mang lại sự yên tâm cho gia đình bệnh nhi.

Nguồn: Báo Môi Trường và Đô Thị

Bạn cũng có thể thích