Kiến nghị tăng mức giảm trừ gia cảnh với thuế thu nhập cá nhân
Bộ Tài chính vừa có công văn trả lời cử tri tỉnh Thái Bình kiến nghị nghiên cứu phương án điều chỉnh tăng mức giảm trừ gia cảnh đối với thuế TNCN; linh hoạt trong điều chỉnh thuế bảo vệ môi trường đối với xăng, dầu.
Theo Bộ Tài chính, Luật Thuế TNCN quy định mức giảm trừ đối với đối tượng nộp thuế là bốn triệu đồng/tháng (48 triệu đồng/năm), mức giảm trừ đối với mỗi người phụ thuộc là 1,6 triệu đồng/tháng.
Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thuế TNCN quy định mức giảm trừ đối với đối tượng nộp thuế là chín triệu đồng/tháng (108 triệu đồng/năm), mức giảm trừ đối với mỗi người phụ thuộc là 3,6 triệu đồng/tháng.
Đồng thời bổ sung quy định trường hợp chỉ số giá tiêu dùng biến động trên 20% so với thời điểm Luật có hiệu lực thi hành hoặc thời điểm điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh gần nhất thì Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh phù hợp với biến động của giá cả để áp dụng cho kỳ tính thuế tiếp theo.
Ngày 2/6/2020, Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành Nghị quyết 954/2020 về điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh của thuế TNCN, áp dụng từ kỳ tính thuế năm 2020.
Theo đó, nâng mức giảm trừ đối với đối tượng nộp thuế là 1,1 triệu đồng/tháng, mức giảm trừ đối với mỗi người phụ thuộc là 4,4 triệu đồng/tháng. Điều này góp phần giảm bớt nghĩa vụ cho người nộp thuế, số thuế phải nộp sẽ được giảm cho mọi đối tượng đang nộp thuế TNCN.
Theo Bộ Tài chính, với mức giảm trừ cho người nộp thuế 1,1 triệu đồng/tháng và mỗi người phụ thuộc 4,4 triệu đồng/tháng thì người có thu nhập từ tiền lương, tiền công ở mức đến 17 triệu đồng/tháng (nếu có một người phụ thuộc) hay mức 22 triệu đồng/tháng (nếu có hai người phụ thuộc), sau khi trừ các khoản bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp…chưa phải nộp thuế TNCN.
Bộ Tài chính cho biết, triển khai Chiến lược cải cách hệ thống thuế giai đoạn 2021- 2030, Bộ đã tiến hành rà soát tổng thể các Luật về thuế, báo cáo Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Thời gian tới sẽ báo cáo Quốc hội xem xét quyết định việc sửa đổi, bổ sung các Luật về thuế… hướng tới mục tiêu cải cách, xây dựng hệ thống thuế đồng bộ, phù hợp thông lệ quốc tế.
Khắc phục những vướng mắc của các luật thuế hiện hành, tháo gỡ khó khăn, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp, người dân.
Đối với Luật thuế TNCN, ngày 10/3 Chính phủ có báo cáo gửi Ủy ban Thường vụ Quốc hội kết quả triển khai thực hiện kế hoạch 81 trong đó có nội dung báo cáo nghiên cứu, rà soát Luật thuế TNCN và lộ trình xây dựng Luật Thuế TNCN (sửa đổi) theo quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Dự kiến trình Quốc hội thông qua tháng 5/2026.
Về kiến nghị linh hoạt trong điều chỉnh thuế báo vệ môi trường đối với mặt hàng xăng dầu, Bộ Tài chính cho biết, tại khoản 2 Điều 8 Luật Thuế bảo vệ môi trường quy định, căn cứ vào Biểu khung thuế quy định tại khoản 1 Điều này, Ủy ban thường vụ Quốc hội quy định mức thuế cụ thể đối với từng loại hàng hóa chịu thuế bảo đảm các nguyên tắc sau: mức thuế đối với hàng hóa chịu thuế phù hợp với chính sách phát triển kinh tế – xã hội của Nhà nước trong từng thời kỳ; mức thuế đối với hàng hóa chịu thuế được xác định theo mức độ gây tác động xấu đến môi trường của hàng hóa.
Căn cứ quy định nêu trên, trong thời gian qua, Bộ Tài chính đã trình Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội các nghị quyết để điều chỉnh mức thuế bảo vệ môi trường đối với xăng, dầu, mỡ nhờn áp dụng trong năm 2022, 2023.
Trong thời gian tới, Bộ Tài chính sẽ tiếp tục theo dõi sát diễn biến giá xăng dầu thế giới, phối hợp với các Bộ, ngành liên quan nghiên cứu, đề xuất, trình Chính phủ báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội phương án thuế bảo vệ môi trường cho phù hợp với tình hình thực tế, đảm bảo mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát.
Theo Người đưa tin
Nguồn: Báo doanhnghiepthuonghieu